Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây

Min,
Chia sẻ

Ở Quán của Thời Thanh Xuân bạn có thể ngắm nhìn những đám mây lững thững trôi trên chóp núi, ngửa mặt chờ gió mang mùi thông trên đồi lùa vào mái tóc và khóc khi nghe tiếng đĩa Akai nức nở nhạc vàng vào một sáng mưa phùn lạnh buốt xứ cao nguyên...

Tôi đến Đà Lạt, trong một cơn bất chợt nào đó làm đôi chân muốn đi. Tôi muốn tìm nghe một rừng thông, ca vọng những bài hát của Lê Uyên Phương trên đồi. Tôi muốn khắc khoải ngồi ngắm mặt nước hồ Tuyền Lâm, với những gợn sóng nhỏ có hơi nước bay lên, lưng chừng rồi bị cuốn đi bởi cơn gió lạ. Và tôi sẽ ngồi trong quán cà phê Tùng, nghe một khúc nhạc Trịnh nức nở, với những gương mặt mờ khói thuốc xung quanh, cũng nức nở theo. Nhưng tôi lại muốn làm một cái gì đó khác, như lần này, tôi quyết định ghé thăm Quán của Thời Thanh Xuân.

Quán của Thời Thanh Xuân, thành phố Đà Lạt giống như một vùng "bảo an" thanh xuân trên một ngọn đồi thông lộng gió.

Ở đây, tôi thấy mình bé nhỏ giữa đại ngàn với thanh xuân được bảo an tuyệt đối, tôi có thể an hòa sống với thiên nhiên cây cỏ, nghe tiếng thầm thì của núi rừng, ngẫm nghĩ về cái cách mà những giọt mưa mùa hè rơi nghiêm túc xuống mái tôn mỗi khi không có gió, nhìn thấy những chú chó nhỏ, lông bờm xờm quẫy đuôi lăn lộn trên nền đất cao nguyên buốt lạnh hay ngắm những sợi khói từ tách trà thảo quyết minh, nhẹ nhàng lả lơi và chầm chậm tỏa ra trong không khí.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 2.

"Họ mượn đồ vật, mượn cây cỏ thiên nhiên, mượn tách trà, cơn gió, đám mây để kể về chính mình…"

Và ở đây, người ta chỉ lẳng lặng làm việc và sẵn sàng lắng tai nghe câu chuyện của một người khác, nhưng không phải bằng lời kể, không phải bằng những âm thanh được thốt ra từ miệng người, tròn vành rõ chữ. Ở đây gần như không ai nói. Họ mượn đồ vật, mượn cây cỏ thiên nhiên, mượn tách trà, cơn gió, đám mây để kể về chính mình…

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 3.

Khi đồ vật được là chính nó, thì cho dù có rời rạc chúng ta cũng sẽ cảm nhận được sự mạch lạc, đẹp đẽ vô cùng.

Buổi sáng hôm đó trời Đà Lạt chợt rỉ rả một cơn mưa nhỏ. Quán đón tôi bằng một con đường dốc đứng quen thuộc của vùng đất cao nguyên, và ở đầu dốc có tấm bảng treo tên của homestay đậm chất hoang dại kề bên. Tôi thả dốc vào Quán, chợt bất an nhẹ khi nhận ra Quán có rất ít người.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 4.

Hôm đó, Quán vắng, tôi thấy họ túm tụm với nhau trong gian bếp nhỏ, có cửa sổ thật to, lộng gió hè.

Lựa một vị trí ngồi trong căn nhà gỗ phía sau, tách biệt với gian nhà chính của Quán, tôi ngồi xuống và nhìn ngắm xung quanh. Căn nhà gỗ với lối trang trí "vô tổ chức" nhưng có cái gì đó hài hòa kết dính, chúng rất đẹp, đẹp kiểu cái áo chắp vá mà ngày bé mẹ may chồng chéo những mảnh vải không liên quan lên những lỗ rách mà khi đó ít đứa trẻ nào chịu mặc, nhưng trải qua một thời gian lâu, sau này mới thấy đẹp.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 5.

Tách trà Thảo Quyết Minh cùng vài cái bánh quy nho nhỏ là món quà mà Quán của Thời Thanh Xuân tặng cho những vị khách ghé thăm.

Tôi được một cậu trai nhỏ người, mặt hiền hậu chìa ra một quyển sổ ghi tên thức uống được viết nguệch ngoạc bằng bút bi mực xanh, với vỏn vẹn chỉ vài loại trà được làm từ thảo mộc và hoa khô. Tôi nói cậu bé mang cho mình cốc trà Thảo Quyết Minh, nhưng dường như cậu không hiểu. Cậu bé không nói, không đặt lại câu hỏi hay ra vẻ là không nghe tôi nói, vẫn tĩnh tại nhìn tôi. Lúc này, tôi biết cậu bé không thể nghe. Thoáng xấu hổ, tôi chỉ vào loại trà đó trong sổ, cậu bé cười rồi bước đi. Tôi đứng dậy đi theo như một quán tính nào đó trỗi dậy trong lòng.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 6.

