Cô dâu Bắc Giang chi 1,6 tỷ làm đám hỏi: Vẫn thấy tiết kiệm, vào tay người khác có khi tốn gấp 2 - 3 lần
Sau đám hỏi, những chia sẻ của cô dâu về ngày trọng đại vẫn được cư dân mạng quan tâm, clip nào cũng hàng triệu lượt xem.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, cư dân mạng không khỏi trầm trồ với đám hỏi “khủng” của vợ chồng Bảo Ngọc (sinh năm 1996, Bắc Giang). Cặp đôi kết hợp những nét văn hoá đặc trưng của Bắc Giang và Hà Nội - quê của cả hai như hát quan họ, 36 phố phường, xe hoa, tranh dân gian Đông Hồ,... để tạo nên bối cảnh đặc biệt cho ngày trọng đại. Đương nhiên số tiền mà hai vợ chồng đầu tư cũng không hề nhỏ, lên đến khoảng 1,6 tỷ đồng.
Bảo Ngọc vốn là một gương mặt có tiếng trên MXH với gần 670k người theo dõi trên TikTok nên khi cô tiết lộ con số lớn cũng như quy mô đám hỏi, dân tình để lại nhiều ý kiến trái chiều. Trước những bình luận này, cô dâu không ngại bày tỏ quan điểm cũng như chia sẻ thêm về chuyện tình yêu - hôn nhân.
Đám hỏi xong, từ nón trang trí đến giỏ bánh kẹo không bỏ cái gì
Được biết thời gian từ lúc quyết định đến ngày tổ chức đám hỏi, vợ chồng Bảo Ngọc có khoảng 1 tháng, từ khâu lên ý tưởng, liên hệ đơn vị sản xuất đến biến mọi thứ thành sự thật. Mọi chuyện diễn ra khá gấp rút nhưng cô dâu từng theo học ngành Tổ chức sự kiện ở ĐH Văn hoá Hà Nội, hiện tại là giám đốc công ty và thường xuyên tổ chức sự kiện trong cộng đồng aerobic nên không gặp nhiều khó khăn.
Tuy nhiên trong thời gian dựng rạp và bối cảnh, trời mưa liên tục khiến Bảo Ngọc khá lo lắng về tiến độ cũng như sự an toàn của ekip. Còn lại cô không quá lo lắng về chuyện mưa lúc diễn ra lễ vì đã có phương án dự phòng, mua hẳn 500 chiếc ô trong suốt. Kể thêm về chuyện này, cô nói:
“Thậm chí mình còn mong trời mưa nhẹ một chút vì mọi người cầm ô trong suốt có thể là bối cảnh đẹp khi lên hình. Hơn nữa vì mình luôn muốn có nhiều kỷ niệm trong đám hỏi, nếu có tình huống đáng nhớ như trời mưa cũng tốt. Sau đó trời không mưa nên mẹ mình đem 500 chiếc ô gửi tặng hết.
Thực ra không chỉ có ô mà tất cả đồ đạc ở đám hỏi, cái gì mang về được là mọi người cầm về hết. Chẳng hạn 11 tráp lễ của nhà trai được chia nhỏ thành các túi quà để tặng bạn bè người thân. Rất nhiều thứ khác như nón quai thao, nón trang trí ở lọ hoa, giỏ bánh kẹo, đồ mây tre đan đều không còn gì” .
Bản thân Bảo Ngọc cũng biết ngoài lời chúc phúc, phía dưới những clip đám hỏi của cô có rất nhiều ý kiến trái chiều như lãng phí, bây giờ làm rình rang rồi sau này áp lực, quan trọng là sống với nhau thế nào,... Trước lời ra tiếng vào, cô dâu Bắc Giang không ngại chia sẻ quan điểm.
Với chuyện lãng phí, Bảo Ngọc nói: “Theo mình, lãng phí là khi không có điều kiện nhưng vẫn làm rình rang còn đám hỏi của mình không lãng phí. Thứ nhất, vợ chồng mình có đủ điều kiện kinh tế để tự tổ chức đám hỏi, không nhờ đến gia đình 2 bên. Thứ 2, từ vị trí một người vừa làm kinh doanh vừa hoạt động trên MXH, mình biết có những cái mọi người nghĩ là tiêu sản, là lãng phí nhưng không phải. Sự viral từ đám hỏi đám hỏi mang lại cho mình rất nhiều thứ và có những thứ không phải cứ có tiền là mua được như giá trị kỷ niệm” .
Với ý kiến sống với nhau thế nào mới quan trọng, đám to thì sau này sẽ áp lực, cô khẳng định 2 vợ chồng đã có đến 8 năm đồng hành bên nhau, là quãng thời gian đủ dài để thấu hiểu đối phương. Hơn nữa cô cũng muốn ở thời điểm bản thân đẹp nhất, bước ngoặt lớn của cuộc đời được ghi dấu bằng những điều tốt đẹp nhất.
“Tất nhiên mình không thể nói trước được tương lai nhưng cũng không nghĩ rằng khi đã tạo dựng được những thứ như vậy mà có thể để nó tuột mất dễ dàng được. Đó là bản lĩnh, là cách đối diện của mỗi người. Mình không quá nổi tiếng nhưng cũng có ảnh hưởng nhất định trên MXH nên quen với chuyện gặp ý kiến trái chiều rồi và chọn nghĩ về điều tích cực hơn là mặt tiêu cực của nó” - cô nói thêm.
