Cô gái Hải Phòng cùng lúc giành 11 học bổng du học tại Anh, trong đó có ĐH Oxford: "Mình trải qua 45 phút căng thẳng nhất cuộc đời nhưng cực kỳ xứng đáng"
Lệch múi giờ, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi bắt đầu vào 23h khuya. Nhưng hành trình săn học bổng, qua lối kể đầy hào hứng của cô gái Hải Phòng khiến tôi thật sự bị lôi cuốn...
Nhắc tới Trần Mỹ Ngọc, hẳn nhiều người sẽ nhận ra đây là cái tên "đình đám" vào tháng 8 vừa qua. Cùng một lúc, nữ sinh này nhận được 11 học bổng từ các trường đại học hàng đầu thế giới như Oxford, York, Bristol, Sheffield.... Trong đó, nổi bật nhất là hành trình săn học bổng trong vòng... 2,5 tháng từ Oxford, ngôi trường đại học top 1 thế giới (theo bảng xếp hạng THE 2021).
Mọi thứ xảy đến quá nhanh, quá bất ngờ, chưa kịp "định thần" lại thì một ngày, cô gái 22 tuổi nhận ra mình đã đặt chân lên nước Anh, đứng trên khuôn viên ngôi trường mà trước đó chưa một lần nghĩ sẽ được trở thành một thành viên ở đó.
Trong suốt quá trình trò chuyện, Ngọc luôn khiêm tốn cho rằng mình khá may mắn. Nhưng, điều mà tôi nhận thấy từ cô gái nhỏ nhắn này, không chỉ là chuyện nghị lực, dám từ bỏ môi trường ổn định nhiều người mơ ước để bắt đầu thử thách mới... mà còn là nhiệt huyết tràn trề khi nói về mục tiêu 1 năm, 2 năm sau. Đó chính là: "Làm sao để trẻ em Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn, đều có thể học ngoại ngữ bằng công nghệ giáo dục hiện đại với mức phí tiết kiệm nhất".
Công nghệ Giáo dục Ngôn ngữ cũng là nội dung chính trong bài luận văn xin học bổng của Ngọc, là ấn tượng đầu tiên để nữ sinh này được gọi phỏng vấn sau 10 ngày nộp hồ sơ.
Hãy cùng trò chuyện để tìm hiểu xem, bí quyết nào để cô gái này chinh phục cả 7 trường đại học hàng đầu chỉ trong thời gian ngắn như thế!
45 phút dài nhất trong cuộc đời
- Chào Ngọc. Tôi có đọc được một chia sẻ mới đây, bạn kể rằng dù hết một học kỳ rồi nhưng vẫn chưa hoàn toàn tin được bản thân nhận học bổng vào Đại học Oxford. Bạn có thể miêu tả cảm giác "choáng ngợp" hiện tại cụ thể hơn được không?
"Choáng ngợp" đúng là từ diễn tả đúng nhất cảm giác của mình lúc này. Mọi thứ xảy ra nhanh quá, mọi quá trình nộp học, học bổng và nhập học chỉ khoảng 2,5 tháng, từ tháng 7 tới tháng 10 năm nay. Nhiều khi đi trong trường, mình còn nghĩ không biết đây có phải là giấc mơ không nữa.
Được học trong một môi trường giáo dục hàng đầu thế giới vừa là sự vinh dự, cũng cảm thấy tự hào là người Việt Nam nữa.
- Nộp học, học bổng và nhập học chỉ vỏn vẹn chưa đầy 3 tháng, bạn đã thực hiện như thế nào?
Mọi thứ quả thực trôi qua nhanh như một cơn gió. Trở thành sinh viên của Đại học Oxford luôn là mong ước của mình từ rất lâu. Tuy nhiên, theo những gì mình tìm hiểu và được tư vấn, mỗi năm Oxford chỉ có khoảng 5-10 sinh viên Việt Nam nhập học, gồm cả theo dạng học bổng và tự túc, nhưng hiếm ai được trường tài trợ 100% học phí. "Oxford là ngôi trường dành cho hoàng gia và quý tộc", mình đã nghĩ như vậy nên tìm kiếm cơ hội tại các trường khác của Vương quốc Anh.
Mình hoàn thành xong hồ sơ xin học bổng của các trường khác bắt đầu từ tháng 4, sau đó bắt đầu nộp vào đầu tháng 5. Mình nộp 7 trường, đến tháng 6 nhận được 11 học bổng, vì trong đó có một trường cho rất nhiều học bổng.
