Cô gái 22 tuổi lên Đà Lạt mở quán cafe, ở nhà gỗ 15m2: “Muốn sống chill và bình yên thì cần chuẩn bị kỹ”

Vân Anh - Design: Minh Nhân - Ảnh: NVCC,
Chia sẻ

Với Kim Ngân, kinh doanh quán cafe hay homestay ở Đà Lạt đã trở nên bão hoà. Do đó, thương hiệu của bạn cần tạo được một dấu ấn riêng nếu muốn tồn tại lâu dài ở đây.

Đó là câu chuyện của Kim Ngân (22 tuổi, quê gốc Quảng Ngãi, biệt danh: Cậu bé Ngân), đang sinh sống ở Đà Lạt với 3 công việc: content freelancer, nhà sáng tạo nội dung và kinh doanh quán cafe vỉa hè. Với Kim Ngân, Đà Lạt là thành phố hiền lành, đẹp và đáng sống. Tuy nhiên, nếu bạn dự tính chuyển lên Đà Lạt với mong muốn sống chill và bình yên thì cần chuẩn bị đầy đủ vì nếu không viễn cảnh thực tế có lẽ không chỉ toàn “màu hồng”.

Kim Ngân

22 tuổi chuyển lên Đà Lạt sinh sống

Tháng 3 năm nay, Kim Ngân đứng giữa hai sự lựa chọn: Ở lại TP. HCM tiếp tục phát triển công việc trong lĩnh vực du lịch theo đúng chuyên ngành học hoặc dọn lên Đà Lạt để theo đuổi nghề content freelancer. Sau cùng, cô quyết tâm chọn vế sau.

Bởi theo Kim Ngân, nếu chọn lên Đà Lạt sinh sống thì cô đã có công việc khá ổn định vì từ cách đây 2 năm đã bắt đầu hợp tác làm nội dung với những quán cafe và homestay tại thành phố này. Bên cạnh đó, Kim Ngân còn chọn Đà Lạt vì tình yêu với mảnh đất.

“Mình chọn và sống tại Đà Lạt vì mình tin, cũng như cảm nhận rõ ràng rằng ở thời điểm này bản thân thuộc về nơi này. Mình biết điều đó sau khi bước xuống bến xe từ 4h sáng trong một lần lên Đà Lạt. Lúc ấy mình vui sướng như được về lại nhà. Trước đó, mình từng chơi ở Đà Lạt đến 2-3 tháng mà vẫn không cảm thấy buồn vì nhịp sống chậm của thành phố này”, Kim Ngân tâm sự.

Kim Ngân tự nhận bản thân là người nghĩ rồi làm luôn, chứ không lăn tăn quá nhiều. Cô thấy mình yêu thành phố này, có cơ hội phát triển ở Đà Lạt và từng quen nhiều người ở đây - chừng đó là đủ để xách ba lô lên và đi.

Thời gian đầu, Kim Ngân vẫn làm công việc content freelancer cho các nhãn hàng ở Đà Lạt như trước. Sau đó, cô bắt đầu trở thành nhà tạo sáng nội dung để tận dụng lợi thế kinh nghiệm làm content đã tích lũy suốt thời gian qua. Và cách đây một tháng, cô cùng bạn trai đã khai trương thêm một quán cafe vỉa hè trên con dốc của Đà Lạt - một công việc được cả hai chuẩn bị trước 2 tháng với số vốn bỏ ra ban đầu là khoảng 15 triệu đồng, bao gồm cả mua chiếc xe máy cũ để phục vụ công việc kinh doanh.

“Lý do tụi mình mở quán cafe cũng đơn giản lắm. Một hôm hai đứa dậy từ 5h sáng để đi đón bình minh ở bờ hồ Xuân Hương thì thấy buổi sáng của Đà Lạt tuyệt vời quá. Cũng vì thế, tụi mình nảy sinh ý tưởng mở quán cafe để hôm nào cũng có động lực dậy sớm, ngắm bình minh ở Đà Lạt", Kim Ngân kể lại.

Cô nàng và bạn trại bán cafe gần con dốc trước nhà 

Kinh nghiệm bán cafe vỉa hè ở Đà Lạt 

Kim Ngân tâm sự cô thấy điều khó khăn nhất trong quá trình kinh doanh là câu chuyện tìm mặt bằng. Ban đầu, cô và bạn trai dự định bán xe cafe ở bờ hồ Xuân Hương, nhưng kế hoạch không thành công vì nhiều lý do. 

Tiếp theo, họ dự tính chuyển sang bán cafe ở gần nhà dân. Dù cả hai đã thương lượng thành công với chủ nhà về câu chuyện mặt bằng nhưng họ vẫn phân vân vì nơi bán cách xa nhà và xung quanh đã có nhiều quán cafe mở sẵn rồi. Tình cờ trong một hôm, Kim Ngân thức dậy vào buổi sáng và thấy nhà của mình cũng mang nét đẹp riêng. Vậy là cặp đôi đã giải quyết vấn đề mặt bằng khi chọn bán xe cafe ngay con dốc trước cửa nhà.

