Có mẹ chồng Tây thân như bạn, nữ nhà văn kêu gọi các bà mẹ chồng Việt hãy ngừng coi con dâu là đối thủ

Đỗ Xuyên,
Chia sẻ

Đó là câu chuyện của Tâm Phan với mẹ chồng Tây cực kỳ thú vị, đằng sau câu chuyện là góc nhìn của nữ nhà văn "bóc" vấn đề cốt lõi về quan hệ mẹ chồng nàng dâu Việt...

Hôm nay hẹn hò với mẹ chồng đi shopping. Nhân đây bà muốn mua tặng mình món quà sinh nhật. 2 mẹ con vào shop ưa thích. Mình chọn 1 chiếc váy ưng ý, mặc vừa in. Cô bán hàng đẹp như tranh chăm sóc mình đến từng sợi tóc, luôn miệng darling darling rồi quay qua mẹ chồng hỏi: Con gái bà đấy à?

Con dâu tôi đấy, nhưng chả khác gì con ruột tôi.

Tâm Phan cùng mẹ chồng Tây khi đi shopping

Mình thêm vào: Tôi gọi bà là mẹ kể cả khi tôi chia tay với con trai bà. Tôi có thể break up với con trai bà nhưng không bao giờ break up với bà. Bà là bạn gái của tôi.

- Chị có nói là chị coi mẹ chồng như bạn gái, hoặc ngay cả khi nếu mối quan hệ giữa chị và chồng có đổ vỡ thì mối quan hệ của chị và mẹ chồng cũng chẳng bao giờ tan, vì sao vậy?

Lần đầu tiên tôi gặp mẹ chồng năm 2004, ấn tượng đầu tiên là cảm giác cời mở, tôn trọng và chúng tôi có thể kết bạn như bạn gái, kiểu hợp tính và thích nhau ngay lần gặp đầu tiên. Trùng hợp là chúng tôi cùng gọi 1 món ăn, cùng nhặt cùng 1 món đồ khi đi shopping.

Đừng nghĩ cứ Tây là thoáng, khi đó chồng tôi bây giờ đã ngỏ lời cầu hôn, tôi đến nhà chồng dưới tư cách vị hôn thê của con trai bà, nhưng khi đến nhà ông bà vẫn không sắp xếp để chúng tôi ở chung phòng. Tôi được ngủ trong một căn phòng như công chúa, được cưng chiều, còn cậu con trai chỉ được trải chiếc đệm trong phòng làm việc. Đó là thái độ trận trọng dành cho khách quý khiến tôi cảm thấy được tôn trọng.

Có mẹ chồng Tây thân như bạn, nữ nhà văn kêu gọi các bà mẹ chồng Việt hãy ngừng coi con dâu là đối thủ - Ảnh 3.

Tâm Phan là tác giả của 1 số cuốn sách bán chạy như: Sex và Những thứ khác, Yêu như là Sống. Ngày 28/4 sẽ ra mắt cuốn sách mới nhất: 50 ghi chép ngắn từ lịch sử lâu dài của Hạnh phúc.

Năm 2006 tôi sang Úc học và ở nhờ nhà ông bà. 4 tháng thì bạn trai gọi điện chia tay, tôi đã khóc và suy sụp xin ra ngoài ở cùng bạn vì cảm thấy không còn lý do gì ở lại nữa. 3 tuần sau ông bà đánh xe đến đón tôi và khóc nói chúng ta coi con như con, mối quan hệ của con với con trai ta là một mối quan hệ hoàn toàn khác, riêng biệt nên không thể vì thế mà cắt đứt. Lúc đó tôi đã thực sự coi ông bà như cha mẹ rồi.

- Còn sau này khi đã làm dâu thì việc "sống chung với mẹ chồng"...

2007 chúng tôi quay lại, tôi chấp nhận vì còn yêu anh rồi làm đám cưới. Khi có con, thứ 4 và Chủ nhật hàng tuần, mẹ chồng luôn gọi nói chuyện video để gặp con dâu và cháu. Điều này giúp chúng tôi luôn thấy ông bà gần gũi và thân thiết. 9 năm trời làm dâu ông bà luôn giữ thói quen như thế. Đôi lúc tôi còn thấy mối quan hệ với mẹ chồng còn thân thiết hơn với mẹ đẻ.

Gần đây tôi về Úc sống, cách nhà bố mẹ chồng 2km, tôi đang theo học khóa đạo diễn, khi chồng đi công tác thì ông bà lái xe sang đưa đón cháu đi học, coi như đỡ đần một phần trách nhiệm của con trai ông bà. Tối thứ 6 hàng tuần, ông bà đón cháu sang chơi để cho con trai và con dâu có thời gian riêng với nhau. Tối Chủ Nhật, ông bà thường tới nhà trông cháu để vợ chồng tôi đi chơi đêm với nhau, ngay cả đến nửa đêm mới về vẫn thoải mái. Tối thứ 7 ông bà luôn giữ lịch mặc đẹp đi ăn tiệm cùng nhau. Sự chung thủy, giữ nếp nhà như thế là điều đáng để tôi học hỏi.

