Chuyện tình cảm động của nữ sinh viên và chàng trai tật nguyền

Theo VnExpress,
Chia sẻ

Cô sinh viên rời bỏ Hà Nội, trở về Nghệ An để được sống gần người mình yêu.

Những ngày qua, đám cưới của chú rể Nguyễn Bá Kỳ và cô dâu Phan Thị Nga khiến làng quê nghèo xã Nghi Phong huyện Nghi Lộc (Nghệ An) rúng động. Nhiều người bàn ra tán vào, không tin đó là sự thật bởi chú rể là một người tật nguyền, chỉ nằm trên chiếc xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ còn cô dâu là đang là sinh viên đại học ở Hà Nội.

Nguyễn Bá Kỳ (22 tuổi) sinh ra ở làng quê nghèo xã Nghi Phong. Biến cố xảy ra vào năm Kỳ học lớp 4 trường làng, lúc bấy giờ bỗng nhiên em phải nếm trải những cơn đau không rõ nguyên nhân. Dù vậy, điều kiện kinh tế khó khăn, mọi người đều nghĩ rằng cậu bé chỉ bị chấn thương do chơi đùa với bạn nên không để ý. Hai năm sau, đang trên đường đi học, Kỳ bị ngã quỵ sau cơn đau tê dại, đến lúc không thể đứng lên được, bố mẹ mới hoảng sợ đưa em đến bệnh viện.

Nghe bác sĩ chẩn đoán Kỳ bị viêm đa khớp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng hoạt động của tứ chi đặc biệt là đôi chân, cần phải điều trị khẩn cấp. Việc học hành của cậu bé 12 tuổi phải dừng lại để đi chữa bệnh, bố mẹ Kỳ cũng lần lượt thay nhau đưa con trai vào viện. Khi căn bệnh đang ở thời kì chữa trị quyết liệt nhất thì một mất mát quá lớn diễn ra với em. Năm 2001, bố của Kỳ đột ngột qua đời sau một cơn tai biến.

Trong đám cưới, chú rể nằm trên xe lăn, cô dâu ngồi cạnh rạng ngời hạnh phúc

Thương mẹ, gia cảnh lại nghèo nên Kỳ không nghĩ đến việc chữa trị để phục hồi chức năng, mà nằng nặc đòi về nhà, chấp nhận một cuộc sống của người nằm trên xe lăn, mọi sinh hoạt đều phải có người giúp đỡ.

Năm 2005, tình cờ đọc được bài báo về Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, Kỳ bắt đầu có suy nghĩ tại sao mình lại không làm được như anh Hùng? Công nghệ thông tin có thể thay đổi được thế giới và thay đổi được cả bản thân mình... Từ đó, ước mơ về một chiếc máy tính ám ảnh Kỳ cả trong những bữa ăn, giấc ngủ. Trong một lần đi giao lưu cùng những người khuyết tật, cùng cảnh ngộ, ước mơ của Kỳ đến tai một vị lãnh đạo tỉnh Nghệ An, và người này đã âm thầm tặng Kỳ một bộ máy vi tính.

"Có được máy tính, em vỡ òa trong sung sướng và quên ăn, quên ngủ để mày mò, nối mạng internet tìm kiếm. Khi thấy nhu cầu giao lưu, chia sẻ học hỏi và tâm sự của những người cùng cảnh ngộ là rất lớn, em và một số người nữa quyết định lập nên diễn đàn caunoinguoikhuyettat.com", Kỳ nhớ lại.

Diễn đàn của chàng trai trẻ trở thành điểm đến giao lưu, gặp gỡ, tâm sự của những người khuyết tật trên cả nước nhưng có nằm mơ, Kỳ cũng không dám nghĩ rằng từ diễn đàn này, cậu lại tìm được tình yêu đích thực.

Trong một lần lang thang trên mạng, Phan Thị Nga (22 tuổi) - cô sinh viên ngành kế toán của một trường đại học ở Hà Nội trở thành thành viên của diễn đàn cầu nối người khuyết tật. Nga quê ở vùng biển Cổ Đạm, Nghi Xuân (Hà Tĩnh), thuở nhỏ, Nga theo anh chị ra đồng chẳng may trượt chân ngã xuống hố, bị chấn thương sọ não và di chứng là cánh tay trái bị liệt, bước chân tập tễnh, đi lại khó khăn.

Mặc dù vậy, cô gái nghèo vẫn quyết tâm vượt lên tất cả, học để đổi đời. Sau khi tốt nghiệp cao đẳng kế toán, Nga xin được việc làm ở Hà Nội và tiếp tục học lên đại học. Sau khi đăng kí thành viên của diễn đàn, Nga thỉnh thoảng liên lạc với Kỳ để tâm sự. Không biết tự lúc nào, Nga và Kỳ đã thấy trống vắng nếu một ngày không nhắn tin hay điện thoại để hỏi thăm nhau.

Nhìn tấm ảnh cưới của hai vợ chồng trẻ, nhiều người vui đến rơi nước mắt

Tình cảm ấy ngày càng lớn dần, mặc cho Kỳ cũng nói thật cho Nga hay, rằng mình chỉ là một phế nhân, ăn nằm một chỗ, cơ thể chỉ như cậu bé chưa đầy 10 tuổi. Nhưng với Nga, đó không phải là điều cô bận tâm. Cái mà cô hạnh phúc nhất chính là việc đã lâu lắm rồi, kể từ khi Nga biết nhận thức được cuộc sống, chưa có ai ngoài Kỳ mang lại cho cô sự chia sẻ từ tâm, thật lòng và chân tình như vậy.

