Chuyện về nàng Khiết - Nguyên phi Ỷ Lan, người phụ nữ 2 lần thay vua trị quốc và vết nhơ cuối đời vì một chữ "ghen"
Câu chuyện về bậc nữ nhi gánh trên vai vận mệnh đất nước nhưng rồi lại vì một chữ "ghen" mà ăn năn đến hết cuộc đời...
Từ một cô gái nông thôn chân chất, nàng Khiết đã trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ và có nhiều đóng góp quan trọng cho triều đại nhà Lý, thời vua Lý Thánh Tông.
Cô gái hái dâu "không thèm" đi xem vua
Nguyên phi Ỷ Lan, quê ở Siêu Loại, nay thuộc Gia Lâm, Hà Nội. Tương truyền, một hôm mẹ bà nằm mơ thấy nuốt khí mặt trăng, sau đó sinh ra một bé gái xinh đẹp, đặt tên là Lê Thị Yến Loan, hiệu là Khiết Nương, thường gọi là nàng Khiết. Bà có dung mạo đoan chính, vốn con nhà nông nhưng đầy đủ công dung ngôn hạnh.
Tục truyền rằng, vua cúng khấu cầu tự chưa thấy hiệu nghiệm, mới đi chơi khắp các chùa quán. Xe vua đi đến đâu, con trai, con gái đổ xô đến xem không ngớt, duy chỉ có một người con gái hái dâu cứ đứng tựa vào bụi cỏ lan.
Có ông lão bán dầu đi qua, thấy đám mây lành trên không lơ lửng như che nắng cho nàng bèn bảo: "Sao cháu không đi xem vua?" thì nàng đáp: "Thân phận con gái nhà nghèo, sao xứng mà đi xem vua!".
Vua Lý Thánh Tông bấy giờ ngồi trên kiệu thấy thế liền sai lính triệu đến gặp, vua hỏi: "Sao thiên hạ đều nô nức đi xem hội, xem vua, mà nàng vẫn cứ hái dâu ở đó?". Nàng Khiết bèn lạy tâu vua rằng: "Dì tôi sai tôi đi hái dâu, chứ có sai tôi đi xem vua đâu, vì thế tôi phải làm theo lời dì dặn".
Vua nghe thấy làm lạ, bảo rằng: "Đây quả là người có đức, có lẽ là người có một không hai trong thiên hạ". Thế rồi vua cho đưa vào cung, được vua yêu chiều, phong làm Ỷ Lan phu nhân.
Năm 1063, khi ấy, vua Lý Thánh Tông tuổi đã 40 nhưng chưa có con trai, sai chi hậu nội nhân là Nguyễn Bông làm lễ cầu tự ở chùa Thánh Chúa. Ba năm sau, tức năm 1066, Ỷ Lan phu nhân sinh hoàng tử Càn Đức. Ngày hôm sau lập hoàng thái tử, phong mẹ thái tử là Ỷ Lan phu nhân làm Thần phi.
Mùa xuân năm 1068, Thần phi sinh hoàng tử Minh Nhân Vương, bà được phong làm Nguyên phi, thứ bậc đứng đầu hoàng phi trong cung, chỉ sau Thượng Dương hoàng hậu.
Hai lần buông rèm nhiếp chính
Là bậc nữ nhi nhưng Nguyên phi Ỷ Lan lại có tài trị quốc an dân, bà đã hai lần buông rèm nhiếp chính cùng các đại thần và vua Lý giữ vững giang sơn.
Lần thứ nhất, trong Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng, mùa xuân năm 1069, vua thân đi đánh Chiêm Thành. Lần ra trận này vua đánh Chiêm Thành mãi không được, bèn đem quân về châu Cư Liên. Nghe tin Nguyên phi giúp việc nội trị, lòng dân cảm hoá vui vẻ, trong cõi yên tĩnh, tôn sùng Phật giáo, nhân dân gọi là bà Quan Âm, vua nói: "Nguyên phi là đàn bà còn làm được như thế, ta là đàn ông thì được việc gì!" Nói rồi lại đi đánh nữa, lần này đánh bắt được vua nước ấy là Chế Củ và dân chúng 5 vạn người.
Lần thứ hai là khi vua băng ở điện Hội Tiên. Thái tử Càn Đức khi ấy mới 7 tuổi, lên ngôi ở trước linh cữu, tôn mẹ đẻ là Ỷ Lan nguyên phi làm hoàng thái phi, mẹ đích là hoàng hậu Thượng Dương Dương thị làm hoàng thái hậu, buông rèm cùng nghe chính sự, thái sư Lý Đạo Thành cùng giúp đỡ công việc.
Bà không chỉ sửa sang việc quốc chính, chăm lo đời sống dân trí mà còn ban hành nhiều điều có lợi cho dân chúng. Chẳng hạn như năm 1103, "phát tiền kho nội phủ để chuộc những con gái nhà nghèo đã bán đợ mình, đem gả cho những người góa vợ". Có lẽ, xuất thân là một thôn nữ nên bà thấu hiểu được cảnh nghèo khổ mà phải đợ cho nhà giàu. Nói như sử thần Ngô Sĩ Liên là "con gái nghèo đến nỗi phải đợ mình làm mướn, con trai nghèo đến nỗi không có vợ, đó là cùng dân của thiên hạ, thái hậu đổi mệnh cho họ cũng là việc làm nhân chính".
