Toàn
gốc Hưng Yên, bố mất sớm nhưng cũng để lại cho ba mẹ con anh một căn
nhà tập thể mãi tít rìa bến xe phía Nam Hà Nội, theo diện cơ quan phân
phối. Ba mẹ con anh dắt díu nhau lên sinh sống tại đất Thủ đô đến nay đã
chục năm có lẻ. Nghiễm nhiên, mỗi khi về làng cũ, người ta gọi anh là trai Hà Nội. Toàn cũng không giấu nổi vẻ tự hào mỗi khi giới thiệu với
bạn bè về hộ khẩu Thủ đô sáng giá của mình.
Căn
nhà nơi mẹ con Toàn sinh hoạt, là một phòng nhỏ rộng chừng 20m2, nằm
kẹp giữa 2 phòng khác trên tầng 4 một khu tập thể đã xuống cấp. Mùa hè
“mát” tựa lò nướng, mùa đông thì “ấm” đến mức đắp 2 chăn vẫn thấy răng
va vào nhau lập cập. Không gian hẹp và bí, nhất là trong mùa nóng bức
thì Toàn luôn phải xách áo xuống sân khu tập thể ngồi cho mát, đến nửa
đêm mới dám lên ngủ.
Toàn chỉ tốt nghiệp trung cấp cơ điện, rải hồ sơ
xin việc đến cả mấy năm vẫn không có kết quả. Thi thoảng cũng có người
nhận, nơi thì Toàn chê lương thấp,chỗ lại bĩu môi bảo vất vả quá. Không
tiền, không “cơ to” nên anh đành xách chiếc xe máy cũ ra đầu đường chở
khách, kiếm từng vài chục nghìn lẻ một ngày. Công việc không ổn định,
ngày nắng thì còn kiếm được, chứ mùa mưa thì chỉ có ngồi quán nước, hút
thuốc lào vặt, đến cuối ngày lại xách xe về. Tiền Toàn kiếm được, chỉ đủ
chi dùng tằn tiện cho hai mẹ con. Đồ đạc trong nhà, có khi đến cả chục
năm chưa biết thay đồ mới.
Lẽ ra Toàn đã có thể yên bề gia thất từ lâu nếu không ỷ vào mác "trai Hà Nội" (Ảnh minh họa).
Anh
trai Toàn đi nghĩa vụ quân sự rồi vào bộ đội chuyên nghiệp, đóng quân ở
Đà Nẵng. Năm ngoái, anh tổ chức đám cưới giản dị với cô con gái đội
trưởng, người Đà Nẵng gốc, làm cấp dưỡng, ăn nói dịu dàng và xinh xắn.
Vậy coi như ổn định. Mẹ Toàn phần nào cũng nhẹ gánh, giờ chỉ còn có cậu
trai thứ. Nhưng đây cũng là nguyên nhân khiến bà phiền lòng. Nhận thức
được hoàn cảnh nhà mình, mẹ góa con côi, thu nhập không lấy gì làm dư dả
cho lắm, bà ít khi đề cập đến tiêu chuẩn chọn
con dâu. Bà luôn tự nhủ
chỉ cần thằng Toàn lấy được một đứa ngoan ngoãn, biết cư xử và thông cảm
cho hoàn cảnh nhà mình, vậy là bà an lòng rồi.
Trái
ngược với mẹ, Toàn lúc nào cũng tự nâng mình lên.
Tiêu chuẩn chọn vợ
của anh, theo lời nhận xét của mọi người là “ngang tầm đại gia chọn vợ”.
Toàn kiêu căng, hợm hĩnh và sẵn sàng xách mé khi gặp gỡ một cô gái
không đủ tiêu chuẩn, “dân tỉnh lẻ mà còn không biết điều”. Nhưng anh
đâu biết rằng, nhiều cô, sau khi trót quen Toàn, hiểu được tính anh thì
sau đó đều… chạy mất dép, không một lời hẹn gặp lại.
Ngoảnh
đi ngoảnh lại, cận kề 30 tuổi, Toàn mới chính thức nếm mùi tình yêu.
