Cây ăn thịt người, từ truyền thuyết đến sự thật
Trông nó giống một cây dứa khổng lồ, cao trên 2,5m, tán phủ rộng 2 mét trên mặt đất. Nó có vô số những cái tua dài, to như cẳng tay người, xoắn xuýt, vươn lên cao.
Truyền thuyết
Cây ăn thịt người có lá rộng, khum khum, ngoài rìa tua tủa răng cưa. Loài thực vật có vẻ ngoài hung dữ, xấu xí này là một trong những mối đe dọa đáng sợ nhất của con người trong thế giới hoang dã.
Tranh vẽ cây ăn thịt người của South Australian Register
Ít nhất theo một bài báo đăng trên tờ South Australian Register cách đây nhiều năm thì là như thế. Bài báo cho biết, cây ăn thịt người là một “đặc sản” của Madagascar và được người dân bộ tộc Mkodo ở đây tôn thờ như một linh vật. Họ thường tổ chức lễ hiến sinh cho cây với lễ vật là các thiếu nữ trẻ.
Khi bắt đầu buổi lễ, thiếu nữ bị bắt uống thật nhiều nhựa cây. Sau đó, cô gái bị quẳng vào giữa bụi cây. Những chiếc lá chậm rãi vươn ra, phủ kín nạn nhân. Những chiếc tua dài gớm ghiếc siết chặt lấy cô gái tội nghiệp. Càng dẫy dụa thì chúng càng siết chặt. Một vài ngày sau, người ta sẽ chỉ còn thấy xương của nạn nhân vướng trong đám tua chằng chịt.
Cái cây ăn thịt cô gái (Ảnh minh họa)
Câu chuyện được mô tả sinh động kèm theo hình vẽ minh họa đã trở thành nỗi ám ảnh đối với bất cứ nhà thám hiểm nào đặt chân đến Madagascar. Một mặt, họ muốn được tận mắt chứng kiến sinh vật đáng sợ đó. Nhưng mặt khác, ai cũng lo sợ mình có thể trở thành nạn nhân của nó, vì nghe nói cái cây rất phàm ăn.
Với tâm trạng nửa háo hức, nửa e dè như vậy, nhiều thập kỷ qua, hàng nghìn lượt người đã quần nát các cánh rừng của Madagascar, nhưng chưa một ai nhìn thấy cây ăn thịt người. Tất cả những gì người ta biết về nó vẫn chỉ là chuyện kể của các thổ dân. Người ta viết truyện về cây ăn thịt người, làm phim về loại cây này mà chưa từng thấy nó, thậm chí còn không biết nó có thực sự tồn tại hay không.
Và sự thật
Cây ăn thịt người đã trở thành đề tài hứng thú không chỉ với những người tò mò mà cả với các nhà khoa học nghiêm túc. Rất nhiều tên tuổi nổi tiếng trong giới sinh vật học, kể cả Charles Darwin cũng đã từng nghiên cứu về đề tài này, để rồi cuối cùng đưa ra một kết luận: cây ăn thịt người chỉ tồn tại trong các truyền thuyết.
Trên thực tế, cũng có một số loài cây lấy chất dinh dưỡng bằng cách trở thành cây ăn thịt - carnivorous plant. Tuy nhiên, phần lớn nạn nhân của chúng chỉ là côn trùng. Cây lấy chất dinh dưỡng từ xác những con vật xấu số đó để phát triển.
Cây ăn thịt có nhiều cách để bẫy động vật. Cây nắp ấm có lá mọc như một chiếc bình với một chiếc mũ để mở. Bên trong chiếc bình là những chất có mùi ngọt rất hấp dẫn côn trùng. Một khi côn trùng đã rơi vào trong bình, chất nhầy bám vào cánh sẽ khiến chúng không thoát ra được và nhanh chóng bị phân hủy.
Cây gọng vó thì dùng mật hoa dụ côn trùng đậu vào cánh. Trên cánh hoa có vô số những sợi lông nhỏ rất nhạy cảm với chất dính bọc quanh. Khi côn trùng đậu vào, những sợi lông sẽ trói chặt nạn nhân và khiến chúng bị chết ngạt. Một chất nhờn sẽ phân hủy xác côn trùng thành bữa ăn ngon cho cây gọng vó.
Một con chuột bị cây Nepenthes rajah ăn dở
Cây ăn thịt có khá nhiều loại, nhưng không có loại nào đủ lớn, cũng như đủ độc tố để giết chết và phân hủy một con người. Cho đến nay, loài cây ăn thịt lớn nhất đã được biết đến là cây Nepenthes rajah. Loài cây này mọc khá nhiều ở vùng Đông Nam Á, thuộc họ cây nắp ấm. Chỉ có điều, “chiếc ấm” của nó có thể cao tới 35 cm, đường kính 18cm, bên trong chứa 2,5 lít dung dịch tiêu hóa.
Cây Nepenthes rajah có khả năng bẫy côn trùng lớn và thậm chí là cả những động vật nhỏ như chuột, cóc nhái, thằn lằn. Thế nhưng chắc chắn nó không thể làm hại con người. Ở một số nơi, nông dân còn trồng cây Nepenthes rajah quanh ruộng lúa để chống lại chuột bọ ăn lúa. Người ta cũng có thể đổ gạo, thịt... vào bên trong “chiếc ấm” và chờ dung dịch tiêu hóa của cây làm chín các thực phẩm này là có được những món ăn lạ miệng.