Chuyện ở quán bún ngan: Con 4 tuổi khát nước đòi uống, mẹ gọi ngay cho cốc trà đắng ngắt

Minh Anh,
Chia sẻ

Khi con 4 tuổi khát nước đòi uống, người mẹ trẻ liền gọi ngay cho 1 cốc trà đá đắng ngắt rồi bảo “để tao ăn cũng không ngon miệng thế à?".

Vô tâm là căn bệnh đáng sợ trong xã hội hiện nay. Vô tâm với người yếu thế đang cần sự giúp đỡ đã không thể chấp nhận được; sự vô tâm, thờ ơ với chính người thân yêu, cha mẹ, con cái lại càng vô cùng đáng trách.

Mới đây, câu chuyện về người mẹ trẻ đưa con chừng 4 tuổi đi ăn bún, khi đứa trẻ khát nước và đòi uống thì người mẹ gọi ngay cho con một cốc trà đá đắng ngắt, mà không hỏi xem con thích uống gì, khiến đứa trẻ không thể uống được. Khi đứa trẻ tiếp tục đòi uống nước thì người mẹ liền lên buông lời chửi mắng con thậm tệ khiến người lớn chúng ta phải suy ngẫm lại.

Là người chứng kiến hành động vô tình của người mẹ với đứa con máu mủ của mình, Tô Thùy Anh cảm thấy vô cùng bức xúc, cùng với đó là sự đau lòng, thương xót cho đứa bé tội nghiệp.

Xót xa khi con 4 tuổi khát nước đòi uống, mẹ gọi ngay cho cốc trà đắng ngắt
Thùy Anh bên cạnh con gái nhỏ 2 tuổi.

Tô Thùy Anh kể: “Sáng đi ăn bún ngan với chồng ... Có một bà mẹ trẻ, chắc tầm 30 tuổi không hơn. Chị dắt đứa con trai đâu chừng 4 tuổi, nhỏ thó, còi dí, vào quán gọi một bát bún. Đứa bé ngây thơ bảo mẹ: "Mẹ, con khát!". Bà mẹ quay sang chủ quán rồi bảo “cho cốc trà đá chị ơi”, xong đưa con bảo “Đấy, uống đi”.

Đứa bé vừa nhấp một ngụm nhỏ, phun phì phì, bảo “mẹ, mẹ ơi, đắng quá con không uống được”. Bà mẹ mải ăn, ậm ừ “để đấy”. Lúc sau, đứa bé khát quá, cứ nhìn mẹ ăn, lí nhí “mẹ ơi con khát, con uống nước với, mẹ ơi, cho con uống nước được không?”. Bà mẹ quay sang con buông thẳng một câu: "Đ* mày để tao ăn cũng không ngon miệng thế à?". Đứa bé im thin thít, mắt đã bắt đầu ầng ậc nước".

Chứng kiến cách hành xử thô lỗ, lạnh nhạt của người mẹ với đứa con bé bỏng, còn ngây thơ như một tờ giấy trắng, Thùy Anh cho hay, chỉ biết lắc đầu, khẽ thở dài rồi bước qua vì “Mình được dạy là không nên can thiệp quá sâu vào đời tư của người khác". Tuy nhiên khi về đến nhà, nghĩ lại mà cô nàng cảm thấy ân hận. Ân hận bởi đã không lên tiếng gọi một cốc nước cho đứa bé.

Cô nàng tự cảm thấy không thể tha thứ cho bản thân mình: “Đúng là không nên can thiệp quá sâu vào chuyện riêng của người khác. Nhưng đôi khi, sự vô tâm lướt qua cũng đã là một tội ác không thể thứ tha”. Cô gửi lời xin lỗi tới đứa trẻ tội nghiệp “xin lỗi em”.

Xót xa khi con 4 tuổi khát nước đòi uống, mẹ gọi ngay cho cốc trà đắng ngắt
Mặc dù nhiều lúc tức giận nhưng bà mẹ trẻ này luôn dặn lòng không được nổi nóng với con.

Thùy Anh chia sẻ, từ khi chứng kiến câu chuyện của 2 mẹ con trong quán bún ngan, trong đầu cô cứ lởn vởn hình ảnh một đứa con trai gầy nhẳng, đen, lầm lì, đầu trọc lốc, cởi trần, ngồi bên mâm thịt chó, uống rượu ừng ực, và một bà mẹ già tóc bạc phơ ngồi cạnh, phều phào chẳng ra hơi: "Con ơi, mẹ đói. Cho mẹ ăn với!". Và cũng chỉ một câu đáp lại: “Đ* mày để tao ăn cũng không ngon miệng thế à?”.

