Cô gái vàng trong làng... săn học bổng: Nhận một lúc hơn 37 tỷ đồng dù trước đó nơm nớp lo thiếu tài chính, tiết lộ kinh nghiệm "nộp đâu trúng đó"
Nguyễn Hải Ly, học sinh lớp 12 chuyên Hóa, trường THPT chuyên Hà Nội – Amsterdam trúng tuyển 9 trường, trong đó có trường Dartmouth thuộc khối Ivy League danh giá.
Ở kỳ tuyển sinh năm 2020, Ly nộp hồ sơ vào nhiều trường do lo ngại khả năng đóng góp tài chính thấp dẫn đến cơ hội được nhận thấp. Kết quả, em trúng tuyển 9 trường với tổng giá trị học bổng 1,6 triệu USD (hơn 37,3 tỷ đồng). Trong đó, Đại học Amherst đưa ra mức hỗ trợ tài chính cao nhất là 321.500 USD (gần 7 tỷ đồng) cho 4 năm.
Với Đại học Colby, em được hỗ trợ 248.000 USD (khoảng hơn 5 tỷ đồng), đồng thời là một trong 10 ứng viên được chọn làm học giả Pulver (Pulver Scholar), được nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia hàng đầu của Mỹ. Một số trường khác như Đại học Drexel, Temple hay Purdue cũng trao cho Ly học bổng cùng một số danh hiệu dành cho tân sinh viên.
Riêng Đại học Dartmouth thuộc nhóm Ivy League danh giá, Ly nhận được học bổng 300.000 USD (Hơn 6,5 tỷ đồng). Đại học Dartmouth nhiều lần vào top 10 trường "sinh viên hạnh phúc nhất nước Mỹ" nhờ việc cung cấp trải nghiệm sinh hoạt và học tập tuyệt vời ngay trong khuôn viên trường. Đây là trường Hải Ly yêu thích và chọn theo học sau đó.
Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Hải Ly xoay quanh việc săn học bổng:
- Chào Ly! Được biết tháng 8 năm nay em mới bắt đầu bay qua Mỹ và bắt đầu hành trình du học của mình dù đã chính thức trở thành một tân sinh viên của Đại học Dartmouth từ năm ngoái. Lý do tại sao lại nhập học muộn như vậy?
Đợt tháng 7 năm ngoái em đã rất băn khoăn trước quyết định học luôn năm đầu tiên tại trường nhưng cuối cùng lựa chọn Gap year một năm trước khi chính thức nhập học.
Trước khi qua đó em muốn chuẩn bị nhiều nhất có thể để không bị sốc văn hoá, không bị trễ kiến thức so với các bạn dù 12 năm học ở Việt Nam đã cho em một nền tảng vững chắc. Trong thời gian này, em tiếp tục tham gia các phòng lab ở các trường đại học với vai trò trợ lí nghiên cứu. Ngoài ra, em có đăng kí học các lớp lập trình và kinh tế. Năm nay em còn được trải nghiệm đặc quyền làm "giáo viên" đứng lớp dạy cho các em nhỏ các môn khoa học và tiếng Anh để thi chứng chỉ.
Từ giờ đến lúc học đại học, em sẽ cố gắng hoàn thiện các mục tiêu năm nay và dành thời gian cho bản thân cũng như gia đình nhiều hơn: Đi du lịch, khám phá mọi miền tổ quốc Việt Nam, học thêm 1 ngoại ngữ mới là tiếng Trung, đậu bằng lái xe nữa vì sau này chắc chắn cần đến.
- Đại học Dartmouth là lựa chọn của em trong số 9 trường ĐH đã nộp học bổng. Ngoài danh tiếng, còn lý do nào khiến em đưa ra quyết định này?
Trong số 9 trường em được cấp học bổng, có Amherst, Colby, và Dartmouth đều là top-choice (sự lựa chọn hàng đầu) của em. Họ rất hào phóng trong vấn đề cấp học bổng. Colby còn cho em danh hiệu Pulver Scholar (mỗi khoá họ chọn 10 người năm nhất) để làm nghiên cứu tại các viện khoa học quốc gia ở Mỹ, một cơ hội em đam mê và khát khao ngay từ khi đặt chân lên con đường này.