Theo Kim Ngân, khách hàng của họ được chia làm 2 loại là dân địa phương và khách du lịch. Mỗi vị khách đều biết đến quán theo những cách khác nhau.

“Với tệp khách hàng là người dân địa phương, họ đi qua quán mình và sau đó ngồi lại uống cafe. Mặt bằng của quán có nhiều điểm thuận tiện cho bán hàng như nằm ngay mặt đường, gần bến xe nên thuận tiện cho di chuyển. Trên con đường này, hàng ngày có rất nhiều người dân và học sinh đi qua nữa. Tệp khách hàng thứ hai là những người biết đến quán từ các nền tảng mạng xã hội như Instagram và TikTok”. cô nàng chia sẻ.

Lời khuyên để tránh vỡ mộng khi sống tại thành phố du lịch

Để định cư lâu dài ở Đà Lạt, hiện Kim Ngân đang đi thuê căn nhà gỗ với giá tiền chưa đến 2 triệu đồng/tháng đã bao gồm chi phí điện nước. Căn nhà gỗ rộng 15m2, bao gồm 1 phòng bếp, nhà vệ sinh và khu vực sinh hoạt chung.

Kim Ngân thuê căn nhà gỗ 15m2 để sinh sống lâu dài

Cơ duyên Kim Ngân biết đến căn nhà gỗ này rất tình cờ. “Trước khi lên Đà Lạt, mình đã tính ở trong một căn phòng của khuôn viên homestay. Sau đó mấy hôm, mình có liên hệ với con gái của chú chủ nhà và được biết chú sắp dựng một căn nhà gỗ trong khuôn viên. Thế là chị hỏi mình có muốn chuyển sang sống trong căn nhà đó hay không và mình đã đồng ý, cô nhớ lại.

Nói về sự thay đổi sau khi dọn lên Đà Lạt sinh sống, Kim Ngân bày tỏ: “Mình thấy hạnh phúc với cuộc sống này. Vì thứ nhất, mình có công việc làm đúng với khả năng của bản thân và những người cộng tác đều phối hợp rất ăn ý. Về vị trí, mình vốn yêu thích Đà Lạt rồi nên mọi thứ đều ổn, chưa kể mình còn có sẵn căn nhà rất xinh xắn nữa. Về sức khỏe cũng thế. Tại từ thời điểm xin nghỉ việc, mình bắt đầu thoải mái tinh thần hơn. Hàng ngày mình dậy sớm để bán cafe thì sức khoẻ của mình cũng nâng cao nhiều hơn”.

Dẫu có tình yêu lớn với Đà Lạt, tuy nhiên cô bạn vẫn nhắc nhở mọi người không nên “mộng mơ hoá" về thành phố này, cho rằng cứ dọn lên đây là sẽ dàng có được cuộc sống bình yên và chill chill. Bởi theo đánh giá của Ngân, giá cả sinh hoạt ở Đà Lạt khá đắt vì là thành phố du lịch. Tuy nhiên, cơ hội việc làm và tiền lương trả cho người lao động đều thấp hơn so với thành phố lớn.

Cô nàng giải thích thêm: “Dù bạn có muốn sống vui vẻ thế nào thì cũng phải làm việc và kiếm tiền được. Với ai muốn lên Đà Lạt thì cần chuẩn bị trước về nền tảng kinh tế và tâm lý. Những người mà nhanh chóng ‘vỡ mộng' ở Đà Lạt thường chỉ sống được ở thành phố này dưới 3 tháng.

May mắn là mình quen nhiều người chuyển lên đây sinh sống, sau đó định cư lâu dài ở đây. Chẳng hạn có một chị quê gốc ở miền Tây, dọn đến Đà Lạt được hơn 4 năm và đang kinh doanh thời trang. Một chị bạn khác cũng lên đây từ năm 2020, chuyển đổi thành công từ kinh doanh homestay sang mở quán cafe.

Tất nhiên để sống tốt ở thành phố này, không phải họ cứ lên Đà Lạt, thấy được tình yêu ở đây và cứ thế sống chill. Ai rồi cũng gặp phải những cái áp lực riêng. Song mình thấy điểm chung ở những người có thể ở được Đà Lạt lâu dài là họ có có 2 yếu tố: tình cảm và sáng suốt. Tình cảm là tình yêu với con người, thành phố này nên quyết định gắn bó lâu dài. Còn sáng suốt là bản thân nhận thấy ở thành phố này đâu là cơ hội kiếm tiền, chứ không phải mình chỉ đem cái tình yêu cá nhân lên Đà Lạt và hy vọng thành phố này sẽ yêu lại mình".

Ảnh: NVCC

Chia sẻ