Chung cư cao cấp 2 năm chưa có sổ đỏ ở Hà Nội: Không làm được hộ khẩu, xin cho con đi học phải chạy "cửa sau"
Khi quảng cáo bán hàng, chung cư cao cấp có những tiêu chí hạng sang, giao thông thuận tiện và nhiều tiện ích. Tuy nhiên, thực tế khi vào ở thì người dân gặp rất nhiều phiền toái, thậm chí đang là... công dân bất hợp pháp.
Đó là những gì đang diễn ra tại chung cư 129D Trương Định (Hà Nội) mà người dân phản ánh.
Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Th. một chủ căn hộ ở tòa nhà cho hay, chung cư đã đưa vào hoạt động 2 năm nay nhưng chưa có hộ nào được cấp sổ đỏ, khiến cho mọi giao dịch, sinh hoạt bị khó khăn.
"Không có sổ đỏ đồng nghĩa với việc không được làm hộ khẩu, chưa kể đến việc giao dịch vay mượn vốn làm ăn cũng không được. Tôi còn có nơi ở khác nên không quan trọng nhưng những gia đình từ quê gom góp được ít tiền mua nhà ở đây thì gặp nhiều bất lợi. Không có hộ khẩu thì con cái không được đi học đúng tuyến", anh Th. nói.
Tiếp lời anh Th., một cư dân khác cũng cho hay: "Hiện tại chúng tôi đang ở tòa nhà này chẳng khác gì bất hợp pháp, địa bàn làm cho cái tạm trú, tạm vắng cũng phải hiểu rằng đang 'sai' vì không có sổ đỏ thì làm sao chính chủ".
Chị V., cũng ý kiến rằng: "Trước khi tìm hiểu mua nhà, thấy họ rao bán trên mạng và giới thiệu rất nhiều thứ tốt đẹp như: Tầng 1 sẽ là siêu thị, nhà trẻ nên hai vợ chồng vay mượn để nộp tiền mua nhà theo tiến độ. Tuy nhiên, đến khi vào ở thì thấy mọi thứ phiền toái. Để xin được cho con đi học đúng tuyến thì vợ chồng tôi phải lo được cái tạm trú, không đơn giản chỉ có vậy, khi có tạm trú rồi thì cũng phải 'xin xỏ' các mối quan hệ".
Nhưng thực tế thì... tầng 1 của chung cư sau đó đã được ''tận dụng'' để làm hầm gửi xe. Cũng không có bất kì một hệ thống trường mầm non hay siêu thị nào.
Theo người dân sinh sống tại chung cư, chỉ có một cửa hàng tạp hóa tại sảnh chung cư mới được mở ra cách đây vài tháng để phục vụ nhu cầu cơ bản nhất của người dân sống tại nơi đây.
Không chỉ vướng mắc về thủ tục hành chính, mà người dân ở đây còn phản ánh nhiều vấn đề dân sinh.
Anh Th. cho hay, hầu hết các cư dân ở tòa nhà này đều đoàn kết, hoặc cũng có một số người thuộc chủ đầu tư mua nhà ở đây nên đôi khi có sự "nể" nhau, không mấy khi ý kiến. Nhưng, nếu không ý kiến hoặc lên tiếng thì không biết đến bao giờ người dân mới giải tỏa được bức xúc và có kết quả.
"Ví dụ có 4 cái thang máy, thi thoảng lại bị hạn chế sử dụng một cái. Theo tôi được biết, có thể họ cho rằng tiết kiệm điện và lấy lý do là thang chở đồ. Hoặc, vấn đề nước sinh hoạt thi thoảng có vẩn đục, dù có ý kiến nhưng cũng chẳng được giải quyết triệt để. Một số chúng tôi đưa ra ý kiến, cũng có một số người lại gạt đi. Tôi cho rằng những người này là của họ", anh Th. chia sẻ.
Nước sinh hoạt tại chung cư vẩn đục từng khiến người dân vô cùng bất an, lo lắng
"Hà Nội ko vội được đâu"
Trước sự phản ánh của nhiều cư dân, ngày 27/11 trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Sinh, cán bộ Ban quản lý dự án cho hay, tòa nhà 129D Trương Định do Công ty CP Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội số 22 (HANDICO 22) và Công ty CP Đồng Tháp là đồng chủ đầu tư. Ông Sinh cho hay, việc trả lời các thắc mắc trên thuộc về Handico 22.
Tuy nhiên, những gì nắm được ông Sinh chia sẻ thẳng thắn. Theo ông Sinh, việc chậm trễ cấp sổ đỏ lỗi thuộc về chủ đầu tư. Các cư dân mua nhà ký hợp đồng trực tiếp với Handico 22. Tuy nhiên, do chủ đầu tư chậm nộp tiền sử dụng đất (khoảng 97 tỷ) nên bị phạt thuế hơn 30 tỷ, cho đến nay vẫn chưa thể nộp được số tiền này, dù gốc đã nộp đầy đủ.
Giải thích thêm về vấn đề này, một cán bộ phụ trách kỹ thuật cho hay, năm 2013 có quyết định giao đất, thì hai công ty trên liên doanh lập dự án.
"Do chủ đầu tư rất cầu thị và thấy bất cập, năm 2015 đã thay đổi một số hạng mục cần phải thay đổi công năng như: PCCC, bể bơi nên phải làm lại thiết kế. Vì vậy, đồng chủ đầu tư đã làm các công văn gửi các cơ quan chức năng nên bị gián đoạn… Hà Nội không vội được đâu, câu nói này quen thuộc rồi".
Theo người này, vấn đề lẩn quẩn là ở chỗ tiền bị phạt thuế không được giải quyết, do giấy tờ liên quan đến dự án chưa đủ nên UBND quận không cho bán tiếp (hiện còn 1 tầng chưa bán) dẫn đến việc chậm trễ.
Mới đây, Cục thuế Hà Nội đã có công văn gửi Chi Cục thuế quận Hai Bà Trưng về việc gia hạn nộp tiền sử dụng đất và và cam kết nộp tiền thuê đất.
"Hiện có khoảng 100 tỷ đấy, nếu được bán thì có tiền kia nộp thuế, hoặc ngân hàng nào đó đứng ra thì chủ đầu tư có thể cầm cố để hoàn thiện thủ tục", ông Sinh chia sẻ.
Về vấn đề thang máy, vị cán bộ của ban quản lý cho hay: ''Nhiều cư dân vẫn chưa hiểu về công năng sử dụng và mục đích.
Thang B theo thiết kế là để ưu tiên cho chuyển đồ. Tuy nhiên, ở đây có đến 1/5 là người giúp việc, họ đi lại trong tòa nhà có quen lắm đâu, chẳng hạn bấm nút thang lên thì lại bấm xuống…, cứ thế lại gây ra phiền toái nên ý nọ ý kia là chuyện bình thường. Còn về nước đục theo như dân phản ánh thi thoảng bị đục là đúng, nhưng đây và vấn đề thuộc về công ty nước sạch Hoàng Mai, chủ đầu tư đã ý kiến với bên đơn vị kinh doanh nước và có biên bản", vị cán bộ chia sẻ.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.