Chuyện chưa kể về ca ghép thận hy hữu: Người mẹ 2 con được ghép thận chéo từ “người dưng”
Những ngày phải trường kỳ chữa bệnh nơi xứ lạ quê người, đêm nào, người phụ nữ ấy cũng xót lòng khi đứa con út gọi điện, bảo mẹ nhanh về với con đi.
Ngày 7-2 vừa qua có lẽ là ngày vui nhất trong cuộc đời chị Vũ Thị Huề (32 tuổi, quê Đắk Nông) khi các bác sĩ (BS) tại bệnh viện (BV) Chợ Rẫy TP.HCM thông báo ca ghép thận đặc biệt của chị đã thành công tốt đẹp. Gọi là đặc biệt bởi quả thận mà chị được nhận lại đến từ một người chẳng hề thân thích. Quả thận ấy được đánh đổi bằng tình thương và phần nội tạng của chính mẹ ruột người phụ nữ.
Chị Huề (trái) vui mừng trong ngày sức khoẻ đã ổn định.
Con nằm trong bụng 8 tháng, mẹ phát hiện suy thận
5 năm trước, vợ chồng chị Huề đón tin vui khi chị mang bầu bé trai thứ hai. Nhưng khi bào thai đạt đến tuần thứ 32, huyết áp của chị bất ngờ tăng nhanh vùn vụt, đầu đau nhức liên tục trong nhiều ngày. Gia đình đưa chị đến BV Từ Dũ thăm khám, các BS thông báo tình trạng của chị đã ở mức nghiêm trọng, phải đưa vào cấp cứu gấp.
"Các BS cho mình ký giấy cam kết để mổ bắt con ra nhưng báo trước là rủi ro rất cao, bảo rằng ‘cứu được ai thì cứu’. May mắn là sau khi thằng nhóc ra khỏi bụng mẹ, mình vẫn còn sống" - chị Huề kể.
Chị Huề phát hiện mình mắc căn bệnh suy thận mạn thời gian đứa con trai thứ hai chào đời.
Kể từ ngày ấy, chị Huề yếu dần. Sợ chồng con phải lo lắng, chị cố gắng cầm cự mà không dám điều trị, ở nhà nuôi con, bỏ hẳn công việc tiếp thị cùng chồng khi trước. Cho đến gần 1 năm sau, khi thể trạng đã suy kiệt, tay chân hay sưng phù, huyết áp lên xuống thất thường, bất đắc dĩ chị Huề phải khăn gói lên Sài Gòn khám bệnh. Và điều lo sợ của người phụ nữ cũng đến, chị Huề nhận được tin căn bệnh suy thận mạn mà mình đang mang đã ở giai đoạn thứ ba.
Căn bệnh khiến tay chị chi chít những vết sẹo vì phẫu thuật.
Hậu quả của việc chần chừ chữa trị là 4 tháng sau, bệnh bước vào giai đoạn cuối. Không còn đủ sức chi trả ở những BV đắt tiền, người mẹ hai con chuyển sang cậy nhờ các BS ở BV Chợ Rẫy. Kể từ tháng 6-2014, chị bắt đầu chạy thận nhân tạo định kỳ tại đây.
Sau khi biết bệnh tình của con đã quá trầm trọng, mẹ chị Huề quyết định hiến thận cứu con. (Ảnh: NVCC)
"Cứ đều đặn 3-4 lần mỗi tuần, hàng tháng mình mất hơn 4 triệu đồng tiền chạy thận. Khoảng thời gian này mình cứ đi đi về về từ Đắk Nông lên TP.HCM rồi xin ở nhờ tại nhà một người chị bà con dưới Bình Dương. Đến giữa năm 2015, sau 8 lần phẫu thuật nối mạch đặt kim ở tay, các BS gần như đã lắc đầu bởi quả thận của mình không còn khả năng cứu vãn" - chị Huề kể tiếp.
Đêm nào con út cũng giục mẹ về
Lúc này vì quá thương con gái, bà Huế (58 tuổi, mẹ ruột chị Huề) quyết định sẽ hiến cho con một quả thận. Ban đầu, chị Huề nhất quyết từ chối. Đến khi nghe mẹ nhắc đến hai đứa con thơ dại, rằng phải ráng sống vì tương lai, chị Huề cắn răng "làm khổ mẹ" để tìm hi vọng sống sót mà nuôi con.
Đang dồn hết niềm tin về cơ hội thoát khỏi lằn ranh tử thần, chị Huế như ngã quỵ khi nghe các BS thông báo tin dữ, rằng các kết quả xét nghiệm cho thấy cơ thể chị có chứa một loại kháng thể chống lại kháng nguyên của mẹ ruột, khiến nguy cơ thải ghép sau mổ là rất cao.