1,6 tỷ đồng là vẫn còn tiết kiệm
Trong suốt quá trình làm đám hỏi, Bảo Ngọc gần như không nghĩ đến 2 từ “tiết kiệm” vì biết rõ bản thân đủ điều kiện đầu tư và đang chọn phương án tối ưu nhất.
“Thẳng thắn mà nói, những điều kiện cần thiết cho một cuộc sống đầy đủ là mình đã có, có tài sản ở độ tuổi tương đối sớm so với mọi người. Hơn nữa mình là người kinh doanh, bất cứ sự kiện nào cũng được tính toán và có mục đích. Có thể nói nó như một khoản đầu tư, đầu tư nhiều thì thu lợi nhiều, đầu tư ít thì thu lợi ít và không đầu tư thì không có lợi nhuận.
Ngoài ra mình nghĩ khoản tiền bỏ ra vẫn ở trong mức tiết kiệm. Vì là người trong ngành, mình biết khâu này hay khoản kia đáng giá bao nhiêu và ngân sách dành cho nó bao nhiêu là hợp lý. Mình làm thì mới chỉ mất ngần đó còn nếu người bình thường, không biết nhiều về tổ chức sự kiện và đem giao hết cho bên sự kiện thì chi phí sẽ phải gấp 2-3 lần chỗ đó”.
Lấy ví dụ cho điều này, Bảo Ngọc cho biết riêng phần ý tưởng và kịch bản đã được tự mình xử lý mà đây là một trong những phần đắt nhất của sự kiện nên đã tự tiết kiệm cho bản thân. Vậy nên cô cho rằng mức chi phí này có thể lớn so với nhiều người nhưng với bản thân cô thì không.
Riêng chuyện của hồi môn, Bảo Ngọc không tiết lộ những con số cụ thể nhưng không khó để nhận thấy cô dâu đeo kim cương và vàng trĩu cổ, mỏi tay. Cô cho biết vì gia đình 2 bên còn đầy đủ ông bà, cô dì chú bác đều đông, chỉ cần mỗi người tặng một chiếc nhẫn là đã rất nhiều. Nhiều người dự tiệc đám hỏi cũng mừng tiền nhưng cô nhất quyết không lấy.
Với tráp lễ của nhà trai, gia đình cô không có bất cứ yêu cầu gì, chỉ cần có kỷ niệm trong ngày đặc biệt nên nhà chồng đã chuẩn bị 11 tráp là sản vật ở Hà Nội. Trước đó bên sự kiện cũng gợi ý bây giờ có nhiều kiểu tráp lễ hiện đại, mang tính vật chất như xì gà, túi hiệu,... Nhưng Bảo Ngọc không đồng ý vì muốn giữ nét văn hoá truyền thống và cũng tự mua được những thứ này.
Về xu hướng cô dâu - chú rể có điều kiện kinh tế nên bao trọn gói cho người thân, bạn bè đến một địa điểm xịn xò để tổ chức ngày trọng đại, Ngọc cho rằng đây là lựa chọn của mỗi người và bản thân cô sẽ không làm như vậy vì muốn mọi thứ được diễn ra ở quê nhà. “Đám hỏi vừa rồi, mọi người cũng hỏi sao không làm tiệc ở Hà Nội để tiện đi lại. Nhưng đã là lan toả văn hoá địa phương thì trước hết người địa phương phải được tham dự trước, sau đó có thể là khách khứa biết thêm về quê mình” .
Hiện tại vợ chồng cô chưa có kế hoạch tổ chức đám cưới luôn mà có thể để khoảng 2 - 3 năm nữa.
Vấn đề tiền bạc trong mối quan hệ tình yêu - hôn nhân cũng được cô vợ trẻ chia sẻ. Theo Bảo Ngọc, gia đình 2 bên không phải khó khăn nhưng vợ chồng cô đều khá tự lập và chủ động về cuộc sống, kinh tế. Cặp đôi đến với nhau từ khi chưa có gì trong tay đến hiện tại đã cùng nhau xây dựng được khá nhiều thứ nên có thể nói, kinh tế lớn dần cùng với tình yêu của cả hai:
“Trước đây, thời điểm mới yêu, mình không bao giờ đòi hỏi hoa hay quà gì trong các ngày lễ. Cho đến hiện tại chồng mình cũng không để mình thiếu thốn gì, có khi không cần lễ lạt cũng tặng quà. Bọn mình không phải là kiểu người quá khắt khe, chi li chuyện tiền nong. Thậm chí nếu chẳng may không thể đồng hành tiếp với nhau nữa, cả 2 đều có thể sẵn sàng ra đi tay trắng. Và mình nghĩ, một mối quan hệ bền chặt làm nên kinh tế bền chặt”.
Cũng chính vì những suy nghĩ này mà Bảo Ngọc không hề có ý định sẽ chuyển tiền nong về một mối để mình làm tay hòm chìa khoá sau khi kết hôn. Ngược lại, bản thân cô cũng phải nhờ chồng giữ tiền hộ: “Mình đã lao ra xã hội rất nhiều, công việc tập trung để kiếm ra tiền còn việc quản lý những đồng tiền ấy thế nào lại chưa tốt. Trước đây mình có nhiều bài học về chuyện tiền nong, kinh tế khi làm việc chung với những người bạn nên phải nhờ chồng quản lý tài chính. Từ lúc đó công việc có vẻ suôn sẻ hơn, đúng là đồng vợ đồng chồng tát bể đông cũng cạn”.
Một số hình ảnh khác đời thường của Bảo Ngọc: