Chuyện chưa từng kể của con gái PGS. Văn Như Cương - cô Hiệu phó "thích xe to" của trường Lương Thế Vinh

Lynk, Ảnh Q.Vinh,
Chia sẻ

"Bây giờ đã ở tuổi 44, cũng có thể coi là tôi đã đi quá nửa đời người rồi, có những thứ tôi không bao giờ quên, có những đau khổ tưởng như khó thể vượt qua nhưng bây giờ khi nhìn lại tôi chợt thấy tôi thật sự đã trưởng thành từ những đau khổ đó..."

*LTS: Vốn dĩ biết cô Văn Thùy Dương qua báo chí và mạng xã hội, trong suy nghĩ của tôi, chắc cô ấy là một người khó tính, và nguyên tắc, đúng như cương vị quản lý giáo dục cô đang nắm giữ. Nhưng tôi không ngờ, cô nhận lời gặp gỡ một cách rất vui vẻ. Và tôi đã có duyên được nghe cô chia sẻ rất nhiều điều về bản thân, gia đình, cuộc sống hiện tại, và những suy nghĩ rất sâu sắc về nghề giáo. Ấn tượng của tôi về cô là sự thân thiện, gần gũi, giọng nói ấm áp, và thần thái rất đẹp, rất cuốn hút. Và cô đã có những chia sẻ rất chân tình...

văn thùy dương
Cô Văn Thùy Dương - Hiệu phó trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội). Cô sinh năm 1972, là con gái út PGS. Văn Như Cương

Trưởng thành từ những đau khổ

Tôi đã làm mẹ đơn thân đã 14 năm có lẻ. Mọi người biết đến tôi là con gái út của GS. Văn Như Cương, ngoài ra tôi nghĩ mọi người biết đến tôi vì những điều hơi khác thường mà tôi đã từng làm, chẳng hạn tôi công khai bênh cô người yêu của con trai mình trước công luận và sau đó cưới cô bé về làm vợ cho con trai ngay lập tức. Chẳng hạn là tôi cùng mọi người chăm sóc bố và bảo vệ ý kiến là chữa bệnh cho bố bằng phương pháp y học hiện đại nhưng cùng lúc đó tôi lại tạo cho mình một niềm tin ở nơi khác nữa. Tôi quy y cửa Phật và về chùa tụng kinh dược sư cho bố hàng ngày.

Từ một con người phóng khoáng, tính như đàn ông, thích xe ô tô to, thích xe mô tô phân khối lớn, thích rong ruổi cùng câu lạc bộ Leica khắp mọi nẻo đường để học hỏi chụp ảnh, thích làm những việc to tát của đàn ông đến mức ít khi chịu ngồi yên một chỗ... thì hiện giờ tôi đã có thể ngồi hàng tiếng đồng hồ tụng kinh cầu an cho bố, điều này khiến tôi mềm mại hơn, nhẫn nhịn hơn... Cho tới bây giờ, tính ra đã hơn 900 ngày tôi lái xe 100 km một ngày để về chùa tụng kinh, tôi làm điều này không chỉ cho bố mà còn cho sự an lành của tất cả học sinh tôi nữa.

cô Văn Thùy Dương


cô Văn Thùy Dương


cô Văn Thùy Dương
Tôi có niềm đam mê lớn với những chiếc xe to, mọi người cũng hay hỏi về sở thích này, nhưng hiện tại, tôi không muốn nói quá nhiều về nó.

Bây giờ đã ở tuổi 44, cũng có thể coi là tôi đã đi quá nửa đời người rồi, có những thứ tôi không bao giờ quên, có những đau khổ tưởng như khó thể vượt qua nhưng bây giờ khi nhìn lại tôi chợt thấy tôi thật sự đã trưởng thành từ những đau khổ đó.

văn thùy dương
Các con là động lực, là nguồn sống của tôi.

