Chuẩn bị đón không khí lạnh, thời tiết Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc ra sao?
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 22/2, khu vực Bắc Bộ sẽ có mưa và mưa nhỏ, nhiều nơi trời chuyển rét.
Miền Bắc sắp chuyển mưa rét
Những ngày qua, tình hình thời tiết tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc khá thuận lợi khi nhiều ngày duy trì hình thái thời tiết có sương mù và mưa phùn, trưa chiều hửng nắng, khu vực Tây Bắc Bộ có nắng nóng. Nhiệt độ thấp nhất 20-23 độ, vùng núi có nơi dưới 20 độ. Nhiệt độ cao nhất 26-29 độ, riêng vùng núi 29-32 độ.
Hình thái thời tiết này phù hợp để người dân tham gia các hoạt động du xuân trong tháng Giêng đang diễn ra. Tuy nhiên, theo thông tin từ cơ quan khí tượng, hiện nay ở phía Bắc có một bộ phận không khí lạnh đang di chuyển xuống phía Nam.
Trung tâm khí tượng dự báo, đến khoảng chiều tối và đêm 22/2, bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Từ tối và đêm ngày 22/2 gió trong đất liền chuyển hướng Đông Bắc mạnh cấp 2-3.
Từ ngày 23/2, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Thanh Hóa trời chuyển lạnh, vùng núi có nơi trời rét. Trong đợt không khí lạnh này nhiệt độ thấp nhất ở những khu vực trên phổ biến từ 17-20 độ, khu vực vùng núi Bắc Bộ từ 15-17 độ, vùng núi cao có nơi dưới 12 độ.
Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 22-24/2, khu vực Bắc Bộ có mưa và mưa nhỏ. Từ ngày 23-24/2, khu vực Bắc Trung Bộ có mưa, mưa rào rải rác và có nơi có dông. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Nhận định xa hơn về hình thái thời tiết trong tháng 3, chuyên gia khí tượng cho biết, rét đậm, rét hại sẽ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Ngoài ra, hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ tiếp tục xuất hiện nhiều hơn trung bình nhiều năm trong tháng 3/2024.
Ngay sau Tết Nguyên Đán, sẽ có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí, các lễ hội lớn tiêu biểu và các hoạt động khác diễn ra trong phạm vi cả nước vốn thu hút sự tham gia đông đảo của nhân dân trong thời gian qua. Tuy nhiên, trong thời gian này ở khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ thời tiết sẽ khá bất tiện với tình trạng mưa phùn, độ ẩm tăng cao.
Tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam Bộ sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây.
Người dân Nam Bộ mệt mỏi vì nắng nóng
Những ngày gần đây tại TPHCM và khu vực Nam Bộ tình trạng nắng nóng kéo dài, nhiệt độ thấp nhất từ 22-25 độ C, cao nhất từ 32-35 độ C, riêng miền Đông 35-37 độ C.
Tại TPHCM, không khí sẽ bắt đầu mát mẻ vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên, đến buổi trưa nhiệt độ tăng lên 35 độ C, cao nhất lên đến 36 độ. Nhiệt độ ngoài trời tăng cao, nhiều người lao động, nhất là những người phải làm việc ngoài trời hay có việc phải ra đường không khỏi vất vả dưới khí trời oi bức.
Cơ quan khí tượng dự báo, tình trạng nắng nóng tiếp tục diễn ra tại khu vực Nam Bộ và TPHCM trong tuần này.
Nhận định xa về tình hình nắng nóng khu vực Nam Bộ trong năm 2024, cơ quan khí tượng cho biết, thời tiết nắng nóng năm nay đến sớm, diễn ra mạnh mẽ và đặc biệt hơn so với nhiều năm trước. Nhiệt độ cao liên tục ở mức 36, 37 độ C ở các tỉnh miền Đông Nam Bộ và TPHCM. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe của người lao động mà còn tăng nguy cơ cháy nổ, cháy rụi.
Nắng nóng không chỉ là thách thức đối với người lao động mà còn là mối đe dọa đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng. Việc chú ý và thực hiện biện pháp phòng tránh là cực kỳ quan trọng trong những ngày thời tiết khắc nghiệt như hiện nay.