Hai bạn điếc này, rất hay cười mỗi khi có người khách nào đi ngang nhìn vào họ.

Tôi định vào gian nhà chính của Quán, nhưng hình như đôi mắt của chị gái hơi lớn tuổi trong gian bếp mà tôi vừa đi ngang làm tôi hơi chững lại, đôi mắt đó dè dặt, sâu như núi, như rừng, như thể sợ tôi - kẻ xa lạ từ chốn thị thành phồn hoa có thể làm hỏng mất khoảng không gian đang vô nhiễm của chị.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 7.

Cô gái điếc đây có nụ cười rất tươi nhưng mỗi khi tôi gợi ý xin chụp tấm ảnh là cô nàng bắt đầu tạo dáng với gương mặt không thể nào "deep" hơn.

Trong gian nhà chính của Quán của Thời Thanh Xuân, tôi gặp một cô gái khác, cô gái có mái tóc ngắn ngang vai, đeo tạp dề rất xinh, đang thuyết minh gì đó về những sản phẩm nhỏ cô cầm trên tay cho những vị khách lạ. Tôi ra hiệu chào bằng một cái gật đầu, cười một nụ cười xã giao, rồi tiến thẳng tới cái máy hát cổ, đang cọc cạch quay từng vòng đĩa Akai, phát ra những tiếng hát nền nã dễ chịu.

Chợt cô gái lúc nãy tiến tới sau lưng tôi rồi hỏi tôi muốn mua tinh dầu hay xà phòng, thứ mà cô gái cầm trên tay lúc nãy. Tôi bảo không, không phải bây giờ, cái tôi cần là thông tin...

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 8.

Một góc trưng bày và buôn bán tinh dầu và xà phòng thiên nhiên của Quán.

Cô gái ngơ ngác nhìn, nhưng rồi cũng ngồi xuống trò chuyện cùng tôi, bên chiếc bàn gỗ, có cây nến nhỏ đang đốt tinh dầu sả bên trên. Hơi ấm và hương thơm tỏa ra, hòa loãng vào không khí. Cô gái rỉ rả kể tôi nghe: "Quán có tổng cộng 5 người nói và 4 người điếc, nhưng hôm nay có vài người bận nên chỉ còn 2 người nói và 2 người điếc ở đây thôi".

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 9.

Như Quỳnh - cô gái nhỏ từ bỏ sự nghiệp, rời khỏi quê hương chỉ để lên đồi làm việc không công và tận hưởng thanh xuân cùng với những người điếc.

Cái cách cô gái dùng từ "người nói", "người điếc" khiến tôi giật mình. Nếu là tôi, ngồi vị trí của cô gái lúc này, chắc có lẽ tôi sẽ dùng "hai người bình thường""hai người điếc". Tôi không bao che cho chính mình rằng, trong tâm thức bản thân, tôi vẫn mặc định chèn giữa hai khái niệm "bình thường" và "điếc" một ranh giới nhỏ.

Vậy mà ở đây, gần như không có ranh giới, chỉ có sự khác biệt. Người nói và người điếc là những sinh linh có đặc tính riêng, nói hoặc không nói, điếc hoặc không điếc chứ không hề hao khuyết.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 10.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 11.

Nhà vòm trong suốt chứa hàng trăm chậu sen đá mini của Quán.

Cô gái nhỏ nói tiếp: "Quán của Thời Thanh Xuân là phiên bản ngoài dự kiến của Nhà của Thời Thanh Xuân. Trước đây chỉ có Nhà (homestay) nhưng vài sự cố nho nhỏ xảy ra khiến Nhà đành đóng cửa, thế là Quán ra đời. Cả hai mô hình đều do một người anh lập nên với hy vọng có thể giúp những người điếc có cơ hội thay đổi bản thân, xóa bỏ sự tự ti cũng như là giúp họ có thể tự tạo lập cuộc sống bằng chính đôi tay mình.

Ở đây, người điếc được người nói hướng dẫn làm tinh dầu và xà phòng rồi bán chúng cho những ai cần, người điếc sống chan hòa cùng người nói, ăn uống chơi đùa cùng nhau, trải qua một khoảng thanh xuân đầy ý nghĩa".

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 12.

Hai vị khách phương xa ghé Quán chơi đùa cùng mèo con.

Tôi hỏi cô gái, đó có phải là ý nghĩa cốt lõi nhất về cái tên của nơi này, cô gái cười rồi lắc đầu. Cô gái nói đây là một cái tên mở, một cái tên mang ý nghĩa riêng biệt với mỗi người. Cô chỉ tôi một đám mây đang chậm chạp trôi ngoài xa và hỏi tôi thấy đám mây đó giống gì, tôi nói nó giống con voi, có cái vòi to đang choàng quanh đỉnh núi, cô cười: "Mình thì thấy đó giống một vòng nguyệt quế, vòng nguyệt quế treo trên cửa của nhà thờ Con Gà vào đêm Noel". Cô gái lại cười, bảo cái tên Quán của Thời Thanh Xuân cũng giống như vậy, tùy vào mỗi người cảm nhận mà nó có ý nghĩa khác nhau.