Đến tháng 7, một người bạn mới bảo mình tại sao không thử sức vào Cambridge hay Oxford? Lúc đó mình cứ nghĩ không được đâu, thực sự có chút tự ti vì thấy những ngôi trường này danh tiếng quá. Nhưng đằng nào cũng chẳng mất gì khi thử sức nên cuối cùng mình quyết định nộp hồ sơ vào tháng 7, với dự định đi học năm sau. Vừa nộp hồ sơ 1 tuần thì trường trả lời luôn và hẹn 10 ngày sau phỏng vấn.
- Từ khi nộp hồ sơ đến khi nhận được học bổng, theo bạn đâu là giai đoạn khó khăn nhất?
Thường khi nói về việc săn học bổng, nhiều bạn sẽ nghĩ đến việc chuẩn bị hồ sơ. Tất nhiên, đây là yếu tố thu hút đầu tiên của ứng viên. Mình biết có những người chuẩn bị hồ sơ đến cả năm trời hoặc sử dụng các dịch vụ giúp hoàn thành hồ sơ du học rất chuyên nghiệp. Thậm chí ngay ở Anh, mình biết nhiều sinh viên bỏ ra khá nhiều tiền để bộ hồ sơ trông thật trau chuốt.
Tuy nhiên, vì có thời gian chuẩn bị nên thường hồ sơ của ứng viên nào cũng cực kỳ "hoành tráng". Điều làm nên sự khác biệt để chinh phục hội đồng giám khảo theo mình chính là phần phỏng vấn, nhiều ứng viên cũng đã thất bại nhiều nhất chính là ở "vòng thi" quyết định này.
Thú thực dù đã trải qua khá nhiều lần phỏng vấn nhưng 45 phút "hỏi xoáy đáp xoáy" ở Đại học Oxford chính là 45 phút dài nhất cuộc đời mình. Trong hai người, một giám khảo cởi mở, người còn lại thường chỉ trích và tỏ ra hoài nghi mỗi lần mình trả lời. Điều này khiến mình mất bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, thậm chí có những câu ấp úng, mình đã nghĩ "thôi xong rồi".
Sau này mình mới biết đó là phương pháp thường được áp dụng trong thẩm vấn tội phạm, gọi là "good cop, bad cop", mục đích là để người được hỏi hoảng sợ và thể hiện những gì chân thật nhất. Do đó, các bạn cần bình tĩnh trong cuộc phỏng vấn, không nói dối và tự tin thể hiện những gì mình biết.
- Điều gì khiến bạn ấn tượng nhất khi lần đầu tiên đặt chân vào ngôi trường danh giá này?
Mình may mắn từng du học đại học ở Úc, và cũng đã có 6 tháng học ở Anh trước đó theo chương trình trao đổi sinh viên nên khi đặt chân đến đất nước này không quá bỡ ngỡ như những người khác.
Tuy nhiên, khi vào Oxford, mình vẫn vô cùng ấn tượng với thư viện trường. Cực kỳ đẹp, cảm giác khi lần đầu tiên bước vào đây rất choáng ngợp bởi sự nguy nga. Nhiều vĩ nhân, nhà khoa học đạt Nobel Prizes ngày xưa cũng đi lại trong mấy thư viện này, và thư viện này là nơi diễn ra rất nhiều cảnh quay của phim Harry Porter nữa.
Tại Oxford, mình cũng có cơ hội gặp 10 cựu học sinh từ trường đạt giải Nobel vật lý hay những người nổi tiếng khác, như buổi nói chuyện trực tuyến về khởi nghiệp với Bill Gates, hay được chụp ảnh với giáo sư Andrew Pollard – người đứng đầu đội nghiên cứu vaccine của đại học Oxford, thành viên của St Cross College. Cũng tại ngôi trường này, mình được gặp và làm quen với ông David Kovacs – hiện tại đang là Giám đốc quan hệ quốc tế mảng Thương mại điện tử của APEC.
- Một ngày của bạn ở Oxford diễn ra như thế nào?
Mỗi một sinh viên khi được nhận vào đại học Oxford sẽ nằm trong hai hệ thống quản lý: Department (khoa) sẽ chịu trách nhiệm về quá trình học tập, công việc và kết quả của học sinh, trường (college) sẽ phụ trách về các vấn đề khác của học sinh bao gồm học bổng, sức khoẻ, vấn đề tâm sinh lý. Các giờ học với giáo sư sẽ diễn ra trong khoa nhưng phần lớn thời gian còn lại học sinh sẽ ở thư viện của trường hoặc là sân chơi để kết bạn.
