Sinh được con trai, con dâu “đè đầu cưỡi cổ” nhà chồng
Hình như từ ngày về làm dâu đến nay, do luôn được mọi người nâng niu, chiều theo ý thích nên Nhung ảo tưởng nhà chồng coi mình là nhất và khinh thường tất cả mọi người.
Thành là một chàng trai khá giỏi giang. Tốt nghiệp đại học xong, anh về quản lí xí nghiệp chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng của gia đình.
Thành quen và yêu Nhung, một cô gái khá xinh xắn, hiền lành. Mặc dù nhà thành phố, có điều kiện nhưng Thành không hề chê Nhung nhà nghèo, tỉnh lẻ. Thấy cô là người con gái dịu dàng, khéo léo, Thành quyết định tìm hiểu. Hai người đến với nhau bằng tình cảm tự nhiên và rất hạnh phúc.
Ngày Thành đưa người yêu về giới thiệu, bố mẹ anh ưng cô ngay. Cả nhà chẳng hề lăn tăn gì về gia cảnh của Nhung cả. Ông bà có mình Thành là con trai, chỉ mong anh lấy được người vợ thảo hiền là mãn nguyện lắm rồi.
Nhung về làm dâu nhà Thành, mang tiếng ở với bố mẹ chồng nhưng có khi còn sướng hơn nhà mình. Bởi ở nhà cô, cuộc sống vất vả và khó khăn hơn nhiều. Bố mẹ Thành lại không có con gái nên rất quý con dâu, cưng chiều cô như con ruột.
Vừa về làm dâu, ông bà đã mua ngay cho Nhung chiếc xe tay ga đắt tiền để cô đi làm cho bằng chị bằng em. Công việc văn phòng bình thường của Nhung với mức lương chỉ đủ tiền ăn sáng nhưng bố mẹ chồng vẫn khuyến khích con dâu đi làm để ra ngoài giao tiếp xã hội. Việc nhà, việc chăm sóc bố mẹ chồng đã có người giúp việc lo.
Từ khi Nhung có bầu và siêu âm biết là con trai thì ông bà càng yêu chiều, đối xử với cô tốt hơn nữa. Nhiều lúc Nhung làm sai chuyện gì hay nói những câu quá phận dâu con, Thành lên tiếng dạy vợ thì ông bà lại "nhảy" vào can thiệp và bênh vực con dâu chằm chặp làm Thành tức anh ách.
Sau nhiều lần được bố mẹ chồng bênh, lại cậy mang thai quý tử sẽ không ai dám làm gì, nên cô ngày càng đối xử quá đáng với chồng, không còn tôn trọng chồng nữa. Nhung nói chuyện với chồng mà luôn nói trống không, liên tục cáu kỉnh, hạch sách anh. Thành thất vọng vô cùng, không hiểu người con gái ngày xưa anh yêu biến đi đâu rồi nữa?
Thành có góp ý với bố mẹ rằng: “Vợ con sai để con nhắc nhở, bố mẹ cứ bênh vực cô ấy, sau này cô ấy quen thói rồi hạnh phúc gia đình có ngày tan vỡ không biết chừng!”.
Nhưng ông bà vì thương đứa cháu nội nên bỏ ngoài tai lời Thành nói. Lúc Thành góp ý thì họ gật lên gật xuống đấy. Nhưng lúc nhìn thấy cái bụng bầu của con dâu thì họ lại không nỡ nặng lời.
Không ít lần nhà cửa om sòm vì ông bà bênh con dâu một cách vô lí khiến Thành không nhịn được phải to tiếng với cả bố mẹ mình.
Nhung quen kiểu bắt nạt nhà chồng rồi nên không còn biết nhìn lại xem cô là ai và nhờ có ai cô mới được như ngày hôm nay nữa (Ảnh minh họa).
Dần dà, Nhung trở nên ngày càng kiêu căng, nóng tính, thích thì hỗn láo chứ không sợ trời đất gì. Từ lâu Nhung đã chẳng coi chồng ra gì, đến giờ được bố mẹ chồng dung túng nhiều quá thành ra đến ông bà cô cũng chẳng để vào mắt nữa.
Hơi tí là cô lại "chĩa" bụng về phía chồng thách thức, thế là chồng có tức mấy cũng chỉ còn nước ngậm tăm. Còn bố mẹ chồng có định để mặc anh "dạy" vợ cũng phải chạy đến can ngăn Thành.
Khi con trai ra đời, nắm được điểm yếu là chồng và bố mẹ chồng thương con thương cháu, Nhung càng được thể làm già. Có chút chuyện không hài lòng là cô lại đòi li hôn, đòi ôm con đi. Cô cư xử trong nhà kém đến mức tệ hại. Nhung cứ ăn nói vô văn hóa, toàn dùng những ngôn ngữ chợ búa mà mạt sát chồng.
Từ ngày về làm dâu đến nay, do luôn được mọi người nâng niu, chiều theo ý thích nên Nhung ảo tưởng nhà chồng coi mình là nhất, khinh thường tất cả mọi người. Nhắc đến ai, cô cũng bĩu môi dè bỉu. Nhung mới có bằng đại học nhưng mở miệng là chê người khác vô học, chê họ hàng nhà chồng toàn dân đầu đường xó chợ.
Thành đã dùng mọi cách để “trị” vợ, từ nhẹ nhàng đến cứng rắn. Nhưng nếu Thành nhẹ nhàng, mềm mỏng khuyên bảo thì cô coi như gió thoảng ngang tai. Nếu nặng lời hơn thì cô cãi cùn, còn nếu Thành vừa kéo tay kéo chân cô thì cô gọi ngay... 113 đến nhà.
Bố mẹ Thành có lẽ cũng thấy quá giới hạn chịu đựng, nói vài câu động chạm đến con dâu thì Nhung y như rằng mặt dài ra, dỗi hờn bế con ra khỏi nhà. Ông bà chứng kiến cảnh ấy mà ngán ngẩm nuốt giận cho qua, rồi lại phải nhường nhịn. Nếu không thì cháu ông bà sẽ phải chịu khổ chứ không phải ai khác.
Bây giờ ông bà có hối hận vì trước đây quá chiều con dâu cũng đã muộn. Nhung quen kiểu bắt nạt nhà chồng nên không còn biết nhìn lại xem cô là ai và nhờ có ai cô mới được như ngày hôm nay nữa.
Cuộc sống gia đình bế tắc, nhiều lúc Thành cũng nghĩ đến ly hôn để giải thoát cho nhau. Nhưng con trai chưa được 3 tuổi, nếu ly hôn thì Nhung sẽ được quyền nuôi con. Đó là điều mà anh và bố mẹ anh không chấp nhận được.
Cả nhà Thành lo sợ nếu ly hôn, người phải chịu thiếu thốn, khổ cực nhất đó là đứa bé. Bởi Nhung không đủ điều kiện kinh tế để nuôi con, lại phải ở nhà thuê nữa. Và điều anh băn khoăn hơn là, liệu cô ấy có thật lòng yêu con trai không hay chỉ mang con ra để uy hiếp nhà chồng.
Cứ thế, từ Thành cho đến bố mẹ đều xác định, thôi cố nhịn, đợi cháu trai lớn chút nữa rồi tính. Làm căng mọi chuyện lên chỉ khổ cháu mà thôi. Hơn nữa, chả lẽ toàn người lớn cả lại vì một cô dâu như thế mà để đứa trẻ phải chịu thiệt thòi.
Chẳng ai ngờ được vẫn có những câu chuyện ngược đời: con dâu tai quái, có khi một tay phá nát cả nhà chồng