Chứng khoán tăng "như chưa hề có cuộc chia ly"

Bạch Huệ,
Chia sẻ

Hàng loạt các cổ phiếu sau khi bị 'đạp' tới tận cùng, đặc biệt nhóm cổ phiếu cơ bản kinh doanh tốt đã vùng lên, xanh mướt 'như chưa hề có cuộc chia ly' phiên hôm nay kết thúc đợt bán tháo lớn giảm gần 100 điểm chuỗi ngày vừa qua của VN-Index.

Chứng khoán tăng 'như chưa hề có cuộc chia ly' - Ảnh 1.


Phiên 6/12, hàng loạt cổ phiếu sàn la liệt nhưng phiên 7/12 cổ phiếu lại tăng "như chưa từng có cuộc chia ly màu đỏ". Hàng loạt các cổ phiếu đã bật tăng mạnh cuối phiên sau chuỗi ngày bị "đạp" mạnh trước đó. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng vẫn giữ vững được sự ổn định trong khi nhóm bất động sản, thép bị "đạp" mạnh đã vùng lên dữ dội, nhiều cổ phiếu nhỏ đã được nhuộm màu tím trở lại.

Các cổ phiếu bất động sản "ngã ở đâu tăng gấp đôi ở đó" tím ngay trong phiên giao dịch hôm nay như IDC tăng 10% lên 82.500 đồng/cổ phiếu, HDC tăng 6,9% lên 103.200 đổng/cổ phiếu, QCG bật tăng trần ngay đầu phiên lên 12.050 đồng/cổ phiếu, LCG tăng 6,9% lên 21.600d đồng/cổ phiếu. Thật hiếm hoi khi thấy VRE chạm mức tăng trần trong phiên hôm nay lên 29.950 đồng/cổ phiếu.

Đáng chú ý nhất là cổ đông thép, phần thưởng xứng đáng đã đến với những nhà đầu tư kiên nhẫn sau chuỗi ngày giảm sâu. Một số cổ phiếu nhỏ họ thép như TLH, SMC đã tăng trần trở lại. Các doanh nghiệp thép lớn như HPG cũng tăng 4% lên 47.600 đồng/cổ phiếu đóng cửa giá cao nhất phiên, NKG tăng nhẹ 1,4%, HSG tăng 3,4%, TVN tăng 3%…

Một số cổ đầu cơ sau chuỗi ngày giảm sàn đã tăng trần trở lại như TNI, ITA, TTF, HHS,…Phiên hôm nay đáng chú ý nhất là cổ phiếu POW và PVD đã tăng trần rất sớm tạo hiệu ứng lan toả tích cực lên cổ phiếu khác.

"Như chưa hề có cuộc chia ly" kết thúc phiên giao dịch 7/12, VN-Index tăng 33 điểm lên 1.446 điểm, với 396 mã tăng, trong đó có 29 mã tăng trần, VN30 tăng 31,7 điểm lên 1512 điểm, trong khi hôm qua chỉ số này giảm 23 điểm, tăng 9 điểm so với phiên giảm hôm qua. Tâm lý nhà đầu tư đã tích cực hơn sau chuỗi những ngày tuyệt vọng vì cổ phiếu giảm.

Chứng khoán tăng 'như chưa hề có cuộc chia ly' - Ảnh 2.

Cổ phiếu tăng "như chưa hề có cuộc chia ly"

Nguyên nhân khiến thị trường bật tăng vào phiên 7/12 kết thúc chuỗi điều chỉnh kéo dài đến từ những thông tin tích cực của thị trường tài chính thế giới và trong nước.

Thị trường tài chính thế giới có một phiên giao dịch sôi động từ đó tác động tích cực đến tâm lý của nhà đầu tư trong nước. Cụ thể, thị trường châu Á có một phiên giao dịch bứt phá khi chỉ số Nikkei tăng 528 điểm lên 28.455p, HSI cũng tăng 2,45% tương ứng 575 điểm lên 23.926p. Đặc biệt đêm qua, chỉ số DJ có một phiên hồi phục mạnh, tăng 646 điểm lên mức 35.227p. Ngay lúc này DJF cũng đang tăng hơn 200p.  Chứng khoán khắp châu Á – Thái Bình Dương đang có một phiên khởi sắc, theo sau cú tăng mạnh của Phố Wall khi các nhà đầu tư tin rằng biến thể Omicron không tồi tệ như lo ngại.

Theo Hãng tin TASS, ông Vladimir Nikoforov, chuyên gia trưởng bệnh truyền nhiễm thuộc Cơ quan Sinh học y tế Liên bang Nga, nhận định sự xuất hiện của biến thể Omicron có thể là dấu hiệu đầu tiên dự báo đại dịch bước vào giai đoạn kết thúc.

