Cô giáo yêu cầu cả lớp bật camera, một học sinh gọi đến lần thứ 6 vẫn im hơi lặng tiếng: Biết được lý do muốn rụng rời

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Nghĩ lui nghĩ tới cuối cùng cô cũng tha cho, nhưng thanh niên này làm vậy đúng là bậy hết sức.

Trong buổi học online, bố của một học sinh cởi trần đi phía sau bàn học của con, nói lớn "Ô sao cô giáo con béo thế?". Cô Trang, giáo viên tiểu học ở TP.HCM giật mình, vì tiếng nói lớn lọt vào micro, cũng vì ngượng. "Tôi vội vàng tìm nút tắt micro của người học, đồng thời nhắc nhở học sinh chỉ mở micro khi phát biểu", cô Trang kể. Gần đây, cô chú ý hơn trong việc kiểm soát bật, tắt micro của học trò, đồng thời nhắc nhở phụ huynh tránh việc ăn mặc quá thoải mái và xuất hiện trong camera khi con đang học.

Một bạn tên V.H chia sẻ một tình huống hài hước khiến ai cũng cười bò: "Học online đổi nickname được á mấy má, xong có đứa đổi thành tên giáo viên chủ nhiệm hay giáo viên môn khác, có đứa đổi luôn thành tên hiệu trưởng nữa. Xong có đợt trong tiết Toán lúc livestream cô tui bảo: "Úi chà sao thầy Cao cũng tới nghe em giảng bài thế này". Còn nói năng kiểu ngượng nghịu nữa cơ, ha ha".

Nhưng đó không phải là những tình huống oái oăm duy nhất. Trong môi trường lớp học trực tuyến, những tưởng chỉ có giảng bài và học bài thì vẫn có đủ thứ chuyện dở khóc dở cười phát sinh. Chuyện học sinh đang học thì... ngủ, bỏ đi chơi hay phụ huynh can thiệp không phải là mới. Hoặc mới đây là một tình huống bá đạo không kém được một cô giáo dạy cấp 2 chia sẻ. Cô bảo, dù bực vô cùng nhưng cuối cùng cũng cho qua. Có lẽ những giáo viên cũng hiểu trong khoảng thời gian này, một chút "du di" cũng là cách để cô trò cùng vượt qua giai đoạn nhiều áp lực. 

Cô giáo yêu cầu cả lớp bật camera, một học sinh gọi đến lần thứ 6 vẫn im hơi lặng tiếng: Biết được lý do muốn rụng rời - Ảnh 1.

Cô giáo kể: "Hôm đấy đổi tiết, vào lớp 9A, học sinh bật cam lên, chỉ thấy một học sinh không bật, mình gọi không thấy tăm hơi đâu đến lần thứ 6 nó hét lên: "Gọi gì gọi lắm thế. Đang đi ỉ*. Đi cũng không xong" rồi nó out mất. Cả lớp bò ra cười, cô vừa buồn cười vừa bực". 

Quả thực, chuyện đang học thì "mắc" vốn dĩ không thể kiểm soát được, tuy nhiên học sinh thấy phiền đến đâu cũng nên tắt mic, chưa kể cô giáo gọi cũng là vì quan tâm đến mình nữa. Câu chuyện của cô giáo khiến những đồng nghiệp khác ôm bụng cười. Phần cô giáo, ban đầu cũng định phạt học sinh nhưng sau đó lại thôi: "Học trò cấp 2 thế đấy bạn ạ, buổi sau vào học nó lại như bình thường nên thầy cô cũng xuề xòa cho đỡ bực", cô nói.

Cô giáo yêu cầu cả lớp bật camera, một học sinh gọi đến lần thứ 6 vẫn im hơi lặng tiếng: Biết được lý do muốn rụng rời - Ảnh 2.

Quả thực, chuyện đang học thì "mắc" vốn dĩ không thể kiểm soát được, tuy nhiên học sinh thấy phiền đến đâu cũng nên tắt mic, chưa kể cô giáo gọi cũng là vì quan tâm đến mình nữa.

Nhiều giáo viên khác chia sẻ, việc dạy trực tuyến như "làm dâu trăm họ". Không chỉ khó về chuyên môn, vất vả trong công việc mà thầy cô còn chịu nhiều áp lực vô hình với những tình huống bi hài. Để việc học online hiệu quả, ý thức, nền nếp học tập của học sinh là vô cùng quan trọng. Vẫn còn không ít học sinh chểnh mảng trong việc học, học không đúng giờ, không chú ý làm bài tập theo hướng dẫn của giáo viên...

Học sinh nên tận dụng những ngày học trực tuyến ở nhà trở thành cơ hội trong học tập, bằng chính sự tự học. Việc tự học ở nhà của học sinh sẽ bao gồm các công việc như: Giải các bài tập, giải các bộ đề mà giáo viên đã giao, ôn lại kiến thức đã học ở các bộ môn… Nếu cần sự hỗ trợ của giáo viên, thì học sinh hãy mạnh dạn liên hệ để được sự trợ giúp hiệu quả trong quá trình tự học. Nên nhớ dù học ở trên lớp hay qua màn hình online thì vẫn luôn đảm bảo sự nghiêm túc, tôn trọng giáo viên và cả các bạn cùng lớp.

Chia sẻ