Ỷ Lan nguyên phi thấu hiểu được những khốn khó của nông dân khi không có trâu cày bừa, định rõ lệnh cấm mổ trộm trâu.Vua xuống chiếu rằng "kẻ nào mổ trộm trâu thì xử 80 trượng đồ làm khao giáp (bị đày đi phục dịch trong quân đội), vợ xử 80 trượng đồ làm tang thất phụ và đền trâu", "nhà láng giềng không tố cáo thì xử 80 trượng".
Tưởng chừng, cuộc đời vị ái phi của vua Lý Thánh Tông sẽ vẽ tiếp những trang sử vàng, dốc sức cùng vua con và bề tôi giữ vững giang sơn.
Nhưng chuyện hậu cung, nào có đơn giản đến thế...
Vết đen cuộc đời vì một chữ "ghen"
Sử thần Ngô Sĩ Liên từng bàn "ghen là thường tình của đàn bà", nhưng vì sự ghen này để lại một vết rạch xé toạc những công tích của bà được sử sách ngợi ca.
Nguyên phi Ỷ Lan có tính ghen, cho mình là mẹ đẻ mà không dự chính sự, mới kể với vua rằng: "Mẹ già này khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác được hưởng, toan để mẹ già này vào đâu?". Năm 1073, vua bèn sai giam Dương thái hậu và thị nữ 76 người vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết, chôn theo lăng Thánh Tôn.
Với những công trạng to lớn của bà, lời trách cứ cho sự nhẫn tâm của Ỷ Lan cũng phần nào giảm bớt trong sử sách. Tuy nhiên, không phải ai cũng có cái nhìn bao dung đến vậy. Trong Đại Việt thông sử, nhà sử học Lê Quý Đôn đã chê trách thế này: "Đến như Ỷ Lan nguyên phi được vua con phong là Thần, đã phạm tội ác giết hại vợ đích của chồng".
Còn sử thần Ngô Sĩ Liên có nói: "Nhân Tôn là người nhân hiếu, Linh Nhân là người sùng Phật, sao lại đến nỗi giết đích thái hậu, hãm hại người không tội, tàn nhẫn đến thế ư! Vì ghen là thường tình của đàn bà, huống chi lại là mẹ đẻ mà không được dự chính sự. Linh Nhân dẫu là người hiền cũng không thể nhẫn nại được, cho nên phải kêu với vua. Vua lúc ấy còn trẻ thơ, chỉ biết chiều lòng mẹ là đích, mà không biết là lỗi to. "
Cũng vì thế mà vua Lý Nhân Tông cũng bị gánh tiếng than phiền. Trong Đại Nam quốc sử diễn ca có câu:
"Năm mươi năm lẻ lâu bền,
Vũ công, văn đức rạng truyền sử xanh.
Thượng Dương, sao nỡ bạc tình?
Để bà Dương hậu một mình ngậm oan."
Mùa xuân năm 1115, phong ba hoàng hậu là Lan Anh, Khâm Thiên, Chấn Bảo và 36 cung nhân. Bấy giờ vua không có con trai nên lập nhiều hoàng hậu và cung nhân làm đàn chay để cầu tự. Thái hậu dựng chùa thờ Phật, trước sau hơn trăm sở. Tục truyền rằng thái hậu hối lại việc Thượng Dương thái hậu và các thị nữ không tội mà bị chết, mới làm nhiều chùa Phật để sám hối và rửa oan.
Mùa thu hai năm sau, Ỷ Lan hoàng thái hậu băng hà, hỏa táng, bắt ba người thị nữ chôn theo. Bà được dâng thụy là Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu.
Ngày nay, trên con phố Hàng Bông đông đúc và sầm uất, rẽ vào ngõ nhỏ mang tên Tạm Thương vài trăm mét là một ngôi đình cổ - đình Yên Thái. Đây là nơi thờ phụng Hoàng thái hậu Ỷ Lan, Nguyên phi của vua Lý Thánh Tông.
Đình Yên Thái được Bộ Văn hóa - Thông tin công nhận là di tích lịch sử văn hóa năm 1995. Lễ hội truyền thống của đình được tổ chức vào các ngày 15-17/3 và 23-25/7 âm lịch để kỷ niệm này sinh, ngày hóa của Phù thánh Linh Nhân hoàng thái hậu Ỷ Lan.
Sử ta trải qua bao thăng trầm, bên cạnh những đấng anh hùng, những bậc quân tử thì nước ta cũng đã xuất hiện nhiều bậc nữ nhi có tài kinh bang tế thế mang lại biến đổi lớn cho dân tộc. Những công lao của họ, không ít thì nhiều đều được sử sách và hậu thế ghi nhận, là minh chứng cho phụ nữ đất Việt, trẻ cũng như già, dệt gấm thêu hoa làm nên non sông đất nước.