Chung cư vạn dân ở Hà Nội (kỳ 1): Cứ 8 người chật vật chen chúc trên 1m2 để có nhà Thủ đô
Đất chật nhưng người cứ mãi sinh sôi, những chung cư chi chít căn hộ, cả vạn người chen chúc nhau trên 1 diện tích hạn hẹp, chấp nhận cảnh sống chật chội là những hình ảnh ngày càng phổ biến ở các đô thị lớn. Ở Hà Nội, cảnh 8 người "chia nhau" 1 mét đất cũng không còn là chuyện hiếm...
LTS: Nhu cầu về nhà ở quá đông khiến cho Hà Nội trong những năm gần đây phát triển ồ ạt các khu chung cư. Người tăng nhưng đất không tăng, các khu chung cư ở Thủ đô phải chứa đến hàng vạn người sinh sống trong một không gian chật hẹp, tấc đất tấc vàng. Mật độ dân cư đông không đi kèm các tiện ích, cơ sở hạ tầng không đáp ứng khiến những hộ sống trong chung cư vạn dân gặp nhiều nỗi khổ. Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn toàn diện về cuộc sống ở những chung cư vạn dân này, chúng tôi thực hiện loạt bài "Chung cư vạn dân ở Hà Nội" với những góc nhìn cụ thể về đời sống dân sinh thời tấc đất tấc vàng.
Chung cư vạn dân mọc như nấm sau mưa
Năm 2012 - 2013 người Hà Nội đã lên cơn sốt về căn hộ chung cư khi tập đoàn Mường Thanh hoàn thiện nhiều khối nhà tại KĐT Đại Thanh (Tả Thanh Oai – Thanh Trì – Hà Nội). Sự kiện trên đã khiến rất nhiều người dân có nhu cầu bức thiết về nhà ở cảm thấy như đang ở dòng nước lũ vớ được cọc bởi chỉ cần bỏ ra 450 – 900 triệu đồng là có thể sở hữu một căn hộ ngay Thủ đô. Thậm chí, trước đó, phía tập đoàn này cũng đã chào bán những căn hộ với giá chỉ 9 triệu đồng/mét vuông tại KĐT Xa La cách KĐT Đại Thanh không xa khiến giới bất động sản xôn xao.
Sự ra đời của KĐT Đại Thanh thời ấy hệt như một sự kiện lớn bởi tại Hà Nội chưa hề có bất cứ một KĐT nào có số lượng tòa nhà lớn đến thế, số lượng căn hộ cung ứng nhiều, mật độ cư dân đông đến khó tin. Theo đó, KĐT Đại Thanh có 6 tòa chung cư, mỗi tòa cao 32 tầng, mỗi tầng có đến 24 căn hộ và diện tích mỗi căn từ 36 – 76 mét vuông. Tính ra, KĐT này có 4.608 căn hộ. Tương ứng với đó, dân số ở khu đô thị này cũng lên đến hàng chục ngàn dân.
Tiếp đến phải kể đến cơn sốt căn hộ chung cư tiếp theo khi KĐT Kim Văn – Kim Lũ (phường Đại Kim – Hoàng Mai – Hà Nội) được xây dựng, triển khai. Tại đây, với diện tích đất khá eo hẹp, phía tập đoàn đã triển khai 4 khối nhà gồm CT11, CT12A, CT12B, CT12C. Riêng tòa CT11 cao 40 tầng, còn lại mỗi tòa cao 45 tầng, mỗi tầng có đến 24 căn hộ nhưng lại chỉ có một hầm gửi xe.
Hầm quá tải nên vỉa hè, sảnh chung cư biến thành bãi trông xe.