Hiện ở đây mình học cả online và offline. Một môn học offline thì tầm 5 tiếng. Mỗi ngày mình học 3 tiếng ở trường. Do ảnh hưởng dịch bệnh nên các hoạt động gặp gỡ giữa giáo sư và sinh viên chuyển sang trực tuyến, tụi mình cũng di chuyển đến các phòng học rộng hơn để đảm bảo giãn cách.
- Bên cạnh những thuận lợi, niềm vui thì bạn có những khó khăn gì khi theo học ở môi trường nhiều cạnh tranh này?
Nếu nói về khó khăn thì có lẽ là do mình đang hiện làm một lúc nhiều việc như dạy tiếng Anh online, bắt đầu tìm hiểu các hoạt động về APEC, đi học, làm bài mà lượng bài của trường mình khá nặng... nên có những lúc mình bị stress quá mức, có khi muốn buông xuôi, làm việc không hiệu quả.
Những lúc đó mình phải học cách cố gắng cân bằng thời gian tốt hơn. Đồng thời, mình bắt đầu tập thể dục nhiều hơn và tập ngồi thiền, may mắn là mọi thứ sau đó từ từ quay lại bình thường.
Kinh nghiệm xin học bổng vào các trường đại học danh tiếng
- Mới trở về Việt Nam, lại đang làm công việc yêu thích là giảng viên, tại sao bạn quyết định "rẽ hướng" và xin học bổng du học?
Trở về sau 5 năm sống và làm việc ở Úc, mình trở về với tâm thế muốn tìm hiểu những môi trường giáo dục khác nhau, từ đó định hướng cụ thể tiềm năng ngành Ngôn ngữ học ở Việt Nam và hướng đi lâu dài cho mình.
Thực sự, mình cũng đã suy nghĩ rất nhiều vì công việc lúc đó rất ổn định, là giảng viên trẻ nhất tại một trường đại học, đồng thời là giáo viên tiếng Anh tại một trung tâm và trường liên cấp tại Hà Nội. Tuy nhiên, những ngày nghỉ dịch Covid – 19, chỉ dạy online ở nhà, ý nghĩ "làm một điều gì đó khác" để tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi này xuất hiện.
Hơn nữa, ngành học của mình là ngành Ngôn ngữ học, nó rất coi trọng sự hiểu biết tường tận về lý thuyết của nhiều hệ thống giáo dục khác nhau. Cuối cùng mình quyết định sẽ nộp đơn du học tiếp lên thạc sĩ và quyết định chọn Anh Quốc là điểm đến tiếp theo.
- Ngọc có thể chia sẻ chi tiết về bí quyết giành học bổng từ các đại học danh tiếng thế giới?
Như mình đã nói, thông thường bạn sẽ trải qua 2 bước khi xin học bổng du học, đó chính là chuẩn bị hồ sơ và vòng phỏng vấn.
Ở phần thư giới thiệu, điều đặc biệt khi nhờ thầy cô, cố vấn gửi thư giới thiệu là bạn sẽ không biết nội dung bức thư đó như thế nào. Người viết sẽ trực tiếp gửi cho trường mà không thông qua bạn. Do đó, việc chọn và nhờ người viết thư giới thiệu cần cẩn trọng.
Về GPA (điểm trung bình các môn học), mỗi trường đều có yêu cầu riêng về điểm GPA, nhưng thông thường nếu muốn giành học bổng có hỗ trợ tài chính lớn, điểm của bạn phải xuất sắc, tức 3.6/4.0. Đối với Oxford, trường yêu cầu sinh viên phải có điểm học tập tối thiểu 3.8 nên nếu xác định tìm kiếm học bổng tại đây, các bạn phải cố gắng ngay từ đầu.
Về bài luận, với các trường tại Anh, mình thấy họ không chuộng lối viết sướt mướt, "ôn nghèo kể khổ" theo kiểu "tôi sinh ra lớn lên lại một làng quê", mà chỉ quan tâm đến việc anh vào trường tôi làm gì, kế hoạch ra sao.
Trong mỗi bài luận, mình nghĩ bạn nên tập trung trả lời ba câu hỏi: Nói về bản thân, định hướng và lý do chọn ngành và trường; Với định hướng như vậy, tại sao bạn lại chọn trường và tại sao trường cũng nên chọn bạn; Khi trở thành sinh viên, bạn sẽ đóng góp cho trường ra sao và trở thành người như thế nào sau khi tốt nghiệp?
