Chuyện ở ngôi làng cổ nơi những ai cũng có đôi bàn tay nhuộm đỏ
Tồn tại hơn một thế kỷ, làng chiếu Định Yên với những phiên “chợ ma” vốn đã trở thành thương hiệu của vùng đất Đồng Tháp nói chung và cả miệt Tây Nam Bộ nói riêng. Thời thế chuyển dời, những ghe chiếu đêm dần trở thành quá vãng, nhưng không khí nhộn nhịp khi Tết đến xuân về thì vẫn chưa hề thay đổi.
"Hò ơi…
Định Yên có vựa chiếu to
Lấy chồng xứ Định khỏi lo chiếu nằm"
Câu ca dao, câu hò ngọt ngào ấy minh chứng cho sự trứ danh của vùng đất Định Yên (huyện lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp), nơi đã sản sinh cho đời những manh chiếu đẹp đẽ, mịn màng từ trăm năm qua. Chỉ cần đi dọc theo quốc lộ 80 từ thành phố Sa Đéc hướng về phà Vàm Cống, vào hai xã Vĩnh Thạnh và Định Yên, bạn sẽ thấy những còn đường rợp sắc xanh, đỏ, tím, vàng đủ màu của những manh chiếu trải dài chờ được tiêu thụ trong mùa Tết.
Có đến 70% người dân Định Yên theo nghề đan chiếu. Hỏi làng nghề ra đời đã bao lâu, người dân nơi đây lắc đầu, bảo không biết mốc thời gian chính xác, chỉ biết từ rất lâu, thời ông cố, ông sơ, manh chiếu đã là nguồn sống, là một phần không thể thiếu với cuộc đời họ.
Gia đình anh Nguyễn Phú Yên (37 tuổi) đã có 3 đời theo nghề làm chiếu. Mỗi ngày khi nắng lên, công việc thường xuyên của vợ chồng anh là đem chiếu ra phơi dưới gốc những cây tràm lớn. Anh cho biết, chỉ và màu nhuộm chiếu thì ở chợ nào cũng có, nhưng những cọng lác thì đặc biệt chỉ bán ở chợ địa phương. Đây có thể coi là điểm đặc biệt nhất và cũng thể hiện sự chuyên nghiệp hoá của làng chiếu Định Yên.
Trước khi lấy chồng, chị Lê Thị Kim Khâu (35 tuổi, vợ anh Yên) chưa từng đụng đến một cọng lác sợi gai. Nhưng sau hai làm nghề, giờ đây mỗi ngày không được ôm từng bó chiếu ra phơi, không được ngửi mùi màu nhuộm, chị cứ cảm thấy thiếu thiếu.
Mỗi ngày làm hết công suất, đôi vợ chồng trẻ có thể hoàn thành 5-6 chiếc chiếu, với giá bán từ 50.000-60.000 đồng. Trừ tất cả chi phí, mỗi ngày vợ chồng anh kiếm được trên dưới 100.000 đồng. "Nhà quê mà, kiếm được nhiêu đó tiền cũng sống thoải mái rồi, lại tự mình làm chủ mình nữa" – Anh Yên cưới nói.
Tuỳ theo nhu cầu người mua, có 3 loại chiếu cơ bản là: Con cờ, Ốc trớn và Trà niên (chiếu bông). Xét về mẫu mã và công năng có chiếu động phòng hoa chúc, chiếu trắng, chiếu cổ, chiếu hoa văn…
Công đoạn để cho ra một chiếc chiếu đẹp mang thương hiệu Định Yên khá phức tạp, đòi hỏi sự điêu luyện và kỹ thuật riêng từ mỗi người thợ, từ khâu chọn lác, nấu phẩm màu nhuộm, phơi đến khi đan chiếu, cắt chỉ. Nhưng dù có khéo léo cỡ nào, để đan một manh chiếu đẹp, phải có hai người cùng phối hợp với nhau. Đó cũng là cách để người dệt chiếu không buồn chán, vì luôn có bạn trò chuyện.
Khoảng 10 năm trở lại đây, nghề làm chiếu tại Định Yên tiến hành hiện đại hoá, máy móc dần thay thế cho sức lực, nên một người có thể tự tay làm một manh chiếu. Những xí nghiệp làm chiếu tư nhân cũng bắt đầu xuất hiện.
Chính vì vậy, tiếng động cơ dần thay thế cho tiếng cười nói, nên thay vì trò chuyện cùng nhau, những công nhân vừa đan chiếu, vừa dán mặt vào màn hình điện thoại giải trí.