Nếu làm một phép tính nhẩm: Trung bình, mỗi tòa có 1.070 căn hộ, mỗi căn hộ có 2 xe máy; thì chỉ tính riêng hầm gửi xe của 3 tòa CT12A,B,C (thông nhau) phải chứa đến hơn 6.400 xe máy. Đây là một con số rất lớn, vượt quá sức chứa của hầm là khoảng 4.000 xe. Việc quá tải trầm trọng là khó tránh khỏi. Đặc biệt, riêng xe ô tô chưa bao giờ được "vinh hạnh" lăn bánh vào hầm và chủ xe buộc phải gửi vào các bãi cạnh đó rồi đi bộ về nhà.
Có ai nghĩ đây là sân của một chung cư?
Nếu làm phép tính vui thì mỗi khối nhà có khoảng 1000 căn hộ, mỗi căn hộ có 3 người thì riêng KĐT này cũng chứa đến 1,2 vạn dân. Con số này vẫn chưa dừng lại khi một tòa nhà cao chọc trời của tập đoàn Vinaconex nằm sát sườn 4 tòa nhà trên vừa hoàn thiện năm 2016 cũng chứa khoảng 500 căn hộ, khiến lượng dân cư sinh sống tập trung ở khu vực này tăng cao.
Sự ra đời của liên tiếp 2 KĐT là Đại Thanh và Kim Văn – Kim Lũ do tập đoàn Mường Thanh triển khai đã khiến không ít người dân cảm thấy sốc. Bởi, trên thực tế chưa có bất cứ KĐT nào có mật độ cư dân, số lượng căn hộ cung ứng ra thị trường nhiều đến vậy. Rất nhiều người lo sợ những KĐT này khi đi vào hoạt động sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến nhiều yếu tố như chất lượng cuộc sống, an toàn cháy nổ, cơ sở hạ tầng khó đáp ứng với số lượng dân cư tương đương 1... phường, xã.
Năm 2015 và năm 2016 này, tổ hợp HH Linh Đàm của tập đoàn Mường Thanh tiếp tục xây dựng 12 tòa nhà trong diện tích đất nhỏ hẹp. Sự ra đời của tổ hợp chung cư HH Linh Đàm với dân số cực đông đã khiến báo chí tốn giấy mực bởi rất nhiều hệ lụy đã xảy ra tại đây như: Cháy nổ, mất an ninh trật tự, chất lượng cuộc sống kém, người dân bức xúc phản ánh…
Theo hồ sơ kỹ thuật, thì tổ hợp chung cư HH Linh Đàm được xây dựng ở mảnh đất giữa khu đô thị Linh Đàm có diện tích 3.553 mét vuông. Với quy mô gần 9.000 căn hộ. Dự án chung cư HH Linh Đàm gồm 4 khối HH1, HH2, HH3, HH4, mỗi khối gồm 3 tòa A B C.
Như vậy tổng số tòa khu tổ hợp HH là 12 tòa, mỗi tòa cao 41 tầng, trong đó 1 tầng hầm, 1 tầng thương mại, dịch vụ và 1 tầng penhouse. Mỗi sàn có từ 20 - 24 căn hộ với diện tích từ gần 37 – trên 60 mét vuông. Nếu làm một phép tính đơn giản, với 9.000 căn hộ, mỗi căn hộ trung bình có 3 người thì số dân tại khu tổ hợp chung cư này ngót 3 vạn người. Thậm chí nếu chia số dân cho tổng diện tích thì mỗi mét vuông có mật độ dân số lên đến gần 8 người/mét vuông.
Chấp nhận sống chen chúc để có nhà Hà Nội
Với gần 3 vạn cư dân về chung sống trong một tổ hợp, nếu làm một phép so sánh thì tương đương cả 1 phường thậm chí 1 huyện trong các tỉnh khác. Cuộc sống nơi quá nhiều cư dân cũng đã và đang gặp phải những khó khăn, những bất cập mà chỉ người trong cuộc mới thấu hiểu.
Cả tổ hợp chỉ rộng có 3.553 mét vuông, không sân chơi trẻ em, không bể bơi, không công viên, không khu tập thể thao… các tiện ích khác cũng khó bố trí trong không gian quá eo hẹp so với số lượng dân cư. Hệ thống thang máy quá tải, bãi xe cũng quá tải, hành lang, sân bãi đâu đâu cũng thấy người và người, khoảng thở để trồng vài cái cây cũng khó.
