Cô bé 11 tuổi bị đánh đập dã man khi làm giúp việc cho nhà ngôi sao nổi tiếng

Yến Như,
Chia sẻ

Một cô bé 11 tuổi bị đánh đập dã man khi giúp việc cho nhà một ngôi sao nổi tiếng đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về vấn nạn bạo hành trẻ em hiện nay.

Cô bé đáng thương ấy có tên là Mahafuza Akhter, 11 tuổi, đến từ Bangladesh, thường được mọi người gọi bằng tên thân mật là “Happy” (hạnh phúc). Từ nhỏ, em đã không biết cha mẹ mình hiện đang ở đâu và phải sống với đại gia đình bên ngoại.  

Cô bé Happy kể lại câu chuyện cuộc đời mình: “Nhà ngoại cháu rất nghèo, bà thì bệnh nặng, chú cháu thì thất nghiệp. Cả gia đình luôn phải sống trong tình cảnh thiếu ăn thiếu mặc vì thế bà đã cho cháu đi làm giúp việc để mong trang trải cuộc sống. Cháu không có sự lựa chọn nào khác”.
 
cô bé
Khuôn mặt sưng húp và đầy vết sẹo của cô bé Happy, 11 tuổi.

Nơi mà cô bé đến giúp việc là một gia đình giàu có nổi tiếng của thành Dhaka, đó là nhà của ngôi sao bóng chày Shahadat Hossaine và vợ Nritto Shahadat. Từ ngày trở thành giúp việc trong ngôi nhà của gia đình Shahadat, cô bé Happy gần như bị giam lỏng. Em không được ra khỏi nhà dù chỉ nửa bước.

Cô bé Happy cho biết: “Họ không bao giờ cho cháu ăn thức ăn bình thường như mọi người trong gia đình. Họ thường để cháu ăn những thực phẩm đã quá hạn sử dụng hoặc thức ăn thừa”.

Nhiều lúc, khi cảm thấy không vừa lòng với cô bé, hai vợ chồng sẵn sàng sử dụng bạo lực. “Họ sử dụng mọi thứ để đánh cháu, cây gậy, đũa trong nhà bếp… Cháu đã bị tát rất nhiều”, cô bé vừa nói vừa chỉ vào một vết sẹo dài trên má.

Trong nhiều tháng liền, cô bé đã tìm mọi cách để thoát ra khỏi chốn “địa ngục trần gian”. Trong suy nghĩ non nớt của một đứa trẻ 11 tuổi thì cô bé thà đi ăn xin trên đường phố còn hơn làm giúp việc trong ngôi nhà địa ngục này. Nhiều lần, cô bé Happy chỉ mong họ mở cửa, trong lúc sơ hở thì cô bé có thể chạy trốn ra ngoài.

Cuối cùng cô bé cũng đã trốn thoát được. Vì đôi chân khập khiễng và người đầy vết sẹo còn chưa lành nên cô bé đi lại rất khó khăn.

Cô bé thà đi ăn xin trên đường phố còn hơn phải sống trong "địa ngục trần gian".

“Cháu đã đau đớn một thời gian dài. Khi đi trên đường, nhiều người nhìn thấy cháu, họ nhìn chằm chằm vào cháu mà không hề có một sự giúp đỡ nào. Cháu đã phải dùng tay che đi đôi mắt sưng húp của mình. Đến lúc không thể chịu được, cháu đã ngã qụy bên vệ đường”.

Một nhà báo địa phương tốt bụng, ông Mojammel Hossain cho biết, ông đã nhìn thấy cô bé và đưa em vào bệnh viện. Cảnh sát đã ban hành lệnh bắt khẩn cấp đối với cặp vợ chồng nổi tiếng nhưng tàn bạo này.

Quá hoảng sợ trước dư luận và cảnh sát, đôi vợ chồng nhà Hossaine đã chạy về nhà gia đình cha mẹ vợ để trốn nhưng “lưới trời tuy thưa mà khó thoát”, bốn tuần sau, họ bị bắt. Cảnh sát trưởng thuộc cục cảnh sát Bangladesh cho biết: “Cô bé đã bị thương đáng kể. Nhiều nơi trên cơ thể của cô bé đã bị tổn thương. Mắt sưng húp và nhiều vết sẹo in hằn”.
 
Bốn tuần sau thì vợ chồng Hossaine bị bắt.

Nói về Hossaine, nhiều giới trẻ đã thần tượng và xem anh ta như một “anh hùng trong làng thể thao bóng chày". Sự nghiệp của anh ta đã khởi sắc từ năm 2005 và từ đó đến nay đã đem lại nhiều thành tích cho thể thao nước nhà. Tuy nhiên, sau sự việc bạo hành gây chấn động dư luận lần này, danh tiếng của Hossaine bị suy giảm đáng kể và đôi vợ chồng đang phải đối mặt với mức án cao nhất về tội lạm dụng trẻ em dưới độ tuổi lao động và bạo hành trẻ em.
 
 Hossaine đã từng được xem như "anh hùng trong làng thể thao" Bangladesh.

Nạn bạo hành và sử dụng trẻ em tại đất nước Bangladesh đang ngày càng tăng cao. Theo số liệu thống kê, hiện tại có hơn 421000 trẻ em tại đây đang làm giúp việc cho các gia đình. Theo bà Salma Ali, chủ tịch Hội phụ nữ tại Bangladesh cho biết: “Trong lịch sử, chúng ta đã từng biết đến chế độ nô lệ, lao động chân tay, nhưng hiện nay, trong thời buổi hiện đại, nạn “nô lệ” vẫn còn rất phổ biến nhất là ở phụ nữ và các bé gái”.

Robin Abdullah Chowdhury, một nhà hoạt động xã hội ở Dhaka, cho biết: “Những người giúp việc tuổi vị thành niên không có ý thức về sự xâm hại cũng như lạm dụng sức lao động. Họ không có sự lựa chọn nào khác và không có một luật nghiêm khắc nào để bảo đảm cho cuộc sống của họ”.
 

Phụ nữ và trẻ em trở thành nạn nhân của lạm dụng sức lao động ở Bangladesh.

Hiện tại, cô bé Happy đang dần hồi phục sau những chấn động về thể xác cũng như tâm lý, cô bé đang ở trong một ngôi nhà chung với các bạn đồng trang lứa, được đi học và bảo đảm hơn về cuộc sống.

Chia sẻ với phóng viên báo CNN, cô bé Happy cho biết: “Cháu không hề oán giận gia đình vì đã bắt cháu đi làm từ sớm. Gia đình cháu quá nghèo và họ cần tiền”. Nói về ước mơ tương lai, cô bé Happy cho biết: “Cháu mong được đi học như bao bạn bè, học đại học và sau này cháu mong muốn trở thành một diễn viên".

Nguồn: Daily Mail
Chia sẻ