Chuyện người phụ nữ nửa thế kỷ thờ "chồng" chưa cưới
Gần nửa thế kỷ mòn mỏi đi tìm mộ người yêu, và cũng ngần đó năm người phụ nữ ấy lẻ bóng đơn côi thờ phụng người “chồng” chưa từng làm đám cưới.
Một cựu thanh niên xung phong ở xứ Nghệ đang viết nên một câu chuyện cổ tích kỳ diệu về lòng chung thủy. Chuyện tình “xưa nay hiếm” của chị cảm động, thiêng liêng và nhiều nước mắt.
Chị đã từng mơ về một ngày được bước lên xe hoa. Chị cũng đã từng mơ về một mái ấm đơn sơ luôn tíu tít tiếng cười con trẻ. Nhưng chiến tranh khốc liệt, bom đạn thương đau đã cướp đi của chị mối tình đầu đẹp đẽ.
Ngót năm mươi năm không chồn chân mỏi gối đi tìm mộ người thương. Gần nửa thế kỷ sống đời lẻ bóng đơn côi thờ “chồng”, để những lời thề non hẹn ước khi xưa không bao giờ phai nhạt. Những trang nhật ký theo tháng năm có thể úa vàng, nhưng trái tim yêu trong người phụ nữ thủy chung, chẳng phút giây nguôi bừng sáng.
Đợi anh về!
Mưa rét căm căm. Dòng sông Lam nhìn xa xa vẫn còn bảng lảng sương, phủ khung cảnh làng quê một không gian mờ ảo. Căn nhà cấp bốn xập xệ của cựu thanh niên xung phong Phùng Thị Huệ (SN 1950, trú xóm Hội Tiến, xã Xuân Hội, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh) nằm khuất trong con ngõ nhỏ, bình yên.
Gió lùa từng cơn, lạnh buốt. Rặng liễu trước hiên nhà rủ bóng, như chở nặng những ký ức buồn thương. Chị Phùng Thị Huệ lệ nhớ tuôn rơi, ánh nhìn xa xăm hướng ra phía dòng sông đang tha thiết chảy. Hôm nay là ngày giỗ của người yêu, người “chồng” chưa một lần làm đám cưới.
Những dòng nhật ký chị viết cho anh, tất cả tưởng như chỉ mới hôm qua. Lớp bụi thời gian theo tháng năm, chẳng thể xóa mờ bao kỷ niệm. “Hạnh phúc, đơn giản chỉ là được yêu và giữ trọn tình yêu” - chị trải lòng. Ký ức những tháng năm chưa xa ùa về thổn thức.
Mười tám tuổi, người con gái xứ biển gia nhập lực lượng TNXP, chiến đấu ở mặt trận Bình Trị Thiên khói lửa. Người con trai cùng quê, cùng đơn vị Đặng Xuân Thọ với nụ cười hiền, ánh nhìn chan chứa yêu thương khiến trái tim cô thanh niên xung phong ngày đêm thổn thức.
Tình yêu đẹp sớm nảy nở, đơm hoa. Cuộc sống sau những giờ chiến đấu là những đêm trăng dài hò hẹn. Chị hát, anh đàn, những lời thề non hẹn ước đã được gửi trao. “Hòa bình, chúng mình làm đám cưới” - họ dệt mộng ước mơ. Hạnh phúc tưởng như tròn đầy, viên mãn.
Rồi trong một cuộc không kích ác liệt của máy bay địch, chị bị thương. Ngày chia tay đơn vị trở về hậu phương, chị đã khóc. Ở đâu cũng có thể cống hiến cho Tổ quốc, nhưng được chiến đấu bên cạnh anh, chị thấy mình như “thêm lửa”.
Chị Huệ hoạt động công tác đoàn nơi quê nhà, người tiền tuyến, kẻ hậu phương, những trái tim yêu dường như không xa cách. Một năm sau, anh Đặng Xuân Thọ trở về. Đạn bom khốc liệt cướp đi của anh người mẹ già và cậu em trai trẻ tuổi. Chịu tang xong, anh lại hăng hái lên đường vào Nam chiến đấu.
Phút chia ly bịn rịn trong nước mắt. “Đợi anh về” - Thọ nắm chặt tay người yêu. Chiếc xe lao đi trong chiều mưa. Huệ chạy theo, nói với: “Em sẽ đợi anh. 10 năm, 20 năm, đến trọn cuộc đời, em vẫn đợi”.
Hậu phương tiền tuyến, những cánh thư đi lại như thoi gửi trao niềm thương nhớ. Những trang nhật ký đầy nước mắt được chị viết trong những đêm đông mưa gió bịt bùng để thỏa nỗi nhớ mong. Thủy chung son sắt chờ đợi người yêu, cô thôn nữ ước mong được cùng anh dựng xây tổ ấm bình yên sau ngày giải phóng.
Nhưng, bom đạn thời chiến, ai biết đến ngày mai. Một chiều, hung tin ập đến như sét đánh ngang tai. Anh Đặng Xuân Thọ cùng người em trai của chị, Phùng Thanh Bình, đã ngã xuống trong một trận càn quét bất ngờ của địch.
Chị như chết lặng. Ước vọng nhỏ bé, trong giây phút chợt vỡ tan. Những dòng nhật ký đẫm nước mắt qua năm tháng dài thêm, và tuổi trẻ của chị cũng dần trôi đi theo những đêm buồn nhung nhớ. Con gái có thì, bố mẹ chị cuống quýt giục con gái lấy chồng.
Nhưng chị đã xem anh là “chồng”, dù chưa một lần họ làm đám cưới.