Nhưng đến lúc đỗ Dartmouth thì tất cả những lí do em quyết định nộp hồ sơ đợt sớm ngôi trường này ập về. Sau đó các anh chị khóa trên ở Dartmouth còn nhắn tin chúc mừng làm em cảm giác rất có "tinh thần trường" như trường Ams của mình nên đã "chốt hạ" đây sẽ là nơi mà mình thuộc về. Sau đó em cũng hỏi thêm nhiều người về cơ hội học tập, làm việc ở Dartmouth, càng tìm hiểu thì càng đam mê chứ thật sự không tìm được điểm trừ nào cả.
- Ở Dartmouth em dự định theo đuổi ngành học nào?
Ở Dartmouth đến năm thứ hai sinh viên mới chính thức chọn ngành và họ cũng rất linh hoạt trong sở thích học thuật của sinh viên. Trước mắt em dự định học Biomedical Engineering (Kỹ thuật Y Sinh) và hy vọng có thể học lên cao để sau này trở về Việt Nam đóng góp cho lĩnh vực Y Sinh vì đây là ngành khá mới ở Việt Nam, có tiềm năng phát triển lớn.
Tài chính đóng vai trò rất lớn trong việc chuẩn bị hồ sơ nhưng không mang tính quyết định
- Em có tâm sự chuyện lo sợ sẽ không được nhận học bổng vì khả năng đóng góp tài chính thấp. Qua việc săn được học bổng khủng lần này, theo em tài chính đóng vai trò như thế nào?
Thực tế mà nói, tài chính đóng vai trò rất lớn trong bộ hồ sơ nhưng cũng không có nghĩa là nó sẽ mang tính quyết định với tất cả mọi người. Đối với em, tài chính cao sẽ tăng thêm khả năng đậu của bộ hồ sơ đó thôi. Điều này có nghĩa là em sẽ phải cố gắng gấp nhiều lần các bạn có tiềm lực tài chính cao hơn mình.
Ngoài ra, trong quá trình chọn trường em phải lọc ra các trường "hào phóng" với học sinh quốc tế. Những ngôi trường này đều thuộc hàng top, rất khó cạnh tranh, một năm số sinh viên quốc tế họ nhận và trao học bổng chắc đếm trên đầu ngón tay.
Vậy nên em có các phương án dự phòng ở Việt Nam và các quốc gia khác ngoài Mỹ vì quá trình tuyển sinh của họ khá gay gắt. Lúc đó em cảm thấy chuẩn bị đến đâu cũng không thể đủ mà tài chính là một điểm yếu. Em chỉ biết lao đầu về phía trước và đến hiện tại vẫn cảm thấy vô cùng may mắn vì công sức được đền đáp xứng đáng.
- Những năm cấp 3, ngoài việc học tập và nghiên cứu em cũng tham gia rất nhiều hoạt động ở các CLB trường. Điều này có ảnh hưởng đến hồ sơ xin học bổng của em không?
Hoạt động ngoại khoá là một phần của bộ hồ sơ thể hiện con người của em cũng như các vấn đề mà em quan tâm. Các CLB trong trường nghe thì có vẻ không có tầm ảnh hưởng lớn nhưng có nhiều cách giúp sức lan toả trở nên rộng rãi hơn, tiêu biểu là thông qua các sự kiện CLB đó tổ chức.
Bản thân em rất biết ơn trải nghiệm này không chỉ vì nó giúp hồ sơ du học của em đầy đặn hơn mà nó giúp em tìm được những người bạn, những chiến hữu của em đến tận bây giờ. Cấp 3 có một nhóm bạn cùng nghĩ và làm những việc "ngoài sức tưởng tượng" cũng giúp em học được rất nhiều điều và tin vào năng lực bản thân hơn.
- Trong quá trình chuẩn bị hồ sơ du học, chọn trường, ai là người giúp đỡ và ảnh hưởng em nhiều nhất?
Xuyên suốt quá trình chuẩn bị em biết ơn mẹ em nhất, mẹ là người động viên em thử thách bản thân mình hết sức có thể. Mẹ đặt kì vọng cao ở em nhưng khi em thất bại mẹ sẽ là người an ủi và giúp em đứng dậy từ vấp ngã đó. Có quyết định nào khó khăn em cũng chia sẻ với mẹ đầu tiên, ngay cả những vấn đề nhạy cảm như tài chính hai mẹ con cũng rất thẳng thắn với nhau từ đầu để đi được đúng lộ trình.
