Chuyện gì xảy ra với nước Mỹ: Hơn 100.000 người nhập viện dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid-19, một tháng 8 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch

J.D,
Chia sẻ

Số ca nhiễm gia tăng dù vaccine sẵn có đã trở thành một thực tại đầy mâu thuẫn mà Mỹ phải đối mặt. Nguyên nhân nằm ở việc một phần đông cư dân vẫn chưa chịu tiêm chủng.

Hơn 100.000 người đã phải nhập viện vì Covid-19 tại Mỹ vào lúc này. Đây là lần đầu tiên nước Mỹ quay lại cột mốc này kể từ tháng 1/2021, và nhân viên y tế lại một lần nữa phải đối mặt với nguy cơ quá tải trầm trọng.

Giữa làn sóng Covid-19 đột ngột gia tăng trong mùa hè vì sự xuất hiện của Delta - biến chủng Covid-19 được xem là "toàn diện nhất", số ca nhiễm trung bình mỗi ngày tại Mỹ đang cao hơn gấp đôi so với thời điểm năm ngoái, khi vaccine thậm chí còn chưa ra đời.

Chuyện gì xảy ra với nước Mỹ: Hơn 100.000 người nhập viện dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid, một tháng 8 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch - Ảnh 1.

Hơn 100.000 ca nhiễm phải nhập viện - bức ảnh được đăng tải trên Fox News ngày 25/8

Các bệnh viện và giới nghiên cứu cho biết, đa số các bệnh nhân nhập viện giai đoạn vừa qua đều chưa được tiêm chủng. Và theo như Tiến sĩ Paul Offit từ Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), việc vaccine sẵn có như hiện nay khiến làn sóng nhập viện gia tăng trở thành một nghịch lý đầy thảm hại.

"Con số hiện nay đang tệ hơn rất nhiều so với tháng 8 năm ngoái," - Offit cho biết. "Tháng 8/2020, chúng ta chẳng có vaccine. Giờ khi một nửa dân số đã tiêm, con số thậm chí còn tệ hơn."

"Biến chủng Delta thực sự là kẻ thay đổi hoàn toàn thời cuộc."

Số ca nhiễm và nhập viện vì Covid-19 đã gia tăng kể từ cuối tháng 6/2021, khi Delta trở thành biến chủng chiếm ưu thế tại Mỹ. Tính đến ngày 25/8, đang có hơn 100.000 bệnh nhân đang phải nhập viện trên cả nước - cao hơn gấp 6 lần so với con số cách đây 9 tuần. Giai đoạn có số liệu lớn hơn như vậy là cuối tháng 11/2020 - đầu tháng 1/2021, thời điểm Mỹ phải hứng chịu làn sóng dịch bệnh rất lớn.

Vấn đề là những người tiêm chủng đầy đủ có rủi ro nhập viện thấp hơn rất nhiều so với người chưa tiêm - trích trong báo cáo nghiên cứu từ hạt Los Angeles. Cụ thể, tỉ lệ nhiễm và nhập viện ở những người chưa tiêm cao hơn lần lượt 4,9 và 29,2 lần so với nhóm đã tiêm chủng. Trong đó, chỉ 3,2% người đã tiêm chủng phải nhập viện khi nhiễm bệnh, 0,5% phải vào phòng chăm sóc tích cực (ICU), và 0,2% buộc phải dùng đến máy trợ thở xâm nhập.

12h chờ đợi ngoài phòng cấp cứu

Với 48,3% dân Mỹ chưa tiêm chủng, các bệnh viện đang đối mặt với làn sóng bệnh nhân ập tới một cách nhanh chóng.

Florida là một trong những bang chịu ảnh hưởng nặng nhất, với tỉ lệ nhập viện là 80 trên 100.000 dân. Theo sau là Alabama, Mississippi, Georgia và Louisiana, tỉ lệ rơi vào khoảng 55 ca trên 100.000 người.

"Tôi đã buộc phải từ chối một bệnh nhân ung thư cần cấp cứu," - Bác sĩ Nitesh Paryani tại Florida nói một cách đau lòng. "Lần đầu tiên trong suốt 60 năm thâm niên điều trị ung thư của gia đình, chúng tôi buộc phải từ chối bệnh nhân. Đơn giản là không có giường, không có phòng dành cho họ."

Paryani cho biết thêm, thời gian chờ đợi trung bình tại phòng cấp cứu của bệnh viện ông làm việc hiện đang là 12h.

Tại New Mexico, Tiến sĩ David Scrase - quyền bộ trưởng y tế nhận định nếu không có gì thay đổi, tiểu bang này sẽ sớm chạm đến ngưỡng khủng hoảng y tế trong tuần tới vì không thể đáp ứng được số ca nhiễm gia tăng quá nhanh. Khu ICU trong các bệnh viện bị lấp đầy nhanh chóng, đến mức nhà chức trách còn khó có thể vẽ được biểu đồ ca nhập viện một cách chính xác.

"Vì chúng tôi đều đã quá tải, giường bệnh bị lấp đầy quá nhanh, không thể hiện kịp trên biểu đồ."