Các bạn nên viết hoàn chỉnh một bản rồi đọc lại và tự sửa trong hai tuần. Sau khi đã tự tìm ra lỗi và xác định được bố cục trong bài, bạn mới bắt đầu nhờ người khác kiểm tra.
Mình nhờ 3 người kiểm tra, sau đó, mình tìm đến website Proof Reading để đăng ký sửa luận online. Giám khảo là những học giả, giảng viên, nghiên cứu sinh tại các trường có tiếng trên thế giới. Họ sẽ đọc và giúp mình sửa lại bài luận để hoàn thiện nhất, chi phí khoảng 8-12 bảng Anh/lần (khoảng 240.000-360.000 đồng).
Về phỏng vấn, vì gọi video nên bạn mặc một chiếc áo sơ mi, đầu tóc gọn gàng là được. Khi bắt đầu, bạn không nên đợi giám khảo hỏi mình trước hoặc để họ phỏng vấn ngay. Bạn nên chủ động mở lời, nói xin chào, đồng thời hỏi thăm vài câu hỏi đơn giản, bạn sẽ giúp không khí bớt gượng gạo và bình tĩnh, tự tin hơn để bắt đầu phỏng vấn.
Khi được các thầy cô hỏi: "Em có câu hỏi gì cho chúng tôi không?", các bạn không nên hỏi những câu như một tuần được làm thêm bao lâu mà tập trung hỏi về cơ hội học trao đổi với các trường khác, hỗ trợ của trường khi bạn có nhu cầu chuyển ngành nếu học lên cao hơn...
- Từ chính những kinh nghiệm của mình, bạn muốn nhắn nhủ điều gì tới những bạn trẻ có ý định đi du học hiện nay?
Mình nghĩ rằng, các em hãy tập trung định hướng bản thân sớm nhất có thể. Việc định hướng bản thân nghe thì rất khó, nhưng thực ra lại chính là việc các em hãy nên thử sức với các lĩnh vực khác nhau để tìm ra được ít nhất 3 lĩnh vực quan trọng mà mình có thể cân nhắc sẽ theo đuổi trong tương lai.
Nếu ngay cả việc ngành học gì, sau này ra mình muốn làm gì, làm thế nào để trở thành một cá thể giỏi giang có nhiều đóng góp lớn mà chúng ta cũng không chắc chắn, tại sao người ta phải lựa chọn trao học bổng cho mình?
Sau khi chọn được định hướng của mình, các em hãy toàn tâm toàn sức phát triển bản thân theo định hướng đó. Có nghĩa là mọi việc các em làm đều nên phục vụ định hướng của mình. Kể cả việc xin việc làm thêm, tham gia ngoại khoá, nếu các em thấy nó có ích cho mình thì trường cũng nghĩ vậy.
Một điều chú ý mình muốn nhắn nhủ tới các bạn trẻ, đó là các bạn hãy xây dựng những mối quan hệ bền vững qua những năm đại học của mình. Đồng thời, hãy chú ý phát triển các kỹ năng mềm như kỹ năng giao tiếp, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm... Đây là những kỹ năng quan trọng phải trau dồi từ từ chứ không phải một hai ngày là có.
- Bạn nhắc nhiều về Công nghệ Giáo dục Ngôn ngữ, điều này đóng vai trò như thế nào trong việc học tập ngôn ngữ mới?
Ngày trước đi dạy, mình thấy phần lớn phụ huynh và cả học viên đều lo về chất lượng giáo viên. Một mối lo hoàn toàn hiểu được. Hiện nay các trung tâm dạy tiếng mọc lên rất nhiều nhưng rất nhiều giáo viên nước ngoài không có bằng cấp. Vấn đề này không chỉ xảy ra ở Việt Nam, mà Trung Quốc, Thái Lan, Ấn Độ và nhiều đất nước khác. Trong hoàn cảnh đó, mình thấy công nghệ giáo dục sẽ là giải pháp ngắn nhất, hiệu quả nhất giải quyết tình trạng này.
Việc sử dụng công nghệ trong giáo dục nói đơn giản là công nghệ được sử dụng như một công cụ hoặc một nền tảng để truyền đạt và tiếp thu kiến thức.
