Có 8 con nhưng vẫn neo đơn, cụ bà 88 tuổi "ôm" xe bánh mì, ngủ lề đường giữa Sài Gòn hoa lệ
Nằm khuất sau một góc nơi Sài thành tấp nập, cụ bà ngồi co ro sau chiếc xe đầy ắp bánh mì, cố nhíu con mắt lờ mờ của mình để quan sát và hi vọng một ai đó sẽ ghé đến mua một ổ bánh mì.
Câu chuyện về một bà cụ ở tuổi gần đất xa trời hàng ngày vẫn đều đặn đi chợ, mua dăm ba thứ nguyên liệu để về làm bánh mì, rồi cặm cụi chờ đợi khách ghé mua từ tối đến sáng đã trở nên quen thuộc với người dân sinh sống xung quanh khu vực ngã tư Phan Đăng Lưu – Phùng Văn Cung – Thích Quảng Đức.
Chiếc xe bánh mì cũ kỹ là cuộc sống mỗi ngày của cụ bà.
Bà là Lê Thị Xuân, năm nay đã 88 tuổi nhưng vẫn phải chạy vạy, kiếm từng đồng để trang trải cho cuộc sống mưu sinh. Dù bà có tận 8 người con (3 người đã mất) nhưng ai cũng đã có gia đình, cuộc sống khó khăn khiến họ không đủ điều kiện để đỡ đần bà trong những ngày cuối đời. Ngược lại, ngôi nhà duy nhất của bà đã bị đứa con gái ruột bán đi mà bà không hề hay biết. Hơn 6 tháng nay, xe bánh mì là nhà, vỉa hè lề phố là nơi cụ bà 88 tuổi nương náu mỗi đêm.
Nụ cười hiền hậu của cụ bà ngày đêm vẫn bươn chải cho cuộc sống mưu sinh.
"Lúc trước bà có nhà, nhưng con gái vì nợ nần nên nó bán để trả nợ. Giờ nhà mất rồi, bà phải ra ngoài đường để ngủ. Nhiều lúc mưa lớn, ướt hết xe bánh mì, bà phải xin người ta ngủ trong nhà để xe, chờ đến sáng mai để tiếp tục bán hàng", bà Xuân nghẹn ngào kể lại.
Dù cuộc sống khó khăn nhưng bà lúc nào cũng vui vẻ, lạc quan bởi mình còn sức khỏe, còn lao động để nuôi thân.
Một ngày mưu sinh của bà cụ Xuân bắt đầu từ lúc tờ mờ sáng và kéo dài đến tận 2, 3 giờ sáng ngày hôm sau. Mỗi buổi sáng bà phải ra chợ, mua một ít nguyên liệu thịt, chả để về làm nhân bánh mì, đến chiều thì đẩy xe bánh mì ra phía trước vỉa hè để bán.
Những lúc mệt mỏi, bà ngủ gục ngay tại chiếc xe bánh mì - "mái nhà" của mình.
"Ngày nào bà may mắn bán xong sớm thì ngủ được vài tiếng. Hôm nào ế ẩm, bán không được thì phải thức trắng đêm để canh xe bánh mì. Riết rồi bà thành thói quen, có cực khổ gì đâu", bà Xuân vui vẻ nói.
Dù cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng mỗi ngày, bà Xuân chỉ kiếm được vài chục ngàn từ việc bán bánh mì. Với số tiền ít ỏi đó, bà chỉ đủ trang trải tiền ăn uống, sinh hoạt mỗi ngày. Đôi mắt bà không còn nhìn thấy rõ như lúc trước. Nhưng do không có tiền khám bệnh, bà đành phải mua thuốc nhỏ mắt mỗi ngày để duy trì thị lực.
Hình ảnh của bà Xuân giữa lòng Sài Gòn khiến ai bắt gặp đều cảm thấy nhói lòng.
"Bà chỉ sợ một ngày nào đó không còn sức khỏe, đổ bệnh thì không biết làm thế nào. Giờ con cái đều có gia đình riêng, mình đâu thể phiền tụi nó được. Sống một mình như vậy mà vui, khỏi phiền con cái, muốn ăn ăn, muốn ngủ ngủ… Bà sống vậy quen rồi", đôi mắt bà ngân ngấn nước mắt mỗi khi nhắc đến con cái.
Số bà khổ, từ nhỏ bà đã phải xa gia đình, lặn lội từ ngoài Bắc vào Sài Gòn sinh sống. Đến khi có gia đình, bà lại một tay chăm sóc con cái, rồi khi chúng lớn lên, bà sợ thân già làm khổ các con nên dù có vất vả để kiếm sống mỗi ngày, bà nhất quyết không chịu phụ thuộc vào con cháu.
"Mấy đứa con cũng bảo bà dọn về sống, tụi nó chăm sóc cho nhưng bà thấy làm vậy không được. Về sống chung lại nảy sinh mâu thuẫn này nọ, thôi thì bà còn sức, còn buôn gánh bán bưng được nên cứ kiếm cơm qua ngày như bây giờ là được", bà Xuân chia sẻ.
Khi có người bắt chuyện, bà Xuân lại ríu rít kể lại cuộc đời của mình, mà nỗi buồn nhiều hơn niềm vui.
Bàn tay nhăn nheo, gầy guộc đã chai sần theo năm tháng.
Thấy hoàn cảnh bà Xuân khó khăn, lại già cả, nhiều người dân xung quanh khu vực này thường hay giúp đỡ. Vì không nhà cửa nên mọi chuyện tắm rửa, giặt giũ, điện thắp sáng xe bánh mì của bà đều được người dân hỗ trợ.
Có người thấy hoàn cảnh bà khó khăn, sau khi mua bánh mì ủng hộ bà thì gởi biếu bà vài chục ngàn, có khi lại cho bà bánh, sữa để bà bồi bổ sức khỏe.
Chỉ với 10.000 đồng nhưng ổ bánh mì của bà Xuân rất ngon.
"Có cái cậu kia qua mua bà ổ bánh mì, xong còn biếu bà tận 100 ngàn đồng. Cậu ấy còn viết giấy để lại, bảo sẽ đưa bà lên trên mạng, ai tìm đến bà mà giúp đỡ thì đưa cái tờ giấy cho họ. Bà có biết mạng miếc gì đâu", bà Xuân vui vẻ khoe.
Tờ giấy mà anh chàng tốt bụng đã giúp đỡ cụ để lại.
Cũng theo bà Xuân, kể từ ngày bà gặp cậu thanh niên trên, có một vài người đã tìm đến xe bánh mì của bà để mua ủng hộ, có người còn biếu bà tận 1,5 triệu đồng.
Có lẽ, điều mong muốn nhất của cụ Xuân chính là sức khỏe, để cụ tiếp tục bán bánh mì mưu sinh.
Bà bảo: "Nhờ có tiền người ta cho, bà đã trả xong được món nợ mà lúc trước vay mượn mọi người. Bà mừng lắm, giờ chỉ mong ngày nào cũng bán hết 30 ổ bánh mì, kiếm đôi ba chục để sinh sống. Bà giờ già cả rồi, đâu cần chi tiền bạc giàu sang, chỉ cần mọi người nhớ đến bà, ghé mua bà đôi ba ổ bánh mì rồi nói chuyện, vậy là bà vui rồi".