Tôi sinh con trai đầu lòng là Văn Quỳnh khi còn rất trẻ, mới 20 tuổi, là SV ĐH Mỹ thuật công nghiệp. 6 năm sau, bé Hin – Tiểu Tô Sa ra đời. Khi Quỳnh được 10 tuổi và Hin được 4 tuổi, tôi ly hôn. Có thể nói đó là khoảng thời gian nhiều cung bậc cảm xúc nhất, đau khổ, vui sướng, tự do và cô đơn, nghĩ lại cũng thấy khủng khiếp bởi vì lúc đó ly hôn, tôi đã nghĩ là tôi thất bại. Bây giờ, sau khi đã luyện cho mình quên hết tất cả, tôi chỉ giữ lại một câu duy nhất mà lúc chia tay bố Quỳnh và Sa nói: "Cô phải cảm ơn tôi mới đúng vì nếu khi sống với cô, tôi chiều chuộng chăm sóc cô hết tất cả, làm hết tất cả cho cô thì bây giờ cô có vững vàng mạnh mẽ được như thế này không?!". Bây giờ nghiệm ra thấy anh ý nói đúng vô cùng và sau này nếu có gặp lại anh ý, nhất định tôi sẽ nói lời cảm ơn chân thành. Cái quan điểm của anh ý, sau này tôi đã lấy đó để dạy cho con mình, dạy cách con tự lập, tự vượt qua khó khăn, học cách chịu áp lực trong cuộc sống, tự chủ giải quyết khó khăn của mình, làm bằng được những điều mình muốn bằng cách đàng hoàng và đúng đắn....

Cuộc sống đơn thân với hai con có vất vả thật nhưng bên cạnh tôi luôn có người bạn thân thiết, đó là các con và là nghị lực của mình. Đã có người hỏi tôi không cô đơn, không thấy muốn tìm cho mình một người đàn ông thật sự ư? Nói không thì không đúng và tôi đã từng thử nhưng tôi đã thật nhận thấy tôi thích hợp với việc ở một mình cùng các con hơn. Tuy nhiên biết đâu đến cuối đời, tôi cũng sẽ tìm được cho mình một người để tôi có thể chăm sóc họ, để bọn trẻ có thể yên tâm về tôi hơn.

văn thùy dương
Không phải tôi không có những dự kiến khác sau lần đổ vỡ đầu tiên, nhưng rõ ràng cái gì không phù hợp thì nên bỏ qua, lựa chọn cho mình cái tốt nhất, làm cho mình thấy hạnh phúc nhất.

Lũ trẻ nhà tôi luôn rất hiểu chuyện, biết gia đình nhà mình có truyền thống ra sao, nên chúng luôn làm mọi thứ có chừng mực, vui chơi có giới hạn. Bản thân làm mẹ, lại làm công việc quản lý giáo dục, tôi cũng làm gương cho các con, ví dụ như quan điểm đẹp là sự phù hợp. Đi tiệc thì mặc áo dự tiệc chứ không thể mặc đồ thể thao. Là nghề như nghề của tôi, không bao giờ mặc áo mỏng, áo hở hang.

Cả 2 đứa đều đi du học ở Mỹ, ở Úc, nhưng hình như tôi chưa thấy điều gì các con mang về nhà khiến mình ngạc nhiên. Chỉ có điều ngạc nhiên duy nhất, thiếu vắng lũ trẻ, mọi thói quen của bà mẹ này bỗng dưng đảo lộn hết cả. Mẹ cũng trưởng thành khi xa các con, khi có chúng ở bên mọi thứ mình đều ỷ lại, đi chơi được chúng xách đồ,mặc cả hộ,được sai vặt đủ thứ… nhưng khi cách nhau nửa vòng Trái Đất, mẹ phải tự làm tất cả một mình.

văn thùy dương
Khi bắt đầu làm mẹ đơn thân, tôi nghĩ rằng học cách nuôi dạy con một mình rất khó. Nhưng trải qua rồi, lại thấy nó không ghê gớm bằng chuyện mình bỗng cô đơn khủng khiếp khi các con lớn lên.

