Chuyện tình yêu thay đổi lịch sử hôn nhân thế giới
Tình yêu của hai người đã làm nên một điều vĩ đại trong lịch sử nước Mỹ.
Tình yêu vượt qua định kiến chủng tộc
Richard Loving là chàng trai người Mỹ da trắng còn Mildred lại là con gái của một người Mỹ gốc Phi. Họ gặp nhau khi Richard là chàng thanh niên “17 bẻ gãy sừng trâu”, Mildred mới 11 tuổi với giọng nói nhẹ nhàng và đôi mắt biết cười.
Cả hai cùng lớn lên tại hạt Caroline, đông nam Fredericksburg, bang Virginia, nước Mỹ. Họ chính thức hẹn hò sau 4 năm quen biết. Cuộc tình của họ cứ êm đềm trôi đi trên những cánh đồng bát ngát trải rộng chân trời.
Rồi cô có mang năm 18 tuổi. Richard vô cùng hạnh phúc trước thông tin bất ngờ này. Hai người nhanh chóng quyết định gắn bó cả cuộc đời với nhau. Trong khi Mildred đắm chìm trong hạnh phúc thì Richard lo lắng nghĩ tới cuộc hôn nhân của mình. Anh biết, theo luật ở Virginia, người da trắng không được kết hôn với người da màu. Anh quyết giấu nhẹm đi sự thật này.
Anh chị Loving
Thế rồi Richard nghĩ ra một kế sách tuyệt vời đó là tới Washington DC vì thủ đô này không có khái niệm phân biệt chủng tộc trong hôn nhân. Vốn là người đơn giản, Mildred không thắc mắc tại sao mình phải đi quá xa để tổ chức đám cưới. Hơn nữa, Richard cũng đã tìm ra muôn vàn lý do thích hợp nhất để thuyết phục chị. Mildred chỉ biết tận hưởng hạnh phúc ngọt ngào của mình.
Richard cũng như bố vợ anh nghĩ rằng, cuộc hôn nhân sẽ êm thấm nếu như anh chị làm đám cưới tại một bang khác hợp pháp, sau đó lại về sống tại bang Virginia.
Sau lễ cưới diễn ra vào ngày 2/6/1958 tại Washington DC, hai vợ chồng anh chị quay trở về quê hương Virginia yêu dấu mà không biết giông tố đang chờ đợi mình.
Tai họa ập đến
Trong một đêm hạnh phúc, cảnh sát ập vào bắt hai vợ chồng son.
Tai họa ập đến
Trong một đêm hạnh phúc, cảnh sát ập vào bắt hai vợ chồng son.
Ngày 6/1/1959 anh chị bị đưa ra tòa án Caroline County Circuit. Richard và Mildred bị kết án ngồi tù 1 năm và phải lập tức rời khỏi bang Virginia trong vòng 25 năm sau khi ra tù. Tình yêu của hai người là một bi kịch trong rất nhiều bi kịch của nạn phân biệt chủng tộc tại các nước phương Tây những năm 60 của thế kỷ trước.
Một năm sau khi ra tù, vợ chồng Richard và Mildred cùng đứa con đầu lòng Peggy buộc phải đi khỏi quê nhà. Họ chuyển đến Washington DC sinh sống. Tại thủ đô rộng lớn này, Richard làm thợ xây dựng, còn Mildred ở nhà chăm sóc các con. Họ lần lượt có với nhau 3 mặt con.
Nụ hôn ngọt ngào của tình yêu mãnh liệt
Mặc dù sống tới 4 năm tại Washington nhưng gia đình Loving không phù hợp với nhịp sống sôi động ở nơi này. Họ nhớ quê hương da diết. Mildred mong ước cháy bỏng một ngày được quay trở lại thị trấn Central Point bé nhỏ. Và họ lén trở về Virginia, sống chui lủi tại một căn nhà được dựng lên ngay trên mảnh đất của gia đình Richard.
Mặc dù đã về đến quê nhà nhưng họ vẫn chưa thỏa mãn. Họ muốn được tự do sống như bao gia đình khá chứ không phải sống trốn tránh như thế này nữa.
Cuộc đấu tranh lịch sử
Mildred luôn khắc khoải về cuộc hôn nhân của riêng mình cũng như cuộc hôn nhân của bao cặp đôi khác chủng tộc. Chị tâm sự: “Tại sao luật pháp lại cấm cuộc hôn nhân của chúng tôi vì màu da khác nhau và vì chúng tôi yêu nhau thật sự? Tại sao? Chẳng lẽ tình yêu giữa những người khác màu da sẽ mãi mãi bị luật pháp, xã hội gạt bỏ?”.
Niềm ao ước “giải phóng” hôn nhân khác chủng tộc đã thôi thúc chị hành động. Ngày 28/10/1964, chị can đảm viết thư trình bày trường hợp, quan điểm và nguyện vọng về cuộc hôn nhân của mình gửi tới ông Robert F. Kenedy, người đứng đầu Bộ Tư Pháp Hoa Kỳ.
Không những thế, Mildred và Richard còn gửi thư kêu gọi sự ủng hộ từ Giáo hội Công giáo và Giáo hội Trưởng lão. Hai vợ chồng chị cũng viết thư đến các bang công nhận luật hôn nhân khác chủng tộc để nhận được sự đồng tình cũng như trợ giúp của họ.
Kết quả là cuộc hôn nhân của hai người được chấp nhận. Nhưng vợ chồng anh chị vẫn chưa thực sự hạnh phúc khi trên cuộc đời này, vẫn còn bao tình yêu bị ngăn cấm giống mình trước đây. Vợ chồng anh chị tiếp tục hành động khiến những phiên tòa được mở ra với các cuộc tranh cãi nảy lửa.
Bình yên bên các con
Phải mất một thời gian dài, vào năm 1967, Tòa án Tối cao chấm dứt các cuộc tranh cãi khi kết luận Luật chống hôn nhân khác chủng tộc của bang Virginia là không phù hợp với Hiến pháp nước Mỹ: “Hôn nhân là một trong những quyền công dân cơ bản của con người, cần thiết cho sự sinh tồn của chúng ta”.
Cuộc hôn nhân và sự đấu tranh của anh chị đã thay đổi cả lịch sử nước Mỹ. Gia đình Loving có thể đường hoàng, thanh thản sống tại quê nhà yêu dấu.
Tuy nhiên, cuộc sống vẫn không công bằng với họ khi bắt họ rời xa nhau sau 8 năm mỉm cười trước sự thay đổi của lịch sử. Năm 1975, Richard không may qua đời ở tuổi 41 trong một tai nạn xe ô tô, thủ phạm là một người đàn ông say rượu. Tháng 5/2008, Mildred qua đời ở tuổi 68 vì bệnh viêm phổi.
Bây giờ, dù không hiện diện trên cõi đời này nhưng Richard và Mildred vẫn sống mãi trong lòng nước Mỹ vì họ đại diện cho tuyên bố mạnh mẽ về tự do, tình yêu và hôn nhân. Câu chuyện của họ từng xuất hiện trong bộ phim tài liệu “The Loving Story” do nhà làm phim Nancy Buirski của HBO thực hiện. Bộ phim nhận được sự đón nhận của hàng triệu khán giả.
Trung Quốc cũng có một mối tình vô cùng lãng mạn và đầy trắc trở, với một kết thúc có hậu. Đó là câu chuyện tình yêu của Tôn Trung Sơn và Tống Khánh Linh.