Cùng với sự phát triển của kinh tế, những cây cầu được xây dựng ồ ạt, đường xá nối dại đến tận ngóc ngách của vùng quê yên bình. Giờ đây thay vì phải chất ghe lên chiếu chở đi ban trong những phiên chợ âm phủ, người dân chỉ việc để chúng một chỗ, thương lái sẽ đến tận nhà thu mua.
Bà Nguyễn Thị Năng (76 tuổi), người có 50 năm làm chiếu tiếc hùi hụi: "Ngày xưa ban ngày ai cũng lo làm tối mặt tối mũi, nên họp chợ bán chiếu lúc nào cũng bắt đầu lúc nửa đêm. Mệt mà vui lắm, tiếng chèo ghe, tiếng mặc cả ì xèo dưới ánh đèn dầu loe loét khiến cho khúc sông buồn bã mọi ngày trợ thiệt xôm tụ. Bán xong cũng 2-3 giờ sáng, bà con ai nấy ngủ luôn trên ghe để đến sáng chèo ra chợ mua đồ ăn rồi trở về nhà. Giờ hết rồi…"
Gạt đi nỗi buồn về sự đổi thay, những ngày cận Tết, cư dân Định Yên bận rộn hẳn lên khi số lượng đơn hàng gửi về tăng vụt. Dù làm việc suốt từ sáng đến tối nhưng gia đình anh Yên vẫn không đủ chiếu để bán. Mệt mỏi là vậy nhưng ai cũng háo hức, vì nhu cầu tăng đồng nghĩa với việc cái Tết của họ sẽ thêm phần sung túc.
Chị Phạm Thị Mỹ Hạnh (29 tuổi) đã có 4 năm làm nghề may vành chiếu. Chị cho biết: "Nếu may riêng cho người dân thì lấy 5.000 đồng/chiếc, còn may hàng loạt theo đơn đặt hàng của công ty thì chỉ 1.000 đồng thôi". Với một chiếc máy may, chị Hạnh có thể nuôi sống cả gia đình bằng cái nghề truyền thống mà cha ông để lại.
Con đường dẫn vào hai xã Vĩnh Thạnh và Định Yên dài 4km cũng là chừng ấy chiều dài của những chiếc chiếu được phơi ven đường. Ai ở đây cũng hối hả cho một vụ mùa bội thu. Cha mẹ bận rộn, những đứa trẻ trong xóm không biết làm gì, bèn tụ tập bên những chiếu chiếu phơi cười đùa vui vẻ.
Khung cảnh ấy hoà lẫn với làn khói nấu phẩm nhuộm bốc lên trên từng ngôi nhà khiến ngôi làng trở nên bình yên đến lạ. Lác đác đâu đó những bãi lác vụn được cắt ra từ chiếu thành phẩm. Đến ngày 27-28 Tết âm lịch, người dân sẽ đốt chúng đi, lau dọn các khung dệt sạch sẽ để chuẩn bị cho ngày đón giao thừa. Công việc sẽ tiếp tục trở lại trong ngày mùng 7 tháng Giêng.
Chạy hết địa phận ngôi làng ra đường lớn hướng về phía bờ sông là chợ chiếu Định Yên. Đã từng có một thời tấp nập, nhưng giờ đây thay vì bán chiếu, nơi này chỉ dành để bán trái cây và những thức quà quê. Sự hiện đại đã lấy đi của làng chiếu một nét đẹp vốn đã tồn tại từ rất lâu.
Chúng tôi chợt nhớ đến hình ảnh chị Chang (trái), một trong những hộ còn làm chiếu theo cách truyền thống hiếm hoi của Định Yên. Giải thích lý do cho việc này, chị bảo do tay mình yếu, lại không chịu được tiếng ù ù của máy móc, nên người đàn bà vẫn chọn làm tay dù năng suất thấp hơn.
Nhưng vẫn còn một nguyên nhân khác. Chị Chang muốn níu giữ chút truyền thống mà tổ tiên để lại. Tấm lòng của người phụ nữ càng trở nên ý nghĩa hơn khi năm 2003, làng chiếu Định Yên đã được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia.
Công năng từ máy móc có thể vượt trội hơn so với sức người, nhưng cái tình thấm đẫm trong từng giọt mồ hôi, từng đôi tay bám màu nhuộm của người làm chiếu thi mãi mãi không gì thay đổi được.