Cô khoe nét chữ "bá đạo" của đứa cháu sắp vào lớp 1, các bậc phụ huynh vừa buồn cười vừa rào rào bình luận vì đồng cảm
Người ta than con mình viết chữ xấu, đây không chỉ… xấu mà bé còn có kiểu viết ai nhìn cũng không nhịn được cười.
Dù chưa bắt đầu năm học mới nhưng nhiều bố mẹ đã rục rịch cho con đi học chữ trước hoặc dạy con nhận biết mặt chữ. Với những đứa trẻ vốn chỉ biết vui chơi, chưa áp lực học hành, chưa một lần cầm bút, việc "điều khiển" những con chữ cho đúng ô đúng dòng, ngay hàng thẳng lối hay đơn giản là viết đúng chữ cũng là nhiệm vụ vô cùng khó khăn.
Trên các diễn đàn không khó để gặp các bài viết than thở con viết chữ xấu như giun như dế khiến bố mẹ sang chấn tâm lý. Nhưng mới đây, một người cô "khoe" chữ bá đạo của cháu mình, trong đó thay vì viết bình thường thì hầu hết từ số đến chữ bé đều viết… ngược. Người ta than con mình viết chữ xấu, đây không chỉ… xấu mà bé còn có kiểu viết ai nhìn cũng không nhịn được cười.
Theo người cô này, đây không phải là lỗi lâu lâu mới gặp mà 90% trong những lần kiểm tra cháu mình đều viết ngược. Gia đình khá lo lắng vì tháng 9 này con đã vào lớp 1.
Nhiều phụ huynh tỏ ra vô cùng đồng cảm vì con mình ở nhà cũng có tình trạng y chang như vậy. Một số ý kiến cho rằng đây là kiểu tư duy ngược, những bạn như thế sẽ có cá tính rất mạnh mẽ, có góc nhìn khác và sáng tạo hơn hay "Do con thuận tay trái nên mắt nhìn ngược, hướng dẫn con vài lần con sẽ nhớ"…
Bên cạnh đó, một số người chia sẻ đây là tình trạng bình thường, một thời gian trẻ sẽ điều chỉnh được: "Con mình cuối học kỳ 2, lớp 1, lúc viết ngược số 5, lúc không. Con tiếp thu tốt nhanh, cô giáo còn khen dù đôi chữ bị ngược. Không sao bạn nhé. Con thứ 2 của mình còn ngược nhiều hơn cô chị, năm nay bé vào lớp 1. Bình tĩnh cho con tự tin"; "Bé nhà mình trước cũng vậy luôn, dạy con từ từ rồi cũng viết đúng bạn ạ"...
Trẻ viết ngược có sao không?
Trên thực tế, trẻ thường viết ngược trong một giai đoạn nhất định, thậm chí viết xong cũng không hề nhận thức được đó là bị ngược. Viết ngược là hành vi phát triển bình thường cho trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 6 tuổi thậm chí là 7 tuổi. Cả trẻ em thuận tay trái và tay phải đều có thể vật lộn với việc đảo ngược chữ cái. Đây không phải là dấu hiệu của chứng khó đọc.
Nhiều người nôn nóng bắt con sửa cho bằng được, tạo áp lực khiến trẻ trở nên rụt rè không tự tin, không yêu thích viết chữ số. Đừng làm chúng không muốn đến trường chỉ vì sợ bị chê trách, trừng phạt mà thôi.
Trong trường hợp này, thái độ tích cực của cha mẹ sẽ là nguồn động viên lớn giúp trẻ tin tưởng vào bản thân để tiếp tục quá trình học viết của mình. Hãy cho trẻ tiếp xúc với chữ số, bảng chữ cái đúng theo cách vừa học vừa chơi, đứng gây áp lực để đến 5 – 6 tuổi trẻ sẽ tự sửa được.
Ở một số trẻ, hiện tượng này kéo dài qua 6 -7 tuổi. Trong trường hợp qua 7 tuổi mà trẻ vẫn còn hiện tượng viết kiểu soi gương, lúc đó cha mẹ mới cần gặp những nhà chuyên môn để được tư vấn.