Chuyện gì xảy ra khi bạn nhấn nút xả bồn cầu trên máy bay?
Chất thải sẽ đi về đâu? Và lịch sử của chiếc toilet trên máy bay cũng sẽ khiến bạn bất ngờ.
Trải nghiệm sử dụng toilet trên máy bay của bạn thế nào? Nghe câu này, thường thì câu trả lời sẽ là... cố mà nhịn đến hết chuyến, vì chẳng đâu thoải mái như ở nhà, và dùng mấy cái bồn vệ sinh công cộng - dù là trên máy bay đi nữa - cũng thực sự đem lại cảm giác không mấy an toàn.
Nhưng tất nhiên, sẽ có lúc bạn chẳng thể cưỡng lại tiếng gọi từ cổng sau (hoặc cổng trước) và lao vào toilet trút bầu tâm sự. Và lúc này bạn sẽ nhận ra một điều: toilet trên trời khác dưới đất quá! Toilet máy bay chẳng có nước, họa chăng chỉ là một vài giọt xịt không đáng kể.
Rồi khi bấm nút, cái đống bạn vừa trút bầu tâm sự được hút tụt một cái rồi biến mất không một dấu vết. Nó đi đâu thì... chịu, nhưng nên nhớ máy bay không có đường ống nước nào cả, và câu hỏi đặt ra là: Chúng nó đi về đâu?
Câu chuyện của chiếc toilet máy bay thuở sơ khai
Muốn biết cái đống "ruột gan" của bạn trôi về đâu thì... cứ từ từ. Ta sẽ đến với lịch sử của những chiếc toilet máy bay trước đã.
Máy bay ngày xưa khác bây giờ lắm. Khi anh em nhà Wright phát minh ra máy bay vào năm 1900, chuyến bay đầu tiên của họ kéo dài khoảng 12 giây, và toilet thì... tuyệt nhiên không có.
Trong một khoảng thời gian dài khoảng 20 năm tiếp theo, những chuyến bay thương mại bắt đầu xuất hiện, ngắn có, dài có, toilet vẫn chẳng thấy đâu. Và sự thật là sẽ có một người ở đâu đó không chịu được mà xả thải trên trời, nhưng lịch sử không thấy ghi lại.
Chuyến bay đầu tiên chỉ diễn ra trong 12s, và đương nhiên không có toilet.
Đến giai đoạn 1920 - 1930, toilet trên máy bay không khác gì trên tàu hỏa - được thông thẳng ra ngoài. Tức là bạn sẽ được trải nghiệm cảm giác gió lồng lộng mỗi khi có nhu cầu. Tất nhiên, máy bay thời kỳ này bay không được cao cho lắm, thế nên chuyện này cũng chẳng hại gì, ngoại trừ việc cái đống xú uế của bạn có nguy cơ nã thẳng vào đầu những người đen đủi phía dưới.
Qua giai đoạn 1930, toilet dội nước lần đầu được sử dụng trên máy bay. Bồn cầu lúc này có một lớp methylene lỏng màu xanh có vai trò diệt khuẩn, còn chất thải được đi xuống một khoang chứa phía dưới máy bay.
Tuy nhiên, toilet dạng này khá là tốn chi phí và chỉ xuất hiện trong các khoang hạng sang, dành cho những người có tiền. Phải đến năm 1982, toilet hút chân không mới ra đời và được sử dụng trên các chuyến bay thương mại đến tận ngày hôm nay.
Chất thải trong toilet chân không sẽ đi đâu? Chẳng lẽ hút tụt ra ngoài?
Theo Patrick Smith - một phi công và tác giả của cuốn sách du lịch Cockpit Confidential: "Với những chuyến bay thương mại hiện nay, đẩy được chất thải ra ngoài khi đang bay là chuyện không tưởng".
Ông cho biết: "Lực hút của toilet máy bay là khá lớn. Hơn nữa, toilet máy bay đã được tráng một lớp nhựa Teflon - dùng trong chảo chống dính. Vậy nên, phương pháp giật nước này đủ để đảm bảo những gì bạn dốc bầu tâm sự trôi tuột đi".
Lượng chất thải này sẽ được chuyển tới một cái khoang lớn tại gầm máy bay. Rồi khi hạ cánh, nó sẽ được một chiếc xe tải chuyên dụng đến dọn dẹp, hút tất cả vào trong thùng chứa đằng sau xe. Xong xuôi, một ống khác sẽ được nối vào thùng chứa của máy bay, bơm các dung dịch làm sạch và khử trùng vào bên trong.
Chiếc xe tải này có cái tên "honey truck", làm nhiệm vụ thu hồi chất thải trên máy bay.
Mỗi lần hút, các nhân viên kỹ thuật phải thu được tầm vài nghìn lít chất thải. Nhưng cũng đừng vội cười, vì mấy ông lái chiếc xe này lương có khi còn cao hơn cơ phó đấy.
Quá trình này chỉ diễn ra trong đúng 10 phút.
Còn đống chất thải này sẽ được chở ra phía sau sân bay để xử lý. Tài xế sẽ xả ống, đưa tất cả vào hố chôn lấp, và mọi chuyện còn lại cứ để tự nhiên thôi.
(Nguồn: Telegraph)