Nếu thử tưởng tượng, chủ đầu tư xây một bể bơi có diện tích khoảng 500 mét vuông ở khu vực giữa thì sẽ vận hành ra sao nếu chỉ 1 phần nhỏ cư dân sử dụng cùng lúc? Thế nên nhiều người cho rằng, cứ cắt hết còn hơn có nhưng không đâu vào đâu.
Ngay cả nhu cầu tối thiểu của một đứa trẻ nhỏ là mỗi buổi chiều đi học được vui chơi cùng bạn bè cũng khó thành hiện thực.
Ngay cả với những người có tuổi, người già cũng chẳng hề có chỗ tập thể dục, đi bộ. Muốn đi tập thể thao, đi bộ hay rèn luyện sức khỏe họ lại phải băng qua đường di chuyển vào những khu vực có tiện ích công cộng của bán đảo Linh Đàm.
Chia sẻ với chúng tôi về điều này, chị Nguyễn Minh Tường Vy (32 tuổi) sống ở đây cho rằng: “Bản thân mình cũng thấy vô cùng bất ngờ khi chuyển về đây sinh sống bởi chưa bao giờ thấy khu chung cư mà chẳng có một tiện ích nào cả. Chúng tôi chẳng mơ đến bể bơi, xe bus riêng hay công viên cho trẻ nhỏ nhưng tối thiểu cũng phải có một không gian nhỏ cho trẻ con có thể chạy nhảy. Vậy mà ở đây cũng không có".
Nói thêm về điều này, anh Nguyễn Công Lập (35 tuổi) nói:“Thương nhất là lũ trẻ, sân chơi, không gian cũng không hề có, mỗi khi chúng thèm chơi quá tôi lại phải dẫn đi công viên gần đây hoặc cho đi vào những chỗ chơi có phí dịch vụ”.
Dưới mặt đất không có chỗ vui chơi đã đành, nhưng ngay cả sảnh hành lang, sảnh sinh hoạt cộng đồng cũng bị chủ đầu tư tận dụng để làm ki-ốt cho thuê.
Ngay cả khi quảng cáo bán nhà, các sàn giao dịch BĐS cũng không hề đề cập đến những tiện ích tại khu tổ hợp này. Tuy nhiên, rất nhiều người vì nhu cầu bức thiết về nhà ở nên đã chấp nhận xuống tiền để mua, nhằm có được một chỗ sinh sống ổn định giữa Thủ đô.
Trao đổi với chúng tôi về việc cả khu tổ hợp chứa gần 3 vạn dân nhưng không hề có bất cứ một tiện ích, vui chơi hoặc sân chơi nào, anh TH. một bảo vệ tại khu vực này cho biết: “Làm gì có chỗ mà xây dựng, lắp đặt khu vui chơi”.
Riêng đối với việc tắc đường, từ khi những KĐT này đi vào hoạt động, các tuyến đường xung quanh phải chịu áp lực về giao thông nên thường xuyên ách tắc như: Khu cầu Bưu, cầu Tó, khu đường từ Giải Phóng – Linh Đàm…
Thậm chí có những hôm, đường tắc đến mức người dân mất cả 2 giờ đồng hồ mới có thể di chuyển từ KĐT Linh Đàm lên khu Cầu Giấy.
Trao đổi với PV sáng ngày 16/11, TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho biết trước đây KĐT Linh Đàm là khu đô thị kiểu mẫu. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng, chủ đầu tư không phát triển đồng bộ với giao thông khiến KĐT rơi vào cảnh cư dân đông đúc, nhà cửa nhiều. Chủ đầu tư chỉ chú trọng xây nhà bán cho dân mà bỏ quên việc phát triển hạ tầng nên đã khiến cư dân rơi vào cảnh thiếu các tiện ích nâng cao chất lượng sống như hiện nay. |