Đám trai làng đêm đêm thập thò ngoài ngõ, mong lọt vào mắt xanh. Nhưng người phụ nữ thủy chung vẫn kiên quyết lắc đầu nói lời “không thể”! Với chị, Đặng Xuân Thọ là mối tình đầu tiên, và cũng là sau cuối. Những lời thề non hẹn ước cùng anh năm xưa vẫn không lúc nào thôi khắc khoải. Chị quyết định sống đời lẻ bóng để giữ trọn tình yêu. Căn nhà xập xệ được dựng ven bờ sông Lam, là nơi thờ tự cho người “chồng” đã khuất.
Chưa một lần được lên xe hoa, chưa một lần được làm vợ. Bao đêm trường bên gối chăn, chị đã khóc. Những giọt nước mắt buồn tủi, nhớ thương. Trong mái nhà tranh nghiêng ngả chốn ven sông, người phụ nữ thủy chung gần nửa thế kỷ nay cơ cực trong cuộc mưu sinh ở vậy thờ “chồng”, giữ lửa tình yêu. Và cũng đã ngót nửa thế kỷ rồi, chị miệt mài đi tìm phần mộ người thương nhớ.
Nửa thế kỷ đi tìm mộ “chồng”
“Chồng” đã hy sinh, nhưng hài cốt đang ở chốn nào, với chị là một nỗi niềm luôn đau đáu. Năm 1976, Phùng Thị Huệ quyết định đi tìm mộ người thương. Ngót nửa thế kỷ rong ruổi trên hành trình thiên lý gian nan, nhưng người phụ nữ thủy chung chưa lúc nào chồn chân mỏi gối.
Manh mối trên tờ giấy báo tử chỉ ghi ngắn gọn: “Báo ân liệt sỹ Đặng Xuân Thọ, hy sinh ngày 26/1/1973 tại mặt trận phía Nam, thi hài mai táng gần khu vực riêng của đơn vị gần mặt trận”. Tất cả thông tin chỉ có vậy. Chị nói, hy vọng là khá mong manh.
Gần nửa thế kỷ, bước chân chị mải miết khắp các nghĩa trang trong Nam ngoài Bắc, từ Khe Sanh, Việt Lào, đến tít đường 9, men theo dãy Trường Sơn…Đi dăm ba tháng, hết tiền, lại trở về quê chạy chợ, buôn cá. Tích cóp được chút ít, lại tiếp tục lên đường. Gian khổ, thậm chí có những phút giây đối mặt với hiểm nguy, nhưng chị luôn tự nhủ mình, “tôi ơi đừng tuyệt vọng”!
“Trèo rừng vượt suối, nắng rát, gió Lào. Khó khăn, vất vả không kém gì thời chiến. Mấy chục năm, tôi đã đi bộ cả vạn cây số khắp mọi miền. Thân gái dặm trường, nhiều lúc một mình nơi rừng vắng, trời tối không ra được, phải mắc võng nghỉ lại, thấy cũng sợ. Nhưng nghĩ đến anh đang nằm cô quạnh nơi đất khách, cảm giác như được “chia lửa” - chị Huệ nhớ lại.
Năm 1989, trận lũ lịch sử tràn qua miền quê nghèo, nhấn chìm nhiều ngôi nhà nơi xóm Hợp Tiến chìm trong biển nước. Mái nhà tranh của chị Phùng Thị Nguyệt không trụ nổi trận đại hàn, tan hoang. Tiền bạc, đồ đạc trong nhà trôi theo dòng lũ. Dựng tạm mái nhà lá trên mảnh đất đổ nát, chị lại tất tả ngược xuôi chạy chợ để kiếm tiền sửa lại mái nhà cho mùa đông đỡ dột, để ngày ngày hương khói cho anh. Và để kiếm tiền làm lộ phí đi tìm mộ “chồng”, để đưa hài cốt người yêu trở lại cố hương sau nhiều ngày dài xa cách.
Một dạo, đang gạt từng góc cây, ngọn cỏ tìm mộ người yêu dọc dãy Trường Sơn, đôi chân chị khuỵu xuống. Nhiều ngày liền trèo núi vượt rừng, ăn uống kham khổ khiến người cựu thanh niên xung phong gần như kiệt sức. Tiền trong túi cạn dần. Chị lịm xuống bên vệ đường, trong tay vẫn nắm chặt bức ảnh người yêu. Được những người dân xứ núi tốt bụng cưu mang, chị dần hồi sức.
Sau chuyến đó, chị trở về quê, nhưng chỉ gần hai tuần sau, khi sức khỏe khá lên, lại vội vã lên đường Nam tiến. “Ngày nào còn chưa tìm được mộ anh, lòng day dứt khôn nguôi. Giấc ngủ bình yên chỉ đến, khi hài cốt anh trở về đoàn viên nơi đất mẹ”, chị nói.
Những đêm sương lạnh nơi rừng vấng, chị lại nhớ thương về một thời tuổi trẻ nhiều kỷ niệm. Những phút giây sau chiến đấu, anh đánh đàn, chị hát, tay nắm chặt tay trao gửi thương yêu. Chiến tranh nghiệt ngã không chỉ cướp mất của chị thể xác người thương, mà còn đọa đày người phụ nữ thủy chung suốt đời ôm thương nhớ.
Rồi, niềm vui như vỡ òa. Ngày 22/8/2010, sau nhiều tháng năm ròng rã, chị tìm được mộ anh tại địa bàn xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang).
Gần nửa thế kỷ đi tìm mộ người thương, sống đời lẻ bóng đơn côi để thờ phụng người chồng chưa một lần làm đám cưới, cựu nữ TNXP Phùng Thị Huệ đã viết nên một câu chuyện cổ tích về lòng chung thủy.
Quang Minh