Với tất cả sự tự tin, tháng 11/2011, trong dịp nghỉ học giữa kỳ, trở về nhà ở Hà Tĩnh, Nga đã quyết định một mình đạp xe đạp vượt hơn 20 cây số sang nhà thăm Kỳ ở xã Nghi Phong. Đó là một cuộc gặp gỡ định mệnh. Từ tình yêu đã nhen nhóm qua mạng, qua tin nhắn và điện thoại thì Nga còn có tình thương và trách nhiệm, sự gắn bó sau cuộc gặp gỡ bất ngờ. Với Kỳ, đây cùng là lần đầu tiên anh cảm nhận được tình cảm chân thành của một người con gái. Mặc dù biết mình đã yêu cô gái nhỏ nhắn, mảnh khảnh nhưng Kỳ lại luôn mặc cảm, không dám thổ lộ điều mình muốn nói.

Trở lại Hà Nội sau kì nghỉ, cô sinh viên luôn trầm tư, suy nghĩ. Tình yêu, tình thương và trách nhiệm đã khiến cô luôn dằn vặt. Nhiều lúc, cô đã định cầm điện thoại nói thật tình cảm của mình với Kỳ. Dịp Tết Nhâm Thìn, Nga lại lẳng lặng sang thăm Kỳ, và ở lại nhà chăm sóc cho anh hai ngày. Biết Kỳ mặc cảm cho cơ thể tật nguyền, Nga đã chủ động nói lên tình cảm của mình.

Nghe những lời tâm sự từ cô gái, chàng trai có thân hình khô héo như tàu lá chuối không dám tin đó là sự thật. Mẹ của anh cũng không cầm được nước mắt, ra sức khuyên cô sinh viên nên tìm kiếm một người khác bởi cuộc sống của Kỳ rất mong manh. Đáp lại ý kiến đó, đôi bạn trẻ càng yêu nhau say đắm hơn và nói về một đám cưới.

Nghe tin con gái có người yêu, muốn cưới chồng, bố mẹ Nga rất mừng nhưng khi biết con rể tương lai là một người tật nguyền, hai ông bà lại kịch liệt phản đối.

"Bố mẹ nào mà chẳng thương con, muốn con có một người chồng khỏe mạnh, lành lặn nhưng khi hiểu được tình cảm chân thật của cả hai, bố và mẹ đều đồng ý để hai đứa đi đến kết hôn", Nga tâm sự.

Ngày 22/4, bước rẽ cuộc đời của cả đôi bạn trẻ khi họ quyết định tổ chức đám cưới. Ban đầu, cả hai chỉ định làm một vài mâm cơm báo cáo gia tiên nhưng trước đám cưới đặc biệt này, họ hàng nội ngoại và bạn bè quyết định tổ chức "hoành tráng". Chiếc xe lăn cũ kĩ được sửa sang lại, gắn thêm đủ các loại dây tơ hồng, kim tuyến, bóng bay.

Niềm hạnh phúc đời thường của vợ chồng Kỳ - Nga

Việc khó khăn nhất là Kỳ không thể đi rước dâu. Gia đình nhà trai quyết định để phù rể đi đón hộ nhưng bố mẹ Nga đều không đồng tình, con gái họ lấy một người chồng nằm liệt một chỗ đã là việc không tưởng, nay ngay cả việc rước dâu cũng không làm được thì sau này tương lai, số phận của Nga, ai sẽ đảm bảo. Trước sự quyết liệt của tình yêu đôi trẻ, gia đình họ ngoại cũng đồng ý và thông cảm cho các con. Hôm đó, khi đám rước đưa cô dâu Phan Thị Nga về đến đầu làng, chú rể Nguyễn Bá Kỳ đã cố gắng lên xe lăn, ra tận đầu ngõ đón vợ tương lai trong sự chúc phúc hò reo của đông đảo mọi người gần xa.

Nhìn cảnh cô dâu đứng che chở, nâng đỡ chú rể đeo cà vạt nằm trên chiếc xe lăn trong buổi lễ, nhiều người không cầm được nước mắt.

Sau đám cưới, hai vợ chồng trẻ cứ ríu rít như chim bồ câu. Để tiện chăm sóc chồng, Nga đã quyết định tạm thời dừng việc học ở Hà Nội, về Nghệ An tìm kiếm một công việc phù hợp. Từ ngày có vợ, ước mơ sống, cống hiến và làm việc càng trở nên cháy bỏng trong Kỳ. Anh chàng có đam mê về công nghệ thông tin đang mong muốn tìm kiếm một công việc phù hợp qua mạng để giúp đỡ vợ trong cuộc sống.

"Cuộc sống không có gì là không thể nếu như mình có niềm tin, có nghị lực và đam mê. Với chúng tôi, có được nhau đã là một điều thần kì, nhưng sẽ kì diệu hơn nếu chúng tôi sống được, sống hạnh phúc bằng chính nghị lực và niềm đam mê của cả hai người", vợ chồng Kỳ - Nga tâm sự.
Chia sẻ