GS Văn Như Cương: "Hà Nội đừng chống cúm như chống lụt"

,
Chia sẻ

"Trong trường hợp một trường có học sinh bị nhiễm cúm thì chỉ nên khoanh vùng trường đó hoặc thêm một trường lân cận, chứ không nên cho nghỉ học cả thành phố (TP)".

GS Văn Như Cương, hiệu trưởng trường PTTH Lương Thế Vinh (Hà Nội) nói về quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 7/8-2009 - 17/8/2009 của Sở GD-ĐT Hà Nội .

Bài học năm trước chớ nên áp dụng năm sau

Năm ngoái, Hà Nội xảy ra một trận lụt lớn làm vài chục người bị chết, trong đó có 1 học sinh. Sau đó, Sở GD – ĐT Hà Nội đã ra thông báo cho học sinh nghỉ 3 ngày để tránh lụt. Khi ấy, có ý kiến nói rằng nếu Sở cho học sinh nghỉ sớm hơn 1 ngày thì sẽ không có trường hợp tử vong như thế.
Nhưng trận lụt ấy là trường hợp bất ngờ chung cho cả TP, ngay cả UBND TP Hà Nội cũng chưa lường trước được vụ việc. Vì thế, không lẽ tại cái bất ngờ năm ngoái mà ta lại đem ra để sửa sai cho việc nghỉ học cả 10 ngày của năm nay.

Nếu lụt thì 3-4 ngày là hết, hoặc cùng lắm là lâu hơn vài ngày. Còn dịch cúm hiện nay chưa biết đến bao giờ mới hết. Một điều chắc chắn là càng ngày dịch sẽ càng phát triển, đặc biệt khi mùa đông đến, vì cúm này phát triển mạnh ở nhiệt độ 20 độ C.

Khi dịch ngày càng phát triển và số người chết ngày càng gia tăng, không lẽ cả nước sẽ nghỉ học. Vừa qua, ở Việt Nam lại có thêm 1 người chết và 1 số học sinh nữa có kết quả dương tính với cúm A/H1N1, mà bị nhiễm không phải ở trường mà là ở nhà. Cho nên tôi thấy quyết định như thế chỉ làm xáo trộn và gây khó khăn cho người dân.

Mặt khác, chính bản thân quyết định này cũng đã thể hiện sự vô lý của nó. Dịch bệnh mới dừng lại ở mức lây nhiễm ở 1-2 trường như hiện nay mà đã cho đóng cửa tất cả các trường. Trong khi đó, thời gian tới dịch bệnh chắc chắn sẽ còn phát triển rộng hơn thì mới đây, Sở GD-ĐT lại có chỉ đạo mới là sẽ không đóng cửa các trường trong năm học tới nữa. Điều đó cho thấy quyết định nghỉ học này là không hợp lý.
 
Đóng cửa trường làm chúng tôi vỡ kế hoạch học tập. (Ảnh: NY)

Mình Hà Nội đóng cửa tất các trường

Theo tôi có dịch là chúng ta phải chống, không được chủ quan, nhưng cũng không được hoang mang. Tôi nghĩ biện pháp cách ly tốt nhất là nên khoanh vùng nhiễm dịch. Ví dụ trường Lômônôxốp và trường Đoàn Thị Điểm có học sinh bị cúm thì chỉ nên khoanh vùng khu vực Mỹ Đình hoặc cùng lắm là quận Cầu Giấy. Còn các trường ở các quận khác thì vẫn phải học bình thường.

Ngay ở 1 trường, nếu trường đó tôi làm hiệu trưởng mà phát hiện một em nào đấy bị cúm thì tôi sẽ cho em đó đi xét nghiệm và cách ly tại bệnh viện hoặc tại nhà nếu kết quả dương tính. Còn lớp ấy sẽ cho nghỉ 1-2 ngày để khoanh vùng, lau chùi bàn ghế, phun thuốc khử trùng. Tất cả các lớp khác thì vẫn phải học bình thường để đảm bảo chương trình.

Trên thế giới hiện nay cũng có một số nước cho đóng cửa trường học khi có học sinh nhiễm cúm như Nhật Bản nhưng họ chỉ đóng cửa một số trường và thời gian cũng rất ngắn, chỉ khoảng vài ngày.

Một điểm tôi thấy rất vô lý là nếu trước đây Hà Nội và Hà Tây chưa sáp nhập thì nếu đóng cửa thì chỉ có các trường ở Hà Nội phải nghỉ học, còn các trường ở Hà Tây thì vẫn sẽ học bình thường. Nếu địa giới hành chính của Hà Nội còn mở rộng sang một số tỉnh nữa thì không lẽ các tỉnh này cũng sẽ phải đóng cửa trường học như Hà Nội hiện nay.

