Có ai điên khùng như tôi...
Có những lần, tôi làm dữ, không từ chối được, vợ tôi phải chiều nhưng đang lúc cao trào thì lại lầm bầm: “Đã nói người ta mệt mà còn đòi hỏi. Đúng là đồ khùng!”.
Lúc đó, cái sĩ diện của thằng đàn ông trong tôi bỗng thức giấc.
Tôi là con một, gia đình cũng khá giả. Ba mẹ tôi vốn là nông dân, nhờ chút khôn ngoan mà làm ăn nên nổi. Tuy nhiên, do mặc cảm về sự ít học của mình nên ba mẹ quyết chí cho tôi ăn học đàng hoàng. Năm 30 tuổi, tôi lấy bằng tiến sĩ ở nước ngoài. Tôi muốn xin vào một viện nghiên cứu hoặc giảng dạy ở một trường đại hoc nhưng một biến cố xảy ra khiến dự định của tôi bị đảo lộn. Ba tôi bị tai biến, không thể tiếp tục điều hành công việc làm ăn của gia đình. Vậy là tôi phải tiếp quản cả gánh nặng gia đình lẫn chuyện làm ăn của công ty.
Nhờ phúc đức ông bà nên công việc làm ăn cũng thuận lợi. Đến năm tôi 35 tuổi thì mẹ tôi giục: “Cưới vợ đi con. Bộ mày không muốn mẹ có cháu ẳm bồng trước khi theo ông bà sao?”. Ừ, mãi lo học hành, làm ăn, tôi quên mất chuyện này. Vậy là từ bữa đó, tôi để ý dò la các chị em chung quanh mình. Có lẽ tôi khó tính nên tìm suốt 1 năm mà chẳng được cô nào. Mẹ tôi lại giục. Không phải tôi “có vấn đề về giới tính” như mấy thằng bạn ghẹo mà vì tôi tin hôn nhân là do duyên số, nếu chưa tới số thì có muốn cũng không được, khi đã tới số rồi thì không muốn cũng gặp thôi.
Đúng như vậy thật. Ngày tôi tới số là hôm anh bạn dẫn về quê chơi. Cái số của tôi hiện hữu trong hình hài một cô thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng. Cô tên Thư, hàng xóm của ba mẹ anh bạn tôi. Thư học hết lớp 9 thì nghỉ học ở nhà. Hôm chúng tôi về chơi, ba má anh bạn nhờ cô qua phụ giúp nấu nướng, dọn dẹp. Khi vừa nhìn thấy Thư trong tà áo bà ba tím ngắt như bông lục bình, hồn phách tôi đã đi đâu mất hết.
Suốt mấy đêm liền tôi không ngủ được, lúc nào cũng tơ tưởng đến hình ảnh cô thôn nữ dịu dàng nhưng không kém phần rực rỡ trong tà áo bà ba. Tôi quyết định cưới Thư dù nhiều người can ngăn rằng gia cảnh, trình độ hai người quá chênh lệch. Nhưng tôi bất chấp. Tôi đâu cần một người vợ giỏi giang, hiểu biết bởi bản thân tôi đã có tất cả những điều đó. Tôi chỉ muốn có một bông hoa đẹp sánh bước với mình trong cuộc đời này để tất cả những ai đi ngang qua chúng tôi đều phải ngoái nhìn lại và trầm trồ: “Đúng là trai tài, gái sắc”.
Về sống chung rồi, tôi mới thấy cuộc đời không đơn giản như mình nghĩ. Bông hoa của tôi có những điều mà khi mới quen nhau, tôi không tài nào biết được. Ngôi nhà của chúng tôi vốn rất gọn gàng, khi tôi cưới vợ, ba mẹ tôi chỉ ở một phòng, còn lại thì dành hẳn cho chúng tôi từ tầng một đến tầng ba. Chẳng biết tự bao giờ, căn phòng rộng thênh thang trên tầng ba đã biến thành cái nhà kho. Thư tống vào đấy tất cả những thứ gì mà cô không xài đến nhưng không muốn vứt đi. Thỉnh thoảng, tôi lại phải thuê người đến dọn dẹp. Nhưng được ít hôm thì đâu lại vào đó. “Thứ gì không xài thì em vứt đi hoặc cho ai thì cho, chứ để tùm lum ra đó làm gì?”- có lần không ngăn được tôi đã cằn nhằn. Thư tròn mắt: “Toàn đồ mới, bộ khùng sao mà vứt đi?”.
