Có một độ tuổi được xem là nguy hiểm nhất trong cuộc đời trẻ, cha mẹ nhất định phải ở bên uốn nắn nếu không muốn tương lai con mờ mịt, tăm tối
Nhiều cha mẹ hay lưu tâm giai đoạn khủng hoảng lên 2, lên 3 nhưng có một giai đoạn nguy hiểm vô cùng, con cái cần nhiều hơn sự uốn nắn, đồng hành sát sao của phụ huynh.
Một ngày, bạn thấy vô cùng hoang mang vì dường như đứa trẻ 14 tuổi của mình bỗng trở nên khép kín, có phần nổi loạn, không thích giao tiếp với cha mẹ. Với những lời phê bình của phụ huynh, thay vì im lặng nhận lỗi, bắt đầu bác bỏ và thách thức. Tại sao đứa bé còn ngây ngô ngoan ngoãn ngày nào trở nên khó bảo như thế? Có phải con học theo bạn bè xấu rồi lên mạng xem đủ thứ linh tinh không?
Trên thực tế, đây không phải là tình trạng của riêng ai. Trẻ dậy thì (14-15) ở vào giai đoạn được gọi là "thời kỳ chống đối". Sự xuất hiện của những "tính cách thứ hai" khiến trạng thái tâm lý của trẻ dễ bị kích động. Đối mặt với những thay đổi của bản thân, thường thì trẻ sẽ cảm thấy bối rối không biết nên làm thế nào, từ đó sinh ra phiền muộn và tâm trạng đối kháng. Đôi khi cha mẹ càng muốn giải quyết, xung đột lại càng nghiêm trọng.
Các nhà thần kinh học tại Đại học London ở Vương quốc Anh cho rằng: "Khác với trẻ em, thanh thiếu niên ở tuổi 14 có thể cân nhắc những ưu và nhược điểm trong hành vi của mình, nhưng chúng quan tâm hơn đến việc liệu những hành vi này có thể mang lại hạnh phúc và hứng thú cho bản thân, hơn là nó có an toàn hay không". 14 tuổi là thời kỳ nổi loạn nguy hiểm và là thời kỳ hình thành tính cách, thói quen tốt nhất.
Học sinh ở độ tuổi 14 thường có 6 đặc điểm tâm lý:
Thứ nhất, cảm giác bản thân "đã trưởng thành" và nhận thức về việc thể hiện bản thân đã tăng lên;
Thứ hai, non nớt và thiếu kinh nghiệm sống;
Thứ ba, sự tự tin thái quá dẫn đến sự kiêu ngạo;
Thứ tư, ý chí yếu đuối, khả năng thích ứng kém và khoảng trống tâm lý xuất hiện;
Thứ năm, những cảm xúc bất thường như trầm cảm và thờ ơ cảm xúc xảy ra;
Thứ sáu, có sự cáu kỉnh và xu hướng tìm kiếm sự kích thích.
Vận dụng phương pháp "giáo dục ngầm" để đồng hành cùng con
Đối mặt với những hành vi chống đối của trẻ, bạn tuyệt đối không nên trực tiếp bảo "Không!". Ví dụ trẻ nói muốn mua một món đồ, nếu bạn nói: "Không được" chỉ khiến cho trẻ càng muốn mua cho bằng được, bởi lúc này trẻ cảm thấy mình không thể chia sẻ hay trao đổi được với bố mẹ, rằng bố mẹ không hiểu mình thì "có nói cũng như không".
Hãy cho trẻ nhiều cơ hội để bày tỏ mong muốn với bạn, nếu đó là yêu cầu không hợp lý, bạn cũng nên nhẫn nại giải thích cho trẻ thấy điểm nào không hợp lý trong yêu cầu của mình. Ngoài ra, hãy cho phép trẻ được phạm lỗi và hiểu rằng bố mẹ sẽ cảm thông và hiểu cho những sai sót của mình.
Bình tĩnh, bình tĩnh và bình tĩnh
Khi trẻ có biểu hiện chống đối, thông thường bố mẹ sẽ thấy vô cùng bất mãn và dùng quyền lực của mình để áp đảo trẻ. Kỳ thực, hành động này chỉ như "thêm dầu vào lửa". Lúc này, điều bạn cần làm là giữ cho mình luôn tỉnh táo và bình tĩnh, chờ trẻ ổn định tâm trạng trở lại rồi mới bắt đầu quá trình chia sẻ, "đàm phán".
Để định hướng hành vi tốt cho con, ngay từ đầu, bố mẹ phải đặt ra các quy tắc, việc được phép và không được phép làm, hình phạt nếu vi phạm. Nếu không, bạn sẽ rất khó giải thích với con. Điều quan trọng nhất phụ huynh cần lưu ý là hãy trở thành tấm gương để con noi theo. Nếu chỉ bảo con một đằng nhưng lại hành vi của bạn lại thể hiện một nẻo, bạn sẽ thất bại trong việc nuôi dạy con.
Hãy tin tưởng con
Thời kỳ này không ít trẻ nghĩ rằng bố mẹ lúc nào cũng không tin tưởng mình, không hiểu mình. Trong tình huống này, điều bạn nên làm là cho trẻ một số quyền nhất định, đồng thời hãy tỏ ra mình tin tưởng trẻ, để trẻ tự làm một số chuyện trong khả năng và sẵn sàng chấp nhận nếu trẻ làm chưa tốt. Thời kỳ chống đối là lúc trẻ đang ở giai đoạn nửa người lớn nửa còn trẻ con, cho nên được tín nhiệm là nhu cầu rất quan trọng đối với trẻ.
Những nguyên tắc ứng xử dành cho phụ huynh và giáo viên để đồng hành cùng con trong giai đoạn nhạy cảm này:
- Khuyến khích trẻ tham gia các hoạt động hội nhóm, cộng đồng;
- Tôn trọng không gian riêng của trẻ;
- Đứng trước những vấn đề trẻ gặp phải, tốt nhất hãy đưa ra các câu trả lời mang cảm xúc thay vì lý trí;
- Khuyến khích sự sáng tạo của con;
- Không bao giờ được khiến con thất vọng về bản thân. Hãy tập trung vào những tiềm năng của con;
- Hãy thực tế khi đặt kỳ vọng vào con;
- Bố mẹ, thầy cô phải là tấm gương cho con, đặc biệt không được tranh cãi trước mặt con.