- Những điều tốt đẹp và văn minh từ bố mẹ chồng có ảnh hưởng đến suy nghĩ và cuộc sống của chị sau này?

Cuộc sống của bố mẹ chồng ảnh hưởng tích cực đến suy nghĩ của tôi, là sự quan tâm chăm sóc chu đáo với nhau và không ngừng tôn trọng, đối xử với nhau như khách quý. Là mối quan hệ phụ thuộc nhau, bà không biết lái xe, ông không đi chợ hay là ủi quần áo. họ cần nhau để hoàn thiện tất cả những việc này. Chồng tôi vẫn bảo nếu 1 trong 2 người ra đi trước là có vấn đề vì họ quen có nhau rồi, sống phụ thuộc lẫn nhau nên tách 2 người không sống nổi. Ngược lại thì vợ chồng tôi là yêu nhau nhưng tồn tại độc lập. Nhưng cách sống ân tình và tôn trọng thì chúng tôi học được từ ông bà.

- Mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở Tây có cần phải có sự khéo léo nào đó như cách nhiều bà mẹ vẫn dạy con gái mình trước khi về nhà chồng?

Mẹ chồng tôi vẫn đi chợ mua cái này, cái kia cho con dâu, sinh nhật bà thường hỏi con thích gì, bản thân tôi cũng vậy. Nhưng chỉ có sự chân thành mới tồn tại được một mối quan hệ lâu dài. Tôi và mẹ chồng luôn duy trì một mối quan hệ thẳng thắn không ai phải nhịn ai hết, mà thực tế cũng không có vấn đề nảy sinh để đến mức căng thẳng hay bất hòa.

Có mẹ chồng Tây thân như bạn, nữ nhà văn kêu gọi các bà mẹ chồng Việt hãy ngừng coi con dâu là đối thủ - Ảnh 4.

2 con người có cá tính, tư tưởng độc lập nhưng tôn trọng ý kiến của nhau. Một mối quan hệ chỉ xảy ra xung đột khi có sự bất bình đằng và thiếu tôn trọng lẫn nhau. Ngay cả chuyện nuôi cháu như thế nào, mẹ chồng tôi cũng không bao giờ áp đặt, bà thường hỏi cách chăm cháu như thế nào vì cháu là con của con mình chứ không phải con ông bà. 

- Đó là một mối quan hệ... văn minh?

Tôi nghĩ là văn minh. Bởi theo cách nghĩ của bà con dâu là người đem đến hạnh phúc cho con trai họ chứ không phải kẻ thù, cướp con trai của họ. Khi trưởng thành, ở phương Tây họ không muốn con sống ăn bám, nếu con cái còn sống chung với bố mẹ là không bình thường. Tất cả đều phải tự làm, tự ăn, tự kiếm việc. Ngay cả việ lấy người nào cũng là vấn đề của con, hạnh phúc thì con được hưởng, khổ thì tự chịu. Đó là mối quan hệ rạch ròi và rõ ràng.

- Còn mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu ở ta, chị có suy nghĩ như thế nào?

Một phần nàng dâu ở ta thì hay đề phòng kiểu chuyện mẹ chồng nàng dâu là có vấn đề, ai cũng nói thế. Và cuối cùng mối quan hệ này không bao giờ là bạn bè vì nó đặt nặng vấn đề vai vế. Nếu không ngang hàng làm sao là bạn bè, mẹ chồng luôn giữ thế trên phân, và sự thực nếu không có sự bình đằng thì khó làm bạn. Còn mẹ chồng nàng dâu ở Tây luôn có sự bình đẳng và tôn trọng.

Có mẹ chồng Tây thân như bạn, nữ nhà văn kêu gọi các bà mẹ chồng Việt hãy ngừng coi con dâu là đối thủ - Ảnh 5.

Tính sở hữu của các bà mẹ chồng ở ta cũng rất cao, họ có thể có ý nghĩ con trai là của tôi, con dâu là kẻ cướp con trai mình, con dâu có thể làm cho con trai bớt yêu mẹ. 

Các bà mẹ chồng thường nghĩ mình là người đẻ ra con trai nên con phải yêu phải phục vụ mẹ, coi mẹ là nhất như chuyện tất yêu. Trong khi thực tế, đàn ông yêu vợ không có nghĩa là không yêu mẹ, nên các bà mẹ chồng hãy đừng coi con dâu là đối thủ, là kẻ không cùng 1 phe, hãy coi họ như những người bạn. Có được điều này thì mối quan hệ mẹ chồng nàng dâu sẽ ổn thỏa, không còn khái niệm kiểu định kiến ngay thôi.

Chia sẻ