Chuyện mùa dịch corona: Cô giáo lên truyền hình dạy học, tuy trên sóng nghiêm nghị là vậy nhưng hậu trường thì ai cũng phải cười bò với cách "chống run" độc nhất vô nhị
Những cô giáo mặc dù đã có hàng chục năm trong nghề, nhưng khi đứng trước máy quay trong chương trình học trực tuyến, vẫn "chân đập, tay run" trong lần đầu lên sóng giữa mùa dịch corona.
Chuẩn bị kỹ lưỡng giáo án ở nhà, thế nhưng trước giờ dạy học cô giáo Thu lại phải ngồi kiểm tra bài giảng một lần nữa và tập thuyết trình một mình. Thoạt nghe thì chắc hẳn nhiều người nghĩ rằng đó là câu chuyện của một cô giáo mới đi làm, "lận đận" trước tiết dự giảng. Ấy thế mà lại là câu chuyện của cô giáo có nhiều năm kinh nghiệm, tuy nhiên bục giảng hôm nay không phải như ngày thường, mà là sân khấu của đài truyền hình.
Trước giờ "bấm máy" những nụ cười khiến cô Thu có thể an tâm hơn.
Cô giáo Lê Thị Thu, giáo viên môn Lịch Sử (Trường THCS - THPT Nguyễn Tất Thành) là một trong số những giáo viên nhiều kinh nghiệm tại TP Hà Nội được chọn để thực hiện buổi học trực tuyến ôn luyện cho các em học sinh cuối cấp trong thời điểm dịch corona diễn biến phức tạp, việc học trì hoãn trong nhiều tuần.
Lần đầu đứng trong trường quay chẳng kém gì Biên tập viên chuyên nghiệp, phải đứng trước máy quay, míc không dây đeo trên người và trước mặt là ánh đén sáng choang. Điều khác biệt khi lần đầu giảng dạy trên sóng đã khiến những người làm nghề giáo gặp không ít áp lực.
Cô giáo Nguyễn Thị Thu vừa thực hiện xong buổi giảng lịch sử trên sóng với khuôn mặt thở phào nhẹ nhõm, "áp lực lắm, tim đập thình thịch, rồi thu vài lần tôi phải tự thích nghi dần nhưng vẫn có chút lo lắng". Để có được tâm thế vững vàng, cô cũng chia sẻ bí mật "chống run" không ai ngờ: "Một trong những kinh nghiệm của tôi trong buổi quay vừa qua, trước hết phải cười thật nhiều trước khi lên hình. Coi những kỹ thuật viên, quay phim ở dưới như đám học trò của mình, để nhìn xuống dưới quên đi căng thẳng khi phải nói chuyện với chiếc máy quay", sau khi nghe cuộc nói chuyện cả đạo diễn và quay phim trong đài đều tủm tỉm cười vì những chia sẻ rất thật và cũng rất thú vị.
Đối với cô giáo Thu, cái khó nhất trong phương pháp giảng dạy mới là không biết thực lực của các học sinh, vậy nên trong 30 phút giảng bài, người giáo viên liên tục nhắc nhở các em học sinh ôn luyện thật kỹ những nội dung trọng tâm. Cùng với đó việc tìm kiếm hình ảnh tư liệu luôn phải được đề cao, làm sao vừa đúng lịch sử vừa phải rõ nét, chân thực, dễ hiểu nhất đối với tất cả học sinh...
Người giáo viên lên sân khấu chẳng khác gì MC nhà đài.
Cùng ê-kíp với cô giáo Nguyễn Thị Thu còn có cô giáo Phạm Thị Thu Huyền, giáo viên môn Lịch Sử (Trường THCS Việt Đức), lên sóng tự tin với khuôn mặt biểu cảm, cùng cách nói chuyện thoạt nhìn chẳng kém gì MC nhà đài. Thế nhưng cũng giống thành viên trong tổ giáo viên dạy học trực tuyến khác, cô cũng chỉ lên sóng dạy được vài lần.
Những kiến thức trên sách vở tưởng như không làm khó được cô, tuy nhiên tâm sự thật của cô Huyền rằng để dạy trên truyền hình, giáo án điện tử đã được áp dụng trên trường từ lâu, nhưng khi dạy trên sóng đều phải biên tập lại sao cho phù hợp nhất về cả thời lượng cũng như chất lượng buổi học."Trong thời lượng trên sóng không quá dài buộc chúng tôi phải hệ thống lại kiến thức, hoạt động tổ chức với học sinh sẽ bị cắt đi. Chúng tôi phải biên tập lại bài giảng để phù hợp hơn trên truyền hình", cô giáo Huyền bộc bạch trước giờ lên sóng.
Vất vả với buổi quay, quãng đường về nhà ai cũng ngập tràn nụ cười, kèm theo đó là những lời chúc từ ban lãnh đạo nhà trường, gia đình và học sinh. Bởi những người thầy giáo ấy không chỉ đơn giản là truyền đạt kiến thức. Mà còn là "chiến sĩ" cùng góp phần chống dịch trong lĩnh vực giáo dục.