Chuyện cái... nhà vệ sinh ở công sở

Đỗ Hà,
Chia sẻ

Có người hễ nhắc đến nhà vệ sinh công sở là rùng mình sởn gai ốc, cũng có người coi đó là nơi... khơi nguồn cho mọi sáng tạo.

Một trong những “bộ phận” không thể thiếu của các văn phòng, cơ quan chính là nhà vệ sinh. Nhưng xung quanh bộ phận tất yếu ấy cũng có khối chuyện để bàn.

Lấy hết can đảm, nghị lực để… đi vệ sinh

Đây là chuyện không hề hiếm ở nhiều cơ quan. Nhiều người sẽ thắc mắc rằng: cái thời nhà vệ sinh vừa bẩn, vừa hôi đã qua từ vài chục năm trước. Vậy chuyện phải lấy hết can đảm, nghị lực để đi vệ sinh phải chăng là do nói quá lên? Xin thưa rằng không hề nói quá, bởi nhà vệ sinh dễ chịu hay không đôi khi hoàn toàn phụ thuộc vào “văn hóa” sử dụng nhà vệ sinh chung của mỗi người.

Nhà vệ sinh sạch sẽ là giấc mơ của công sở.

Chị Nguyễn Thị Quyên (Hoàng Hoa Thám – Hà Nội) cho biết: "Nghĩ đến cái nhà vệ sinh cơ quan mà rùng mình, sởn gai ốc. Cũng tại mình làm ở cơ quan nhà nước, cơ sở hạ tầng được xây cũng khá lâu rồi. Cả tầng bao nhiêu con người chỉ chung một nhà vệ sinh thôi. Vậy nên chắc một phần vì quá tải, phần khác vì nhiều người cũng không được ý thức lắm nên nhà vệ sinh lúc nào cũng trong tình trạng bốc mùi, bẩn thỉu. Mỗi lần đi làm, chỉ trường hợp không thể nhịn được mình mới vào đó. Lần nào cũng nín thở đi cho xong. Nói nhiều người không tin chứ cơ quan mình không có cô lao công làm việc được quá 3 tháng vì quá sợ phải dọn dẹp nhà vệ sinh."

Khác với chị Quyên, chị Hạnh Dung (Nguyễn Công Trứ - Hà Nội) thì làm việc tại hẳn một tòa nhà khá lớn, mới được xây dựng cách đây vài năm nhưng tình trạng nhà vệ sinh cũng chẳng khá khẩm hơn là mấy. Chị thở dài:

“Mấy văn phòng cùng ở chung một tầng và cùng sử dụng chung một nhà vệ sinh. Cha chung không ai khóc, ai cũng chỉ biết xong việc của mình. Cái nhà vệ sinh nội thất đẹp như thế mà lúc nào cũng giấy, rác tùm lum, nhiều khi bốc mùi rất nặng. Bệ ngồi thì đôi khi đầy dấu giày, dép và đất cát nữa. Nhiều người đi xong còn chẳng thèm xả nước cho sạch sẽ. Đến văn phòng, mình nhịn uống nước, hạn chế ăn để tránh phải vào cái nhà vệ sinh ấy. Vì tính ra, nó chỉ sạch sẽ mỗi buổi sáng, lúc vừa được lao công dọn dẹp. Nhưng lúc ấy thì mình lại chưa có nhu cầu."

Ở một văn phòng khác, mỗi lần chị em đi vệ sinh là phải rủ nhau cùng đi cho có hội đồng. Không phải vì lo sợ có mối nguy hiểm nào rình rập ở nhà vệ sinh mà vì đi có hội sẽ bớt run vì mùi hơn. Chị Hoài Thanh (Linh Đàm – Hà Nội) cười bảo: “Dù nhu cầu có lớn đến đâu nhưng nếu không rủ được ai đi cùng mình sẽ cố thủ. Nghĩ đến cảnh phải đối diện với cái nhà vệ sinh đó một mình là run rồi."

"Ôm khư khư" cái nhà vệ sinh

Có những nhà vệ sinh mà mọi người không bao giờ muốn tới. Nhưng cũng có những nhà vệ sinh mà muốn vào thì phải xếp hàng, đập cửa thì mới đến lượt.

Chị Phan Ngọc Anh (Hàng Trống – Hà Nội) cho biết: “Cơ quan mình có luật cấm sử dụng điện thoại di động trong giờ làm việc. Nhưng ai cũng tìm cách lách luật. Có chuyện gì cần liên lạc hay ai gọi đến muốn nghe chỉ có nước vào nhà vệ sinh. Bởi thế nên dù nhà vệ sinh chẳng có gì lãng mạn hay nên thơ thì vẫn luôn luôn có người đóng chốt ở đó. Nhiều lần mình muốn đi mà mấy phòng đều đóng kín, phải đứng ngoài e hèm mãi mới được. Còn sếp thì hay mỉa: ‘Cái văn phòng này có vấn đề về tiêu hóa hết hay sao mà người thì tiêu chảy, người thì táo bón thế?’ Chuyện là có người ngày đi những mấy bận, có người lại ngồi đến 15, 20 phút mà chưa thấy ra."

Không giống như văn phòng chị Ngọc Anh vào toilet để nghe điện thoại, ở văn phòng chị Linh Chi (Giáp Bát – Hà Nội), mọi người lại thường dùng nhà vệ sinh để... suy nghĩ. Chị Chi giải thích: “Cơ quan có ít người, lại dọn vệ sinh ngày mấy lần. Hơn nữa, ai cũng có ý thức cả. Bởi thế nhà vệ sinh văn phòng chị rất sạch, lại thoáng, nhìn ra phía hồ. Ai cũng thỉnh thoảng tranh thủ vào đó để có thể tĩnh tâm suy nghĩ. Mọi người thường nói đùa rằng bao nhiêu ý tưởng sáng tạo đều nảy sinh từ cái nhà vệ sinh cả."

Truy tìm... thủ phạm

“Tiếng xấu không ai nhận” nên chuyện cái nhà vệ sinh bẩn cứ người này đổ thừa cho người khác, văn phòng này chỉ sang văn phòng kia. Dán giấy nhắc nhở “đề nghị giữ vệ sinh chung” mãi mà không có tác dụng nên cuối cùng, cũng có người quyết tâm phải tìm bằng được… thủ phạm.

Chị Ngọc Oanh (Kim Mã – Hà Nội) kể lại: “Hôm đó, mấy chị em trong văn phòng mình phân công nhau, mỗi người trực nhà vệ sinh nửa tiếng, liên tục từ khoảng 9h30 đến 2h chiều. Trong lúc một người trực thì những người còn lại cùng làm giúp việc. Cuối cùng thì cũng 'bắt sống’ được hai 'thủ phạm', cùng là nhân viên của văn phòng bên cạnh. Sau đó thì bọn mình tập trung nhau sang nói chuyện. Bây giờ tình trạng cái nhà vệ sinh cũng bớt đáng sợ rồi".

Nhà vệ sinh vốn là một câu chuyện nhỏ mà không hề nhỏ. Đôi khi cách mọi người sử dụng nó sẽ quyết định không khí làm việc trong chính văn phòng. Mỗi người có ý thức sẽ giúp môi trường làm việc trở nên dễ chịu hơn rất nhiều.

Chia sẻ