"Biến thể mới có nguồn gốc từ miền nam châu Phi dễ lây nhiễm hơn (Delta), nhưng mặt khác có dữ liệu gợi ý rằng nó gây ra triệu chứng nhẹ hơn - tức không gây tổn thương nặng ở phổi. Tôi cho rằng đây có thể là sự khởi đầu cho đoạn kết của cơn ác mộng này. Tôi thật sự muốn lạc quan đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy virus bắt đầu thoái lui dần" - ông Nikoforov trả lời trên Đài phát thanh Govorit Moskva.

Về trong nước, lượng cổ phiếu được bán tháo 2 phiên 3/12 và 6/12 đã được hấp thụ hết. Đặc biệt, áp lực bán giải chấp ở một số cổ phiếu như thép hay như cổ phiếu cơ bản bị bán "oan" vì hàng đầu cơ sụp đổ mất thanh khoản đã kết thúc. Phiên hôm nay nhóm cổ phiếu thép và đầu cơ đã dần hồi phục trở lại.

Thêm vào đó, lượng tài khoản mở mới tháng 11 vừa được công bố lên tới 220.000 tài khoản - mức kỷ lục mọi thời đại trong suốt 21 năm hoạt động của thị trường chứng khoán Việt Nam. Lực lượng nhà đầu tư mới vẫn hùng hậu tham gia thị trường.

Thanh khoản phiên hôm nay khá thấp chỉ 21.688 tỷ đồng nhưng điểm số đã tăng mạnh, điều này chứng tỏ có một lượng lớn hàng đã bị nhốt lại sau 2 phiên bán tháo vừa qua.

Tình hình kinh tế vĩ mô trong nước vẫn ổn định với CPI chỉ 1,84% sau 11 tháng, các chương trình phục hồi kinh tế lớn giai đoạn 2022-2023 vẫn đang được Chính phủ cùng các bộ ngành thảo luận. Triển vọng phục hồi kinh tế năm 2022 rất sáng.

Công ty Chứng khoán Mirae Asset (MAS) vừa có báo cáo triển vọng chứng khoán năm 2022. MAS dự phóng GDP Việt Nam đạt tăng trưởng 4% trong quý 4 và 2,3% trong năm 2021, trong kịch bản nền kinh tế dần tăng tốc vào giữa tháng 10, nhờ vào đầu tư công và dòng vốn FDI là động lực tăng trưởng chính và được đẩy mạnh khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Trong năm 2022, khi tỷ lệ tiêm vắc xin kì vọng đạt mức trên 70%, cùng với kinh nghiệm "sống chung với Covid" của các tháng trước đó, GDP 2022 của Việt Nam có thể dao động trong khoảng 5,7-6,2% trong trường hợp Việt Nam mở cửa kinh tế thành công, theo ước tính của chúng tôi. Các động lực tăng trưởng chính bao gồm:  Dòng vốn FDI kì vọng tăng trưởng trở lại khi dịch được kiểm soát, khi Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của làn sóng FDI toàn cầu; Đầu tư công được đẩy mạnh;  Xuất khẩu lấy lại đà tăng trưởng khi sản xuất trong nước quay trở lại hoạt động và nhu cầu bên ngoài hồi phục. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ kinh tế, duy trì mặt bằng cho vay thấp, ổn định vĩ mô, và việc thúc đẩy chuyển đổi số chính phủ và doanh nghiệp đóng vai trò rất quan trọng trong sự hồi phục của nền kinh tế.

MAS dự báo dự trữ ngoại hối của Việt Nam sẽ tăng lên 130 tỷ USD năm 2022, lạm phát bình quân 3,8% và đặc biệt tăng trưởng tín dụng mức trên 13%.

Đặc biệt, PE 16.X hiện tại của VN-Ịndex chưa phải là cao so với mức đỉnh lịch sử năm 2018 (23.X lần).

Với nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, VN30 Index giao dịch trong vùng P/E từ 13,1-17,1 lần, với mức P/E hiện tại là 15x. Nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa, VN70 Index giao dịch trong vùng P/E từ 12,7-20,9x, mức hiện tại là 16,6x.

Chứng khoán tăng 'như chưa hề có cuộc chia ly' - Ảnh 3.

PE thị trường qua các giai đoạn. Nguồn: MAS

Với triển vọng kinh tế vĩ mô lạc quan, MAS dự phóng mức EPS tăng trưởng kép giai đoạn 2020-2022 khoảng 29%/năm (thấp hơn mức kỳ vọng của thị trường là 30%/năm) và mức P/E hợp lý khoảng 16 lần, từ đó dự phóng VN-Index năm 2022 khoảng 1700 điểm trong kịch bản cơ sở, tăng 15% so với mức đóng cửa cuối tháng 11/2021. MAS dự phóng hầu hết các ngành sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022, với mức dự phóng EPS tăng trưởng 24% trong năm 2022.


Chia sẻ