Cô gái tâm sự mắc căn “bệnh lạ”, cứ dọn bếp hay nấu ăn là đôi tay “biến dạng”, đặc biệt cầm tiền đếm vào mùa đông có khi bị tóe máu khiến dân mạng bất ngờ
Thoạt nghe qua lý do "ghét bếp" của bất kì người phụ nữ nào, có lẽ không ít người chẹp miệng nghĩ "ôi, chắc do lười hay vụng về mà thôi". Thế nhưng tình huống của cô gái dưới đây thì thật đúng là "tiến thoái lưỡng nan", ghét bếp âu cũng là điều dễ hiểu.
Ở nhà giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, nấu ăn quần quật tìm niềm vui vốn là sở thích của khá nhiều chị em phụ nữ, bởi vừa được trổ tài nấu nướng, chăm sóc gia đình lại vừa tranh thủ học hỏi được thêm nhiều món ăn mới.
Thế nhưng, không phải chị em nào cũng "vào bếp thành công", ngoài những pha nấu ăn sơ suất, khiến món ăn "biến dạng" hoặc cháy khét" thì cũng có những trường hợp thật đặc biệt khiến chị em không muốn vào bếp chút nào vì chẳng khác gì "màn tra tấn".
Mới đây, một tài khoản có nickname O.P đã đăng tải vào hội nhóm liên quan đến bếp núc vấn đề của bản thân mình khiến hàng nghìn cánh chị em đồng cảm. Tài khoản O.P tâm sự:
"Mới nhìn qua, chắc chắn mọi người sẽ nghĩ nó không liên quan gì đến nhóm cả. Nhưng đây là nguyên nhân khiến mình rất "ghét bếp, không nghiện nhà". Vì mỗi lần vào bếp hay lau dọn, tay sẽ bị nặng hơn. Nhất là mùa hanh, cầm cái chổi thôi cũng toé máu ra. Đặc biệt là không đếm được tiền.
Nhưng mình ngày nào cũng nấu nướng và dọn dẹp chứ không hề lười đâu ạ. Nhân đây chị em nào có cách chữa gì mà khỏi được cho mình xin với ạ. Mình thâm niên chục năm rồi".
Đính kèm bài tâm sự là hình ảnh đôi bàn tay bị dị ứng, bong, nứt nẻ của cô gái. Có lẽ việc vào bếp hay rửa chén bát với nhiều người là bình thường, nhưng với hoàn cảnh "bất khả kháng" thế này thì thật sự như... tra tấn.
Bởi với những người co cơ địa dị ứng như cô gái này, khi vào bếp, sử dụng những loại xà phòng rửa tay, nước rửa bát,… là sản phẩm hóa chất công nghiệp có chứa một hàm lượng lớn chất tẩy rửa nên khi tiếp xúc với da sẽ gây khô da, làm mất các dưỡng chất của da dẫn đến da bị oxy hóa mạnh, bong tróc, nứt nẻ tới chảy máu càng xảy ra nhanh hơn. Tình trạng bỏng rát, không co được các đầu ngón tay cũng thường xuyên xảy ra.
Trường hợp của cô gái trên tưởng như hy hữu, thế nhưng bất ngờ hơn cả là dưới phần bình luận, rất nhiều chị em cũng tranh thủ "kể khổ" về hoàn cảnh của bản thân mỗi lần vào bếp:
- "Ôi giống em quá, em cũng vậy, nên ở nhà với bố mẹ, em nấu ăn thì được miễn rửa bát. Cứ rửa là sau bong hết da tay xong xót lắm".
- "Chung nỗi khổ, mùa đông hanh còn khổ hơn, đúng kiểu xót thấu thịt ấy, đau lắm".
- "Mình cũng bị từ nhỏ, hồi nhỏ đi khám bác sĩ có cho thuốc uống và bôi, nhưng phải kiêng tất cả hóa chất kể cả dầu gội sữa tắm, nước rửa tay. Mình phải đeo găng tay rửa chén, bôi kem dưỡng làm mềm da".
- "Ôi khổ ơi là khổ, hồi mới làm dâu bố mẹ chồng chưa hiểu còn nghĩ mình lười cơ, lúc toé máu tay ra ông bà biết mới đỡ. Bệnh này khổ lắm, xót và đau lắm".
- "Bạn đi da liễu đi ạ. Đợt mình đi khám thì bác sĩ bảo "này là bệnh tiểu thư, chẳng có thuốc gì uống đâu con, giờ bác chỉ cho thuốc bôi, về siêng bôi, giặt rửa gì cũng đeo găng tay vào, 1 thời gian là đỡ, chứ cũng không khỏi hẳn", mà kể ra mình về bôi cũng đỡ thật. Với bạn thường xuyên dưỡng ẩm cho tay nữa là được. Lâu lâu mới bị thôi, nhưng rất nhẹ chứ không nặng như của bạn đâu. Bị cái này mong cả nhà chồng với chồng hiểu cho chứ không lại mang tiếng là lười".
Nhìn qua thì cứ tưởng "bệnh hiếm", ấy thế mà hàng nghìn bình luận phía dưới mới thấy nhiều chị em cũng chịu khổ tương tự. Vậy mới biết, nấu ăn đã không đơn giản, thu dọn bếp núc cũng vất vả, nhất là với những chị em có cơ địa dị ứng như trên, thế nhưng họ vẫn chẳng ngại khó, ngại khổ, chuẩn bị từng bữa ăn cho chồng con. Các anh chồng vì thế mà càng phải yêu thương và chia sẻ việc nhà với vợ nhiều hơn nữa nhé!