Có một ngôi làng miền Tây kì lạ, nơi phụ nữ nào cũng mang bàn tay đủ màu và nụ cười hiền vương mùi khói nhuộm
Ở ngôi làng ấy, mỗi ngày khói nhuộm vẫn bốc lên cao. Và những đôi bàn tay xanh đỏ của các bà, các chị, các cô gái bỗng trở nên dễ thương đến lạ lùng khi tô điểm cho đời bằng những sản phẩm đẹp.
"Hò ơi…
Ghe chiếu Cà Mau đã cắm sào trên bờ kênh Ngã Bảy
Sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra chào…".
Người miền Tây khi nhắc đến chiếc chiếu thường nghĩ ngay 2 câu hò rất nổi tiếng của cố soạn giả Út Trà Ôn về những ghe buôn tấp nập trên sông của thương hồ vùng cực Nam tổ quốc.
Nhưng ở miệt Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp, cũng có hai câu ca dao mà mỗi khi khách ghé ngang đây người ta cũng tự hào đọc lên để giới thiệu về "đặc sản" của quê nhà:
"Định Yên có vựa chiếu to,
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm…".
Ngôi làng phụ nữ nào tay cũng đỏ xanh đủ màu
Men theo sự chỉ dẫn của người dân, tôi ngược làng hoa Sa Đéc (Đồng Tháp) di chuyển theo hướng quốc lộ 80 về xã Định Yên, huyện Lấp Vò.
Đường vào Định Yên nhỏ xíu, hai bên là những cánh đồng xanh, không khí trong lành dịu nhẹ khiến người ghé ngang không khỏi nao lòng.
Nhưng chỉ cần chạy xe máy độ 15 phút, mùi thiên nhiên sẽ được thay bằng thứ mùi rất đặc trưng là mùi khói, mùi lác khô. Nếu tiến đến gần để tìm xem thứ mùi ấy phát ra từ đâu, bạn sẽ nghe tiếng "cọc cạch, cọc cạch" liên tục phát ra từ những chiếc máy được quấn đầy các cuộn chỉ.
Đó chính là tiếng những chiếc máy dệt chiếu từ đôi bàn tay thoăn thoắt của các phụ nữ Định Yên tạo nên.
Dừng xe tại một quán nước ven đường, người viết ngạc nhiên khi thấy một chị trung niên ôm bó lác nhúng xuống mé sông. Cái màu đỏ trên từng cọng lác thấm xuống nước và lan ra, khiến khúc sông nhanh chóng rực rỡ sắc màu.
Chiếu được phơi khắp nơi tại Định Yên.
Người phụ nữ đứng ở mé sông là chị Phan Thị Thúy (39 tuổi, ngụ huyện Lấp Vò). Chị cho biết, việc nhúng lác xuống sông là chuyện như cơm bữa, đã thành thuần thục với bất kỳ ai ở làng chiếu Định Yên.
Mục đích của hành động này là để lác sau khi nhuộm và phơi khô được mềm trở lại, giúp cho công đoạn dệt thành phẩm diễn ra dễ dàng hơn.
Những người phụ nữ thoăn thoắt bên máy dệt.
Nhúng lác xong, chị Thúy nhanh chân chạy vào trong nhà. Vừa đặt bó lác ngang mặt, chị vừa tranh thủ kéo dây nhẹ nhàng đưa võng cho con trai lim dim cách đó không xa. Đoạn, chị lại cột dây vào máy dệt sau khi thằng bé nhắm mắt ngủ ngon lành.
Tất cả các công việc ấy được thực hiện bởi đôi bàn tay rám nắng và đỏ chót của người mẹ.
Thấy khách thắc mắc, chị Thúy mỉm cười tâm sự, ở cái xứ này phụ nữ và kể cả đàn ông nào làm chiếu thì tay cũng nhuộm đủ màu như vậy. Đó là sắc màu của hi vọng, vì nó cho người dân Định Yên có cái ăn, có quần áo mặc và tồn tại qua nhiều thế hệ.
Máy móc dù đã được sử dụng nhưng thứ làm nên chiếc chiếu đẹp vẫn là đôi bàn tay khéo léo của con người.
Cạnh bên, Phạm Thị Cẩm Tú (19 tuổi, con chị Thúy) dệt chiếu còn nhanh hơn cả mẹ.
Nói khi tay vẫn đang thoăn thoắt, Tú cho biết mỗi ngày nếu làm từ sáng đến 4-5h chiều, em và mẹ có thể cho ra 20 chiếc chiếu.
