Chuyện những sinh viên ra trường đúng mùa dịch: Kinh tế khó khăn thì càng phải nỗ lực, nhất định không để tuổi trẻ qua đi trong chán chường!

Quiry,
Chia sẻ

Dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu, để lại những ảnh hưởng sâu nặng cho nền kinh tế. Nhiều người lo lắng vì bị hạ lương, thậm chí là bị nghỉ việc. Có lẽ chẳng mấy ai để ý ngoài kia còn một thế hệ sinh viên Đại học năm cuối chuẩn bị cầm bằng đỏ trên tay tìm một công việc như ý. Phải chăng họ sẽ run sợ, lo lắng và bất lực với tình hình thị trường lao động xuống dốc như hiện nay?

Chưa có một con số cụ thể nào được đưa ra để dự báo về tình hình thị trường lao động hiện tại hay tương lai bởi dịch Covid-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Tuy vậy, điều mà chúng ta có thể biết chắc chắn trong các câu chuyện than vãn thường ngày là có nhiều người bị mất việc, giảm lương và lâm vào cảnh khốn khó. Ngay cả với những ai nhiều năm kinh nghiệm cũng khó tránh khỏi việc cắt giảm nhân sự.

Lúc này, hẳn là trong nhiều gia đình có con đang học năm cuối Đại học, họ sẽ phải thở dài ngao ngán "Tình hình này ra trường xin việc khó lắm đây!". Chỉ còn vài tháng nữa là các bạn sinh viên ấy làm xong khóa luận, cầm bằng đỏ trên tay và có thể tung tăng vẫy vùng trong thị trường lao động đầy thách thức nhưng chẳng ít cơ hội. Vậy mà dịch Covid-19 đã giáng một đòn thật mạnh mà cũng thật nhanh, đến nhanh hơn cả khi những dự định cá nhân thành hình.

Nhưng liệu người trong cuộc có đang cùng tâm trạng lo lắng và bất an? Hãy cùng lắng nghe chia sẻ từ chính các bạn sinh viên năm cuối của các trường Đại học, để biết họ đang đối diện với tương lai bấp bênh như thế nào nhé!

Thị trường lao động chỉ là đang đi chậm lại nhưng vẫn nhiều cơ hội lắm, chả nhẽ lại ngồi ủ dột một chỗ?

Nguyễn Đồng Minh Hiếu, sinh viên năm cuối Đại học Hà Nội chia sẻ "Hiện tại, mình khá tự tin về năng lực cũng như hướng đi của bản thân trong tương lai vì đã dành nhiều năm tham gia các hoạt động câu lạc bộ, đi thực tập và đi làm. Những kiến thức học ở trường cũng góp phần không nhỏ đến trải nghiệm làm việc của mình."

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 1.

Còn với Trần Đức Tâm, chuẩn bị tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Nhật thì anh lựa chọn ngành xuất nhập khẩu, thanh toán quốc tế để theo đuổi. Anh Tâm vẫn giữ thái độ lạc quan: "Qua tìm hiểu anh nhận thấy thị trường việc làm ngành này ngày càng phát triển lớn mạnh. Dịch Covid-19 không thể làm ảnh hưởng quá nhiều đến toàn cầu hoá. Điều này chắc chắn sẽ thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, ngày càng có nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này hợp tác và đầu tư vào nước ta, dẫn đến gia tăng nhu cầu tuyển dụng lĩnh vực này, mở rộng thị trường việc làm."

Thêm vào đó, Phạm Quang Anh - sinh viên ngành thiết kế của trường Đại học Mỹ Thuật lại kể câu chuyện về thực tế chính mình "Năm nay mình sắp ra trường nên bài vở, đồ án cũng nhiều, do đó chưa đi làm ở đâu. Tuy vậy mình chẳng quá lo lắng với tình hình dịch này. Mọi thứ ở thời hiện tại rất cần vẻ bề ngoài, kể cả những đồ gia dụng nhỏ nhất cũng không thể thiếu thiết kế bao bì, quảng cáo. Ngành thiết kế này là ngành năng khiếu nên ai cứ có tài, làm được việc là sẽ được trọng dụng, chứ nhiều năm đi làm không đồng nghĩa là bạn làm tốt."

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 2.

Phạm Quang Anh - sinh viên năm cuối ngành thiết kế của trường Đại học Mỹ Thuật.

Đừng coi những ngày cách ly xã hội là một kỳ nghỉ dài để rồi ngủ quên trên tuổi trẻ của chính mình

Theo Nguyễn Đồng Minh Hiếu, bạn cho rằng sự chủ động là điều mà sinh viên năm cuối nên có trước hết. "Trong mùa dịch này, số lượng công ty, tổ chức đang có nhu cầu tuyển dụng cần rất ít, đòi hỏi các bạn sinh viên phải thực sự chủ động nếu muốn tìm việc làm. Bạn có thể tự quảng cáo bản thân trên các nhóm cộng đồng về việc làm, nhắn tin hoặc rải CV với HR trên LinkedIn hoặc tìm tòi một hướng đi mới như Youtube cũng rất thú vị. Tất cả đều đòi hỏi bạn phải kiên trì, không ngần ngại tìm tòi và đặt câu hỏi. Trên hết, hãy giữ bản thân an toàn khỏi Covid-19."

