Chuyện cái còi xe: Đừng trở thành người văn hóa... "lùn"

Phúc Cương,
Chia sẻ

Chuyện những cung đường tắc nghịt người, những tiếng còi xe vang lên inh ỏi, đua nhau chen lấn để “vươn lên làm người dẫn đầu” đã là “chuyện thường ngày” ở nhiều thành phố trong cả nước.

Hiện nay, Chính Phủ đã ra quyết định xử phạt đối với những hành vi thiếu ý thức trong việc xử dụng còi khi tham gia giao thông và có cả những biện pháp tuyên truyền. Thế nhưng, tôi thấy “văn hóa sử dụng còi” ở một bộ phận không nhỏ người Việt thực sự vẫn còn rất... “lùn”.

Ai cũng muốn “vươn lên dẫn đầu”

Trong nhiều cuộc trò chuyện với các bạn học sinh và sinh viên, Tiến sĩ, diễn giả Lê Thẩm Dương thường kể tếu táo về “câu chuyện con cua” của người Việt ra nước ngoài. Theo đó, Tiến sĩ Dương cho rằng: “Người Việt Nam rất là giỏi, thi Toán nhất Toán, thi Lý nhất Lý, có bộ huy chương hóa lượm sạch. Nhưng tính hợp tác cao hay thấp? Quá thấp! Tính đố kị cao hay thấp? Quá cao! Có con cua Việt Nam nào leo lên là con ở dưới kéo xuống!!! Thế nên cua Việt Nam bắt vào, không cần đậy nắp, không con nào ra được đâu”.

Đó chỉ là một câu chuyên tếu táo nhưng chứa đựng một thực tế đang diễn ra trong xã hội. Thậm chí, nó có thể tạm xem là một “hệ quy chiếu” để phản ánh một số vấn đề nhức nhối trong xã hội xuất phát từ bản tính thích “ngoi lên trên” của nhiều người Việt. Chẳng hạn như việc tham gia giao thông, ai cũng muốn mình là người “đi trước” nên bấm còi inh ỏi chỉ để “nhích được hơn người khác nửa bánh xe đã là sướng”. Có những người đi sau cách người đi trước đến cả vài mét nhưng đã ấn còi inh ỏi để “dẹp đường”. Có người đi sát sàn sạt người phía trước rồi mới ấn còi vội vã để “đòi đi trước” cùng với những câu. . . chửi thề đầy chua cay.

“Văn hóa còi” chuyện muôn thuở vẫn còn. . . đau đầu

Chiếc còi xe đã từng là "thủ phạm" dẫn đến nhiều tai nạn giao thông thương tâm (Ảnh minh họa)

Thậm chí, “chiếc còi hơi” của nhiều chiếc ô tô tải lớn khi đứng chờ đèn đỏ cũng rú lên những âm thanh đinh tai nhức óc để vượt lên trên. Rồi, đến cả những cậu nhóc choai choai thích thể hiện đẳng cấp của mình bằng những trò dị hợm, đua nhau chế ra những chiếc còi xe có tiếng kêu “vĩ đại”. . . Tất cả tạo nên một cảnh chen lấn, xô bồ mà ở đó tất cả những người giao thông đều đang “ghìm” nhau lại trong cảnh tắc đường cùng những tiếng còi “bíp bíp”, những tiếng chửi thề. . . chỉ vì ai cũng muốn làm “người dẫn đầu”.

Chưa kể, chính "văn hóa còi" ở một số người có "văn hóa lùn" đã gây nên những vụ tai nạn đáng thương tâm cho người đi đường. Điển hình như vụ tai nạn ngày24/11/2014, một người phụ nữ tử vong do bị giật mình bởi tiếng còi rất to của xe ben phía sau khiến chị bị ngã và bị xe tải cán chết. . . Hay như một phụ nữ chở con trên đường đi học về, bị tiếng còi làm giật mình mất lái. Hậu quả là cô con gái nhỏ ngã xuống đường và bị xe đi phía sau chèn qua.

Bao giờ “văn hóa còi” mới trở thành nếp sống của người dân?!

Đã có nhiều khảo sát về việc ảnh hưởng của tiếng còi xe đến sức khỏe của người dân. Theo như tiến sĩ Nguyễn Thị Ngọc Dinh, nguyên Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương, khoảng 5% -7% dân số Việt Nam bị điếc vì tiếng còi xe. Cường độ âm thanh an toàn là ở mức 30- 70 dB (chỉ số tiếng ồn), trong khi đó Hà Nội và TP. HCM có tiềng ồn đường phố trên 80 dB, vượt quá mức an toàn cho phép.

Chính Phủ cũng đã đưa ra nghị định 171/2013/NĐ-CP về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt thì người điều khiển ôtô và các phương tiện tương tự ôtô sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đến 200.000 đồng nếu bấm còi gây ồn ào, tiếng động lớn, làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh của đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22h-5h. Hành vi bấm còi, rú ga, bấm còi hơi… thì bị phạt từ 600.000 đến 800.000 đồng. Bên cạnh đó là việc thúc đẩy tuyên truyền xây dựng văn hóa giao thông, trong đó có việc “bấm còi đúng lúc, đúng chỗ”. Thế nhưng, dường như vẫn “đá ném ao bèo”, ý thức sử dụng còi xe khi tham gia giao thông của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn . . . “lùn”.

Nhiều người chẳng đủ kiên nhẫn để đợi hết 5 giây đèn đỏ mà thay vào đó là bóp còi inh ỏi, đòi người đi trước phải cho xe vượt qua để không lãng phí thời gian. Thế nhưng, chẳng hiểu sao, cũng chính họ lại có thể thảnh thơi ngồi nhậu, trà đá, café suốt vài tiếng đồng hồ chỉ để "buôn." . . những câu chuyện phím không có đầu, cũng chẳng có kết thúc.

Thiết nghĩ, để thay đổi được thực trạng đáng buồn này thì cần có những chế tài xử phạt mạnh, nghiêm khắc kết hợp với các biện pháp tuyên truyền, giáo dục nhằm xây dựng một nét “văn hóa còi” cho người tham gia giao thông. Có như vậy thì những hình ảnh chen lấn, đua nhau bóp còi inh ỏi mỗi khi đường phố tắc đường mới có ngày chấm dứt.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả


Chia sẻ