Hỗn loạn

Đó là 2 từ để chỉ chung tình hình tại Mỹ lúc này. Số ca nhiễm gia tăng ở khắp cả nước đã khiến một số nhà lãnh đạo ban hành các quy định hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của virus. Trong khi đó, một số nơi tỏ ra ngần ngại, không muốn áp dụng bất kỳ biện pháp siết chặt nào.

Như tại Illinois, Thống đốc J.B. Pritzker thông báo hôm 26/8 rằng toàn bộ giáo viên và nhân viên trường công, cũng như sinh viên và nhân viên y tế các cấp đều phải tiêm chủng Covid-19 trước ngày 5/9, hoặc sẽ phải trình giấy xét nghiệm định kỳ. Tiểu bang này cũng ban hành lệnh đeo khẩu trang bắt buộc từ đầu tuần, bất kể tình trạng tiêm vaccine.

Chuyện gì xảy ra với nước Mỹ: Hơn 100.000 người nhập viện dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid, một tháng 8 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch - Ảnh 4.

Pritzker cho biết, các quy định trên là để bảo vệ những cư dân chịu rủi ro lớn nhất - bao gồm trẻ em chưa đủ tuổi tiêm chủng và người già với hệ miễn dịch suy yếu, đồng thời giảm tải cho hệ thống y tế.

"Mối lo ngại lớn nhất của tôi lúc này là giữ cho hệ thống y tế không bị quá tải, không chỉ dành cho bệnh nhân Covid-19 mà còn với các căn bệnh khác nữa."

Tại Maui (Hawaii), Thị trưởng Michael Victorino yêu cầu cư dân và khách du lịch hạn chế các hoạt động không cần thiết trong ít nhất 3 tuần. Ông cũng yêu cầu Thống đốc bang David Ige chấp thuận quy định hạn chế số lượng người được phép tụ tập.

"Đây không phải là viễn tưởng. Nó là thực tại. Chúng ta phải làm vậy thêm một lần nữa."

Chuyện gì xảy ra với nước Mỹ: Hơn 100.000 người nhập viện dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid, một tháng 8 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch - Ảnh 5.

Trong khi đó, thống đốc 2 tiểu bang Texas và Florida lại từ chối, thậm chí siết chặt thêm các quy định chống lại tiêm chủng và khẩu trang bắt buộc. Như Thống đốc bang Texas Greg Abbott hôm 25/8 đã nới rộng chính sách cấm tất cả quy định tiêm chủng bắt buộc ở các văn phòng công trên toàn tiểu bang. Còn Ron Desantis - Thống đốc bang Florida khẳng định việc các trường học ra quy định đeo khẩu trang bắt buộc là "vi phạm luật pháp tiểu bang".

"Chúng tôi nghĩ rằng phụ huynh là những người nên ra quyết định, và bất kỳ cơ quan nào vi phạm quy định của tiểu bang sẽ phải chịu hậu quả," - ông DeSantis khẳng định.

Kỷ lục ca nhiễm với trẻ em

Với việc trẻ em dưới 12 tuổi chưa được tiêm vaccine, các chuyên gia đang sợ rằng số ca nhiễm ở độ tuổi này sẽ tăng lên chóng mặt.

Bệnh viện Nhi Texas đang chứng kiến làn sóng lây nhiễm gia tăng ở trẻ em, với số trẻ nhập viện ở mức kỷ lục và ở tình trạng nặng hơn so với trước đây.

Chuyện gì xảy ra với nước Mỹ: Hơn 100.000 người nhập viện dù phân nửa dân số đã tiêm chủng Covid, một tháng 8 tồi tệ nhất kể từ đầu đại dịch - Ảnh 6.

"Chúng tôi đã chạm đến mức ca nhiễm kỷ lục với Delta," - Bác sĩ Jim. Versalovic cho biết. "Chúng tôi đã từng chứng kiến hơn 900 ca nhập viện trong 1 tuần ở thời điểm đầu tháng 1/2021, do làn sóng dịch bệnh từ mùa đông. Còn giờ là 1300 ca mỗi tuần."

Trên thực tế vào thời điểm cuối 2020, đầu 2021, nhiều trẻ em dương tính với Covid-19 chỉ có triệu chứng nhẹ, hoặc không có triệu chứng.

"Còn giờ, số trẻ em xuất hiện triệu chứng đã nhiều hơn, với biểu hiện sốt cao, khó thở, mệt mỏi..." - Versalovic cho biết thêm. "Một tỉ lệ lớn trẻ em đã nhiễm Delta đang xuất hiện triệu chứng nặng, bao gồm cả trẻ sơ sinh phải nhập viện vì Covid-19."

Và tại Louisiana, Bộ Y tế hôm 25/8 thông báo có trường hợp trẻ em dưới 1 tuổi chết vì Covid-19 - trường hợp đầu tiên trong hơn 6 tháng qua, theo lời Thống đốc John Bel Edwards.

Nguồn: CNN
Chia sẻ