Có cách nào cứu cô bạn thân thoát khỏi hố sâu trầm cảm?
Cô ấy bắt đầu nhắc đến chồng cũ trong các cuộc gặp gỡ, trong nhóm "chat", phần lớn là chê bai, đôi lần còn văng tục.
Chị Thanh Tâm thân mến!
Bạn tôi quyết định lựa chọn ly dị ngay lập tức khi phát hiện chồng cặp bồ, mặc dù anh ta đã dừng việc đó khá lâu. Cô cũng được nuôi 2 con như nguyện vọng vì cả hai đều dưới 9 tuổi, điều kiện kinh tế của cô lại ổn định, đảm bảo nuôi dạy con tốt hơn.
Những tháng đầu, bạn tôi khá cân bằng tâm lý, đối mặt với hiện thực và sắp xếp lại cuộc sống của 3 mẹ con ổn thoả. Thực tế, cô ấy nhẹ nhõm, tươi vui, trông sắc diện hồng hào. Lịch gặp gỡ của hội bạn thân chúng tôi vẫn duy trì.
Cô ấy như thành một người khác, lúc nào cũng sôi nổi, tích cực tổ chức cho mỗi buổi gặp mặt là một lần tưng bừng. Chúng tôi mừng cho bạn đã vượt qua cú sốc cuộc đời. Nhưng điều đó nhanh chóng biến mất.
Cô ấy bắt đầu nhắc đến chồng cũ trong các cuộc gặp gỡ, trong nhóm "chat", phần lớn là chê bai, đôi lần còn văng tục. Các câu chuyện lặp đi lặp lại dù chúng tôi cố lôi bạn tham gia vào nhiều hoạt động khác cho bạn quên nhưng cô ấy càng ngày càng trở nên cay cú chồng cũ.
Trong một lần vô tình, chúng tôi biết được chồng cũ cô ấy lại khoe trên Facebook mối tình mới với một cô gái trẻ và đang có bầu. Kể từ đó, anh ta không về thăm con, không gửi tiền nuôi con nữa.
Nhìn bạn tự hành hạ mình vì một điều không đáng, chúng tôi rất xót bạn. Tôi mong được chị tư vấn cách để giúp bạn tôi làm chủ được cảm xúc của mình, không tự tra tấn mình vì những điều vô nghĩa.
Tôi xin được giấu tên.
Chào chị!
Tình trạng mà bạn chị đang gặp phải là một biểu hiện của tổn thương tâm lý sâu sắc sau khi bị phản bội, đặc biệt khi chồng cũ tiếp tục hành xử thiếu trách nhiệm. Muốn kéo cô ấy ra khỏi vũng lầy ám ảnh ấy và làm chủ cảm xúc, các chị có thể thử một số cách sau:
- Giúp cô ấy nhận diện và chấp nhận cảm xúc. Việc cô ấy bị phản bội và sự thiếu trách nhiệm của chồng cũ là tổn thương lớn. Hãy khuyến khích cô ấy viết ra những cảm xúc tiêu cực để giải tỏa, thay vì giữ chúng trong lòng hoặc thể hiện chúng qua cách rủa xả, chê bai. Cô ấy có quyền tức giận, thất vọng nhưng không nên để những cảm xúc này kiểm soát cuộc sống của mình.
- Giúp cô ấy giảm tập trung vào chồng cũ bằng giảm việc theo dõi hoặc quan tâm đến cuộc sống của chồng cũ, kể cả qua mạng xã hội. Nó giúp giảm những cảm xúc tiêu cực. Đồng thời, các chị hãy nhắc cô ấy hạn chế nói về chồng cũ trong các cuộc trò chuyện của nhóm.
- Giúp cô ấy xác định giá trị bản thân và mục tiêu mới: Cô ấy đã từng mạnh mẽ khi vượt qua cú sốc đầu tiên. Đó là bằng chứng cho thấy khả năng làm chủ cuộc đời của cô ấy. Các chị hãy cùng cô ấy xây dựng lại các mục tiêu dài hạn, như phát triển sự nghiệp, nuôi dạy con cái, hoặc thực hiện một dự án cá nhân mà cô ấy đam mê.
Khuyến khích cô ấy tham gia các hoạt động ý nghĩa, mang lại niềm vui như học một kỹ năng, đi du lịch, hoặc tham gia các sự kiện cộng đồng.
- Giúp cô ấy ý thức rằng, chồng cũ không còn trách nhiệm nên việc mong chồng cũ thay đổi là vô ích và chỉ khiến bản thân thêm tổn thương. Cô ấy hãy nhớ việc nuôi dạy con là trách nhiệm cô ấy muốn được thực hiện, hãy tập trung vào tình yêu dành cho con, thay vì tức giận với chồng cũ.
Động viên cô ấy tiếp tục duy trì những mối quan hệ bạn bè tích cực như nhóm của chị và luôn nhắc cô ấy rằng sự hiện diện của mình trong nhóm nên là để chia sẻ niềm vui chứ không phải để trút giận.
- Giúp cô ấy thực hành yêu thương bản thân và sống cho hiện tại như tập trung vào hai đứa con là nguồn động viên lớn nhất. Hãy thực hành lòng biết ơn mỗi ngày bằng cách viết ra những điều cô ấy cảm thấy may mắn trong cuộc sống.
Hành trình chữa lành cần thời gian nhưng với sự hỗ trợ của bạn bè và sự quyết tâm của chính mình, cô ấy hoàn toàn có thể lấy lại cân bằng và hạnh phúc.