Khoảng 1 năm trước mình đã làm việc với một số bên làm ứng dụng (app) công nghệ. Có một chương trình học ngôn ngữ sử dụng Al và thực tế ảo của New Zealand, hiện đang dùng ở 80 trường học bên Úc. Bạn cứ tưởng tượng đơn giản, khi người dùng bật app lên, màn hình sẽ hiện ra một viễn cảnh. Ví dụ người đang bán bánh mì cho mình chẳng hạn.
Học viên sẽ đeo tai nghe, nói chuyện với người đó. Nếu phát âm đúng thì màn hình sẽ chuyển sang cảnh tiếp theo. Có nghĩa nó sẽ như một cuộc hội thoại bình thường. Học viên sẽ đeo kính 3D nên cảm giác sẽ như đang giao tiếp thật sự. Các bài học này sẽ được xây dựng theo lộ trình, tùy vào khả năng tiếp thu và mục đích của người học.
Chương trình học ngôn ngữ sử dụng Al và thực tế ảo hiện rất được yêu thích vì tính tiện lợi và hiệu quả mà nó mang lại. Có 9 ngôn ngữ cho học viên lựa chọn. Mọi học viên, dù ở bất cứ nơi đâu cũng có thể được tiếp cận cùng một loại kiến thức bằng những phương pháp khác nhau.
Công nghệ giáo dục đang làm việc giảng dạy trở nên nhàn hạ hơn cho thầy cô, nhẹ nhàng hơn cho học sinh, dễ dàng hơn cho bố mẹ, và quan trọng nhất, cho phép các học sinh được tiếp cận kiến thức một cách đơn giản nhất.
Theo mình, việc học như chơi, chơi như học qua ứng dụng công nghệ sẽ giúp cho việc học ngoại ngữ đỡ áp lực hơn. Bởi học một ngôn ngữ mới nên là niềm vui, là tận hưởng và chìa khóa để mở ra các cánh cửa khác chứ không nên là áp lực, ép buộc.
- Vậy dự định tương lai của bạn sau khi học xong Thạc sĩ là gì?
Ước mơ lớn nhất của mình là được trở về Việt Nam và mở ra một ngôi trường liên cấp, nơi những triết lý giáo dục, những kiến thức và kỹ năng của mình trong suốt những năm tháng đi học được truyền đạt lại cho các con em, những người trong tương lai sẽ trở thành những thủ lĩnh của thế hệ mới. Trong đó, tất nhiên việc ứng dụng các Công nghệ Giáo dục Ngôn ngữ sẽ là điều mình ưu tiên hàng đầu.
Tháng 3 này, nhóm 3 thành viên của tụi mình sẽ bắt đầu thử nghiệm ứng dụng giáo dục này vào việc dạy tiếng Anh online, sau đó đến tháng 9 năm sau trở về Việt Nam, mình sẽ bắt đầu từng bước đưa ứng dụng này vào việc giảng dạy ở trung tâm, xa hơn là các trường học.
Mong muốn của mình là làm sao để trẻ em Việt Nam, không phân biệt giàu nghèo, thành thị hay nông thôn, đều có thể học ngoại ngữ bằng công nghệ giáo dục hiện đại mà không quá lo lắng các vấn đề như chất lượng giáo viên, chi phí...
- Cảm ơn Ngọc đã chia sẻ!
Trước khi giành 11 học bổng thạc sĩ từ 7 đại học của Vương quốc Anh, Ngọc tốt nghiệp bằng xuất sắc từ trường Monash College, nhận học bổng 30% theo học hai ngành Ngôn ngữ học Ứng dụng và Truyền thông tại Đại học Melbourne - đại học số 1 nước Úc.
Năm 2016-2017, Ngọc lấy điểm IELTS 8.0 và trở thành thực tập sinh ở toà soạn báo Herald Sun - tờ báo lớn thứ hai nước Úc. Với thành tích học tập ấn tượng, cô gái Việt được đề cử vào top 5% học sinh có điểm trung bình năm 3 cao nhất khoa Nghệ thuật, Đại học Melbourne.
Nhờ sự chủ động, thông minh, chỉ trong 2 tháng học tại ĐH Oxford, cô đã chinh phục được các thầy cô và trở thành học sinh quốc tế đầu tiên được chọn vào hai nhóm nghiên cứu lớn nhất của khoa là LiFT (Learning for Families through Technology) và REAL (Research In English as An Additional Language). Cô cũng là học sinh duy nhất từ Việt Nam theo ngành ngôn ngữ học ứng dụng ở trường trong 10 năm trở lại đây.