Cô bé 3 tuổi mắc bệnh tự kỷ trở thành họa sĩ
Mặc dù mắc chứng bệnh tự kỷ từ nhỏ và lên 3 tuổi vẫn chưa biết nói nhưng Iris Grace Halmshaw ở Market Harborough, Leicestershire đã trở thành một hiện tượng mới trong giới nghệ thuật nước Anh.
Khi lên 3 tuổi, Iris vẫn không nói được và cha mẹ cô nhận thấy cô rất ít khi tiếp xúc bằng mắt với họ. Cô bé được chuẩn đoán đã mắc chứng bệnh tự kỷ. Bố mẹ của Iris đã dùng rất nhiều phương pháp trị liệu để giúp cô hòa nhập với xã hội nhưng hoàn toàn thất bại.
Và thật bất ngờ khi cô bé có hứng thú đặc biệt với màu sắc và tranh ảnh. “Khi tôi mang tới một giá vẽ, Iris đã rất ghét nó, nhưng khi đặt lên bàn sơn và giấy vẽ thì cô bé tỏ ra vô cùng thích thú”, Arabella Carter-Johnson, mẹ của Iris nói.
Iris chỉ tiếp xúc với nghệ thuật như một phương pháp trị liệu cho bản thân. Nhưng khi các bức tranh đó được mẹ cô đăng lên Facebook, thì đã có rất nhiều phản ứng tích cực. Mọi người khắp nơi trên thế giới yêu thích tranh của cô bé và mong muốn được mua chúng.
“Có thể chứng bệnh tự kỷ đã mang tới cho Iris một phong cách và những hiểu biết về sắc màu mà những đứa trẻ trong độ tuổi của cô bé không có. Iris luôn tươi cười và phấn khích khi được tôi đưa cho các loại sơn màu”.
Khi mang đấu giá trong một buổi từ thiện tại London, bức tranh của Iris đã được bán với giá 830 bảng Anh (khoảng 27,4 triệu đồng). “Gia đình tôi vô cùng bất ngờ và không thể tin được chính Iris đã vẽ bức tranh tuyệt vời đó”, bà nói thêm.
Ông Michaela Butter- Giám đốc Embrace Arts (Trung tâm nghệ thuật Leicester) cho biết: “Những bức tranh của Iris được thể hiện rất tốt. Tình trạng khuyết tật không hề là trở ngại với sự sáng tạo”.
Hiện nay, tình trạng của Iris đã được cải thiện rất nhiều. Cô bé đã chơi cùng bố mẹ với thái độ hạnh phúc hơn.“Chúng tôi bắt đầu với các trò chơi, có nhiều buổi nói chuyện, các liệu pháp âm nhạc… Và với sự giúp đỡ của các chuyên gia trị liệu, Iris đã có những thay đổi đáng kể trong một khoảng thời gian ngắn”, mẹ cô bé cho biết.
Gia đình Iris cũng hy vọng sẽ mở một cuộc triển lãm ở London để hướng tới đông đảo công chúng và những gia đình có con bị tự kỷ. “Tôi nghĩ rằng, câu chuyện của Iris là một nguồn cảm hứng và an ủi cho bất kỳ bậc phụ huynh nào có con tự kỷ”.