Công thức dạy con: nghiêm khắc + yêu thương

Tôi là một người nguyên tắc, nghiêm khắc, không như các bạn nhìn thấy ở ngoài hoặc đọc trên facebook đâu. Nếu hỏi các con về mẹ, chắc chắn chúng cũng sẽ nói mẹ nghiêm khắc. Nhưng mà, ở một số phương diện,tôi luôn hòa nhập với các con, bởi chúng đã phải sống chỉ có mẹ khi còn rất bé.

Ba mẹ con sống cùng nhau và để đảm bảo quyền tự do của mỗi người thì chúng tôi phải có những nguyên tắc riêng, như các con phải làm gì để giúp mẹ, được phép làm gì và không được phép làm gì… và đặt ra nguyên tắc rồi thì không vi phạm. 3 người sống chung thì phải chấp nhận nhau, tất nhiên sẽ có lúc các con có lỗi thì chúng vẫn bị mắng, thậm chí bị đánh là chuyện thường. Cách tôi dạy các con từ nhỏ là thói quen làm việc, là sự cho nhận yêu thương, là sự chia sẻ, là điều mà chúng luôn phải nhớ: "vật chất là điều cần thiết nhưng không phải là quan trọng nhất". Bây giờ có thêm con dâu cũng vậy, gia đình tôivẫn có những nguyên tắc riêng để sống với nhau hòa thuận, đôi khi cũng giận nhau nhưng luôn tìm cách làm lành, đôi khi cũng to tiếng nhưng sau đó thường gặp gỡ để bày tỏ quan điểm và tình cảm. Không nhất thiết khi sai phải nói lời xin lỗi mà có thể dùng hành động để giải quyết khúc mắc. Có lúc tôi sai, tôi sẵn sàng xin lỗi nhưng có lúc không cần thiết, có thể thay lời xin lỗi bằng bữa ăn tối do chính tay tôi nấu hoặc rủ chúng đi ăn coi như làm lành. Không nhất thiết lúc nào cũng phải nói lời xin lỗi một cách cứng nhắc....

Vào facebook của Tô Sa sẽ thấy, trước đây bé Hin rất thần tượng mẹ, trong một giai đoạn nào đó. Nhưng sau này lớn lên, gặp gỡ nhiều người trong thế giới rộng lớn, thì mẹ không còn là thần tượng duy nhất nữa, bạn ấy có thêm những mối quan tâm mới, nhưng không có nghĩa là mẹ trong tâm tưởng của các con bị sụp đổ. Nói chung tôi cảm thấy mình đã làm một người mẹ tốt, hoàn thành được trách nhiệm vun đắp thêm 2 công dân tốt cho xã hội.

Văn Thùy Dương
Văn Quỳnh- con trai lớn của tôi đã trưởng thành, có gia đình nhỏ của riêng con.

văn thùy dương
 "Một người mẹ nghiêm khắc nhưng biết quan tâm chăm sóc, biết chia sẻ, biết yêu thương, sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc đời các con sau này, tạo dựng các thói quen tốt cho con: thói quen lao động, thói quen yêu thương, thậm chí thói quen bày tỏ tình cảm với nhau nữa".

Gia đình tôi có truyền thống giáo dục từ rất lâu đời, toàn cây cao bóng cả được nhiều người biết đến và kính trọng. Cách đây 4 thế hệ, cụ Văn Đức Giai là quan văn trong triều, đến thầy Văn Như Cương cũng đều là nhà giáo cả. Anh chị em họ Văn cũng đều cống hiến cho ngành giáo dục hết mình, nhiều người phấn đấu lên Hiệu trưởng, nhà giáo ưu tú, rạng danh dòng tộc.

