Chuyện tình tựa cổ tích giữa Sài Gòn của cặp đôi U90: Ông mất một chân vẫn đạp xe kiếm đồng nát nuôi vợ, luôn xưng hô hai tiếng "anh - em"
Giữa một Sài Gòn mà người ta vẫn nói “hoa cho người giàu, lệ cho kẻ nghèo”, vẫn có một đôi vợ chồng mà với họ, dù là hoa hay lệ, chỉ cần có nhau đã là có đủ.
Ngày ngày cọc cạch đạp chiếc xe cà tàng bằng đôi chân một bên đã chẳng còn nguyên vẹn, thân hình gầy gò của ông Huỳnh Duy Tế (82 tuổi) ngày ngày vẫn ngược xuôi khắp ngóc ngách Sài Gòn để lượm ve chai. Đây không chỉ là kế mưu sinh để nuôi sống một mình ông ở cái tuổi “gần đất xa trời” mà còn là từng bữa ăn cho người vợ là bà Nguyễn Thị Út (74 tuổi) đã từ lâu chẳng thể rời khỏi nhà.
“Vợ tôi đau chân, từ lâu không đi được. Tôi lượm ve chai 20 năm nay rồi, hai vợ chồng sống. Ve chai ngày bán có 15.000 đồng, bữa nào nhiều thì được 20.000 đồng thôi à…” - móm mém, ông nói về cuộc sống mà đối với nhiều người, đây là điều tưởng chừng không thể tin nổi giữa một trong những thành phố đắt đỏ, xa hoa bậc nhất Việt Nam.
Hạnh phúc với ông Tế, đựng trong một căn nhà hẹp, căn nhà với chiếc ghế vải đã sờn rách, với những món đồ sứt góc mẻ cạnh được mọi người xung quanh thương tình mang cho, với hàng đống ve chai giấy vụn chất quanh nhà…
Là người vợ với “một bên đầu gối sưng bự”, luôn “chống gậy vào ra, chỉ có thể ở nhà nấu cơm, nhặt rau” vẫn luôn đợi ông trở về nhà sau một ngày dài nắng mưa dãi dầu. Ông bà nói, trong nhà chẳng có thứ gì là đáng giá. Và thứ đáng giá nhất có lẽ là chân tình cả đời này đối phương đã dành tặng.
“Ông ấy tật nguyền thì có sao đâu, miễn là ông ấy sống với tôi là được rồi.” - câu nói nhẹ bỗng của bà Út cũng khiến nhiều người chẳng khỏi rưng rưng - “Nhà tôi không có gì quý giá hết. Ông ấy là tài sản quý giá nhất trên đời rồi. Không có gì bằng hết. Vợ chồng già nương nhau sống mà.”
Vẫn luôn là những tiếng “anh - em” ngọt ngào, những câu thủ thỉ hỏi xem “nay bệnh trong mình có bớt”, “không bớt để anh xin thuốc cho em uống”, là chiếc vòng cũ ông Tế nhặt được lúc lượm ve chai tặng nhưng bà Út vẫn luôn giữ gìn... nhẹ nhàng bình dị vậy thôi, nhưng có lẽ đây là hình dung chân thực nhất về lời thề bên nhau đến răng long đầu bạc của đôi lứa.
“Già thì mình vẫn xưng hô anh em, đi tới đâu người ta thấy kêu anh em cũng bảo ông bà nói chuyện ngọt ngào.
Chuyện quý báu nhất là hai vợ chồng mình thương nhau. Không bao giờ mở miệng nói, ‘Ở với anh, tôi thiệt thòi’ hay ‘Ở với anh tôi khổ sở’, không có. Tôi không biết tặng gì nhưng nếu vợ nói bữa nay thích ăn món gì đó thì tôi mua, về bà ấy mừng lắm.” - Ông Tế kể, trong đôi mắt mờ đục với những nếp nhăn chạy dài vẫn cong lên tia hạnh phúc.
Niềm vui lớn nhất với ông bà thời gian gần đây có lẽ là việc lần đầu có một bộ ảnh cưới sau mấy mươi năm kết hôn, lần đầu khoác lên mình bộ vest, chiếc váy cưới trắng tinh do mạnh thường quân tài trợ.
Lật giở từng bức ảnh nhỏ trong cuốn album, cẩn thận từng chút, với hai ông bà, đó thực sự là những hình ảnh đáng trân quý nhất cuộc đời này.
“Lời chúc thì không có nhưng tôi ước ao hai đứa mình cứ ở bên nhau. Mình lớn tuổi quá nên chẳng biết ước gì, cái ước ao của mình chỉ có vậy thôi chứ không có gì hơn. Không có ước ao làm giàu hay gì cả, chỉ ước ở bên nhau tới ngày chết thôi”.