Cô bé cấp 3 sợ kết hôn và quan điểm về cuộc sống vợ chồng khiến người lớn phải gật gù đồng ý
"Mọi người trong gia đình khiến tôi có cảm giác rằng tình yêu không hề tồn tại, nếu có thì là khoảng thời gian ban đầu, về sau chỉ còn lại tình nghĩa" - Lý do khiến cô bé sợ kết hôn dù vẫn còn đang ở lứa tuổi mộng mơ.
Kết hôn được xem như là cái kết viên mãn của đôi lứa yêu nhau. Nó là cột mốc và cũng là bước ngoặt trong tình yêu của 2 người. Cùng kí tên vào tờ giấy đăng kí kết hôn đồng nghĩa với việc họ sẽ bắt đầu một cuộc sống mới, không phải của riêng họ, mà là của 2 người và sau đó sẽ có thêm những đứa con.
Trong cuộc sống gia đình, không phải lúc nào vợ chồng cũng thuận hòa. Sẽ có những cãi vã mâu thuẫn mà không phải ai cũng có thể hi sinh, nhẫn nhịn để bảo vệ hạnh phúc gia đình. Những lúc như thế chẳng những người trong cuộc đau lòng mà hôn nhân của họ còn ảnh hưởng đến nhiều người khác.
Mới đây một cô bé có tên là Trúc Quỳnh đã nói rằng mình sợ kết hôn. Suy nghĩ của cô khiến nhiều người sửng sốt bởi Trúc Quỳnh mới chỉ là học sinh cấp 3 - lứa tuổi còn mộng mơ.
Nữ sinh này đưa ra lý do khiến cô ám ảnh về việc lập gia đình: "Xung quanh tôi, các cuộc hôn nhân từ ông bà đến cha mẹ, cô chú, đều khiến tôi có cái nhìn không mấy tốt đẹp về thứ gọi là tình yêu. Mọi người trong gia đình khiến tôi có cảm giác rằng tình yêu không hề tồn tại, nếu có thì là khoảng thời gian ban đầu, về sau chỉ còn lại tình nghĩa.
Tôi đã chứng kiến quá nhiều cảnh hôn nhân đổ vỡ rồi, không ra tòa ly hôn vì ngoại tình, thì cũng ráng sống gượng ép với nhau vì con còn nhỏ (cho có cha có mẹ), hoặc hy hữu hơn nữa là đã sau 40 năm kết hôn vẫn còn lôi các chuyện trong quá khứ ra đay nghiến nhau mỗi ngày. Không muốn cũng không làm sao thoát khỏi cảm giác sợ hãi mà. Tôi biết tôi đang để môi trường xung quanh tác động quá nhiều đến mình, từ đó phát sinh ra các góc nhìn tiêu cực về tình yêu.".
Vốn là một cô bé nhạy cảm, thường có nhiều suy nghĩ về cuộc sống xung quanh, nhất là cuộc sống của vợ chồng, Trúc Quỳnh nghĩ rằng người đàn ông nên san sẻ công việc gia đình với người phụ nữ của mình.
"Ý của tôi không chỉ đơn giản là các ông chồng nên phụ giúp việc nhà với vợ mình nhiều hơn (vì tôi cũng biết đàn ông có cái lòng tự ái cao và việc ngoài xã hội cũng đủ làm các đấng mày râu mệt rồi), mà các ông chồng phải hỏi han, quan tâm đến người phụ nữ của mình nhiều hơn. Tôi thường gọi đó là sự tinh tế" - Trúc Quỳnh bày tỏ quan điểm.
Sự tinh tế cô gái muốn nói ở đây chính là các ông chồng hãy chịu khó quan sát vợ mình một chút, để có thể cảm nhận được sự vất vả của họ. Việc đó không chỉ khiến bà xã vui mà còn giúp cho tình cảm vợ chồng ngày càng nồng nhiệt, khăng khít hơn. Trúc Quỳnh nhận định, sự tinh tế này nói thì dễ nhưng làm thì khó, chỉ những ai yêu thương người "đầu ấp tay gối" với mình thì mới làm được thôi.