Đó là lần đầu tiên tôi nghe vợ nói đến cụm từ “bộ khùng sao?”. Nhưng kể từ đó, tần suất xuất hiện của nó ngày càng dày đặc hơn và đã lan tỏa ra khỏi phạm vi hai vợ chồng.
Mẹ tôi thấy Thư suốt ngày quẩn quanh ở nhà rồi đi mua sắm nên cũng sốt ruột: “Con kiếm cái gì cho vợ con làm đi chớ ở không riết rồi nó sinh tật”. Khi tôi nói điều này thì Thư giẩy nẩy: “Đừng bắt em đi học nữa, ngán lắm. Tại sao em đã lấy chồng giàu rồi mà vẫn phải đi làm? Bộ mẹ anh khùng à?”. Trời, lại còn thế nữa? Nhưng tôi cố dằn lòng: “Em nói anh sao cũng được nhưng không được nói mẹ như vậy nghe chưa!”. Thấy tôi làm mặt nghiêm, bông hoa của tôi xuống nước: “Vậy thôi, để em tìm xem có nghề gì thích hợp sẽ đăng ký đi học”.
Sau đó, Thư hết đi học làm bánh, uốn tóc đến nấu ăn, trang trí nhà cửa... Nhưng thứ nào cũng học được đôi ba bữa thì kêu chán rồi bỏ giữa chừng. Tôi lại phải giảng giải cho vợ tôi hiểu là làm gì cũng được nhưng phải đi làm, nếu không có lao động thì con người ta sẽ cùn mằn, thui chột.
Thế là từ bữa đó, mặt mày vợ tôi lúc nào cũng chù ụ, đến nỗi mẹ tôi phải nhắc: “Nhà mình là nhà làm ăn mà mặt mày vợ con như vậy thì coi sao được”. Tôi lại xuống nước năn nỉ vợ. Cô nàng không thèm trả lời. Nhưng rồi cuối cùng cũng quyết định: “Em có quen chị bạn chuyên làm hoa đất. Anh cho em hùn với chị ấy mở công ty”. Tôi tặc lưỡi, thôi kệ, miễn là có làm việc là vui rồi. Biết đâu, khi làm ăn được, Thư lại thích thì sao!
Vậy là vợ tôi thành giám đốc của cái công ty chỉ có 3 người. Được hơn 6 tháng thì một bữa nọ, vợ tôi thông báo: “Em giải tán công ty rồi. Cứ tưởng bà bạn là người tốt, không ngờ làm ăn chung rồi mới biết người ta chẳng ưa gì mình mà chỉ muốn lợi dụng. Đúng là khùng thiệt!”. Tôi chưng hửng. Vậy là hơn trăm triệu bỏ ra mở công ty chỉ đổi được bài học này thôi. Chưa hết, khi cái công ty làm hoa đất của Thư dẹp tiệm thì một phần tầng hai tiếp tục biến thành nhà kho. Nguyên vật liệu, khuôn mẫu, máy móc, hàng tồn kho được chở về trên 2 chiếc xe tải. Tôi hết hồn: “Trời ơi, sao không thanh lý hết đi, chở về làm gì?”. Thư vẫn đủng đỉnh: “Có ai mua đâu mà thanh lý? Với lại, lúc mua thì bạc triệu, giờ bán lại vài chục ngàn, bộ khùng sao mà bán?”.
Tôi điên tiết với cái câu “bộ khùng sao...” của Thư nhưng vì lúc đó có mặt mẹ tôi ở đó nên tôi nhịn.
