Chuyện lạ có thật về ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ: Không ATM, không trang web và chỉ có duy nhất 1 nhân viên chính thức
'Nhỏ mà có võ', ngân hàng đặc biệt này đã vượt qua được cuộc khủng hoảng lịch sử và duy trì hoạt động suốt hơn 100 năm.
Có lẽ James A. Sammons là giám đốc điều hành của ngân hàng nhỏ nhất nước Mỹ - Kentland Federal Savings and Loan (S&L). Với tổng giá trị tài sản 3 triệu USD, ngân hàng này là thành viên "khiêm tốn" nhất của Independent Community Bankers of America (ICBA), một tổ chức dành cho các ngân hàng quy mô nhỏ ở Mỹ. Điều này cũng được Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi liên bang (FDIC) xác nhận.
Ngoài quy mô nhỏ bất thường, Kentland Federal Savings and Loan còn có những điểm đặc biệt khác. Ngân hàng này có trụ sở duy nhất ở thị trấn Kentland của tiểu bang Indiana, nơi mà tổng dân số chỉ có 1.641 người. Chưa hết, họ còn không có máy rút tiền tự động ATM hay bất kỳ trang web chính thức nào.
Về cơ bản, có 2 điều bạn có thể làm với tư cách là khách hàng: thế chấp nhà ở hoặc mở tài khoản tiết kiệm. Và dù bạn sử dụng dịch vụ nào đi nữa, tất cả mọi thủ tục đều sẽ được thực hiện trên giấy tờ theo đúng nghĩa đen.
Là thế hệ thứ tư trong gia đình điều hành ngân hàng và cũng là nhân viên chính thức duy nhất, Sammons không có đủ kiên nhẫn để sử dụng máy tính thay cho hình thức thủ công, dù ông biết rằng nó rất hữu dụng.
Ngân hàng được thành lập vào năm 1920 bởi ông cố của Sammons địa chỉ của nó vẫn không thay đổi cho đến tận thời điểm hiện tại. Giống như các thế hệ đi trước, Sammons từng làm việc trong hệ thống chính quyền thành phố.
Các mối quan hệ cũng như niềm tin của mọi người là chìa khóa để ngân hàng có thể trường tồn suốt hơn 100 năm qua: "Chúng tôi là tổ chức duy nhất không đóng cửa trong cuộc khủng hoảng thị trường chứng khoán cuối những năm 1920. Đến đây, mọi người cảm thấy yên tâm vì họ biết rằng tiền của mình sẽ không mất đi đâu cả".
Các ngân hàng quy mô nhỏ tương tự S&L đã nỗ lực để duy trì độc lập sau nhiều thập kỷ mà xu hướng hợp nhất trở nên phổ biến trong ngành. Theo nhà báo tài chính Roger Lowenstein, một số quy định đã được đặt ra để đảm bảo quyền lợi cho các ngân hàng nhỏ. Chẳng hạn như vào năm 1930, các ngân hàng không được phép mở thêm chi nhánh hoặc hoạt động liên bang.
Sau khi đạo luật Dodd-Frank được thông qua vào năm 2010, nhiều cuộc tranh luận đã nổ ra. Mọi người đặt câu hỏi liệu các gánh nặng pháp lý có đang đè lên vai các ngân hàng nhỏ, khiến họ buộc phải sáp nhập hoặc bán đi hay không. Trên thực tế, dù là khủng hoảng tài chính hay sự thay đổi về mặt pháp lý cũng không thể ngăn cản việc sáp nhập và thu mua của các ngân hàng.
Dù không muốn, Sammons vẫn phải chấp nhận thực tế rằng có thể hoạt động của ngân hàng sẽ chấm dứt sau khi ông nghỉ hưu. Hiện ông có 4 người con trai, nhưng không ai trong số đó yêu thích công việc kinh doanh của gia đình. Vì thế, dù các cơ quan quản lý gây áp lực hoặc tự bản thân ông quyết định rời đi, thì ngân hàng cuối cùng vẫn sẽ được mua lại.
Một lý do khác buộc ngân hàng phải đóng cửa là tỷ suất lợi nhuận ít ỏi. Theo Sammons, dù ngân hàng của ông thu hút khách địa phương nhờ vào lãi suất tiết kiệm và thế chấp, nhưng ngoài điều đó ra, ngân hàng không có thêm bất kỳ một khoản thu nào khác. Nghe có vẻ phi thực tế, nhưng S&L không bao giờ thu phí của khách hàng: không phí ATM, không phí chuyển khoản, và không phí giao dịch dưới bất kỳ hình thức nào.
Vậy Mỹ mất gì khi các ngân hàng quy mô nhỏ của họ đang phải vật lộn để tồn tại?
Theo Lowenstein, định kiến "các ngân hàng nhỏ kém an toàn" là hậu quả của đạo luật Dodd-Frank. Quả thật các ngân hàng nhỏ đã phải chứng kiến sự thất thoát của dòng tiền gửi kể từ khi Silicon Valley Bank - một trong những ngân hàng lớn và uy tín ở Mỹ - tuyên bố phá sản vào tháng trước, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là ngành ngân hàng ở nước này sẽ trở nên độc quyền. Đơn giản là vì họ có cả một di sản ngân hàng địa phương lâu đời.
Nhà báo Lowenstein cho hay, vấn đề của các ngân hàng không nằm ở quy mô lớn hay nhỏ, mà phụ thuộc vào vị trí của chúng trên thang đo mức độ rủi ro và an toàn. Nhiều người tranh luận rằng thỉnh thoảng có một ngân hàng phá sản sẽ tốt hơn, nhưng điều đó không áp dụng cho ngân hàng của Sammons.
Tại Kentland Federal Savings and Loan, tiền gửi của khách hàng được bảo đảm một cách tuyệt đối, vậy nên họ không có lý do gì để lo lắng về sự an toàn của khoản tiết kiệm. Thay vì kinh tế, Sammons tin rằng ngân hàng của ông có lợi thế cạnh tranh về mặt xã hội hơn cả. Bất kỳ ai khi gọi điện đến ngân hàng đều được trả lời trực tiếp bởi ông hoặc nhân viên bán thời gian mà không trải qua một quá trình chờ đợi nào.
Kỳ lạ thay, với tư cách là người điều hành của một ngân hàng, Sammons dường như không quá quan tâm đến tiền bạc. Thu nhập của ông phụ thuộc vào một lượng nhỏ khách hàng quen, nhưng hiện số lượng cũng đang giảm dần. Những năm tháng tồi tệ đã bắt đầu, ông không thể nào duy trì ngân hàng nếu không tìm cách để phát triển, nhưng đó là cái giá mà ông chấp nhận đánh đổi.