Mặt khác, nếu nói về số ca mắc bệnh thì TP.HCM có số ca lớn hơn Hà Nội rất nhiều, nhưng tại sao họ chỉ đóng cửa một số trường chứ không phải toàn TP.

Nghỉ học, nguy cơ nhiễm bệnh còn cao hơn

Tôi thấy việc cho tất cả các trường từ mầm non, mẫu giáo, các trường công lập, dân lập, tư thục nghỉ học như vậy là không hợp lý, không có sức thuyết phục.

Trước hết, đối với trẻ mẫu giáo, mầm non, thậm chí là các cháu lớp 1, báo chí mấy ngày hôm nay đã có rất nhiều bài phản ánh “dở khóc dở cười”. Bố mẹ đưa con đến trường rồi thấy 1 cái bảng thông báo nghỉ học thế là đành phải cho về. Nhưng về rồi thì biết gửi con ở đâu. Cả hai bố mẹ cùng đi làm, vì thế có người buộc phải nghỉ ở nhà trông con. Có người phải gửi con về cho ông bà ở quê trông giúp nhưng rồi nhớ và không biết đến bao giờ mới gặp. Có người thì phải thuê thêm người giúp việc. Như vậy việc nghỉ học ở bậc mẫu giáo, mầm non đã khiến không ít gia đình phải rất vất vả.

Còn đối với trẻ lớn, như các em cấp 3 chẳng hạn, không phải đến trường thì các em đi chơi với bạn bè, đi siêu thị, đi nhảy, đi chơi game, như vậy thì nguy cơ lây nhiễm còn cao hơn rất nhiều.

Mặt khác do không có ai quản lý, bố mẹ thì đi làm cả ngày, nên các em rất dễ tụ tập, đàn đúm, quán xá, chơi bời, rất dễ sa vào các tệ nạn xã hội. Như vậy thì sẽ hết sức nguy hiểm cho bản thân các em, cho gia đình và xã hội. 

Theo tôi, không nên để các em ở nhà không có người giám sát, theo dõi. Nhà trường mới chính là nơi quản lý học sinh tốt nhất.

Đây mới chỉ là 1 hoạt động về giáo dục, còn những hoạt động sản xuất khác không lẽ 1 người bị cúm thì cả xí nghiệp đó phải nghỉ. Như vậy thì trả lương, sản xuất thế nào, kế hoạch thế nào.

Hay như khi có 1 người bị cúm ở 1 tòa nhà không lẽ lại cho đóng cửa cả tòa nhà. Trên tòa nhà ấy có rất nhiều công ty, văn phòng khác nhau, không lẽ lại ngừng các hoạt động giao dịch.

Kế hoạch học tập bị đảo lộn

Việc nghỉ như thế này không chỉ làm cho các trường dân lập mà ngay cả các trường công lập cũng bị vỡ kế hoạch. Đối với trường Dân lập như trường tôi đã khai giảng từ giữa tháng 7, theo lịch đến  30/8/2009 sẽ có 1 cuộc kiểm tra để phân loại học sinh và phân phối lớp cho hợp lý. Nhưng do nghỉ mất 10 ngày nên việc phân lại lớp phải kéo dài thêm 10 ngày nữa trong khi đó 5/9/2009 đã là học chính thức.

Còn đối với trường công lập, họ cũng có các kế hoạch ôn thi lại, thi lại, kiểm tra chất lượng đầu năm, ổn định học sinh lớp 10 và phân lớp, do đó các công việc này cũng sẽ bị đảo lộn và kéo dài thêm.

Mặt khác, mỗi tuần học sinh trường tôi phải học tới 30 tiết, do đó nghỉ hơn 1 tuần chúng tôi sẽ rất khó khăn trong việc bù tiết.

Mới đây, WHO đã đưa ra cảnh báo là không nên vội vàng đóng cửa các nơi công cộng, tôi thấy rất đúng vì không nên vì dịch bệnh này mà làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh tế và học tập.

Tuy nhiên, WHO cũng đúng khi cho đây là đại dịch vì tuy số người tử vong của cúm A/H1N1 không cao nhưng mức độ lây lan thì lại rất nhanh. Hiện tỷ lệ tử vong chỉ khoảng 0,01 – 0,02, những người tử vong thường là những người phát hiện muộn và có bệnh từ trước. Còn những người mắc bệnh mà khỏe mạnh thì chỉ uống thuốc khoảng 5-7 ngày là khỏi.

Theo Nguyễn Yến
Bee

Chia sẻ