"Chiếu Trà Niên thì bán 70-75 ngàn/chiếc còn chiếu Cờ chất lượng hơn, ngang 1 mét 6, dài 2 mét nhà em bỏ mối cho bạn hàng 95 ngàn. Chiếu Cờ dày lắm, một chiếc nặng đến hơn 3 ký, nằm lâu lắm mới hư. Có khi chưa kịp hư thì người ta đã bỏ đi thay chiếc mới vì thấy cũ"– Tú nói.
Với mỗi chiếc thành phẩm, mẹ con Tú lãi được hơn 20 ngàn đồng tiền công. Số tiền dệt chiếu mỗi ngày dù không quá cao nhưng cũng giúp họ sống thảnh thơi, thoải mái.
Ký ức "chợ chiếu ma" và sự tiếp nối nghề của cha ông để lại
Nắng chiều vương vấn trên những mái nhà cũ kỹ ở Định Yên, hắt vào những cọng lác được người dân phơi trước nhà làm ánh lên một màu óng ả.
Tiếng trẻ con đạp xe đi học về níu ánh nhìn của lữ khách. Bên cạnh, các cột khói bắt đầu túa lên. Người người, nhà nhà đang chuẩn bị cho mẻ nhuộm cuối ngày.
Chị Tám Mỹ (48 tuổi) đang loay hoay nhúng bó rơm đã kẹp lại vào chiếc chảo lớn đã pha màu nhuộm sôi sùng sục trong khi bên cạnh, người chồng lom khom giữ cho lửa cháy.
Nhuộm xong, chồng chị Mỹ đưa ngay lác xuống đặt trên hai thanh gỗ lớn và duỗi thẳng lác ra. Công đoạn này chỉ diễn ra trong vỏn vẹn 5 phút đồng hồ.
Và cứ thế, từng bó lác được sắp ngay ngắn trên một khoảng sân rộng. Người trong làng quen với việc này đến nỗi ở cạnh nhau có thể trải chiếu khắp nơi nhưng vẫn phân biệt được chiếu của nhà nào. Có lẽ với họ, mùi khói nhuộm đã trộn lẫn quá sâu vào trong hơi thở và tiềm thức.
Gia đình chị Nguyễn Thị Cẩm Giang (37 tuổi) đã có 3 thế hệ làm chiếu. Từ chỗ làm chiếu tay thủ công, họ cũng dần chuyển qua dệt máy như mọi người để có năng suất cao hơn.
Đó cũng là lúc mà những đôi bàn tay người Định Yên được nhuộm đủ màu.
Trong ký ức của chị Giang vẫn không quên được những "phiên chợ ma" năm nào.
"Hồi ấy đường sá chưa thuận lợi, chiếu dệt xong sẽ được họp chợ trên sông để bán cho thương lái. Cực nhưng mà vui và độc đáo lắm. Vì chợ toàn mở nửa đêm nên người ta gọi là "chợ ma". Giờ thì đi lại thuận tiện rồi, không còn chợ ma nữa"– chị kể.
Hỏi có khi nào định chuyển nghề chưa, chị Giang thành thật thú nhận đã từng đi làm công nhân vì thấy cực quá. Nhưng rồi khi vào công ty, chị cũng như nhiều người con xứ Định Yên cảm thấy tù túng, bó buộc.
Dù là trẻ nhỏ hay người gìa ở Định Yên đều gắn bó với cọng lác, sợi mây.
"Làm chiếu dù cực nhưng được cái thoải mái, mình muốn làm muốn nghỉ lúc nào cũng được. Và nói cho đúng thì làm chiếu đã ăn vào máu rồi nên mình sẽ theo nó đến suốt cuộc đời chứ không bỏ"– chị Giang chia sẻ.
Công đoạn nhuộm đã xong, bóng bà Nguyễn Thị Mân (80 tuổi) lủi thủi từ xa tiến lại.
Bà Mân biết làm chiếu từ hồi còn con gái. Hơn 60 năm sống với chiếc chiếu quê nhà, giờ già rồi không dệt nổi nữa, bà lại chọn công việc cột chiếu mướn cho bà con hàng xóm lấy tiền ăn trầu, uống nước.
"Mỗi ngày cột tui được tụi nhỏ cho 20 ngàn đồng. Già cả rồi mà kiếm được vậy là mừng. Chỉ mong đám trẻ sau này đừng quên bỏ nghề làm chiếu của cha ông…".
Tiếng bà cụ hoà vào tiếng gió mát xạt xào buổi chiều. Con sông nhuộm chiếu ban ngày giờ trở thành nơi người lớn tắm rửa cho trẻ nhỏ. Sự sống ở Định Yên cứ thế tiếp nối như những chiếc chiếu ngày ngày được tạo ra từ đôi bàn tay và tấm lòng đậm đà nghĩa tình của người dân xứ này.