Đặc biệt chia sẻ về vấn đề này, nhiều sinh viên đạt thành tích tốt của trường Đại học Ngoại thương cũng cùng chung ý kiến đây là khoảng thời gian tuyệt vời để phát triển bản thân, trau dồi thiếu sót.

Phạm Thùy Linh - sinh viên năm cuối quản trị kinh doanh Ngoại thương, Á quân cuộc thi Khởi nghiệp cùng Kawai 2019 cho biết "Nếu đã gặp khó khăn thì chắc chắn bản thân mình còn thiếu sót. Khi đó là công việc mình rất đam mê ở môi trường yêu thích, mình sẽ không bỏ cuộc.

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 3.

Điều mà mình học được sau khi kết thúc 4 năm ở Ngoại thương là, không cần làm nhiều thứ 1 lúc, nhưng đã làm gì thì cố gắng làm hết mình, vì dù sao cũng tốn thời gian cho nó rồi, nhất là việc học trên trường. Khi ra ngoài xin việc, có thể chưa nhiều kinh nghiệm nhưng GPA cao cũng chứng tỏ được tư duy và mức độ tập trung của chúng ta rất tốt.

Thêm nữa là, còn học được gì thì hãy cố gắng học. Đại học có vô vàn cơ hội, 1 buổi talkshow miễn phí cũng là cơ hội để học, các khóa học bên ngoài thì có rất nhiều, tài liệu tiếng Anh trên mạng cũng vô số. Sau này khi sắp hoặc đang đi làm, muốn quay lại học gì đó sẽ khó khăn hơn và cần rất nhiều sự kiên nhẫn."

Anh Đinh Thành - tốt nghiệp bằng xuất sắc chuyên ngành Kinh tế quốc tế Ngoại thương thì cho hay "Dịp này là cơ hội để bạn tranh thủ khám phá được cái gì đó từ bản thân. Các khóa học đang mở miễn phí rất nhiều, nên nếu có thời gian hãy tận dụng cơ hội này để tìm hiểu xem mình có khả năng gì. Học sử dụng một phần mềm nào đó thường gặp trong lĩnh vực bạn quan tâm, một ngôn ngữ mới hay thậm chí là làm một món ăn bạn chưa từng làm cũng được, không thừa chút nào đâu.

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 4.

Nếu bạn đã sẵn sàng để bước chân vào thị trường tuyển dụng bất chấp dịch bệnh thì cứ nhích thôi, còn nếu bạn lo ngại thì cũng chẳng sao cả, tranh thủ tôi luyện bản thân không phải là một ý kiến tồi. Và hơn hết là tuân thủ các chỉ thị của Nhà nước về phòng chống dịch bệnh, để tình hình dần lắng xuống và chúng ta lại được tiếp tục vùng vẫy trong thị trường tuyển dụng nhé."

Cuối cùng là chị Phương Thảo, sinh viên năm cuối Kinh tế đối ngoại của Ngoại thương thì nghĩ người trẻ nên dừng việc lo lắng bởi nó chẳng giải quyết được vấn đề gì.

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 5.

"Tiết kiệm thì thôi còn trẻ mà, cũng đã làm ra được nhiều nhặn gì đâu nên chẳng phải toan tính quá xa. Nhưng mà học cách quản lý tài chính cá nhân thì chả bao giờ là sớm cả. Thêm nữa thì chị khuyên nên sớm học cách có trách nhiệm với bản thân, kiểu như chăm lo sức khỏe bồi dưỡng tinh thần trưởng thành ấy. Để lỡ có sự cố xảy ra thì mình cũng trang bị tinh thần vững vàng chăm sóc bản thân, bớt nỗi lo cho gia đình, xã hội." - Phương Thảo cho biết.

Một lần nữa, xin chúc các bạn sinh viên năm cuối nói riêng và người trẻ nói chung sẽ thật tỉnh táo để biết mình cần làm gì vào lúc này. Rồi đến khi mọi việc qua đi, bạn sẽ có một thanh gươm sắc, một tấm giáp chắc để không phải sợ một đối thủ nào trên đường đời!

Chuyện những sinh viên năm cuối ra trường đúng mùa dịch Covid-19: Kinh tế có suy sụp ra sao nhưng nếu bạn đủ giỏi thì vẫn tìm được chỗ đứng thôi, đừng ngủ dài trên tuổi trẻ của mình nữa!  - Ảnh 1.

Chia sẻ