Chuyến tàu "Xuân Vận" 48 tiếng: Hành trình về quê ăn Tết của những người sống ở nông thôn xa nhà và muôn hình vạn trạng chuyện đời chuyện mình
Người trên chuyến tàu này có khi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại những người bạn đồng hành nhưng trong suốt 48 tiếng, họ đã có thể chia sẻ rất nhiều thứ, thậm chí trải lòng tâm sự sâu sắc với người xa lạ mà không sợ bị đánh giá.
Đó là một buổi chiều chủ nhật vào tháng 1 khi nhiệt độ bên ngoài là 25 độ, có một đám đông hành khách đang tụ tập bên ngoài nhà ga Hải Nam, phía Nam Trung Quốc.
Nhóm người này chủ yếu là đàn ông ở độ tuổi 40, 50 và ngồi trên băng ghế có đủ loại ba lô, túi xách bên cạnh. Một người đàn ông mặc bộ đồ màu xanh lá cây và đôi giày da, đang nói chuyện rôm rả với một người đàn ông khác đang hút thuốc dưới gốc cây. Đằng sau lưng những người đàn ông này là một bảng hiệu với dòng chữ khá lớn: “Nhà ga Haikou chào mừng bạn".
Những người đàn ông đang được nhắc đến chỉ là một trong số hàng trăm triệu người về quê ăn Tết Nguyên Đán ở Trung Quốc. Cuộc di chuyển này được gọi là Xuân Vận, kéo dài 40 ngày tính luôn thời gian trước và sau Tết. Chuyến tàu chở những người này sẽ di chuyển trong 48 tiếng từ Hải Nam đến Cáp Nhĩ Tân, tỉnh Hắc Long Giang, với chiều dài là 3.911km, nơi nhiệt độ mùa đông trung bình là âm 19,7 độ C và có thể xuống đến nhiệt độ thấp nhất là âm 38 độ C.
Hầu hết những hành khách đi chuyến tàu này đều là người lao động nhập cư ở nông thôn, họ đến làm việc tại các nhà máy ở thành phố lớn, nơi xa quê hương đến mấy nghìn cây số. Cái gọi là dân số trôi nổi này đã lên đến 287 triệu người vào năm 2017. Và Tết Nguyên Đán là thời gian duy nhất trong năm mà họ có thể về nhà với vợ con. Trên cỗ xe ghế cứng, một hành khách sử dụng máy cạo râu điện ồn ào khi anh ta nhìn tàu rời ga. Đằng sau anh là một người đàn ông khác có làn da rám nắng, tầm khoảng 40 tuổi đang nằm dài trên một hàng ghế không có người, bụng lộ cả ra ngoài.
Yu Bingzhi, một thợ hàn 49 tuổi tại một nhà máy điện ở thành phố Sanya, Hải Nam, đang ngồi trên chiếc ghế bar ở một góc khu ăn uống. Anh sẽ phải chờ thêm 41 tiếng nữa để đến thành phố Kim Châu, tỉnh Liêu Ninh, nơi anh sẽ nghỉ ngơi một tháng. Trong 10 năm, Yu đã trồng nhân sâm của quê nhà.
Anh ấy cho mọi người xem hình ảnh nhân sâm trên điện thoại với vẻ mặt phấn khích. Tám năm trước, anh chuyển sang hàn điện để có mức lương cao hơn, giúp anh tăng thu nhập hàng tháng từ 600 nhân dân tệ (hơn 2 triệu đồng) lên đến 8000 nhân dân tệ (hơn 26 triệu đồng). Sau khi hoàn thành công việc của mình, anh đã trở về nhà với vợ và con gái.
Anh Yu nói, hàn điện là một công việc nguy hiểm. Anh có 5 đồng nghiệp đã qua đời vì làm nghề này. Mặc dù lúc đầu anh ấy thích công việc này nhưng giờ anh lại quan tâm đến khói và phóng xạ có hại, cũng như việc tổn thương cho mắt do tiếp xúc với tia UV khắc nghiệt. “Tôi có thể làm gì khác đây, tôi không được học hành giỏi như bao người", anh chia sẻ.