Hôm sau, mẹ tôi nói: “Thôi, bảo con Thư ở nhà đẻ cho mẹ thằng cháu nội đi, khỏi mần ăn gì nữa hết”. Tôi nói lại với vợ điều này, cô nàng giẩy lên như đĩa phải vôi: “Em đã quen ra ngoài làm việc rồi, giờ ở nhà làm sao mà chịu nổi, bộ khùng hả?”. Tôi lại cố dằn lòng, năn nỉ: “Thì em chỉ ở nhà một thời gian, sinh cho anh đứa con xinh đẹp giống em rồi lại bay nhảy”. Tôi năn nỉ riết, sau cùng vợ tôi cũng chấp nhận với điều kiện: Khi nào vợ tôi muốn ra ngoài chơi thì tôi phải để cho nàng đi, vợ tôi cần bao nhiêu tiền thì tôi phải đưa mà không được hỏi lý do...
Túng cùng, tôi phải chấp nhận. Thế là vợ tôi lại vui như tết. Mặt nàng rạng rỡ mỗi khi “tha” được một món đồ yêu thích về nhà. Thư mang về đủ thứ. Không chỉ áo quần thời trang mà cả những thứ gì “hay hay, lạ lạ” từ đồ gia dụng, điện tử đến trang trí nội thất, hễ Thư “thấy ưng bụng là mua về”.
Cho đến lúc căn phòng ngủ của hai vợ chồng biến thành cái nhà kho thì tôi bắt đầu thấy vợ mình không bình thường. Lúc đầu tôi còn nhẹ nhàng: “Em à, thứ gì cần thì hãy mua. Em mua nhiều như thế mà không xài thì phí”. Thư nghe vậy thì vùng vằng: “Em biết mà. Bây giờ anh bắt đầu thấy tiếc tiền rồi. Ai bảo anh cưới em làm gì?”. Tôi không tiếc tiền nhưng đồng tiền kiếm ra cũng không dễ dàng gì nên phải được xài đúng nơi, đúng chỗ.
Đến lần thứ ba tôi kêu gọi “hạn chế mua sắm” thì Thư đùng đùng nổi giận: “Anh nói sao chớ em thấy những thứ em mua về, toàn là thứ cần thiết. Không xài bây giờ thì mai mốt xài, có mất đi đâu? Bộ khùng sao mà đi mang vác những thứ vô dụng về nhà?”.
Cái cụm từ “bộ khùng sao?” của Thư xuất hiện dày đặc đến mức báo động rồi. Đến mẹ tôi cũng bị, bà con dòng họ ghé chơi cũng bị, cả bạn bè của tôi cũng trở thành nạn nhân của Thư.
Nhưng tất cả những chuyện đó, tôi đều có thể chịu đựng được, chỉ duy nhất một điều khiến tôi nổi khùng thật sự. Đó là cái chuyện quan hệ vợ chồng. Tôi phải thừa nhận mình không phải là người đàn ông mạnh mẽ nhưng tôi hoàn toàn bình thường. Dù công việc bận rộn, căng thẳng nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến năng lực làm chồng của tôi. Thế mà, mỗi khi tôi cần chứng tỏ thì nàng hết viện lý do đau đầu đến chóng mặt, nhức mỏi tay chân, buồn ngủ... để trốn tránh trách nhiệm. Thậm chí, có những lần, tôi làm dữ, không từ chối được, nàng phải chìu theo nhưng đang lúc cao trào thì lại lầm bầm: “Đã nói là người ta mệt mà còn đòi hỏi. Đúng là đồ khùng!”. Lúc đó, cái sĩ diện của thằng đàn ông trong tôi bỗng thức giấc. Thế là không đánh mà thua! Trên thương trường, tôi có khi nào thua trắng tay như thế...
Tôi chịu đựng như vậy đã 3 năm rồi. Tôi vẫn đang tiếp tục chịu đựng. Nhưng trước mặt tôi bây giờ không phải là cô thôn nữ xinh đẹp, dịu dàng trong tà áo bà ba tím ngắt mà là một lá đơn ly dị. Tôi đã khóc khi phải làm điều này...