Tôi cũng có đôi phần mơ ước về sau được làm nghề như bố. Ngày xưa, thầy Cương nghiêm khắc lắm. Có đánh không? Có! Thậm chí có những trận đòn bây giờ tôi vẫn nhớ rất rõ vì rất đau. Cái nghiêm khắc của bố đã ăn vào máu, thành kí ức và thành một phần con người tôi và sau này tôi cũng dạy con theo như ngày xưa tôi được dạy dỗ, một cách rất tự nhiên. Tuy nhiên bọn trẻ trong gia đình chúng tôi (kể cả các con của các chị gái tôi) ngoài việc chịu sự giáo dục từ truyền thống gia đình thì chúng còn được chúng tôi (tôi và các chị) cố gắng thấu hiểu chúng, coi chúng như bạn, gần gũi để chia sẻ. Ngoài việc chúng chịu sự giáo dục của gia đình, chúng còn được tự học, tự khẳng định và bày tỏ quan điểm của mình. Chúng có thể tự bộc lộ bản thân, và tôi, qua đó uốn nắn chúng. Tôi nhớ ngày xưa tôi nghịch hơn, bướng hơn các chị tôi nên tôi thường bị đánh nhiều hơn, mắng nhiều hơn và tôi luôn biết ơn bố tôi vì điều đó, người dạy tôi biết chịu đau, bắt tôi học cách chịu áp lực trong cuộc sống, người luôn khó tính với tôi hơn với người ngoài... điều đó khiến sau này, trong cuộc sống, tôi vững vàng và có sức chịu đựng tốt hơn mức có thể.

văn thùy dương
Bố luôn là người nghiêm khắc nhất với tôi, nhưng cách giáo dục của bố đã giúp tôi trưởng thành, hiểu biết nhiều hơn.

Bài học này cũng giúp tôi nhiều trong công việc sau này, tôi cũng đã từng tâm sự trong bức thư viết cho phụ huynh đầu năm học mới:

"Ngoài việc đòi hỏi về việc cố gắng học tập xin các vị hãy biết đòi hỏi ở con cái thói quen lao động, thói quen giúp đỡ bố mẹ. Xin các vị cũng kể cho con những khó khăn trong công việc, sự mệt mỏi của một ngày để các con quen dần với sự cần phải chia sẻ khó khăn với bố mẹ. Đừng cho con quá nhiều điều kiện dù có thể. Nên nhớ, vượt giàu khó hơn vượt qua nghèo khổ.

Ngày xưa, thanh niên quyết phải cố gắng học tập để đổi đời, để có một cuộc sống tốt hơn nhưng bây giờ, sự vượt qua những điều kiện sống đầy đủ để thành công là điều khó hơn nhiều. Chúng ta hãy dạy con biết lao động.

Tôi đã từng nói với nhiều học sinh như sau: bố mẹ đi làm và để được nhận lương( quyền lợi) thì đều phải có nghĩa vụ và trách nhiệm đối với công việc của mình. Bây giờ các con có những quyền lợi (được nuôi ăn miễn phí, quần áo giày dép mua thả cửa, đi ăn hàng cũng thoải mái, đi xem phim vô số...) thì các con cũng phải có trách nhiệm với người cho các con những quyền lợi đó, các con kể cho cô, các con có trách nhiệm gì? Và đã nhiều trường hợp ngay cả bố mẹ cũng không trả lời được câu hỏi này.

Muốn các con thành công, hãy biết đòi hỏi đúng mực. Hãy dạy các con biết cách chịu áp lực và vượt qua nó một cách đúng đắn.

Dạy các con biết chấp hành kỷ luật nếu muốn tự do, chịu kỷ luật như là một cách tôn trọng danh dự.

Dạy con cách trung thực, nhất là khi có lỗi, cần biết nhận lỗi và nhận một cách đúng lúc. Điều này quyết định khả năng thành công trong sửa lỗi cho các con..."

văn thùy dương
Bố là người ảnh hưởng nhiều nhất đến chuyện làm mẹ, dạy con của tôi.