"Lúc đó mình suy sụp hoàn toàn, báo với các gia đình rằng sẽ dừng hẳn mọi việc điều trị lại để chờ đến ngày tận số. Mọi thứ gần như đảo lộn…" chị Huề nhớ lại.
Chị Huề cùng chú T.N.X, người cho thận trong ca ghép thận chéo vừa qua.
Đúng vào thời điểm người phụ nữ tuyệt vọng nhất thì tháng 4-2016, chị Huề được BV Chợ Rẫy thông báo đã tìm được một trường hợp có hoàn cảnh tương tự như mình, khi một người cha dượng không thể hiến quả thận của mình cho con gái vợ. Theo lời của BS, chị sẽ có cơ hội được chữa trị thành công nếu được ghép thận chéo với người cho thận trên. Đổi lại, quả thận của mẹ ruột chị Huề sẽ được hiến cho cô gái ở Kiên Giang.
TS.BS Thái Minh Sâm, Trưởng Khoa Tiết Niệu BV Chợ Rẫy cho biết: "Trước tình trạng kháng thể của bệnh nhân chống lại người cho, chúng tôi đã dừng việc ghép thận lại. Điều đặc biệt là cả người cho và nhận thận ở hai trường hợp trên đều thuộc nhóm máu B. Lúc này, ekip điều trị đã trình lên hội đồng khoa học chuyên môn để xin ý kiến về vấn đề ghép thận chéo, tức là lấy thận người cho cặp 1 ghép cho người nhận cặp 2 và ngược lại, nhằm giảm nguy cơ cho bệnh nhân. Đây là phương pháp được nhiều trung tâm trên thế giới lựa chọn nhưng là lần đầu tiên bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện" .
Ekip thực hiện ca ghép thận cho chị Huề.
Quãng thời gian sau đó, chị Huề hồi hộp chờ đợi Hội đồng khoa học của BV phê duyệt ca ghép thận mang tính bước ngoặt này, sau khi hai gia đình đã chấp nhận. Không còn gì để mất, chị có niềm tin mãnh liệt rằng mình sẽ được cứu chữa, bởi các kết quả xét nghiệm cho thấy khả năng hoà hợp giữa chị và người cho rất khả quan.
Ngày 29-12-2016, điều người mẹ trẻ chờ đợi khi mọi thứ đã được thông qua. Nửa tháng sau, hai ca ghép thận được tiến hành và thành công tốt đẹp, kháng thể không chống lại kháng nguyên, thận hoạt động bình thường chỉ sau hai ngày. Chị Huề được cứu mạng bằng phần nội tạng của người vốn không hề thân thích.
TS.BS Thái MInh Sâm, Trưởng Khoa Tiết Niệu BV Chợ Rẫy chia sẻ về hai ca ghép thận chéo đầu tiên tại Việt Nam.
Tôi chúc mừng chị đã vượt qua tử thần một các đầy ngoạn mục. Chị Huề cười, nhưng đằng sau giấu đầy nỗi lo toan. Mấy năm qua, chị phải ngược xuôi một mình trên những chuyến xe đò đi tìm sự sống. Căn bệnh quái ác làm kiệt quệ kinh tế gia đình, khiến chị phải bán gần hết đất đai để lo chữa trị. Thậm chí đến lúc khánh kiệt, chị phải nói dối với các BS rằng mình vẫn thừa khả năng chi trả viện phí, rồi âm thầm cùng chồng đi khắp nơi vay mượn. "Đừng nói chuyện này cho ai nghe nha. Các BS mà biết sẽ giận, không thèm chữa cho mình nữa đó" – người phụ nữ nói bằng giọng chân chất pha chút sợ sệt.
Hai đứa con là động lực giúp người phụ nữ vượt qua bạo bệnh. (Ảnh: NVCC)
Chị Huề cho biết nếu không có gì thay đổi, sau đợt tái khám diễn ra trong hai ngày tới, chị sẽ trở về cùng chồng và các con: "Hai con mình giờ đứa đã vào lớp bốn, đứa thì lên lớp chồi. Từ hồi lên đây, đêm nào thằng út nó cũng điện thoại kêu mẹ về nhanh đi hết".
Chị Huề đang ở trọ một mình để chờ tái khám.
Chị luôn luôn đeo khẩu trang vì sợ nhiễm trùng.
Những ngày điều trị, người mẹ hay xem hình con cho đỡ nhớ.
Nghe chị nói, tôi biết để có thể trụ vững đến giờ phút này, ngoài nghị lực phi thường ra, động lực lớn nhất của người phụ nữ ấy đến từ gia đình. Con đường chị Huề đi hãy còn rất dài và lắm gian nan, nhưng khi đã mang trong mình một quả thận khoẻ mạnh, tin chắc trái tim của chị cũng đủ đầy sức mạnh để cùng con đi trên đường đời.