Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không?

LAN HƯƠNG,
Chia sẻ

Thời gian trôi qua, Tết Trung Thu có lẽ cũng dần thay đổi.

Hằng năm, cứ đến mùa Trăng, người Việt lại hướng về Tết Trung Thu với bao hương vị ngọt ngào và kỷ niệm của một thời vô ưu trong ký ức. Những mùa trăng tháng 8, những thú vui tuổi thơ và cả hình ảnh những đám trẻ nối đuôi nhau thành hàng dài vừa rước đèn, vừa đi theo đoàn múa lân, rộn ràng cười nói và hát reo vui dưới bầu trời đầy sao được nhà văn Hoàng Anh Tú gợi nhắc lại trong bài viết mới đây trên trang cá nhân đã khiến nhiều ông bố, bà mẹ giật mình tự hỏi: Liệu có phải chăng, cuộc sống hiện đại đã khiến những đứa trẻ sinh ra ngày nay mất dần cái Tết Trung Thu ý nghĩa bên gia đình, bên hàng xóm thân thuộc hay không?

Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không? - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình bài post của anh Hoàng Anh Tú

Trung Thu trong ký ức

 Thời gian cứ lặng lẽ trôi đi, những đứa trẻ ngày ấy giờ đã lớn và chỉ còn biết hoài niệm về một mùa Tết Trung Thu có lân có rồng đến từng nhà nhảy múa trong ánh sáng siêu thực của trăng, của sao và những chiếc đèn lồng tự chế từ đủ mọi vật dụng bỏ đi.

Trên phông nền đen huyền ảo của trời đêm, những vì sao lung linh tỏa sáng, hấp háy như nụ cười trong ánh mắt rạng ngời của những đứa trẻ. Trong không gian chẳng có những ngọn đèn đường soi rọi, trời đêm như rộng hơn, những ánh sao như sáng hơn và Siêu Trăng dường như còn lớn hơn nữa,... Tất cả mọi thứ khiến tâm trí của những đứa trẻ ngày ấy dịu lại, rồi tan vào giữa những chòm sao, thứ duy nhất vang vọng lại trong đêm Trung Thu là tiếng trống, tiếng nói cười giòn giã và tiếng gọi mời chia nhau từng miếng bánh thơm nức, tròn vành vạnh như ông Trăng - giản dị mà đủ đầy hạnh phúc đến mức khiến cả những trái tim cứng rắn nhất cũng phải rung động tức thì.

Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không? - Ảnh 2.

Đứa trẻ trong đêm rằm. Ảnh cắt từ MV Trung thu của bố

Cứ như thế, khi trăng đã lên cao, niềm vui của cái Tết Trung Thu cũng đi theo những đứa trẻ vào cả trong giấc mơ đêm rằm, để rồi lại háo hức chờ đến mùa Trung Thu năm sau. Dần dà, Tết Trung Thu cứ mỗi năm một chút, lại tích góp một lát cắt kỷ niệm tuyệt đẹp trong ngăn ký ức của những đứa trẻ thời bấy giờ.

 Trung Thu ngày nay đang thế nào?

Cũng vẫn là ngày Rằm tháng Tám với ánh trăng tròn vành vạnh nhưng những thứ liên quan đến Trung Thu đã có nhiều đổi thay.

Ở thành phố ngày nay, giữa những tòa nhà cao chọc trời, những ngôi sao dường như trở nên xa xôi hơn, ánh sáng của mặt Trăng cũng thế - bị che mờ rồi dần biến mất khỏi sự chú ý của con người. Và bởi vậy, “ngắm Trăng nhìn sao” chỉ còn là cụm từ dễ bắt gặp trong những trang sách, hay thông qua những bộ phim lãng mạn.

Cứ như thế, Siêu Trăng cùng không khí đón Tết Trung Thu dần trôi vào quên lãng, đẩy chúng đi xa dần trong tâm trí của người Việt và cả những đứa trẻ thời hiện đại, có bố mẹ với đời sống bận rộn.

Với nhiều người, Trung Thu xưa và nay có lẽ đã khác nhau nhiều lắm. Chúng ta thậm chí còn chẳng có thời gian để thong thả thưởng thức một miếng bánh Trung Thu hay ngắm trăng, thưởng trà. Tiếng trống vang dội cùng lời nhạc Trung Thu trong veo bên tai cũng được thay thế bởi những tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng nhạc xập xình trên khắp các con phố, nẻo đường, hay có khi là tiếng gõ bàn phím của những giờ tăng ca… Trung Thu trở thành thứ cũ kỹ, lùi dần vào ký ức và chẳng còn ngóng đợi - ngay cả với những người vẫn luôn cất giữ trong tiềm thức một đêm Trung Thu “phá cỗ trông trăng” thật đẹp. Vậy thì, chúng ta có nên chăng suy nghĩ về những điều như anh Chánh Văn cũng đang băn khoăn: “Liệu có phải lũ trẻ hôm nay không còn như lũ trẻ chúng ta hôm qua? Trung thu ngày nay đã nhạt màu và chẳng còn là cái Tết thứ 2 của người Việt? Có phải vì những chiếc đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi chẳng hấp dẫn lũ trẻ bằng Ipad, smartphone? Có phải vì bánh nướng, bánh dẻo chẳng phải chờ đến Trung Thu mới được ăn?”

Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không? - Ảnh 3.

Có phải vì những chiếc đèn ông sao, đầu sư tử, mặt nạ giấy bồi chẳng hấp dẫn lũ trẻ bằng iPad, smartphone?

Sau cùng, tôi tin rằng, dù lý do có là gì, dù mỗi gia đình đang tận hưởng ngày Trung Thu này theo cách như thế nào thì có một điều mà từ xưa đến nay đều không hề thay đổi, đó chính là tình cảm gia đình, là được quay trở về và sum vầy để kết nối tuổi thơ giữa các thế hệ. Chẳng phải bởi thế mà Trung Thu mới trở thành cái Tết thứ 2 của chúng ta hay sao?

“Siêu Trăng quả như lời nhắn gửi về những mong ngóng của cha mẹ muốn gần con cái mình thêm chút nữa. Chỉ là năm tháng chúng ta trưởng thành lên rồi xa dần cha mẹ, giống lũ trẻ con của chúng ta vậy. Khoảng cách thế hệ đó vĩnh viễn khó mà thay đổi cho được. Nhưng thật may khi có những dịp lễ hội như Trung thu sắp tới, ta được gần con cái của mình hơn một chút” - anh Chánh Văn đã viết.

Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không? - Ảnh 4.

Trung Thu là cái Tết thứ 2 của người Việt. Người lớn còn thiết tha, truyền thống luôn còn mãi! Người lớn còn mong sum vầy, ý nghĩa của Trung Thu vẫn luôn là 2 từ: Đoàn Viên!

Trong thế giới hội nhập, để lũ trẻ có được niềm háo hức, hứng thú như thời xưa là rất khó. Nhưng, chỉ cần có yêu thương, ắt sẽ còn Trung Thu trọn vẹn!

Mặc dù ngày nay, hình thức tổ chức Tết Trung Thu đã khác xưa rất nhiều nhưng những giá trị truyền thống tốt đẹp vẫn luôn được lưu giữ qua từng thế hệ. Ở đâu đó trên các con phố nhỏ, tiếng múa lân vẫn rộn ràng reo vàng; những chiếc đèn ông sao bọc bóng kính xanh đỏ thuở xưa vẫn còn đó, thấp thoáng trong các cửa hàng tạp hóa; những chiếc bánh nướng, bánh dẻo truyền thống với nhân lạp xưởng, mứt mỡ đậm hương hoa bưởi đã in sâu vào tiềm thức của người Việt vẫn đang được lưu truyền… 

Và như thế, chỉ cần chúng ta chậm lại một chút, cho phép bản thân được nhàn nhã ăn một miếng bánh, nhấp một ngụm trà và tận hưởng giây phút đoàn viên bên mâm cỗ cùng gia đình, những hồi ức về mùa Trung Thu cũ dưới ánh trăng sáng rực sẽ lại ùa về, lan truyền sang trái tim của những thế hệ tiếp sau để gắn kết yêu thương và hồn cốt văn hóa truyền thống luôn còn mãi!

Nếu vậy, có chăng thì những người lớn chúng ta nên thật sự tận hưởng Trung Thu một cách đúng nghĩa và trọn vẹn trước đã, phải không? Hãy tạm gác lại những giờ tăng ca, những suy nghĩ bộn bề để về sum vầy bên người ta yêu thương.

Chúng ta có đang thật sự được hưởng Tết Trung Thu không? - Ảnh 5.

“Tôi sẽ không tổ chức lễ trông trăng mùa Trung thu này nữa. Tôi muốn đưa con mình về thăm ông bà. Tôi sẽ bỏ chiếc điện thoại xuống, không chụp ảnh check-in siêu trăng, không khoe lên mạng xã hội những hình ảnh gia đình quây quần đón Trung thu. Tôi không cần những cái like, những bình luận xuýt xoa của ai cả. 

Tôi quay vào trong với gia đình mình, như Mặt Trăng bao đời vẫn vậy dẫu thế giới này thay đổi bao nhiêu. Mặt Trăng kia chưa khi nào già cả. Bởi ánh sáng hồn nhiên, dịu dàng của nó khiến người ta có thể ngắm mãi, ngắm mãi không biết chán. Rồi tôi sẽ kể với con mình về những lấp lánh của tuổi thơ chẳng cần biết là tuổi thơ của tôi hay của con. Là chúng ta đều chung nhau sự hồn nhiên trong trẻo ấy. Để các con của tôi có một đêm Trung thu chìm trong ánh trăng. Bên gia đình.” - Đây là những gì anh Chánh Văn sẽ làm cho gia đình mình trong dịp Tết Trung Thu năm nay. Còn bạn, bạn sẽ làm gì? Trung Thu này, hãy tạo cho mình những khoảnh khắc tuyệt vời bên những người yêu thương nhé !

Chia sẻ