Gia đình tôi vừa truyền thống nhưng cũng rất hiện đại, tôi thường tìm cách cùng con vượt qua khó khăn, sai lầm, thay vì chỉ trách mắng. Tôi nhớ mãi hồi nhỏ mẹ bảo, không học thì chỉ có đi bơm xe thôi nhé, tôi sợ lắm, nhưng bây giờ không “dọa” bọn trẻ như vậy được. Ví dụ một ông bố có con trai nghịch ngợm, quát nó rằng hư thì bố sẽ cho về quê, nó quay ra bảo “vâng, về quê cũng được, con không học nữa”, thế thì ông bố sẽ làm cái gì đây? Rất nhiều lần lũ trẻ nhà tôi ngạc nhiên, vì sáng ra bị mẹ mắng sa sả, nhưng chiều về đã vui vẻ cười đùa với chúng nó. Đó là vì tôi có một khoảng thời gian để ngẫm nghĩ mình với các con đúng sai thế nào. Làm bố mẹ nhưng ta vẫn đầy lúc giận dỗi các con chứ, nhưng phải nghĩ xem, tiếp tục giận chúng khi xảy ra chuyện gì đó, liệu có tác dụng không, hay là tình hình xấu đi. Nguyên tắc thì nguyên tắc, nhưng vẫn phải xen lẫn tình cảm yêu thương của mình, thì con cái mới hiểu được, áp đặt quá chúng sẽ đóng cửa với mình, rồi nảy sinh những cái tiêu cực, đến mức ấy sẽ không dạy được con nữa. Nuông chiều quá, chúng cũng ỷ lại, sinh hư. Dạy con không hề dễ, nhưng nếu tìm ra cách của riêng mình, để các con lớn lên thành người tốt, thì đó là cách đúng đắn.

Tôi cũng học được cách xin lỗi các con, ngày xưa các cụ không làm được điều này. Thường thì tôi nhắn tin, hoặc tạo group chat trên facebook, gửi “tối hậu thư” là tối nay nhà mình ăn cơm lúc 7h và nói chuyện. Thế là mọi thứ đều giải quyết được trên phương diện đối thoại một cách trực tiếp để hiểu nhau. Có khi nó cũng nảy ra những cái rất căng thẳng, mẹ con giận nhau đến mấy hôm, nhưng làm sao bỏ nhau, cáu nhau mãi được, còn công việc chung nữa chứ. Thường tôi không ngại xin lỗi, lũ trẻ cũng hiểu, đôi khi nháy mắt một cái bảo con gái đi chợ, chiều mẹ con cùng nấu cơm, vậy là đâu lại vào đấy.

Chữ “Tâm” của một người làm thầy

Ngoài việc dạy dỗ các con ở nhà, thì tôi cũng luôn cố gắng làm tròn vai trò quản lý học sinh ở ngôi trường bố tôi đã dành hết tâm huyết suốt hơn 20 năm qua. Năm vừa rồi, tôi đưa toàn bộ lớp 12 khóa trước lên chùa nghe giảng pháp về chữ TÂM. Chữ TÂM rộng lớn cực kỳ, mà nếu nói thì hai quyển sách dày không hết được. Tôi thường nói với học sinh của mình rằng: “Nếu như mắt anh nhìn mà anh không để tâm thì thầy cô giảng gì, viết gì anh cũng không hiểu được. Nếu anh chơi với bạn bè mà không để tâm thức, cảm xúc của mình đi sâu hơn thì không thể hiểu tại sao bạn lại khóc mỗi khi tới lớp, để chia sẻ với bạn”. Đó chỉ là những điều rất bình thường thôi nhưng nếu cái tâm không đặt ở trái tim thì cũng không thể hiểu được người khác muốn gì.

Cái TÂM của nghề giáo là quan trọng cực kỳ. Nó không phải là lúc nào cũng nói ngọt thì sẽ là tốt, mắng mỏ sẽ là không tốt, bản thân bọn trẻ khi ra trường, chúng sẽ nhớ những lời trách mắng hơn là những thầy cô luôn luôn thỏa hiệp với chúng nó. Bởi thầy cô mong các con tiến bộ, học hành giỏi giang thì mới bức xúc, la mắng như thế. Chữ TÂM khó giải thích trong một câu một chữ, nhưng với những người làm nghề gõ đầu trẻ, tất cả đều vì tấm lòng dành cho lũ trẻ mà thôi.

văn thùy dương
Tôi luôn quan niệm, làm nghề giáo phải đặt chữ TÂM lên đầu.