Hoa là người yêu đầu tiên của Toàn, là cô gái tỉnh lẻ, phụ việc
cho cửa hàng tạp hóa của chị gái khá gần nhà Toàn, chăm chỉ, mặt mũi
phúc hậu và khéo léo trong đối nhân xử thế. Hoa quen Toàn qua một người
anh họ làm việc tại bến xe Giáp Bát, qua mấy lần gặp mặt, cả hai chính
thức yêu nhau. Bà mẹ Toàn tỏ vẻ ưng ý cô con dâu tương lai thấy rõ, lần
nào Hoa đến nhà chơi, bà cũng tự tay vào bếp, nhất định không cho cô
đụng vào việc gì. Bà mừng thầm, những tưởng là anh con trai đã có “bến
đậu”.
Ai
dè, một buổi tối, Toàn đưa Hoa về nhà chơi. Hoa trót nói một câu góp ý
về công việc của Toàn, khiến Toàn phật lòng. Bà chưa kịp mở lời nói đỡ
cho Hoa thì Toàn đã sửng cồ, đưa tay chỉ thẳng mặt cô: “Cô tưởng cô là
ai, cũng chỉ là dân tỉnh lẻ lên làm thuê. Yêu được tôi là đã tốt phúc
cho nhà cô lắm rồi, cưới xong có cả cái nhà Hà Nội mà ở còn muốn gì nữa.
Không yêu thì giải tán, đã đũa mốc lại còn chòi mâm son”. Hoa không
nói gì, lẳng lặng xách túi bước ra cửa, tự đi về. Sau hôm ấy, không còn
thấy Hoa đến nhà nữa.
Rút
kinh nghiệm từ sau việc của Hoa, một mặt mẹ Toàn cũng khuyên bảo con
trai bớt tật nóng nảy, một mặt bà len lén nhờ người quen tìm cho Toàn
một mối mới. Đến cô người yêu thứ hai, đích thân mẹ dắt về ấn vào tay
con trai, bắt phải tìm hiểu nhau cho bằng được.
Thanh là cháu gái người
hàng xóm, sát vách nhà cũ dưới Hưng Yên. Gia đình Thanh thuần nông, hiền
lành chất phác, cô nhanh nhẹn tháo vát, 23 tuổi, vừa tranh thủ đi học
cắt may vừa đi làm thêm bên ngoài. Đoán được mẹ sốt ruột chuyện vợ con
của mình, Toàn cũng không ý kiến gì nhiều, ngoan ngoãn đến đưa đón Thanh
mỗi lần mẹ mời cô đến nhà ăn cơm. Qua lại được vài tháng, có lần Toàn
còn hào hứng bảo mẹ: "Có khi con cưới Thanh". Mẹ Toàn chắc mẩm: "Lần này
khéo lại nên duyên", vui chuyện bà đem khoe Thanh khắp hàng xóm.
Một
lần, Thanh qua nhà chơi, lúc Toàn vừa đi ăn cưới về. Có tí hơi men
trong người, Toàn ngồi tiếp chuyện với Thanh bằng giọng khề khà vừa kẻ
cả, vừa trịch thượng khiến cô có phần bất ngờ về tính tình của bạn trai.
Toàn bảo, Thanh lấy Toàn thì sẽ không lo chỗ ở nữa, tự nhiên thành gái
Thủ đô,
lấy chồng xong thì anh sẽ cấm cửa không cho về cái xứ quê mùa
“người sống cạnh chuồng lợn” như thế nữa, coi như mất gốc luôn. Toàn bảo
Thanh nên tập sống theo kiểu thành phố cho quen dần từ bây giờ là vừa.
Thanh nghe hết câu chuyện, im lặng, đến giờ về còn vào tận giường chào
mẹ Toàn. Hôm sau, cô đánh tiếng với người quen nói lại với mẹ Toàn là
muốn lấy chồng cùng quê cho gần bố mẹ.
Sau
lần mai mối không thành, Toàn chán nản, quay ra tìm niềm vui từ rượu,
cuộc sống ngập trong hơi men. Đôi khi, những lúc tỉnh táo, anh vẫn tự
thắc mắc: “Mình là trai Hà Nội hẳn hoi, sao tìm mãi chưa được vợ?”. Mẹ
Toàn thì thở dài: “Tại nó là trai Hà Nội nên mới thế, chứ nếu là trai
tỉnh lẻ, có khi vợ con từ lâu lắm rồi!”.