Chung cư, khách sạn 'lách luật' phòng cháy chữa cháy
Nhiều chung cư, khách sạn lớn tại Hà Nội sau khi bị đình chỉ hoạt động do không đảm bảo phòng cháy chữa cháy (PCCC) vẫn tiếp tục hoạt động chui hoặc “lách luật” theo những hình thức khác nhau.
Mới đây, cư dân tại chung cư Hà Thành Plaza, địa chỉ 102 Thái Thịnh (do Cty CP Liên hiệp đầu tư Xuất nhập khẩu Hà Nội làm chủ đầu tư) phản ánh tới báo Tiền Phong về việc bị chiếm dụng tầng kỹ thuật (tầng M) chung cư để cho thuê trái phép, gây mất an toàn PCCC.
Đại diện ban quản trị (BQT) cho biết, đã nhiều lần gửi công văn đến Sở Xây dựng Hà Nội, UBND quận Đống Đa, Công an quận Đống Đa để phản ánh về việc chủ đầu tư có hành vi cải tạo trái phép tầng M thành văn phòng cho thuê, gây ảnh hưởng đến tình hình chung của tòa nhà. Cụ thể, tầng M vốn là tầng kỹ thuật của tòa nhà đã bị cải tạo cho thuê văn phòng trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu, khả năng thoát hiểm khi xảy ra sự cố cháy nổ. “Các đơn vị văn phòng thuê ở tầng M còn đặt lư hóa vàng ngay tại ban công, nguy cơ cháy nổ rất cao”, một cư dân chia sẻ.
Theo đại diện cư dân, mặc dù đã có quyết định đình chỉ, nhưng từ thời điểm đó đến nay Đội Cảnh sát PCCC quận Đống Đa, UBND quận Đống Đa, UBND phường Phương Liệt không có bất cứ biện pháp gì để đình chỉ trên thực địa hoạt động ở tầng M, khiến cư dân bức xúc.
Tại tòa nhà 101 Láng Hạ (phường Láng Hạ, quận Đống Đa), cư dân liên tục phản ánh về việc chủ đầu tư tòa nhà xây dựng sai phép tầng 28. Tầng sai phép này đã nhiều lần bị Công an quận Đống Đa cảnh cáo về an toàn cháy nổ.
Ông Trần Anh Tuấn (cư dân phòng 2703) cho biết, mới đây ngày 14/7/2023, UBND quận Đống Đa có văn bản gửi Công an quận yêu cầu xử lý vi phạm theo quy định. Sau khi nhận được yêu cầu, Công an quận Đống Đa đã xuống tòa nhà kiểm tra lập biên bản vi phạm về an toàn PCCC tại tầng 28 của tòa nhà.
“Tuy nhiên, từ đó đến nay, cư dân tòa nhà 101 Láng Hạ tiếp tục sống trong lo sợ bởi tầng thoát hiểm của cư dân bị bịt kín bởi diện tích xây dựng trái phép tại tầng 28 tòa nhà”, ông Tuấn nói.
Tại khu vực phố cổ, nơi tập trung nhiều khách sạn lớn bị đình chỉ do vi phạm PCCC, nhiều cơ sở vẫn “lách luật” hoạt động theo các hình thức khác nhau. Đơn cử như khách sạn Valentine 2 địa chỉ tại 971 đường Hồng Hà (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm). Sau khi bị chỉ ra các vi phạm PCCC, chủ cơ sở này đã cơi nới công trình ra phía chỉ giới đường đỏ của đường Hồng Hà thêm hàng trăm mét vuông sàn. Sau đó chuyển đổi mô hình cho thuê văn phòng, đồng thời khu vực khách sạn vẫn hoạt động.
Tương tự, khách sạn La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (33-35 Hàng Dầu) cũng bị UBND TP Hà Nội đình chỉ để khắc phục sai phạm về PCCC. Tuy vậy thời điểm này, khách sạn trên vẫn đang hoạt động bình thường.
Cần xử lý dứt điểm vi phạm
Đối với tòa nhà 101 Láng Hạ, theo Công an quận Đống Đa, tầng 28 của tòa nhà chuyển đổi công năng từ tầng kỹ thuật thang máy sang hiện trạng với diện tích hơn 600m2. Trong đó có 405m2 xây dựng sai phép. Hiện tại phần diện tích cư dân được phép sử dụng khoảng 100m2 không được đưa vào hoạt động. Phần diện tích chủ đầu tư sử dụng 300m2 đang chia làm các phòng làm việc, phòng họp nhưng hoạt động không thường xuyên, có phòng bỏ trống. Công an quận Đống Đa yêu cầu chủ đầu tư nghiêm túc trong việc sử dụng, đưa vào hoạt động khu vực tầng 28. Chỉ được phép đưa công trình vào hoạt động khi đảm bảo các điều kiện về PCCC.
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, ngày 3/10/2023, Văn phòng UBND TP đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với UBND quận Đống Đa khẩn trương, xử lý vi phạm tại tòa nhà 101 Láng Hạ theo quy định của pháp luật. Báo cáo Chủ tịch UBND TP kết quả thực hiện trước ngày 15/10/2023.
Đối với khách sạn La Sinfonia del Rey Hotel and Spa (33-35 Hàng Dầu), Thiếu tá Lê Văn Thinh, Trưởng Công an phường Lý Thái Tổ cho biết, Công an phường đã tham mưu UBND phường ban hành các văn bản thông báo thực hiện nghiêm túc quyết định đình chỉ hoạt động. Tuy nhiên, đến năm 2023, cơ sở chuyển sang nhà cho người nước ngoài thuê để ở. Loại hình này chưa có các văn bản về PCCC của các đơn vị quản lý cho phép cơ sở hoạt động hay không hoạt động.
Đại diện Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm cho biết thêm, sau dịch COVID-19, nhiều khách sạn gặp khó khăn trong đầu tư kinh phí để khắc phục các tồn tại, thiếu sót về PCCC. Trường hợp cơ sở đã giải thể (tháo biển, trả nhà...), Công an quận đã kết thúc hồ sơ, không quản lý. Tuy nhiên, khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được kiềm chế, kinh tế, du lịch phục hồi thì rất có thể các công trình đó sẽ tiếp tục được đưa vào khai thác, sử dụng dẫn đến phát sinh cơ sở vi phạm mới.
Về giải pháp khắc phục, đối với các cơ sở hoạt động nhưng chưa thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC, cơ quan chức năng sẽ xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ toàn bộ công trình theo quy định.
Đối với các cơ sở đã được cấp các văn bản về thẩm duyệt, nghiệm thu hoặc Giấy chứng nhận đủ điều kiện về PCCC, biên bản xác nhận điều kiện về PCCC nhưng đã cải tạo, thay đổi quy mô, tính chất sử dụng so với các văn bản đã được cấp, Công an quận tiến hành kiểm tra, đánh giá hiện trạng về PCCC đối với cơ sở và ra quyết định tạm đình chỉ hoặc đình chỉ khu vực phát sinh vi phạm.
“Đối với các công trình đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ, giao cho UBND, Công an phường tiếp tục theo dõi, quản lý cơ sở thực hiện theo quyết định”, đại diện Đội Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an quận Hoàn Kiếm thông tin.