Có 4 kiểu giao tiếp phổ biến giữa cha mẹ và con cái, cách bạn lựa chọn ảnh hưởng cuộc đời con
Cách cha mẹ giao tiếp với con cũng quyết định sự gắn kết của mối quan hệ hai bên.
Giao tiếp trong gia đình là cái nôi để rèn luyện kĩ năng, hành vi giao tiếp, ứng xử… của mỗi người trong xã hội. Đồng thời, cách cha mẹ giao tiếp với con cũng quyết định sự gắn kết của mối quan hệ hai bên.
Có 4 phương thức giao tiếp phổ biến trong gia đình, mỗi kiểu lại có những tác động khác nhau:
1. Chỉ truyền đạt thông tin
Những gia đình sử dụng hình thức giao tiếp này thường chỉ sử dụng những gì họ thấy, nghe và biết làm nội dung giao tiếp chính. Ví dụ: "Con đã làm bài tập về nhà chưa?"; "Hôm nay con ăn gì ở trường?". Ngay cả khi trò chuyện cùng nhau, họ chỉ truyền đạt thông tin chứ không bày tỏ suy nghĩ hay cảm xúc.
Nếu hình thức này được sử dụng mỗi ngày trong gia đình, các thành viên sẽ cảm thấy cô đơn, biệt lập, khó tạo dựng được cảm giác thân thiết giữa cha mẹ và con cái.
2. Đổ lỗi
Kiểu giao tiếp này đôi khi được sử dụng để thể hiện sự không hài lòng và khó chịu của một người, chẳng hạn như: "Tại sao con lại làm vỡ cốc?"; "Tại sao con không vâng lời?". Đôi khi nó được sử dụng để thể hiện sự quyền uy: "Mẹ luôn đúng, con sai, cấm cãi". Thậm chí, nhiều người còn dùng cách này để bày tỏ sự quan tâm của mình đối với con cái, chẳng hạn như rõ ràng là lo lắng con thiếu dinh dưỡng, nhưng lại nói: "Đã gầy như que củi lại còn kén ăn".
Kiểu giao tiếp này rất dễ dẫn đến cãi vã. Việc cha mẹ thường xuyên sử dụng "tại sao" và "như thế nào" cũng như giọng điệu buộc tội, mỉa mai, thậm chí tấn công trực tiếp có thể dễ dàng khiến trẻ mất tự tin vào bản thân.
3. Chỉ dùng lý trí
Cha mẹ có trình độ học vấn cao thường có xu hướng này. Vì quá chú trọng đến logic, đúng sai nên khi giao tiếp với trẻ, họ luôn thích trích dẫn đủ loại kiến thức và phân tích nhân quả của sự việc, dẫn đến bỏ qua cảm xúc của trẻ. Ví dụ: "Bố bảo không được chơi với những đứa trẻ ít học thức đó. Nếu con bị bắt nạt thì bố mẹ cũng chẳng thể làm gì được…". Lúc này, cha mẹ không tìm hiểu nguyên nhân tại sao con thích chơi với bạn, cũng không quan tâm đến suy nghĩ của con.
Nhiều tình huống trong cuộc sống, nếu lạm dụng cách giao tiếp này, cha mẹ và con cái sẽ thiếu sự kết nối tình cảm chặt chẽ và dễ xa lánh nhau.
4. Thể hiện cảm xúc
So với ba kiểu trước, đây là cách giao tiếp tốt hơn. Nhưng những gia đình có mô hình nuôi dạy con truyền thống thường không quen hoặc không biết cách bày tỏ tình cảm với con cái. Ví dụ: Khi trẻ về nhà muộn, cha mẹ hiển nhiên lo lắng cho sự an toàn của con, nhưng khi thấy con, họ lại nói: "Con đi đâu mà muộn thế? Lần sau về muộn thế này, mẹ sẽ khóa cửa". Khi một đứa trẻ khóc, rõ ràng là cha mẹ xót con, nhưng lại nói: "Con khóc như thế này thật khó chịu. Nếu con còn khóc nữa, cảnh sát sẽ đến bắt con".
Thực ra, cha mẹ có thể thay đổi cách tiếp cận và bày tỏ cảm xúc của mình một cách rõ ràng: "Thấy con muộn thế mà không về, mẹ rất lo con gặp nguy hiểm!"; "Mẹ biết con buồn, muốn cùng con nghỉ ngơi".
Phương thức giao tiếp bày tỏ cảm xúc sẽ khiến cha mẹ gần gũi con cái hơn. Trẻ sẽ mở lòng, giúp bạn có cơ hội hiểu rõ hơn suy nghĩ và cảm xúc của chúng, từ đó cùng nhau đối mặt và giải quyết vấn đề. Điều cha mẹ cần học là bày tỏ cảm xúc bên trong của mình một cách chân thành và bằng những lời nói tử tế.