Nhiều và rất nhiều học sinh bây giờ biết cách sống, chúng rất tình cảm, còn hơn cả mình tưởng tượng. Đến bây giờ, tôi đã nhận được rất nhiều món quà kỷ niệm từ học sinh, có những thứ thi thoảng tôi lại lôi ra xem lại coi như là một điều khích lệ, đôi lúc xem xong lại chảy nước mắt. Không phải là hoa hay “văn hóa phong bì” mà đó chỉ là những chiếc bưu thiếp mà tôi đã giữ rất lâu, lọ hạc giấy kèm lời nhắn nhủ đầy xúc động mà tôi luôn để trên bàn làm việc. Chỉ cần vậy thôi, đã khiến tôi ấm lòng vô cùng.

Văn Thùy Dương

Văn Thùy Dương

văn thùy dương
Đến bây giờ, tôi vẫn lưu giữ rất nhiều kỉ vật của biết bao thế hệ học trò.

văn thùy dương
Có những khoảnh khắc tình cảm thầy trò không có tiền bạc nào mua được.

Trong suốt hơn 20 năm tôi làm ở trường, có nhiều điều khiến tôi thật sự hạnh phúc, gấp nhiều lần hơn những điều khiến tôi buồn bã. Đó là sự trưởng thành của học sinh, là kết quả mà chúng đạt được sau mỗi kỳ thi, là những tin nhắn báo tin đỗ đại học, đi nước ngoài, những tin nhắn chia sẻ tâm sự, những tin nhắn khi chúng buồn, khi chúng vướng mắc trọng cuộc sống. Và có vô vàn thứ mà có lẽ đến cuối đời không bao giờ tôi quên... Tôi nhớ, ngày ấy trường chúng tôi còn ở 93 Cầu Giấy, khi tôi đi xe máy đến trường, tôi dựng xe và chợt thấy ở dãy hành lang tối cạnh văn phòng, các con học sinh cấp 2 đứng rất đông, thấy tôi đến chúng liền ồ lên: "Cô có tóc mớiiiii!". Và tôi chợt nhận ra, học sinh luôn để ý đến mình, chúng thật sự quan tâm đến thầy cô... Chỉ  một cử chỉ ấy, lũ trẻ đã khiến tôi hạnh phúc vô cùng, và tôi nhớ cái cảm giác ấy cho đến bây giờ

Được các em gọi là “cô” xưng “con” cũng mang lại cho tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp, với những khoảnh khắc tình cảm thầy trò vô giá. Thường thì bọn trẻ không bày tỏ cảm xúc một cách khô khan đâu, chúng khéo hơn nhiều. Chẳng hạn như hồi Tô Sa đi du học, có đứa nhắn tin rằng: “Mẹ ơi con sang ngủ với mẹ nhé!”. Chúng không bảo là cô ơi cô đừng buồn, mà chia sẻ với mình theo cách khác, khiến mình cảm động hơn.

Có học sinh cũ inbox, kể đủ thứ chuyện mà tôi không biết: “Cô ơi, ngày xưa bọn con lúc nào cũng chờ cô đến, để xem hôm nay cô mặc gì, cô là thần tượng của tụi con, tự hỏi làm thế nào để được như cô”… Đó vừa là tâm sự, vừa là khích lệ rất lớn với tôi.

Văn Thùy Dương
Hoa có thể tàn phai nhưng những lời các con viết cho các thầy các cô, đến cuối đời 90 tuổi thầy cô vẫn mang ra đọc. Đó là niềm hạnh phúc thực sự của nghề giáo

Lại một ngày lễ Hiến chương Nhà giáo Việt Nam nữa đến, năm nay trường tôi phát động phong trào làm thiệp tặng thầy cô, không cần phải hoa quà đắt tiền, chỉ cần các trò biết bày tỏ cảm xúc đã là món quà giá trị nhất với người đứng trên bục giảng dạy dỗ các em hàng ngày. Tôi kính chúc tất cả những người thầy, người cô luôn mạnh khỏe, yêu nghề, và giữ vững cái TÂM trong sự nghiệp trồng người.
Chia sẻ