"Tạo hóa đã ban cho phụ nữ có lòng trắc ẩn lớn hơn đàn ông rất nhiều, đó phần nào làm cho phụ nữ dù có mạnh mẽ tới đâu cũng không tránh khỏi những quyết định bị ảnh hưởng bởi cảm xúc, vậy nên họ vẫn luôn được coi là phái yếu" - lý do nữ sinh cấp 3 đưa ra khi cần người đàn ông phải có sự tinh tế trong cuộc sống gia đình.
Trúc Quỳnh lấy ví dụ về sự tinh tế - cái mà cô cho rằng người đàn ông nào trong gia đình cũng cần: "Cuối tuần vừa rồi, tôi có qua nhà một người bạn (gọi là bạn thế thôi chứ lớn hơn tôi 6 tuổi) để ăn đầy tháng đứa con trai cáu kỉnh của họ.
Sau khi ăn uống no nê, chúng tôi ngồi lại trò chuyện. Cô bạn của tôi lúc sinh em bé không đau bụng mấy nhưng lại rất đau lưng, cho nên có tiêm thuốc giảm đau, việc này sẽ ảnh hưởng đến lưng của cô ấy. Và hiện tại cô ấy đang ngồi tựa lưng vào một chiếc gối và kể lại quá trình sinh nở.
Lúc sau chúng tôi bắt đầu dọn dẹp, cô ấy giành phần lau nhà. Tôi có nói lưng còn ê ẩm thì nghỉ ngơi đi, để tôi làm cho. Nhưng cô ấy không chịu, đòi làm để vận động cho mau khỏe, một phần vì ai lại để khách lau nhà.
Không biết bản thân tôi có quá để ý hay không nữa. Tôi thấy chồng cô ấy rửa tay xong, vô tư vui vẻ đi đi lại lại, chẳng có ý định giúp cô ấy. Sau vài câu nhắc khéo của tôi cùng một người bạn khác, chồng của cô ấy mới hỏi han và đòi lau nhà phụ".
Người phụ nữ sinh ra vốn đã yếu mềm hơn phái mạnh. Sức khỏe của họ còn bị ảnh hưởng rất nhiều sau mỗi lần sinh đẻ. Chính vì vậy các ông chồng nên quan tâm đến người vợ của mình hơn.
Suy nghĩ lớn trước tuổi của cô gái khiến nhiều người lo lắng rằng nó sẽ làm ảnh hưởng đến cuộc sống của cô sau này. Nhưng thực may, cô bé nhạy cảm này vẫn nhìn thấy được nhiều "màu hồng" trong cuộc sống thường ngày: "Tôi may mắn vì bản thân vẫn được thấy nhiều cử chỉ nho nhỏ cùng lời nói ngọt ngào của các cặp đôi khác. Chỉ là giữ tóc giúp trong lúc ăn, chỉ là gạt hộ đồ để chân trên xe, chỉ là tranh nhau phần rửa chén.
Ở tuổi đời còn non trẻ này, tôi không cho phép mình mất niềm tin quá nhiều vào tình yêu và kết hôn đâu. Tôi sẽ xem các cuộc hôn nhân đổ vỡ đó là một bài học cho riêng mình, rồi âm thầm rút kinh nghiệm để mà không vấp ngã sau này. Ai lại muốn hạnh phúc của mình bị rạn nứt rồi "nhà tan cửa nát" chứ? Tất cả đều là ngoài ý muốn. Vậy thì hãy sửa đổi, chấp vá ngay khi còn có thể. Hãy làm cho tòa án chẳng được nhận thêm đơn xin ly hôn nào nữa, hãy đảm bảo cho đứa trẻ của mình có được một hạnh phúc trọn vẹn.
Loại trừ những người không đáng để bạn chịu khổ, không xứng để bạn rơi nước mắt, thì đừng loại cả tình yêu".
Quan điểm về tình yêu và hôn nhân của Trúc Quỳnh khiến nhiều người gật gù tán thành, dù đó mới chỉ là suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ đang dần trưởng thành và sắp bước vào cuộc đời. Quả thực, trong cuộc sống hàng ngày có không ít những ông chồng vô tâm khiến vợ mình phải phiền lòng mà rơi lệ. Nếu hai người có thể cùng quan tâm và hiểu nhau hơn thì cuộc sống hôn nhân đúng sẽ là "hạnh phúc đến đầu bạc răng long".