Thời gian này cô giáo chủ nhiệm Lê Thị Ngọc Hà luôn hỗ trợ em mỗi khi bên trường cần thêm thông tin, cô còn đưa ra nhiều lời khuyên về định hướng trong tương lai.
- Bài luận là "linh hồn" của bộ hồ sơ du học. Em đã viết về đề tài gì?
Với điểm chuẩn hóa tốt, điểm tổng kết lớp 10 và 11 đạt 9,7 và 9,8 cùng nhiều thành tích học tập, hoạt động ngoại khóa, em khá tự tin có thể gây ấn tượng ban đầu với các nhà tuyển sinh ở Mỹ. Nhưng để tăng cơ hội trúng tuyển, em vẫn dành nhiều tâm huyết cho bài luận.
Ở bài luận chính, em viết về chính con người mình trong phòng lab, ở câu lạc bộ tranh biện, tổ chức trại hè, hội chợ khoa học hay khi diễn thuyết ở các cuộc thi. Em tự thấy bản thân cũng giống virus, nhỏ bé nhưng có sức ảnh hưởng to lớn và không ngừng tiến hóa.
Ở bài luận phụ, em viết về nữ giáo sư Jane Hill của Đại học Dartmouth. Cô đang nghiên cứu trong lĩnh vực kỹ thuật y sinh mà em muốn theo đuổi. Đồng thời em cũng có thêm một bài luận nữa nói về nữ quyền trong văn hóa, xã hội Việt Nam hiện đại để thể hiện tiếng nói của bản thân.
"Tại sao con gái không thể làm những điều to lớn? Tại sao những bạn nữ nhỏ bé như em luôn gặp phải ánh nhìn thương cảm khi tham gia các cuộc thi khoa học? Em nghĩ mọi người cần thay đổi suy nghĩ đó. Chỉ cần yêu thích và theo đuổi đến cùng, ai cũng có thể đạt được mục đích của mình.
- Lưu ý của em khi chuẩn bị hồ sơ du học là gì? Em chia sẻ kinh nghiệm gì với các bạn trẻ trong việc học tốt môn Hóa và khi có ý định nộp hồ sơ du học?
Lời khuyên của em cho các bạn chuẩn bị hồ sơ du học là thường xuyên đọc báo về các anh chị đã thành công xem họ làm những gì và mình có gì để "rao bán" với nhà tuyển sinh như họ. Đồng thời, apply du học là một quá trình chạy marathon đường dài và nên được chuẩn bị từ sớm mà cũng không được nản giữa chừng. Các bạn có thể không ngừng tìm tòi các cơ hội khiến mình hứng thú, vừa được trải nghiệm, vừa làm đẹp hồ sơ.
Ban đầu học Hoá em cũng gặp khó khăn, nên khuyên mọi người cần nắm chắc căn bản trước rồi mới học cao xa. Đây là một bộ môn nhiều người cho là "tiếng người ngoài hành tinh" nhưng nếu kiên trì thì em tin việc học Hoá sẽ rất thú vị, say mê. Trên mạng bây giờ cũng có nhiều giáo trình, tài liệu, khoá học online dành cho những ai muốn học thêm nhưng không có điều kiện. Bất cứ môn học nào cũng vậy thôi, không chỉ riêng Hoá học, tự học là một kỹ năng cần thiết.
Hè năm ngoái, Hải Ly nảy ra ý tưởng tạo ra một website chuyên về dược phẩm, kết nối người dùng với các bác sĩ/dược sĩ và đồng thời phân phối đơn thuốc theo yêu cầu của người dùng. Em và bạn đã phát triển ứng dụng đó đến tận bây giờ như một dự án đam mê của mình, có ý tưởng rồi học hỏi dần dần để hoàn thiện, nâng cao khả năng lập trình.
Ly cho biết, mục tiêu lớn nhất của năm gap year chính là cùng bạn thiết kế một khoá học online luyện thi AP (Advanced Placement) Chemistry, một kì thi cho học sinh phổ thông nhằm được miễn tín chỉ đại học.