Chuyện tình bi thảm của vị giáo sĩ bị thiến
Chàng là giáo sĩ, nàng là nữ tu, chuyện tình của họ so về mức độ mãnh liệt và cả sự bi đát thì không thua gì Romeo và Juliet. Chỉ khác, họ là nhân vật có thật.
Họ là Pierre Abelard, nhà triết học và thần học lừng danh của nước Pháp thế kỷ 12, và Heloise, một trang giai nhân mà sắc đẹp của nàng tuy đã hơn người nhưng nếu so với trí tuệ và phẩm cách thì còn kém phần nổi bật. Họ tạo nên câu chuyện tình bất hủ, chuyện tình được xem là đẹp nhất mà cũng bi thảm nhất trong lịch sử loài người.
Mối tình bị cấm đoán
Pierre Abelard gặp Heloise lần đầu tiên khi chàng đã 36 tuổi, còn nàng mới là thiếu nữ tuổi 16. Lúc đó, Abelard đã là một triết gia, một nhà thần học kinh viện lừng danh, là giáo sư xuất sắc trong các lĩnh vực này ở Paris. Còn Heloise là cháu ruột của Fulbert, một giáo sĩ có chức sắc, giàu có và thế lực. Nàng được hưởng một nền giáo dục tốt từ nhỏ, và đến tuổi trăng tròn thì đã trở nên thông tuệ hơn người. Không rõ vì đã biết đến Heloise từ trước và phải lòng nàng nên Abelard mới “thu xếp” để Fulbert mời chàng đến làm gia sư dạy nàng về triết học, hay ý muốn trau dồi kiến thức cho cháu gái của Fulbert đã tạo điều kiện cho đôi tài tử giai nhân gặp gỡ. Chỉ biết rằng không bao lâu sau khi Abelard đến ở nhà Fulbert để dạy học, giữa hai người đã nảy sinh một tình yêu nồng cháy.
Dù chuyện hôn nhân của cô cháu cưng đã an bài nhưng Fulbert không bao giờ nguôi mối hận đối với Pierre Abelard, và ngài tự thề sẽ trả thù. Ngài rỉ tai bạn bè, người thân từng chút một về chuyện của Abelard – Heloise, gieo vào lòng họ sự khinh bỉ đối với cặp đôi này, và họ làm nhục thiếu phụ những khi có dịp. Ngài thậm chí còn có ý định giết Abelard và gả cháu gái cho một người khác.
Xót xa cho cảnh bị hành hạ, lăng nhục của vợ, Abelard bảo nàng hãy tạm lánh vào một tu viện và gửi con về cho chị gái chàng. Biết tin này, Fulbert càng điên giận, nghĩ cô cháu dại dột của mình đã hết lòng yêu một kẻ không xứng đáng để rồi bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy đến mức phải vào nhà tu kín. Để trừng phạt, đêm nọ, Fulbert thuê một nhóm người xông đến nhà Abelard đè ra thiến chàng.
Về nỗi đau này, Abelard viết: “Khi tôi đang chìm vào giấc ngủ, họ đã đột nhập với sự tiếp tay của một tên đầy tớ của tôi bị họ mua chuộc. Tại đó, họ trút sự trả thù vào tôi với sự tàn độc nhất và cách trừng phạt đáng hổ thẹn nhất. Tất cả những việc họ làm khiến cả thế giới kinh hoàng, vì họ cắt lìa bộ phận của cơ thể tôi với với suy nghĩ tôi là nguyên nhân nỗi đau buồn của họ”. Nỗi đau khủng khiếp cơ thể không là gì so với nỗi nhục nhã và tuyệt vọng về một hạnh phúc lứa đôi, sau sự biến này, Abelard chính thức trở thành một tu sĩ thuộc dòng tu Benedek ở Saint-Denis. Từ đó, cuộc đời chàng dành trọn cho nghiên cứu triết học, thần học. Còn tình yêu đau đớn đối với Heloise, thứ tình yêu mà thảm kịch và sự chia lìa không diệt nổi, chỉ được tiếp tục qua những trang thư.
Mất chồng, Heloise cũng nguyện không cải giá. Nàng phủ khăn đen lên đầu, trở thành một nữ tu cùng dòng tu với Abelard. Dù thân thể đã bị bó buộc, trái tim họ vẫn dành cho nhau suốt đời. Những lá thư trao qua đổi lại trong những năm ấy đã trở thành những áng văn chương bất hủ của nhân loại. “Anh biết không, anh yêu dấu? Cả thế giới đều biết, em đã mất anh. Làm thế nào mà số phận khốn khổ với hành động phản bội trắng trợn lớn nhất lại có thể cướp đi anh của em?”; “Nếu mất anh, em còn gì để hy vọng chứ? Tại sao phải tiếp tục khi trong cuộc hành hương của đời người, em chẳng còn chỗ dựa nào ngoài anh, chẳng ai chịu hiểu rằng anh vẫn tồn tại và em bị cấm tất cả những niềm vui khác bên anh, nỗi lòng hân hoan về sự hiện diện của anh hết lần này tới lần khác có thể cứu rỗi chính em?”, trong thư gửi Abelard, Heloise đã viết như vậy.
Những năm xa nhau, Abelard tiếp tục đi sâu hơn, xa hơn trên con đường học thuật và phát triển tư tưởng của mình, những tư tưởng được vô số trí thức ngưỡng mộ học hỏi, nhưng cũng khiến cho những kẻ thủ cựu nổi giận. Sự bất đồng đó khiến ông bị cáo buộc tội dị báng bổ, dị giáo, bị đuổi khỏi tu viện, bị quản thúc, lưu đày, bị đốt sách do mình viết, và không ít lần phải đối mặt với ấm mưu ám hại, thủ tiêu…
Những sự đọa đày đó dần làm Abelard kiệt sức. Ông qua đời ở tuổi 63. Còn Heloise, bà sống thêm 22 năm nữa trong sự tưởng nhớ người đàn ông duy nhất của đời mình, cai quản tu viện nơi bà gắn bó, nuôi dạy những đứa trẻ theo tinh thần khoa học và đạo đức mà mình tin tưởng.
Ngày nay khi đến thăm kinh thành Paris hoa lệ, nhiều người không quên đến thăm nghĩa trang Père Lachaise, nơi an nghỉ những linh hồn cao quý nhất của nước Pháp – những trí thức, nhà văn, nhạc sĩ, thiên tài, và đặc biệt là cặp tình nhân huyền thoại Abelard – Heloise. Sau khi lìa đời, họ đã được chôn cạnh nhau ở tu viện mà Heloise cai quản, và 7 thế kỷ sau đó, họ được đưa về nghĩa trang này, ở bên nhau vĩnh viễn.
Dũng cảm hơn cả Romeo và Juliet - đôi tình nhân dám chết khi cuộc đời không cho ở bên nhau -, họ đã làm được một điều đáng cho ta cúi mình kính ngưỡng: tiếp tục sống, tiếp tục chịu đau đớn để cống hiến, để yêu. Và dù cách mặt, họ thực sự đã bên nhau, có nhau suốt cuộc đời và cả khi đã sang bên kia thế giới.