“Chuyện ngày xưa" của vợ

Theo PLVN,
Chia sẻ

Quá sức chịu đựng, có khi, Tuấn lớn tiếng: “Em lúc nào cũng ngày xưa. Bỏ cái ngày xưa cho anh nhờ” thì vợ đã không thông cảm, còn lạnh lùng viết đơn ly hôn.

Mỗi lần từ chối vợ việc gì là Nam phải nghe ra rả điệp khúc: "Ngày xưa, em muốn gì anh cũng chiều. Ngày xưa, em chưa kịp nhờ anh chở đi đâu đó, anh đã tự giác thực hiện. Ngày xưa…". Chán ngán vì bị vợ lôi chuyện ngày xưa ra so bì rồi tự kết luận: "Anh không còn yêu em", nhiều khi, Nam bịa lý do bận việc để trốn tránh vợ.

My – vợ Nam đảm đang, tháo vát, hoàn hảo mọi mặt chỉ mắc tội hay kể lể. Trí nhớ của My thuộc loại cực tốt nên mỗi hành động của chồng đều bị cô mang ra cân đếm và so bì.

Hồi còn cưa cẩm, Nam sẵn lòng đưa cả triệu bạc để người yêu sắm quần áo, mỹ phẩm; nên bây giờ, khi chồng nhắc: “Quần áo em còn đầy, đòi mua làm gì. Liệu mà thu vén tiền sinh hoạt trong nhà. Lương của anh còn để tiết kiệm” thì My dỗi: “Anh cưới được em rồi thì coi thường vợ chứ gì. Ngày xưa, anh đâu có thế”.
 
Có hôm xe máy bị hỏng, My ngọt ngào nhờ chồng đưa đi làm (vì Nam cũng tiện đường) thì Nam rút ví đưa vợ 50 nghìn rồi nhăn mặt: “Gọi xe ôm đi. Ai mà đưa đón được”. My ấm ức vì nuối tiếc những ngày xưa (chỉ cần My “alo” là người yêu đã có mặt trước cổng đón với nụ cười tươi rói) nên ngồi khóc ròng.
 

Tuấn (Tây Hồ, Hà Nội) gây gổ với vợ vì cô ấy tuyên bố chưa sinh con, lý do là: “Anh không còn quan tâm đến em như hồi xưa nữa”. Cứ hở ra chuyện gì là Tuấn bị vợ dỗi chuyện đó. Đi làm về biết tin vợ sốt, Tuấn chưa kịp hỏi thăm thì vợ dấm dứt khóc: “Xưa, em vừa hắt hơi là anh đã vội vã đi mua thuốc. Nay, em có nằm đến chết, chắc anh cũng chẳng quan tâm”.

Lần khác, vợ nhắn tin báo về sớm ăn cơm tối, vì bận họp muộn nên Tuấn chưa kịp hồi âm. 5 phút sau, Tuấn đã nhận được một tràng tin giận dỗi dài lê thê của vợ, đại ý là “sao ngày xưa, lúc nào anh cũng muốn rủ em đi ăn hàng. Anh còn nói, phải có em thì anh mới ăn ngon miệng”… và kết luận là tối nay, Tuấn cứ từ từ mà về vì vợ anh sẽ đổ cơm thừa vào sọt rác.

Quá sức chịu đựng, có khi, Tuấn lớn tiếng: “Em lúc nào cũng ngày xưa. Bỏ cái ngày xưa cho anh nhờ” thì vợ đã không thông cảm, còn lạnh lùng viết đơn ly hôn.
 
Tâm lý "tậu được trâu"

Giai đoạn “cưa gái”, lòng nhiệt tình của đàn ông được đẩy tới mức tối đa. Chẳng thế mà có anh sẵn sàng đội mưa, đội cả sấm chớp đứng chờ bạn gái; có anh vẽ hình trái tim bằng trăm đóa hoa hồng và hàng chục ngọn nến để tỏ tình.

Khi đã chinh phục được người đẹp thì tâm lý “tậu được trâu” xuất hiện.  Trâu đã vào nhà mình là của mình, tội gì phải lo chăm bẵm, mỗi ngày chỉ cần vứt cho trâu vài nắm rơm khô là được. Bây giờ, lòng nhiệt tình của các anh đã “về mo”, thậm chí còn thấp hơn giai đoạn xuất phát. Đó là lý do vì sao, người vợ nhận thấy, cùng là người đàn ông đó, khi yêu nhau, anh ấy tuyệt vời bao nhiêu thì lúc cưới nhau, đối phương dở tệ bấy nhiêu.

Thứ hai, khi đã kết hôn, người chồng phải đau đầu vì phát triển kinh tế gia đình, lo cho vợ con. Anh ấy không còn đầu óc mà nghĩ cách làm hài lòng hoặc đáp ứng mong ước của vợ.

Hơn nữa, tình yêu cũng bị hao mòn theo thời gian. Điều này giống như một quy luật khó tránh. Phụ nữ không thể hy vọng người đàn ông của mình lúc nào cũng nhiệt tình, yêu chiều và chăm chút cho vợ như hồi xưa vì điều này không thể vì nó trái với quy luật.

Sống chung cũng là mảnh đất để cá nhân bộc lộ những tật xấu như hay cáu giận, vô tâm, keo kiệt hoặc lười biếng. Đặc biệt là người chồng; vì lúc này, anh ấy không phải gồng mình “thể hiện” galant mà đã quay trở về với con người thật với vô vàn điểm xấu khiến vợ thất vọng.

Thay vì cảm giác so sánh rồi tự kết luận về tình cảm của chồng, người vợ nên học cách chấp nhận quy luật "cưới khác yêu". Mọi sự cân đếm tình yêu của chồng đều không chính xác, vì không phải lúc nào, chồng nói yêu vợ, chiều vợ mới là quan tâm đến vợ. Có thể chồng mải mê công việc mà lơ là với vợ (lỗi này thường khá phổ biến). Nếu có gì không hài lòng, vợ chồng nên tìm cách góp ý để đôi bên thêm hòa hợp.

Chia sẻ