Theo cô nghĩ, có lẽ mọi người sẽ trách đứa con đó bất hiếu, bất nhân. Nhưng có lẽ sẽ chẳng ai trách bà mẹ đã ươm mầm một chồi non vốn thẳng để rồi uốn nó thành cong?

Thùy Anh tâm sự: “Mình đã từng trải qua một tuổi thơ như thế! Với rất nhiều câu chửi tục tĩu, óc lợn, nuôi tốn cơm, thà đẻ quả trứng ăn còn ngon,… với rất nhiều đòn roi bạo lực. Để bây giờ trong tâm hồn luôn có một khoảng trống hoác, khó tả.

Mình từ chồi non bé tí ngày nào cũng đã mọc thành một cái cây, nhưng một bên cây đã cong veo, trĩu nặng những từ ngữ chửi bới hằn học kia, không bao giờ thẳng lại được nữa. Không còn có thể sửa chữa được nữa.

May mắn là, mình có một nửa thân cây còn lại, vẫn thẳng thắn và xanh tốt, biết yêu biết ghét, biết cảm động, biết rơi nước mắt, biết cười thật tươi, biết xót xa cho những mảnh đời bất hạnh....”.

Xót xa khi con 4 tuổi khát nước đòi uống, mẹ gọi ngay cho cốc trà đắng ngắt
Theo Thùy Anh, cách giáo dục của gia đình ảnh hưởng rất lớn tới nhân cách của trẻ sau này.

Cô nàng cho hay, mình cũng đang làm mẹ của một cô con gái 2 tuổi. Trong một lần vội giận mất khôn mà cô cũng đã quát con “đi ra kia đi con dở hơi”. Thế nhưng, sau câu nói bộc phát, không kiểm soát ấy, nhìn ánh mắt ngây dại, ngơ ngác rồi òa khóc vì tủi thân của con, Thùy Anh cảm thấy vô cùng ân hận và bỗng ghét cái nhánh cây cong queo của mình.

“Con có làm gì đâu, có lỗi gì đâu ngoài việc là con bé bỏng và cần thật nhiều thật nhiều yêu thương từ mẹ? Có quá bất công với con khi vì tuổi thơ mình không trong lành, mà vô tình cố ý nhiễm độc vào tình yêu ngây thơ trong trẻo của con? Mình ôm con vào lòng thật chặt, xin lỗi thật nhiều, hôn con thật nhiều và nói yêu con nhiều lắm, bao nhiêu, bao nhiêu yêu thương bù đắp cũng sẽ không làm cho đôi mắt trong trẻo của con xóa được vết buồn tí xíu, vì bị mẹ gọi là đứa "dở hơi". Con bé quá, cũng chẳng hiểu dở hơi là gì đâu, nhưng nghe cách phát âm của mẹ, sự lớn tiếng của mẹ và nét mặt cau có, giận dữ, con nhận ra đó là một từ xấu xí lắm. Và con tủi thân! Sau khi được mẹ ôm trong tay và thôi cơn nức nở, con giơ hai bàn tay bé xíu ôm lấy má mẹ, cọ mũi vào mũi mẹ, con bảo: "Mẹ ơi! Mẹ không cáu à mẹ à? Con yêu mẹ lắm!", càng thấy xấu hổ bao nhiêu, càng thấy người lớn, hay những kẻ tự cho mình là trưởng thành, đôi khi mới thật vô lý và quá quắt làm sao!”, bà mẹ một con bộc bạch.

Từ lúc đó, bà mẹ trẻ Thùy Anh tự hứa với lòng sẽ không bao giờ nói bậy với con, dùng những từ ngữ xấu xí để tổn hại đến cái mầm non bé tí nữa, tự hứa với lòng sẽ chỉ nuôi con mình bằng nửa bên thân cây thẳng thắn xanh tươi.

Còn em bé 3-4 tuổi mà cô gặp trong quán bún kia, liệu khi lớn lên có giữ được một nửa thân cây thẳng thắn tươi xanh, hay cả đời sẽ vĩnh viễn là một thân cây cong queo dị dạng?

Chia sẻ