Mọi thứ ở đây, từ chậu cây, cái ghế, quyển sách cho tới cái máy hát cũ đang ì ạch quay từng vòng đĩa Akai, đều có câu chuyện của riêng mình.

Quỳnh - tên cô dắt tôi đi tham quan xung quanh Quán; đến căn nhà lều nhỏ, nơi có hàng trăm chậu sen đá rất xinh; dắt tôi ra sân, nơi có bầy chó cùng con mèo nhỏ đang chơi đùa, rành mạch kể tôi nghe từng cái tên của chúng. Quỳnh, vốn sinh sống và làm việc ở Quảng Nam nhưng lại chấp nhận bỏ hết để đến đây, giữa cao nguyên để sống cùng những người điếc, một công việc không lương, nhưng được an lành như sống giữa thiên đường.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 14.

Chị Tâm, người âm thầm bảo bọc Quán và các bạn điếc bằng cả tình yêu và tấm lòng.

Quỳnh cũng giới thiệu cho tôi tên của chị gái "khó tính" mà tôi gặp lúc nãy, trong gian bếp: "Chị tên Tâm, là quản lý mọi thứ ở đây. Chị 38 tuổi rồi, nhưng cũng rời gia đình để sống lại thời thanh xuân của mình ở đây, với những người điếc. Chị thương mọi người ở đây, thương công việc và thương tấm lòng của người tạo nên Quán. Chị sợ sẽ có người vô ý làm tổn thương những người điếc, nên khá dè dặt với những người lạ".

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 15.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 16.

Nơi đây, con người sống chan hòa với cây cỏ thiên nhiên và động vật.

"Rồi còn cậu trai nhỏ và cô gái đeo kính có cái nhìn bẽn lẽn thì sao và những người điếc khác thì sao?" – Tôi hỏi Quỳnh. Quỳnh chỉ thở hắt một hơi rồi bảo: "Dài lắm! Mỗi người mỗi cảnh, không ai giống ai. Có người đến vì gia đình từ bỏ, có người đến vì không có nơi gọi là nhà, có người đến vì muốn sống một cuộc sống mà không ai phải kì thị. Nhưng việc họ ở đây cũng chẳng dễ dàng.

Có những gia đình, cứ nghĩ rằng con mình khuyết tật, đi làm ở Quán sẽ bị ăn hiếp, bị lợi dụng nên họ một mực không chịu cho đến; mặc dù người bị cho rằng khiếm khuyết đó rất khao khát được ở đây, để cho gia đình và xã hội thấy khuyết hay tròn đều có cách để sống, đều mong muốn có một thanh xuân ý nghĩa".

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 17.

Một giá sách nhỏ của Quán, nơi bạn có thể cầm lấy một quyển, ngồi đọc bên tách trà và tận hưởng sự thanh bình của cao nguyên.

Từ lúc đó, tôi không dám hỏi gì thêm. Giống như một con sông êm đềm ở hạ nguồn, gập ghềnh ở thượng nguồn. Nếu bây giờ tôi ném một hòn đá nhỏ vào lòng sông hiền lành hôm nay, biết đâu, nó sẽ lại nhớ những chênh vênh đã qua, rồi xao động gợn sóng, không còn bình yên? Tôi sẽ để sông hiền hòa trôi. Tôi không muốn mặt sông uổng mất một bầu trời xanh, một cánh rừng thông và một Quán của Thời Thanh Xuân đang phản chiếu.

Có một Thời Thanh Xuân trên đồi thông Đà Lạt - nơi người nói và người điếc sống chan hòa với cỏ cây - Ảnh 18.

"Trước khi đi, tôi không quên ký gửi lại thanh xuân của mình ở đó, để một ngày không xa quay trở lại, tôi cũng có thể an hòa sống với thiên nhiên cây cỏ, ngắm mây, ngắm núi và ngửi mùi thông thật thơm".

Tôi hỏi thanh toán tiền để ra về. Nhưng ở đây, cốc trà và những cái bánh quy là món quà mời khách. Tôi ái ngại nên đút nhanh một tờ bạc vào cái hộp nhỏ quyên góp rồi ra về. Trước khi đi, tôi không quên ký gửi lại thanh xuân của mình ở đó, để một ngày không xa quay trở lại, tôi cũng có thể an hòa sống với thiên nhiên cây cỏ, ngắm mây, ngắm núi và ngửi mùi thông thật thơm.

Lúc tôi ra về, đám mây con voi trên đỉnh núi bỗng ra thành nước, rơi xuống. Tôi đã nghe thấy "cảm ơn cậu!" vọng ra từ Quán, tan hòa trong tiếng mưa…

Chia sẻ