Chuyện giới trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người mặc cảm trước kỳ thị, kẻ lại sung sướng đón năm mới bên đồng nghiệp

Bài viết: Quiry // Ảnh và video: Tuấn Tùng,
Chia sẻ

Ở đâu đó đằng sau bức tranh nhộn nhịp của phố xá ngoài kia là chân dung các bạn trẻ vẫn đang ngày đêm miệt mài làm thêm qua Tết. Người đời thường dành những ác cảm cho các bạn, nào là "Kẻ bất hiếu", "Kẻ tham tiền hơn là được quây quần bên gia đình"... Nhưng có lẽ khi trò chuyện sâu hơn, chúng ta mới hiểu, không phải ai cũng có một mái ấm bình yên để trở về.

Năm mới Xuân sang, người người nhà nhà hối hả chạy đua cùng thời gian để chuẩn bị sắm sửa, thu dọn đồ đạc về quê. Một năm qua với bao lo toan nhọc nhằn, ai nấy đều bươn chải và gồng mình trên đất Hà Thành. Giờ là lúc họ được nghỉ ngơi để trở về nhà, quần tụ cùng cha mẹ, bạn bè ở quê và tận hưởng những phút giây thiêng liêng đêm Giao thừa.

Thế nhưng, chẳng phải ai cũng lựa chọn mái ấm là nơi để quay về mỗi dịp Tết Nguyên đán. Đi vào con ngõ Yên Thế nằm trên đường Nguyễn Thái Học, hay ra hồ Gươm phố Lê Thái Tổ, chúng tôi có cơ hội được trò chuyện cùng các bạn trẻ rất đặc biệt. Họ chọn ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết chứ không về quê.

Không chen chúc đi shopping, không sắm sửa một thứ đồ mới, những bạn trẻ này rất đỗi bình lặng, giản dị và chỉ tập trung cho công việc mình đang làm. Mặc dù Tết là dịp người ta đi mua sắm rồi về nhà là chủ yếu, thế nên khách khứa không đông lắm nhưng vẫn đủ để các bạn luôn chân luôn tay. Phải đợi một lúc lâu, chúng tôi mới có thể trò chuyện cùng họ, để biết thêm về những nỗi niềm thầm kín không dễ bày tỏ. 

Người trẻ ở lại Hà Nội làm việc xuyên Tết.

Có thể thấy, mỗi bạn có những câu chuyện, những nỗi niềm riêng. Vui có, buồn cũng có, tất cả chỉ được hé lộ khi chúng ta đặt mình vào hoàn cảnh của họ để thấu hiểu, cảm thông.

Từ nỗi sợ không dám về quê gặp họ hàng vì mang phận đồng tính...

N.V.D (24 tuổi - lễ tân khách sạn) là một người đồng tính nam. D rất ngại những câu hỏi nhạy cảm liên quan đến chuyện lập gia đình, bạn gái... Anh cho rằng mặc dù điều ấy vẫn thường được xem như câu hỏi xã giao của họ hàng nhưng anh không thể chịu được cảm giác khó xử. Theo D, cách tốt nhất là ở lại Hà Nội để tránh xa những điều "độc hại" ở quê nhà. Hơn nữa, lương của D sẽ được nhân 2, nhân 3 lần trong dịp Tết, và vì D chuẩn bị đi du học nên anh cho rằng rất cần thiết để phấn đấu làm việc chăm chỉ.

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 2.

... cho đến niềm vui khi đón Tết cùng những người đồng nghiệp

Trong khi đó, bạn T - nhân viên phục vụ của quán cafe lại cho rằng không có gì cô đơn cả bởi bên cạnh bạn là những người đồng nghiệp sát cánh làm việc. Ngày thường họ đã thân thiết với nhau, vậy nên dịp Tết chắc chắn lại càng là cái cớ để mọi người gần gũi hơn. Ngoài ra, T chia sẻ sau những ngày làm việc đầu năm, bạn sẽ về quê thăm bố mẹ và lên kế hoạch đi du lịch với bạn bè. 

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 3.

Còn với H - cô nhân viên pha chế thì lại ở một hoàn cảnh rất khác. Năm nay, bạn trai của H ở lại thủ đô nên cô cũng nhân dịp này để hai người có cơ hội gần bên nhau. Hơn nữa, H cho rằng làm việc xuyên Tết ở thành phố cũng sẽ là một trải nghiệm đáng giá mà tuổi trẻ nên thử ít nhất một lần.

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 4.

Người ta cứ nói những bạn trẻ này là lũ bám Hà Nội, lũ tham tiền, không đoái hoài gì đến mẹ cha, gia đình. Nhưng sau khi được tâm tình cùng họ, hẳn là bạn sẽ phải suy nghĩ khác. Tết Nguyên đán ngày nay dường như không còn là một niềm vui to đùng khi được ở gần gia đình mà nó là sự tổng hợp của những điều bé nhỏ bình dị. 

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 5.

Người trẻ không hẳn được hạnh phúc khi trở về mái ấm. Họ chắc chắn sẽ vui vẻ hơn khi được làm công việc mình yêu thích, cùng những người bạn tri kỉ và trong lòng vẫn mang một trái tim gửi về quê nhà. Họ thậm chí còn thấy bình yên hơn khi không bị quấy rầy bởi những sự vô duyên hỏi han, bởi những phong tục cũ kỹ và nhàm chán. Đơn giản, họ muốn được trải nghiệm mới mẻ, muốn được một lần trong đời ngắm xem Tết ở Hà Nội có gì thú vị, hấp dẫn không. 

Cô đơn à, xin hãy đừng lo thay cho họ. Chúng ta đều là những người trưởng thành, ấy là khi cô đơn không đáng sợ bằng cô độc. Vậy tại sao phải buồn khi xung quanh ta vẫn còn là biết bao người bạn tuyệt vời không nào? Cũng hi vọng rằng các bậc phụ huynh thấu hiểu cho con mình và để chúng được quyền tự lựa chọn hướng đi riêng. Có như vậy, mùa Tết năm nay mới thực sự an yên, ấm áp.

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 6.

Nếu bạn ở lại Hà Nội làm việc xuyên Tết, thì chúc mừng năm mới -  lời nhắn từ thủ đô thân thương!

Chuyện bạn trẻ ở lại Hà Nội làm thêm xuyên Tết: Người thì mặc cảm vì phận đồng tính, kẻ lại cảm thấy vui khi sum vầy cùng đồng nghiệp - Ảnh 7.

Chia sẻ