Cô gái đang nói chuyện vui vẻ bỗng ngất xỉu, suy thận phải cấp cứu vì uống 2 cốc này mỗi ngày
Có không ít trường hợp không hề hay biết mình mắc bệnh tiểu đường cho tới khi xảy ra những biến chứng nặng phải vào phòng cấp cứu.
Một cô gái họ Xu, 27 tuổi sống tại Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) cũng gặp tình huống tương tự. Ba ngày trước, buổi tối đang ăn tráng miệng với gia đình, nói chuyện vui vẻ thì đột nhiên cô ngất xỉu. Ngay lập tức, người nhà gọi xe cấp cứu đưa cô tới bệnh viện.
Lin Xinwei, bác sĩ điều trị tại Khoa chăm sóc đặc biệt của Bệnh viện Đào Viên (Đài Loan, Trung Quốc) kể lại: “Khi tới phòng cấp cứu, bệnh nhân ở trong tình trạng hôn mê và mất nước nghiêm trọng. Chỉ số đường huyết cao tới mức nguy hiểm là 625 mg/dL, huyết sắc tố glycated là 18,8%. Trong khi chỉ số đường huyết khi đói của người bình thường từ 70 - 130 mg/dL còn huyết sắc tố là 4 - 5,7%. Kết luận bệnh nhân bị các biến chứng tiểu đường cấp tính dẫn tới hôn mê, suy thận và rối loạn hô hấp.
Ngay sau khi truyền dịch khẩn cấp, bệnh nhân được lọc máu, đặt ống nội khí quản và hỗ trợ máy thở. May mắn là đến bệnh viện và cấp cứu kịp thời nên không nguy hiểm tính mạng. Sáng hôm sau bệnh nhân được chuyển sang phòng chăm sóc đặc biệt, điều trị tích cực trong hai ngày và hiện được chuyển sang phòng bệnh thường tiếp tục theo dõi”.
Bác sĩ Lin cũng cho biết, không chỉ người nhà mà chính cô Xu vô cùng ngạc nhiên khi được thông báo tình trạng bệnh lý. Bởi họ luôn cho rằng đó là bệnh ở người trung niên, cao tuổi, lười vận động, miễn dịch kém, béo quá mức. Trong khi cô Xu còn rất trẻ, ít khi đau ốm, còn thường xuyên tập yoga, chạy bộ giữ dáng.
Nhưng chính lời thú nhận của cô Xu đã khiến sự thật được phơi bày. Hóa ra, để đối phó với áp lực công việc tại chỗ làm, cô thường xuyên uống trà sữa. Trước đây, mỗi ngày cô chỉ uống 1 cốc thay cho bữa sáng nhưng nửa năm gần đây thì uống 2 - 3 cốc mỗi ngày, càng uống càng “nghiện”. Cũng vì vậy mà cô sợ tăng cân, bắt đầu tập luyện thể dục thể thao. Nhưng cô không ngờ mình lại mắc bệnh tiểu đường từ lâu, thậm chí còn gặp phải biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Theo chia sẻ của bác sĩ Lin, không hiếm trường hợp bệnh nhân, nhất là bệnh nhân trẻ tuổi không hề hay biết mình mắc tiểu đường cho tới khi nhập viện bởi các biến chứng cấp tính, mạn tính mức độ nặng. Với trường hợp của nữ bệnh nhân này, cô vốn bị tiểu đường đã lâu, trước đó đã thường xuyên có các dấu hiệu như: khát nước, hay khô miệng, tiểu đêm, nhanh đói, ăn nhiều vẫn sụt cân nhưng lại chủ quan.
Ngoài ra, vào ngày mà cô bị ngất xỉu, cô đã uống 3 cốc trà sữa. Người nhà cũng cho biết bữa tối hôm đó gia đình có khách nên nấu rất nhiều món, cô Xu ăn nhiều hơn bình thường, nhất là các món nhiều dầu mỡ. Sau đó, khi đang ăn tráng miệng bằng bánh ngọt thì tỏ ra đau đầu rồi choáng váng và ngã lăn ra đất, rơi vào hôn mê. Tức là lượng đường đột ngột tăng cao là một trong những nguyên nhân trực tiếp khiến cơ thể quá tải, dẫn tới nhiễm toan ceton.
Bà cũng nhắc nhở rằng, chế độ ăn nhiều đường không chỉ gây bệnh tiểu đường mà còn “tiếp tay” cho một loạt các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng khác. Ví dụ như béo phì, bệnh tim mạch, gan nhiễm mỡ, tăng tốc độ lão hóa, hại não bộ, tăng nguy cơ ung thư… Ngoài kiểm soát chế độ ăn uống, bà còn khuyên dù ở độ tuổi nào cũng nên đi thăm khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý nếu có.
Nguồn và ảnh: ETtoday, Health People