Cô giáo nhắn nhủ: "Chữ viết cháu còn gãy, gia đình cố gắng rèn thêm", phụ huynh trả lời một câu quá "phũ", dân tình tranh cãi không hồi kết

Hiểu Đan,
Chia sẻ

Một đoạn tin nhắn đang trở thành tâm điểm tranh cãi, tất cả chỉ vì câu trả lời có phần quá... thẳng thắn của phụ huynh học sinh.

"Luyện viết chữ đẹp cho học sinh tiểu học có cần thiết hay không" là vấn đề gây tranh cãi một thời gian dài. Có người cho rằng luyện chữ giúp trẻ rèn luyện tính cẩn thận, người khác thì nghĩ việc này tốn thời gian vì tương lai khi trẻ lớn lên sẽ sử dụng văn bản điện tử chứ không viết tay nữa. Câu chuyện này lại được khơi mào một lần nữa khi mới đây, tin nhắn giữa giáo viên và phụ huynh học sinh được chia sẻ trên mạng xã hội. 

Cô giáo nhắn nhủ: "Chữ viết cháu còn gãy, gia đình cố gắng rèn thêm", phụ huynh trả lời một câu quá "phũ", dân tình tranh cãi không hồi kết - Ảnh 1.

Đoạn tin nhắn đang trở thành tâm điểm tranh cãi.

Trong tin nhắn, giáo viên nhận xét em học sinh học Toán thì ổn nhưng tiếng Việt thì hơi kém, chữ viết còn gãy, không được đều nét. Đồng thời cô cũng nhắn nhủ người mẹ ở nhà cố gắng rèn thêm cho con. Tuy nhiên, phụ huynh này sau đó thẳng thắn: "Toán ổn là được rồi. Sau này dùng điện thoại với máy tính chủ yếu là gõ nên không cần lo chữ xấu. Cảm ơn cô giáo nhé".

Quan điểm của phụ huynh khiến dân tình chia ra làm hai ngả. Nhiều người cho rằng, viết đẹp là tốt nhưng nếu lấy chữ đẹp như một thước đo thành tích học và dạy là một cách tạo áp lực cho học sinh. Ghi chép chỉ là công cụ hỗ trợ cho việc tiếp thu kiến thức, không phải hình thức biểu diễn tài nghệ. Theo những người này, văn hóa quy đồng mẫu số sẽ làm thui chột cái tôi, sự sáng tạo của trẻ.

Tuy nhiên, đa phần nhận xét người mẹ này khá phiến diện, "nhất bên trọng nhất bên khinh". Trong trường hợp này, cô giáo hoàn toàn không yêu cầu điều gì lớn lao cả, chỉ là rèn để chữ bớt "gãy" và đều nét. Thay vì phối hợp cùng nhà trường để con tiến bộ thì cách phản hồi của phụ huynh là thiếu lịch sự và tôn trọng dành cho giáo viên. Dù thực tế trong tương lai, việc viết tay sẽ không còn được sử dụng nhiều như hiện tại, tuy nhiên rèn chữ cho ngay ngắn vẫn rất cần thiết, không cần phải quá đều đẹp như thi đi vở sạch chữ đẹp làm gì, nhưng trong suốt 12 năm học, để chữ xấu quá dễ gây khó chịu và mất thời gian cho người đọc. Việc rèn chữ vẫn rất cần thiết vì nó đem lại nhiều lợi ích tốt như rèn tính kiên nhẫn, cần cù, cẩn thận.  

Cô giáo nhắn nhủ: "Chữ viết cháu còn gãy, gia đình cố gắng rèn thêm", phụ huynh trả lời một câu quá "phũ", dân tình tranh cãi không hồi kết - Ảnh 2.

Chữ viết chỉ cần rõ ràng, dễ đọc là được chứ không nên ép quá tạo áp lực cho trẻ nhỏ.

Việc luyện chữ chưa bao giờ là không cần thiết. Nhưng luyện chữ ở đây không phải là rèn viết chữ sao cho đẹp, bay bướm mà là viết sao cho chữ có thể đọc được rõ ràng. Chữ viết chỉ cần rõ ràng, dễ đọc là được chứ không nên ép quá tạo áp lực cho trẻ nhỏ. Ngoài giờ học trên lớp, phụ huynh có thể tự rèn luyện thêm cho con ở nhà chứ không cần phải vào lò nào cả để viết được chữ đẹp.

Cách đơn giản nhất để rèn viết chữ cho học sinh là cho các em thường xuyên viết, đạt tới thành quả không bị lem chữ và có thể đọc được, rồi chữ viết sẽ tự rõ ràng qua thời gian.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng cho rằng, sự phân biệt, coi trọng các môn tự nhiên, coi nhẹ các môn xã hội của phụ huynh cũng tạo tâm lý không tốt cho con cái. Từ lâu trong nhiều phụ huynh và học sinh đã hình thành sẵn nhận thức, tư tưởng coi thường các môn khoa học xã hội nhân văn, xem nó là môn phụ, môn học bài, môn chẳng mấy quan trọng, nên không cần phải tư duy, suy nghĩ gì, học hành sơ sơ hoặc lôi thôi cũng được.

Một khi kiến thức và kỹ năng của các môn khoa học xã hội nhân văn ở người học bị hẫng hụt thì tất nhiên sẽ kéo theo nhiều hệ lụy không tốt cho việc bồi dưỡng, hình thành nhân cách, đạo đức, tâm hồn thế hệ trẻ cũng như đời sống xã hội nói chung.


Chia sẻ