Một công nhân nhập cư khác tên Zhou Chenbao, 46 tuổi, bị mất vài cái răng và có bớt lớn ở má trái đang khoanh tay trên hàng lang giữa các toa xe. Năm năm trước, Zhou đã bỏ vợ và 3 đứa con ở tỉnh Giang Tây để đến Hải Nam làm kỹ thuật viên máy móc. Anh rất nhớ vợ con và thường nói chuyện với họ mỗi đêm thông qua ứng dụng trò chuyện Wechat.
Dù nhớ như thế nhưng anh không thể về, anh phải kiếm tiền để con trai có thể kết hôn vào một ngày nào đó. Anh nói, với những người sống tại vùng quê nơi anh ở, của hồi môn phải có giá trị tầm 100 nghìn nhân dân tệ (hơn 330 triệu đồng). “Nếu là tôi thì mọi người sẽ làm gì. Tôi còn rất nhiều đứa con, có rất nhiều áp lực", anh nói.
Hay một người đàn ông ngồi kế Zhou tên Yan Zhenquan, làm nghề trang trí ở Hà Nam cũng có nỗi lòng riêng mình. Cũng giống như Zhou và Yu, anh Yan sở hữu chiếc vé tàu đứng, nhưng vì không có chỗ ngồi nên anh đành phải ngồi lên hành lý của mình. Ở Hà Nam, Yan làm việc 10 tiếng một ngày, làm suốt 7 ngày trong tuần tại khu nghỉ dưỡng sang trọng Ocean Flower Island. Yan nói, anh đoán rằng có hơn 90% nam giới ở quê cũng làm nghề giống như anh.
Vào buổi tối, trên chuyến tàu luôn có không khí đặc biệt. Mọi người ngồi và đứng san sát nhau, có người cầm điện thoại, có người ngồi nói chuyện với người bên cạnh bên bia và hạt hướng dương, trẻ em thì ré lên vì phấn khích khi trời bắt đầu tối dần, có cả gia đình ba người đang ngồi chơi bài trên gối.
Đến 7 giờ sáng hôm sau, chuyến tàu ngừng ở Quảng Châu và có nhiều khách lên tàu hơn. Tại đây, có một công nhân tên Ceng Fali, 41 tuổi, đang ngồi cùng giường với dì và chú của mình. Anh nói rằng, 3 người nhà đều về nhà ở Cáp Nhĩ Tân. Anh Ceng và gia đình từng làm nông dân trồng ngô ngọt và đậu nành nhưng đã chuyển đến phía Nam sống vào 3 năm trước với hy vọng cải thiện được thu nhập và có được công việc ổn định hơn. Họ đã làm việc 9 tiếng một ngày, nhưng họ bảo rằng không mệt vì đã quen rồi.
Trên chuyến tàu này, không phải ai cũng về nhà. Có một số gia đình từ Phật Sơn đến Cáp Nhĩ Tân để du lịch. Họ dự định đến công viên điêu khắc băng và tuyết nổi tiếng, đặc biệt là muốn đi trượt tuyết. Khi đoàn tàu đến tỉnh Giang Tây, các hành khách bắt đầu mặc áo ấm nhiều hơn. Có một người đàn ông đang hút thuốc trong thời tiết 9 độ C. Người đàn ông tuổi ngoài 50 này đã nói rằng, anh là người ở Liêu Ninh, mỗi ngày đều làm việc ở công trường Hải Nam để kiếm sống, mỗi ngày đều cảm thấy cô đơn.
Xung quanh anh là một nhóm người khác cũng đang hút thuốc, than thở rằng Tết Nguyên Đán những năm gần đây không như ngày trước. Có nhiều thành phố đã ban hành lệnh cấm bắn pháo hoa, chấm dứt truyền thống lâu đời. Những người khác thì than phiền và chê bai sự suy giảm trong phong tục truyền thống, mỗi người mỗi hoàn cảnh và kể về chuyện đời.
Chuyến đi Xuân Vận là thế đấy, những người trên tàu có khi sẽ chẳng bao giờ có cơ hội gặp lại những người bạn đồng hành nhưng trong suốt 48 tiếng, họ đã có thể chia sẻ rất nhiều thứ, thậm chí có những người trải lòng tâm sự sâu sắc với người xa lạ mà không sợ bị đánh giá điều gì. Sau tất cả, Xuân Vận kết thúc, họ lại quay về với cuộc sống cơm áo gạo tiền hằng ngày để cố gắng kiếm được nhiều tiền hơn để tiếp tục Xuân Vận năm sau.
(Nguồn: Sixthtone)